Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Hoa Kỳ buộc phải nhúng tay trở lại Irak

IRAQ-SECURITY 5

Chiến binh thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Trung Đông trên đường phố ở Mossoul, 12/06/2014
REUTERS/Stringer


Trước thế tấn công như gió lốc của lực lượng « thánh chiến hồi giáo » tại Irak đe dọa chiếm lấy thủ đô Bagdad, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho biết « không loại trừ » một giải pháp nào.
 Washington bị chỉ trích là « không có chiến lược » ở Syria láng giềng của Irak, mảnh đất mầu mỡ cho phe Hồi giáo cực đoan, cuồng tín, xây dựng lực lượng.

Mặc dù được Hoa Kỳ viện trợ dồi dào với 25 tỷ đô la trong 10 năm qua, nhưng chính quyền và quân đội Irak đã bị mất liên tục nhiều thành phố lớn trong đó có Tikrit, một trong những thành trì của hệ phái Hồi giáo Suni ,quê hương của cố Tổng thống Saddam Hussein.

Trong vòng 48 giờ, tổ chức mang tên « Nhà nước Hồi giáo tại Irak và Trung Đông », chiếm gọn thành phố Mossoul, thủ phủ của tỉnh dầu hỏa Ninive và dàn quân chuẩn bị tiến về Bagdad cách khoảng 130 cây số ở phía nam.

Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc được triệu tập khẩn cấp, nhưng chỉ để ra thông cáo nhận định tình hình « bi thảm ».

Trong tình thế này, cho dù rất do dự mỗi khi đứng trước sự lựa chọn can thiệp quân sự như trường hợp Syria hồi năm 2013, Tổng thống Mỹ Barack Obama phải tuyên bố đang « nghiên cứu mọi biện pháp ».
Công thức này luôn được lãnh đạo Nhà Trắng sử dụng trong quá khứ khi phải đối đầu với Iran và Syria. Ngay sau đó, Washington xác định là « không gởi quân tác chiến ».

Như vậy, liệu Hoa Kỳ sẽ làm gì ?
Theo giới phân tích được AFP trích dẫn thì Mỹ có nhiều phương án hành động để hỗ trợ cho chính quyền Maliki : Oanh kích bằng máy bay không người lái, trang bị tên lửa, tăng tốc viện trợ quân sự và huấn luyện quân đội Irak.

Cụ thể, một ngân khoản 8 triệu đô la đã được tháo khoán tức khắc để giúp nửa triệu người tỵ nạn chạy về Bagdad.
 Thứ hai là thông báo viện trợ vũ khí gồm hàng trăm xe bọc thép trang bị đại liên, máy bay oanh kích yểm trợ tác chiến AT-6 Texan II.

Theo cựu tướng Paul Eaton, cố vấn của Mạng lưới An ninh Quốc gia (National Security Network) tại Washington thì giải pháp ít gây vấn đề cho Tổng thống Obama là gửi cố vấn quân sự sang Bagdad để giúp quân đội Irak chiến đấu hiệu quả hơn với phương tiện sẵn có.

Quân đội Irak được trang bị khá dồi dào. Washington đã bán cho Irak 14 tỷ đôla vũ khí với 24 trực thăng võ trang Apache, hàng trăm tên lửa chống xe tăng Hellfire và sắp cung cấp 36 chiến đấu cơ F16.

Các chuyên gia quân sự Tây phương không bi quan lắm về diễn biến tình hình trong những ngày tới.

Karim Pakzad của Viện Quan hệ quốc tế và Chiến lược IRIS ở Paris tin rằng lực lượng thánh chiến xuất thân từ Al Qaida không thể chiếm được Bagdad vì quân phòng thủ đã được chuẩn bị và Hoa Kỳ sẽ sử dụng máy bay không người lái để oanh kích.

Theo AFP, Washington từ chối bình luận thông tin cho rằng chính quyền Bagdad đã bật đèn xanh cho Hoa Kỳ không kích chiến binh Hồi giáo cực đoan mà phần lớn được tôi rèn trên chiến trường Syria.

Bài học Syria đã được phe Cộng hòa đem ra để công kích Tổng thống Obama.
Chủ nhân Nhà Trắng bị Chủ tịch Hạ viện John Boehner biếm nhẽ : « Thất bại của chính sách tại Syria, Lybia và Ai Cập cộng với sự thiếu vắng một chiến lược chung ở Trung Đông đã tác hại đến Irak.

Khủng bố chỉ còn cách Bagdad có 100 cây số. Tổng thống làm gì ? Ông ấy ngủ trưa ».
Thượng nghị sĩ John McCain còn đòi cách chức Ban Tham mưu an ninh của Tổng thống Obama từ cố vấn Susan Rice đến Ngoại trưởng John Kerry.
Nhà quân sự Paul Eaton đã được trích dẫn bên trên khẳng định : Thất bại trong chính sách của Mỹ tại Syria đã tạo điều kiện tốt cho khủng bố thành công tại Irak.

Tuy nhiên, Irak có nhiều đồng minh bất ngờ.
Qua vị trí địa lý và những lời tuyên bố ngỏ lời của Teheran, Damas, Ankarra và Amman, không một quốc nào trong khu vực khoanh tay để cho một tổ chức xuất thân từ Al Qaida « lập quốc » sát nách mình.


Switch mode views: