Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 26-08-2014
- Thứ Ba, 26 tháng Tám năm 2014 20:42
- Tác Giả: Minh Anh
Giá nào cho cuộc chiến tại Ukraina ?
Tổng thống Nga Vladimir Putin gặp đồng nhiệm Ukraina Porochenko - REUTERS /Sergei Bondarenko
Về thời sự quốc tế, các tờ báo lớn của Pháp hôm nay 26/08/2014 quan tâm nhiều đến cuộc gặp gỡ giữa Tổng thống Ukraina Porochenko và đồng nhiệm Nga Vladimir Putin. Le Figaro đề tựa nhận định « Porochenko và Putin hội ngộ mà không chút ảo vọng ».
« Trước cuộc họp Porochenko-Putin, tình hình tại Ukraina trở nên căng thẳng », bài viết trên nhật báo kinh tế Les Echos. « Quân nổi dậy thân Nga mở chiến dịch phản công tại miền đông Ukraina » tựa của Libération.
Theo các tờ báo, triển vọng của cuộc họp giữa hai nhà lãnh đạo Nga-Ukraina sẽ không làm giảm nhẹ căng thẳng tại Ukraina.
Từ vài ngày nay, quân nổi dậy có vẻ đã lấy lại được tinh thần sau nhiều tuần nản chí. Libération lấy làm ngạc nhiên khi thấy sự lạc quan trở lại này có vẻ trùng khớp với nhiều thông tin và lời đồn đãi cho rằng một số chiến xa của Nga đã được gởi đến cho quân nổi dậy qua ngả « cứu trợ nhân đạo ».
Tờ báo còn trích một nguồn tin từ quân đội Ukraina cho hay một đoàn xe tăng 10 chiếc và hai xe binh chủng chở đầy binh sĩ Nga, ngụy trang thành quân nổi dậy đã vượt qua biên giới hai nước, gần vùng Novoazovsk, ở vùng biển Azov.
Ukraina : Cơ hội cho Đức khẳng định mình trên trường quốc tế
Còn báo Le Monde nhận thấy nội chiến tại Ukraina đã tạo cơ hội cho « Đức khẳng định mình trên trường quốc tế ».
Trong chuyến thăm Kiev hôm thứ bảy 23/08 vừa qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel lời hứa trợ giúp Kiev 500 triệu euro để tái thiết cơ sở hạ tầng bị phá hủy ở đông Ukraina. Mở đầu bài viết Le Monde cho rằng người đứng đầu ngành ngoại giao Châu Âu tương lai sẽ có một trách nhiệm không mấy dễ dàng.
Kể từ giờ Đức có ý định gánh vác trách nhiệm trên chính trường quốc tế mà không cần phải núp sau vỏ bọc Châu Âu. Đây không phải là lần đầu tiên Berlin có động thái này.
Bài viết nhắc lại bà Angela Merkel đã từng đến Bắc Kinh vào tháng 08/2012 nhằm trấn an các doanh nghiệp Trung Quốc về cuộc khủng hoảng đồng euro.
Theo quan sát của Le Monde, gần đây bà Merkel và Ngoại trưởng Đức dành phần lớn thời gian cho việc làm trung gian hòa giải giữa Nga và Ukraina. Mặc dù Thủ tướng Đức vẫn thường xuyên kết hợp với Tổng thống Pháp qua điện đàm về hồ sơ Ukraina, nhưng chính Angela Merkel mới là người « cầm trịch ».
Một dấu hiệu quan trọng khác liên quan đến những thay đổi về chính sách đối ngoại của Đức đó là trong buổi phỏng vấn trực tiếp như thường lệ trên kênh ARD, gần như hơn 15 phút đầu tiên là dành cho thời sự quốc tế : Ukraina, Irak, Israel và các vụ nghe lén.
Châu Âu sẽ trả giá đắt nếu lôi kéo được Ukraina
Thế nhưng, bài bình luận đề tựa « Ukraina : chi phí của cuộc chiến » trên mục « Thời thế » nhận định cho dù có lôi kéo được Ukraina về phía mình , Liên Hiệp Châu Âu cũng sẽ phải trả một cái giá rất đắt.
Đầu tiên, tác giả nhận định bà Angela Merkel đã có một món quà khá khôn khéo khi tuyên bố tài trợ 500 triệu euro cho để tái thiết cơ sở hạ tầng bị chiến tranh phá hủy tại vùng Donbass.
Đức muốn chứng tỏ với cộng đồng người Nga tại đông Ukraina rằng họ không nên chỉ trông chờ vào Matxcơva mà Châu Âu cũng có mặt ở đó để giúp đỡ họ. Một cử chỉ mang đậm tính biểu tượng trước các hành động « cứu trợ nhân đạo » của Nga.
Thế nhưng, Le Monde cho rằng định mệnh của Ukraina vượt quá khuôn khổ của món quà 500 triệu euro. Bởi vì cuộc chiến tại phía đông đã làm sa lầy mọi nỗ lực cải cách. Những nhà ủng hộ dân chủ từ tháng 11/2013 đã nghi ngờ rằng tổng thống Nga, một khi sát nhập được Crimée, sẽ tìm cách gây bất ổn tại vùng phía đông, nhằm cản trở mọi giá các nhà cải cách lên lãnh đạo đất nước.
Bởi vì trên bình diện chính trị, mặc dù Ukraina đã thành công trong việc bầu chọn một vị tổng thống hợp pháp, nhưng Nghị viện lại do các bằng hữu thân tín của cựu tổng thống bị lật đổ ông Viktor Ianoukovitch chiếm đa số và đóng vai trò kẻ gây cản trở.
Để đổi mới lại nghị viện, thì phải tổ chức bầu cử. Muốn bầu cử được công bằng, phải sử đổi lại luật bầu cử. Mà việc sửa đổi luật bầu cử phải được Nghị viện thông qua. Một việc làm mà tờ Le Monde đánh giá khó có thể đạt được.
Trong khi đó nền kinh tế của Ukraina đang trên đà suy sụp.Tăng trưởng bị co cụm trong năm 2014, đồng tiền bị mất giá. Dù cựu thủ tướng thành công trong việc tăng thuế khai thác khí gaz và dầu nhưng 80% số tiền thu được lại phải chi cho cuộc chiến.
Ukraina cáo buộc Nga đã phá hủy các cơ sở hạ tầng tại Donbass. Kiev lên án hành động pháo kích của Nga vào các mỏ than nhằm mục đích phá hủy nguồn năng lượng hiếm hoi còn lại cho mùa đông, buộc đất nước phải mua khí gaz của Nga.
Trong bối cảnh đó, Le Monde nhận xét trong cuộc họp Nga-Ukraina hôm nay, Tổng thống Ukraina, Viktor Porochenko, dù được Liên Hiệp Châu Âu « chống lưng » nhưng vẫn trên thế yếu.
Hy vọng chấm dứt chiến tranh rất mong manh. Đối với Putin, đây cũng có thể là một dạng « chiến thắng ». Hiện Nga đã mất Ukraina, nhưng nếu Liên Hiệp Châu Âu có thắng thì cũng phải trả giá rất đắt, Le Monde kết luận.
Ma Cao khó có triển vọng dân chủ so với Hồng Kông
Thời sự Châu Á khá hiếm hoi trên các mặt báo Pháp. Le Figaro và La Croix quan tâm đến vụ một số nhà hoạt động trẻ tại Ma Cao dám thách thức chính quyền Bắc Kinh qua việc trưng cầu dân ý trên mạng nhằm bảo vệ nền dân chủ.
Đối với Le Figaro, đây là một cuộc « Trưng cầu dân ý dân chủ bất hợp pháp tại Ma Cao ».
Nhưng La Croix thì cho rằng « Ma Cao đang thách thức Bắc Kinh nhằm bảo vệ nền dân chủ ».
Ngoài việc giải thích cho độc giả hiểu vì sao những nhà hoạt động trẻ này bị bắt và vị thế của Ma Cao ngày nay, tờ báo cho rằng thành công của cuộc trưng cầu dân ý tại tại Hồng Kông diễn ra hồi tháng Sáu năm nay đã mang lại cảm hứng cho các nhà hoạt động cho dân chủ tại vùng cựu thuộc địa Bồ Đào Nha này.
Tuy nhiên La Croix nhận thấy là Ma Cao khó có nhiều triển vọng so với Hồng Kông. Cựu thuộc địa Anh quốc đạt được sự đồng thuận của Bắc Kinh được phép bầu lãnh đạo đặc khu theo phương thức phổ thông đầu phiếu trực tiếp vào năm 2017 nhưng các ứng viên phải do chính Bắc Kinh chỉ định.
Một điều mà Ma Cao sẽ khó mà có được. Bởi vì, « Trái với Hồng Kông, việc trao trả Ma Cao về cho Trung Quốc rất được hoan nghênh vì điều đó cho phép lập lại trật tự tại một vùng thuộc địa bị gặm nhấm bởi các tệ nạn tội phạm.
Hơn nữa, tăng trưởng kinh tế cũng ưu đãi cho hiện trạng . Các thế hệ trẻ bây giờ tuy thức tỉnh, nhưng triển vọng dân chủ thì hạn chế », theo như đánh giá của một vị giáo sư tại đây, được Le Figaro trích dẫn.
Ebola bùng phát do thiếu vắng trách nhiệm xã hội và chính trị
Bàn về dịch bệnh Ebola, Libération có bài phỏng vấn Peter Piot, đồng tác giả phát hiện virus Ebola năm 1976. Vị chuyên gia này lo lắng cho rằng « Virus Ebola hội đủ mọi điều kiện để bùng phát ».
Peter Piot nhận định dịch bệnh đang hoành hành đã đi lan rộng đến một mức độ chưa từng thấy. Cho đến ngày hôm nay, các nhân viên y tế vẫn chưa thể nào xác định dược ổ dịch bệnh, đến mức ông gọi cơn dịch bệnh lần này là « một cơn bão hoàn hảo », do nó hội đủ mọi điều kiện để bùng phát mạnh mẽ.
Mà điều kiện đầu tiên là môi trường. « Dịch bệnh lan rộng tại những quốc gia bị chiến tranh tàn phá từ nhiều thập niên qua và thiếu vắng hoàn toàn các dịch vụ y tế. Bên cạnh đó, người dân nghi ngờ nhà nước, họ không có chút niềm tin đối với hệ thống y tế. Song song với đó là sự phát triển của nhiều tín ngưỡng về căn bệnh, số phận đen đủi, ma quỷ v.v… ». Đối với ông, chính việc thiếu vắng sự tin tưởng mới gây nhiều khó khăn cho các nhân viên y tế hơn là bản thân con virus Ebola.
Trang nhất báo Pháp : Khủng hoảng nội bộ
Tình hình chính trị nội bộ nước Pháp là chủ đề thời sự nổi cộm nhất trên hầu hết các mặt báo Pháp sáng nay.
Hôm qua, Thủ tướng Pháp Manuel Valls đã cho giải thể chính phủ, sau khi hai bộ trưởng Tài chính và Giáo dục có những chỉ trích mạnh mẽ về đường lối kinh tế - xã hội của tổng thống Pháp François Hollande và Thủ tướng Manuel Valls. Một thành phần nội các mới sẽ được thành lập ngay trong ngày hôm nay.
Le Figaro và Libération đồng thanh trên trang nhất : « Khủng hoảng chế độ ». « Giải thể chính phủ, phải tuân thủ chấp hành », tít của nhật báo cộng sản L’Humanité. « Chính sách kinh tế : Valls áp đặt đường lối của mình », tựa của nhật báo kinh tế Les Echos. « Hollande et Valls thách thức đảng Xã hội » tít nhận định trên nhật báo công giáo La Croix.
Và Le Monde cho rằng « Valls thay đổi chính phủ để thoát khủng hoảng chính trị ».
Đa số các báo đều tập trung bình luận nhiều về đường lối kinh tế của chính phủ cánh tả. Đối với Le Figaro xem việc gạt bỏ ông Arnaud Montebourg, cho đến hôm qua vẫn còn là Bộ trưởng kinh tế và tài chính là « cần thiết ».
Tờ báo chỉ trích mạnh mẽ thái độ « khiêu khích, ngạo mạn, coi thường » của vị Bộ trưởng này. Đồng thời, Le Figaro cho rằng chính phủ cánh tả bị giải thể đã làm sáng tỏ tuy có chậm trễ, những lời hứa phi lý của tổng thống đương nhiệm trong suốt quá trình vận động tranh cử tổng thống.
Tờ Libération lại cho rằng những chỉ trích của ông Arnaud Montebourg về chính sách « khắc khổ » do Châu Âu đề ra là đúng. Điều mỉa mai, vào lúc ông Arnaud Montebourg bị gạt khỏi nội các, thì Châu Âu lại lên tiếng kêu gọi nới lỏng ngân sách và thúc đẩy tăng trưởng.
Libération còn nhận thấy là tổng thống Pháp hiện nay « càng ngày càng bị cô lập », do việc ông gạt bỏ các tiếng nói đối lập trong chính phủ. Sự việc còn lộ rõ cho thấy có sự « chia rẽ trong hàng ngũ dân biểu thuộc đảng Xã hội » cầm quyền.
Cũng giống như Libération, nhật báo cộng sản cho rằng hai vị cựu Bộ trưởng Giáo dục và Kinh tế đã nói đúng như những gì cử tri cánh tả đang nghĩ : chính sách khắc khổ chỉ đưa đất nước vào ngõ cụt. Rằng bộ đôi điều hành đất nước Hollande-Valls chỉ là biết có tuân theo sự chỉ đạo của Châu Âu, nhất là bà Angela Merkel, của những kẻ bảo thủ và giới chủ.
Nhật báo kinh tế Les Echos thấy là dù ông Arnaud Montebourg không tham gia vào thành phần chính phủ mới, nhưng tranh luận về chính sánh kinh tế vẫn phải tiếp tục về cách thức tìm kiếm lại sức tăng trưởng.
Trả lời phỏng vấn Les Echos, ông Jacques Attali, cựu cố vấn đặc biệt thời tổng thống quá cố François Mitterand, cho rằng tổng thống đương nhiệm và Thủ tướng Valls, cần phải tiếp tục duy trình đường lối chính sách đề ra và đưa ra các cải cách như dự kiến. Ông cảnh cáo Pháp không còn nhiều thời gian để chọn lựa.
Bài xã luận của La Croix đề tựa « Sáng tỏ » trên trang nhất cũng cảnh báo rằng « Tổng thống và Thủ tướng Pháp hôm qua đã quyết định chọn đường lối kinh tế xoay theo hướng doanh nghiệp và Liên Hiệp Châu Âu. Bây giờ cần phải cầu mong họ không bị giới chủ và các đối tác Châu Âu, nhất là Đức không bỏ rơi.
Chúng ta cũng có quyền trông đợi bên này và bên kia cam kết một cách rõ ràng giúp đỡ nước Pháp trong công việc tái thiết đầy khó khăn. Nếu không, người dân Pháp sẽ luôn phản đối lại các nỗ lực hiện đại hóa. Và cả thế giới sẽ là kẻ thua cuộc ».
Tin mới
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-08-2014 - 29/08/2014 22:32
- Syria : Quân thánh chiến Nhà nước Hồi giáo thảm sát hàng trăm tù binh - 29/08/2014 22:07
- F-15 của Vệ Binh Quốc Gia Mỹ rớt ở Virginia - 28/08/2014 21:45
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 28-08-2014 - 28/08/2014 21:31
- Trung Quốc và Việt Nam tìm cách hàn gắn quan hệ sau vụ HD-981 - 28/08/2014 19:46
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 27-08-2014 - 27/08/2014 19:57
- Thỏa thuận ngừng bắn lâu dài tại Gaza, sau 50 ngày xung đột - 27/08/2014 19:46
- Xóa sổ thương xá Tax: Thêm một phát súng bắn vào quá khứ - 27/08/2014 18:08
- Mỹ lên án Việt Nam kết án 3 nhà hoạt động nhân quyền - 27/08/2014 15:54
- Liên Hiệp Quốc cảnh báo 20,000 người tại thị trấn Amerli có thể bị thảm sát - 26/08/2014 22:42
Các tin khác
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 25-08-2014 - 25/08/2014 22:33
- Thái Lan : Nhà vua chấp thuận tướng đảo chính làm Thủ tướng - 25/08/2014 22:02
- Khối Ả Rập tìm lập trường chung trong cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo - 24/08/2014 21:07
- Tân Cương : 8 người bị hành quyết vì tội "khủng bố" - 24/08/2014 19:52
- Macao tổ chức trưng cầu dân ý đòi dân chủ - 24/08/2014 19:40
- Mười triệu Mỹ Kim cho ai bắt được Đấng Thống Lĩnh Các Tín Đồ - 24/08/2014 04:54
- Kitô hữu Syria tại Aleppo âu lo trước nguy cơ căn cứ không quân Tabqa thất thủ - 24/08/2014 04:26
- Phóng viên Foley có thể đã tình nguyện bị giết để cứu các con tin khác - 23/08/2014 19:58
- Thống đốc Texas: 'Khủng bố có thể vào Mỹ từ Mexico' - 23/08/2014 18:00
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 23-08-2014 - 23/08/2014 16:58