Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Cư Xử Với Tết…

Tet Viet
Xin nói ngay là tôi thuộc trường phái cổ điển, thích tết. Muốn giữ tết. Để mỗi dịp tết đến xuân về có dịp gặp mặt người thân…
Thế nhưng gần đây, tôi thấy dường như tết đã trở thành gánh nặng. Của mỗi người. Của các gia đình. Của các công ty nhà máy. Của cả xã hội…

Có lẽ người thích tết chỉ còn trẻ em và… quan tham! Tết trẻ em được đi chơi, được mừng tuổi. Quan tham thì nhân dịp này gặt hái bổng lộc…
Đa số nhân dân thì chán tết. Thế nhưng vẫn muốn giữ tết!
Thật là một tâm thế xã hội lạ lùng, dường như rất tiêu biểu cho tính cách dân Việt: Lập lờ, nước đôi, trung dung, không có chính kiến rõ ràng, gió chiều nào che chiều ấy…

Thật ra thì những người hiểu biết trong xã hội đều cho rằng, nên giữ tết cổ truyền.
Thế nhưng cần phải có sự thay đổi. Để thích ứng với cuộc sống hiện đại ngày nay. Chứ cả nước năm nào cũng hầm hập lên cơn sốt dịp cuối năm thì quả là không ổn!
Cần phải thay đổi! Bắt đầu từ:

1- Nhà nước: sửa ngay luật lao động, chỉ cho phép nghỉ tết cổ truyền đúng 3 ngày: 30, mùng 1, mùng 2.
Trùng vào thứ 7 hay Chủ Nhật cũng không có bù.
Cấm toàn bộ các cơ quan công quyền nghỉ thêm.
Chiều 29 vẫn phải mở cửa phục vụ dân.
Sáng mùng 3 hoạt động bình thường.
Cơ quan nhà nước gương mẫu trước, dân sẽ theo.

2, Các gia đình và cá nhân, cần phải thích ứng với điều kiện kinh tế xã hội hiện nay của đất nước.
Gột rửa cái tâm lý làng xã nặng nề. Xác định ta lập nghiệp ở đâu thì quê hương ở đó.
Tổ chức vui tết ngay tại nơi mình sinh sống, không phải di chuyển nhiều.
Hãy nghĩ một năm là cả bốn mùa xuân, ta làm việc song song với hưởng thụ vui chơi giải trí, không no dồn đói góp cho dịp tết!

Việc làm cho cái tết cổ truyền trở nên nhẹ nhàng, đơn giản hóa đi là một xu thế tất yếu của cuộc sống.
Có lẽ nhân dịp đầu xuân mỗi người chúng ta nên suy ngẫm về cái tết vừa qua như thế nào: Cái gì rườm rà nên cắt bỏ. Cái gì tinh hoa cần lưu giữ. Để cho có thái độ ứng xử phù hợp với TẾT!

Switch mode views: