Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nặng Nợ Với Trầu Cau

mam qua cuoi hoi

“Anh phụ em rồi nên không đến nữa, để phiên chợ buồn héo hắc lá trầu xanh…” Nghe xong câu vọng cổ, dì Ba Em ngậm ngùi nói, cuộc đời dì cũng là một cuộc đời buồn mặc dù không phải bị phụ tình như cô gái bán trầu trong bài ca.

Dì Ba kể rằng, năm 13 tuổi, dì đã ra ngồi bán trầu trước cổng chợ Bà Điểm, tính đến bây giờ đã gần 60 năm. Tôi nhẩm tính, 60 năm với 20 ngàn gánh trầu của 20 ngàn phiên chợ, oằn nặng một đời người, chai sạn đôi vai.

Dì Ba nói rằng hồi ấy chợ Bà Điểm còn đốt đèn dầu mù u, dầu cá, những sạp hàng lót bằng tre,lợp bằng lá dừa nước, gần chợ có ba bến xe ngựa, một bến đi Gò Mây, một bến đi Thới Thượng, một bến đi Hóc Môn.

Năm 19 tuổi, cũng trong một phiên chợ, tình cờ dì quen một chàng trai rồi nên vợ nên chồng. Về Thới Thượng làm dâu được một năm dì mới hay chồng mình là “Việt Cộng nằm vùng”, bị bại lộ, ông bỏ nhà theo kháng chiến rồi hy sinh, để lại cho dì một người con trai.

Dì trở lại chợ Bà Điểm tiếp tục bán trầu nuôi con, thủ tiết thờ chồng. Người con trai ấy lớn lên chưa kịp báu hiếu cho mẹ thì lại chết vì tai nạn giao thông. Thế là dì Ba còn lại một mình, quạnh hiu trong căn nhà, thui thủi với gánh trầu mỗi ngày ra chợ.
Dì nói hàng năm vào mùa cưới, mỗi ngày dì sắp năm bảy mâm trầu cau cho khách, những lúc têm trầu bỏ vào mâm, dì thầm nguyện cầu cho đôi uyên ương trăm năm hạnh phúc.

Chính niềm vui ấy làm cho dì quên đi sự cô quạnh của đời mình. Tôi hỏi bán trầu có khá lắm không, dì nói hồi xưa mỗi ngày bán vài chục giỏ trầu, mấy thiên cau, giờ thì mỗi ngày bán được vài ba ký trầu, một trăm quả cau là đắt lắm rồi, kiếm cũng được vài chục ngàn đồng.
Được cái là vào mùa cưới, có ngày kiếm được mấy trăm ngàn, gặp những khách hàng có tình có nghĩa,thấy mình xếp khéo, xếp đẹp, họ thưởng thêm.

Gần 60 mươi năm bán trầu, dì Ba nghiệm ra rằng, đối với dì, trầu cau chỉ là chuyện mưu sinh, nhưng với cuộc đời, nó là sự ngọt ngào, thanh thản, là nguồn vui trong những câu chuyện của người già, là niềm tin cho hạnh phúc lứa đôi của những chàng trai, cô gái.
Có những cặp vợ chồng giờ con đàn cháu đống, gặp lại dì bày tỏ niềm vui, nhắc lại mâm trầu cau ngày xưa dì sắp cho họ làm lễ cưới. Đó chính là niềm an ủi lớn lao cho cái nghiệp bán trầu.

Tôi lang thang trong sự mường tượng qua lời kể của dì Ba rằng chợ Bà Điểm ngày xưa là một thế giới của trầu cau, là nơi hội tụ của hàng trăm gánh trầu mỗi sáng.
Nhưng bây giờ tìm kiếm mãi chỉ có bốn sạp trầu của dì Ba Em, dì Hai Trị, dì Ba Thẳng nằm khiêm tốn trước cổng chợ, và phía bên kia đường, khuất trong những kiot thời trang là sạp trầu nhỏ bé của dì Hai My với mấy buồng cau lơ phơ và vài bọc trầu héo úa.

Khác với vẻ khắc khổ của dì Ba Em, dì Hai My như một bà tiên đôn hậu, ở tuổi 74, tóc trắng màu mây nhưng gương mặt tươi tắn, hồng hào. Tôi nói chắc hồi xưa dì Hai đẹp lắm. Dượng Ba cười bảo:

“Đúng rồi, dì Hai mầy hồi xưa đẹp hạng nhì ở Mười Tám Thôn Vườn Trầu, còn người đẹp thứ nhất là ai thì tao không biết.
Tao đeo bả gần ba năm, bạn bè bảo tao bỏ cuộc đi, không vô nổi con nhỏ đó đâu, nhưng tao kiên trì, cuối cùng bả cũng cho tao cưới”.

Dì Hai kể rằng, khi đám cưới xong, cả hai vợ chồng đều đi làm mướn. Khi làm cỏ, lúc hái trầu. Rồi năm đứa con lần lượt ra đời, dì nghĩ, làm mướn thế nầy thì không thể nào ngóc đầu lên nổi, lấy gì nuôi con ăn học. Thế là dì chuyển sang mua bán trầu cau.
Cứ ba giờ rưỡi sáng dì thức dậy gánh trầu ra chợ. Có lẽ nhờ cái duyên ăn nói ngọt ngào mà dì mua may bán đắt, mỗi phiên chợ dì mua được một chỉ vàng.
Hồi ấy, cái thời vàng son của trầu cau thì vàng lại rẻ, đất cũng rẻ, cho nên chẳng mấy năm dì mua được một công đất cho dượng Hai trồng được một vườn trầu.

Trầu cau sinh ra đất, đất lại sinh ra trầu cau. Thắm thóat đã gần nửa thế kỷ trôi qua kể từ ngày dì gánh trầu ra chợ. Bây giờ dì Hai đã trở thành một người khá giả, năm người con của dì đều học hành đến nơi đến chốn, có cơ nghiệp riêng, được dì cấp đất, xây cho nhà cửa khang trang nối liền một dãy.

Hỏi tại sao dì vẫn bán trầu, dì nói: “Tụi nó cứ năn nỉ dì ở nhà an dưỡng, nhưng nghỉ thì nhớ chợ, nhớ trầu không chịu nổi. Hừng đông, con dâu Ut đưa ra chợ, tiếp má dọn hàng, đến chín giờ nó ra dọn chợ, rước về.
Dì có 15 đứa cháu nội, 2 đứa cháu ngoại, ngoan lắm, tiền bán trầu dì để dành thưởng cho đứa nào có giấy khen, đứa nào đậu đại học thì dì thưởng đậm”.

Cùng nặng nợ với trầu cau nhưng mỗi người có một tâm sự, một hoàn cảnh khác nhau. Dì Ba Thẳng ngậm ngùi kể, nhà dì có hai thiên rưỡi trầu – tức 2500 nọc – có thể nói đây là vườn trầu đẹp nhất ở Bà Điểm hiện nay nhưng nó đang đứng trước sự phá sản vì bị lổ.

Nhà có hai vợ chồng già với đứa con khờ, không ai chăm sóc nên phải thuê mướn nhân công. Chi phí lao động ngày càng cao mà trầu thì càng ngày càng rớt giá. Mỗi phiên chợ dì bán hai đôi trầu được sáu bảy chục ngàn đồng, trong khi tiền mướn hái hết 15 ngàn đồng, chưa kể các chi phí khác như mua phân, bó phân, tước nước, làm cỏ…

Mỗi năm dì vay ngân hàng 10 triệu đồng để đầu tư cho vườn trầu rồi hàng ngày chắt chiu từng phiên chợ trả nợ. Với bốn công đất vườn của dì hiện nay trị giá cả chục tỷ đồng, nhưng bán thì không đành, phá trầu thì không nở, mà mỗi ngày không ra họp chợ thì lại nhớ trầu cau không chịu được.
Thôi thì đành lây lất vậy.

Anh Cao Văn Hai, chủ tịch xã Ba Điểm dẫn chúng tôi đến thăm vườn trầu của chị Ba Yến, một vườn trầu một thời nổi tiếng ở ấp Trung Lân.
Nhưng bây giờ nó giống như một vườn du lịch bởi nhiều loại cây kiểng thay chổ cho trầu. Chị Yến nói vườn trầu nhà chị hồi xưa cứ mười ngày hái một lứa, mỗi lứa sắm mười lượng vàng. Nhưng bây giờ thì ngược lại, một sự ngược lại khó tin, tức mỗi năm chị phải bỏ ra gần năm lượng vàng để tu bổ vườn trầu mà chẳng thu lợi đồng nào.

Giải thích lý do, chị nói, Bà Điểm bây giờ như cái ốc đảo giữa bốn bề đô thị, nước không thoát được nên trầu bị úng, mà bỏ trầu thì mãnh vườn sẽ vô hồn, sợ buồn tủi vong linh của tổ tiên.
Ngôi nhà chị là ngôi nhà thờ, ngày trước có đến năm chị em ở chung, cũng nhờ trầu cau mà con cháu được ăn học nên người, cũng nhờ trầu cau mà mỗi thành viên trong gia tộc có vốn liếng ra Sài Gòn lập nghiệp.

Ngày giổ ông bà là ngày hội tụ con cháu ở khắp nơi. Việc đầu tiên khi đặt chân tới đây là đi thẳng ra phía sau ngắm nghía vườn trầu. Một thói quen giản dị mà thiêng liêng, vì vậy mà chị phải gìn giữ vườn trầu bằng mọi giá.
Anh Tư Diệp – chồng chị Yến – kể ngày xưa, cứ đến hừng đông là khắp các đường thôn, từng tốp, từng tốp người gánh trầu ra chợ.

Ngoài những con đường cái, từng đoàn xe ngựa lọc cọc nối nhau, lắc lư những giỏ trầu cau xuôi về hướng Sài Gòn.
Cứ nhớ lại những hình ảnh ấy mà lòng nghe nuối tiếc.
Chủ Tịch Hai cũng vậy, anh vốn sinh ra và lớn lên trong hương vị của trầu cau, giờ cứ nơm nớp, phập phồng khi thấy những chiếc xe ben gồng mình chở cát đá làm chấn động đất đai, lúc ấy, nhìn vườn trầu, nhìn hàng cau anh nghe lòng đau nhói.

Ơ đời, người ta có thể bỏ ra tiền tỷ tỷ để tái tạo những gì đã mất, trong khi khát vọng lớn nhất của anh, của những người dân Bà Điểm là muốn giữ lại những gì đang có, lẽ nào lực bất tòng tâm!

Switch mode views: