Tàu Việt Nam và Trung Quốc đã va chạm gần giàn khoan 981 trong khi giàn khoan này đã "được định vị chuẩn bị khoan thăm dò".
Trước đó ngoại trưởng Việt Nam và Trung Quốc đã có cuộc điện đàm về giàn khoan 981 mà Trung Quốc chở tới khu vực gần bờ biển Việt Nam.
Hoa Kỳ cũng đã lên tiếng về vụ này và gọi hành động của Bắc Kinh là 'khiêu khích'.
Ngày càng nhiều tàu của hai bên đang đối đầu nhau ở vùng biển mà Trung Quốc đặt giàn khoan và Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Ông Trần Duy Hải, Phó chủ nhiệm Ủy ban biên giới Quốc gia, thông báo với các phóng viên ở Hà Nội rằng Trung Quốc triển khai 80 tàu quanh giàn khoan, trong có 7 tàu quân sự, 33 tàu hải cảnh, hải giám, ngư chính và nhiều tàu cá và tàu phục vụ.
Vị trí đối đầu được tin là phía nam đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa, cách đảo Lý Sơn 120 hải lý.
Phía Việt Nam được tin chỉ sử dụng tàu cảnh sát biển dùng biện pháp đâm húc và vòi rồng để cản đường.
Ông Ngô Ngọc Thu, Phó tư lệnh Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, thì nói cho đến thời điểm này "giàn khoan 981 đã được định vị như đã xác định. Hiện nay, sau định vị giàn khoan đang tiến hành tác nghiệp chuẩn bị khoan thăm dò".
"Với các căng thẳng từng xảy ra ở Biển Đông, quyết định của Trung Quốc cho vận hành giàn khoan trong vùng biển tranh chấp là khiêu khích và không có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực."
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki
Cũng theo các nguồn tin từ Hà Nội, nhà chức trách Việt Nam đã phát hiện thấy giàn khoan của Trung Quốc cùng ba tàu hộ tống ở phía nam đảo Tri Tôn từ hôm 1/5.
Con số tàu Trung Quốc tăng lên gần 30 chiếc trong chỉ một hôm sau đó. Ngày 3/5, Cục Hải sự Trung Quốc đăng cảnh báo tàu thuyền trong ba tháng không tiếp cận phạm vi bán kính 1 hải lý quanh giàn khoan sẽ đặt cách bờ biển Việt Nam 120 hải lý, thuộc lô dầu khí mà Việt Nam đánh số 143.
Phạm vi này được tăng gấp ba lên 3 hải lý hôm 5/5 sau khi Việt Nam chính thức lên tiếng phản đối.
Cuộc chiến ngoại giao
Các kênh chính thống của Việt Nam đều đưa tin về cuộc điện đàm của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh với Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì vào chiều thứ Ba 6/5.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Bình Minh đã khẳng định với Trung Quốc rằng việc làm của Trung Quốc "ảnh hưởng tiêu cực đến sự tin cậy chính trị và các mặt hợp tác giữa hai nước, tổn thương tình cảm của người dân Việt Nam".
" Việt Nam không thể chấp nhận và kiên quyết phản đối việc làm này của Trung Quốc; yêu cầu Trung Quốc rút hết giàn khoan HD-981 và các tàu hộ tống ra khỏi khu vực này và cùng đàm phán để xử lý những bất đồng xung quanh vấn đề này."
Ông bộ trưởng cũng tuyên bố: "Việt Nam sẽ áp dụng mọi biện pháp phù hợp cần thiết để bảo vệ các quyền và lợi ích chính đáng của mình".
Bộ Ngoại giao Việt Nam xác nhận trong thông cáo rằng bên cạnh giàn khoan 981 của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc, nước này còn điều động một số lượng lớn tàu các loại, kể cả tàu quân sự, tới khu vực mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền.
Bộ này không nói phản hồi của phía Trung Quốc là gì, nhưng cho biết Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, trưởng đoàn đàm phán Chính phủ về biên giới lãnh thổ phía Việt Nam Hồ Xuân Sơn cũng đã có điện đàm với người đồng nhiệm Trung Quốc Lưu Chấn Dân "để giao thiệp nghiêm túc vụ việc trên" vào hôm 4/5.
Cũng trong hôm đó, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại biện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối của Bộ Ngoại giao Việt Nam gửi Bộ Ngoại giao Trung Quốc.
Phía Trung Quốc xác nhận đã có các cuộc điện đàm nói trên.
Tân Hoa Xã cho hay trong cuộc nói chuyện với Bộ trưởng Phạm Bình Minh, Ủy viên Quốc vụ Trung Quốc Dương Khiết Trì đã "yêu cầu phía Việt Nam dừng ngay việc cản trở hoạt động của các công ty Trung Quốc tại Tây Sa (Việt Nam gọi là Hoàng Sa)".
Phía Trung Quốc cũng đưa ra những phản đối tương tự phản đối của Việt Nam, đồng thời kêu gọi Việt Nam "chấn chỉnh việc làm sai trái vì quan hệ chung giữa hai nước".
Hãng tin nhà nước Trung Quốc nói Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Lưu Chấn Dân đã "triệu tập" Đại sứ Việt Nam tại Bắc Kinh, ông Nguyễn Văn Thơ, để phản đối.
Đối đầu trên biển
Trong khi đó, Hoa Kỳ bắt đầu lên tiếng về vụ giàn khoan 981.
Hôm 6/5 tại Hong Kong, chặng dừng chân trước khi tới Việt Nam ngày 7/5, Trợ lý Ngoại trưởng Hoa Kỳ chuyên trách Đông Á và khu vực Thái Bình Dương Daniel Russel nói với các phóng viên rằng Mỹ đang tìm hiểu vụ này và kêu gọi các bên kiềm chế.
Ông Russel được hãng Reuters dẫn lời nói: "Chúng tôi tin rằng các nước tuyên bố chủ quyền [ở Biển Đông] đều cần thận trọng và kiềm chế".
"Nền kinh tế toàn cầu quá mỏng manh và sự ổn định tại khu vực quá quan trọng để mà mạo hiểm vì lợi ích kinh tế ngắn hạn."
Sau đó một vài tiếng đồng hồ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Jen Psaki nói tại Washington: "Chúng tôi đang xem xét vụ việc một cách thận trọng".
"Với các căng thẳng từng xảy ra ở Biển Đông, quyết định của Trung Quốc cho vận hành giàn khoan trong vùng biển tranh chấp là khiêu khích và không có lợi cho việc duy trì hòa bình và ổn định trong khu vực."
Đây là ngôn từ khá mạnh mà một người phát ngôn ngành ngoại giao sử dụng.
Trợ lý Ngoại trưởng Daniel Russel sẽ có tiếp xúc với các quan chức cao cấp của Việt Nam và tham gia Đối thoại châu Á-Thái Bình Dương Mỹ-Việt ngày 8/5. Chủ đề căng thẳng Biển Đông được cho sẽ nằm trên nghị trình cuộc đối thoại.