Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

“Đi lễ” online

church
Trong tình hình bắt buộc phải cấm túc, nhà thờ chưa mở cửa (có mở chưa chắc có nhiều người dám tới đi lễ như trước), phải “đi lễ” online thì những buổi lễ rất thiếu sinh khí.


Đặc biệt, nghi thức quan trọng nhất trong một thánh lễ là rước Mình Thánh Chúa.

Tôi là một tín hữu Công giáo. “Vỗ ngực xưng tên” như vậy để quý độc giả biết rằng đi dự Thánh lễ ở nhà thờ ngày Chúa Nhật (hoặc Thứ Bảy) là trách nhiệm và nghĩa vụ của tôi.

Tôi đã nghe nhiều người đạo gốc (tức sanh ra trong gia đình có đạo Công giáo nên đương nhiên trở thành tín hữu Công giáo, chớ không phải hơn nửa đời người mới có sự cân nhắc, lựa chọn một đức tin cho mình như tôi) mỗi khi đi lễ nhà thờ lại dùng câu “đi xem lễ” làm tôi rất dị ứng.

Theo ý tôi, chữ “xem” nó thể hiện thái độ thờ ơ, bàng quan, được không mừng mà mất cũng chẳng buồn. Giống như chúng ta mua vé đi coi hát vậy, coi hay thì vỗ tay, không hay thì cũng “kệ mày,” lần sau không thèm coi nữa.

Tôi thích dùng chữ “đi lễ,” “dự thánh lễ” hơn. Tín hữu đến nhà thờ, ngồi trong giáo đường, nghe từng hồi chuông ngân nga, hòa mình vào bầu không khí nhộn nhịp của khoảng ngàn người đi lễ, cùng nhau hát kinh, hát đáp ca.
Tiếng hát trầm trầm nhưng mạnh mẽ làm ấm lòng người nghe, quên đi mọi nỗi ưu phiền của đời sống thường ngày, nghe đọc lời Chúa, nghe linh  mục giảng giải ý nghĩa lời Chúa, rồi tuần tự trang nghiêm bước lên rước lễ để đón nhận Mình Thánh Chúa.

Theo giáo lý Công giáo, đây là giây phút thiêng liêng đàn chiên đang hòa mình vào thánh lễ, hiệp thông với Ðức Chúa Trời.
Ði lễ cuối tuần thành thói quen, không đi một tuần là cảm thấy bứt rứt, khó chịu, thấy tâm trạng nó sao sao đâu á.

Vậy mà từ ngày 13 Tháng Ba tới nay tôi không đi lễ ở nhà thờ lần nào. Thỉnh thoảng chạy xe ngang, ghé vô dạo một vòng quanh sân, thấy vắng vẻ như tờ, parking trống mênh mông, nếu không nhìn thấy hoa tươi rực rỡ đủ sắc màu luôn được bày biện chỉn chu dưới chân tượng Ðức Mẹ La Vang thì tôi có thể nghĩ rằng tôi đang lạc vô thành phố chết.

Bây giờ, tín hữu phải “đi lễ” online. Tức là ngồi nhà mở YouTube hoặc mở TV coi livestream thánh lễ rồi hát theo, đọc kinh theo.
Nghi thức thì không có gì thay đổi, cái thay đổi là quý Cha giảng khơi khơi, làm lễ khơi khơi trên thánh cung, còn phía dưới các hàng ghế trống hoang, nhiều lắm cũng chừng khoảng chục cụ ông, cụ bà tóc bạc phơ phơ ngồi mỗi người một góc.

Ca đoàn hát yếu ớt, mệt mỏi. Cảnh này có thể so sánh với tình trạng khi tôi cầm cái loa hô “Ðả đảo cộng sản” một mình tôi trong nhà thì nghe lạc lõng, yếu ớt; mà tôi đi giữa đoàn biểu tình cầm loa hô “Ðả đảo cộng sản!” có hàng trăm đồng hương tỵ nạn hô đệm theo “Ðả đảo! Ðả đảo!” thì nghe hùng hồn, khí thế, mạnh mẽ lắm luôn.

Thời chưa cấm túc, thông thường các nhà thờ ở Orange County hay ở Việt Nam đều có thánh lễ liên tiếp hai ngày Thứ Bảy, Chúa Nhật các tuần; tổ chức một ngày nhiều lễ từ sáng tới tối.

Khi tôi ở Sài Gòn, nhà thờ Kỳ Ðồng mỗi Thứ Bảy có năm thánh lễ, Chúa Nhật có chín thánh lễ, mà người tham gia lúc nào cũng chật hết phía trong thánh đường, đứng vòng quanh hành lang, đứng đầy sân trước nhà thờ, có khi đứng trên vỉa hè ngoài hàng rào nhà thờ luôn.
 Mỗi lễ khoảng một ngàn người, tính ra chỉ ngày Chúa Nhật có khoảng chín ngàn người đi lễ ở nhà thờ Kỳ Ðồng.

Nếu vào các ngày lễ trong năm như Giáng Sinh, Phục Sinh, Tết ta… thì mỗi thánh lễ số người dự phải tới vài ngàn người một lần.
Channel VietCatholic thường phát live những thánh lễ của Trung Tâm Công Giáo OC, số lượt views cũng rất lèo tèo.

Vì thánh lễ livestream online nên hiện nay các nhà thờ chỉ tổ chức mỗi tuần một lễ vào ngày Chúa Nhật.
Ðiều này có thuận lợi là không giới hạn số người “tham dự” nhưng lại có bất tiện là không phải ai cũng có thời gian rảnh vào giờ đó giống nhau.
Thay vì trước đây một ngày có nhiều lễ và diễn ra trong hai ngày cuối tuần, tín hữu thấy giờ nào tiện cho cuộc sống của mình thì đến nhà thờ giờ đó.

TV của tôi là loại dùng antenna cổ lỗ sĩ chớ không có cáp truyền hình. Với tôi, như vậy là đủ dùng coi news của đài Mỹ để học tiếng Anh, chớ không coi đài tiếng Việt.
Thành ra mỗi Chúa Nhật muốn “đi lễ” thì lên mạng coi ở đâu livestream thánh lễ.

 

Ðể tìm kiếm một giờ lễ thích hợp, tôi phải search YouTube. Hóa ra Channel của Tổng Giáo phận Sài Gòn mỗi lần phát live số lượng views quá ít, âm thanh hơi bị cà giựt, cho thấy số tín hữu dự lễ online lèo tèo so với tổ chức lễ tham dự trực tiếp ở nhà thờ.
Còn Channel của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn không thấy phát livestream.

Quả thật, trong tình hình bắt buộc phải cấm túc, nhà thờ chưa mở cửa (có mở chưa chắc có nhiều người dám tới đi lễ như trước), phải “đi lễ” online thì những buổi lễ rất thiếu sinh khí.
Ðặc biệt, nghi thức quan trọng nhất trong một thánh lễ là rước Mình Thánh Chúa, tức ăn miếng bánh thánh nhỏ xíu bằng ngón tay út, nếm vài giọt rượu thánh, thì chỉ có tham dự thánh lễ trực tiếp mới được.
 Có rước Mình Thánh Chúa mới có thể hiệp thông linh hồn tín hữu với Ðức Chúa Trời.

Lúc tôi ở Sài Gòn, có thằng an ninh thành Hồ thấy tôi rửa tội trở lại đạo, hắn khoe khoang với tôi là hắn vô nhà thờ, các linh mục lấy rượu thánh rót chiêu đãi hắn uống đã đời luôn.

Tôi hỏi hắn biết rượu thánh ở đâu ra không mà có dư “uống đã đời” vậy, thì hắn ngậm cà na không trả lời được.
Tôi mới nói rượu thánh được Ðức Giáo Hoàng làm phép rồi Vatican phân bổ về từng quốc gia, từng giáo xứ, ít nhiều tùy theo con số giáo dân xứ đó, được tính toán cẩn thận mỗi người khi rước lễ chỉ nếm vài giọt mà thôi, làm gì có dư để “uống đã đời.”

Rượu thánh không phải ra chợ muốn mua bao nhiêu chai thì mua đâu. Hắn quê xệ hết dám khua môi múa mép khoe khoang với tôi nữa.
Tôi nói thật, cho dù chê bai thì “có lỗi” tôi vẫn nói, đó là “đi lễ” online chán ngấy và cảm giác giả tạo không chịu được.
Nhìn qua video, vị linh mục đứng độc thoại một mình xuôi xị như cái máy trước bàn thờ mà tôi cảm thấy não lòng, khác với những lần có đông nghẹt giáo dân trong thánh đường thì nét mặt, cử chỉ của các Cha tỏ ra rất hào hứng, vui vẻ.

Thiếu hẳn tiếng chuông giáo đường ngân nga vang dài trong gió mỗi buổi chiều. Cái cảm giác thiếu thốn khó chịu đó cũng giống như hiện nay chúng ta có đủ kiểu lò nướng điện, gas, nhưng tôi thấy món ăn nướng bằng than củi, bằng rơm mùi vị vẫn ngon hơn.

Nhà ai cũng có máy điều hòa nhiệt độ, máy sưởi, heat disk, nhưng người ta vẫn thích đốt củi trong lò sưởi xây bằng gạch mộc để nhìn ngọn lửa reo tí tách và nhảy múa chập chờn, để ngửi mùi thơm nhựa thông bay ra từ thanh củi, thích đốt nến trong phòng ngủ, nên củi thông nguyên bó bự và nến trong các chợ vẫn bán chạy ào ào.

Có người thích xài nhang điện, nến điện trên bàn thờ. Riêng tôi ở nhà đọc kinh thì trước khi đọc tôi cũng đốt hai hũ nến trắng trên bàn thờ, đốt một miếng nhang trầm, không gian lan tỏa một mùi thơm huyền ảo, ấm áp.
 Tôi thích nhìn ngọn lửa nến cháy lung linh, tỏa ánh sáng vàng kỳ bí trước tượng Chúa chịu nạn.

Lo ngại lây nhiễm bệnh dịch nên “đi lễ” online chỉ là một giải pháp “chữa cháy” tạm thời để tín hữu có thể nghe được lời giảng của linh mục mà thôi, và không thể sánh được với việc đến nhà thờ dự thánh lễ. Nguyện xin Thiên Chúa giúp chúng ta sớm thoát khỏi nạn kiếp này.


Switch mode views: