Chữ nghĩa thời đại dịch!
- Thứ Hai, 08 tháng Sáu năm 2020 16:23
- Tác Giả: Huy Phương
Thời đại dịch này, người ta lo bệnh, lo chết, đâu có ai tào lao đi lo bàn chuyện chữ nghĩa, vì chữ nghĩa vốn không làm chết ai, cũng chẳng tổn thương ai.
Nếu nghĩ đến đường xa, lâu dài thì lại không phải là chuyện cần thiết, bây giờ, đời sống này “sống hôm, chết mai,” lo cho đời mình chưa xong, nghĩ chi đến chuyện con cháu mai sau.
Mai sau con cháu chúng ta, ở đây thì nói tiếng Anh-Mỹ, ở trong nước thì nói tiếng Tàu, biết tiếng Việt có còn không?
Người xưa phán xét một câu về sự thờ ơ này rất nặng, đó là “ngu si hưởng thái bình” (ngu giả an chi.)
Nhiều người không dám khẳng định như vậy, nên có quan niệm rằng suy nghĩ bớt đi một chút cho đời đỡ dằn vặt, đỡ làm mếch lòng ai thì cuộc sống hẳn là bình an, không đụng chạm, không tranh cãi, không chiến tranh.
Mấy tuần này chúng ta, lần đầu tiên được nghe quá nhiều chuyện về “gói.”
Ðây không phải là chuyện gói xôi, gói bắp thường ngày của giới lao động bình dân quê mình, trị giá chưa tới một dollar mà có những “gói” giá trị lên đến hằng trăm tỷ dollars như “gói” kích thích kinh tế này sẽ chuyển tiền trực tiếp cho cá nhân, doanh nghiệp Mỹ, “gói” trợ cấp thất nghiệp cho các cá nhân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Chữ “gói” này phát xuất từ trong nước, không để chỉ nói đến cái “gói hỗ trợ an sinh xã hội cho lao động mất việc của Hội nghị Thường trực Chính phủ CSVN,” mà còn là cái gói của Mỹ, của Ðức.
Chưa bao giờ các thứ gói lại lền khên trôi nổi như hôm nay, tựu trung có rất nhiều thứ gói như “gói cứu trợ,” “gói kích thích kinh tế,” “gói giải cứu,” “gói khẩn cấp.” Những chữ “gói” này phát sinh từ trong nước, nhanh chóng theo con virus Corona lan ra ngoại quốc, đến Little Saigon và được nghe từ miệng cô xướng ngôn viên các đài phát thanh, đài truyền hình, hay được in trên báo chí của người Việt (gọi là người Việt tị nạn CS) ở đây.
Cái gói mà quý vị muốn nói đến đây là gói tiền.
Chúng ta thật không thiếu chữ và cũng dư nghĩa.
“Gói” mà trong nước muốn nói đây, chính là “ngân khoản,” “số tiền” hay tệ lắm là “món.”
Ðể sửa lại, nếu chúng ta nghe nói “một ngân khoản cứu trợ khẩn cấp 400 tỷ dollars vừa được Quốc Hội Hoa Kỳ thông qua…” nghe có vừa lỗ tai không?
Thà là nôm na mách qué như “gói xôi,” “gói bắp,” “giường cứng,” “giường mềm” đi thì không nói, đằng này cứ nghe cái loại chữ nghĩa “một gói hỗ trợ an sinh xã hội,” “ một gói kích cầu…” nửa Ta, nửa Tây là cũng đã biết nó ma-de từ đâu rồi.
Hết nói nôm na, bây giờ chúng ta qua loại chữ nghĩa uyên bác. Chữ nghĩa uyên bác không phải để dành cho giới trí thức dùng, mà qua thời kỳ quá độ này, đúng như câu tục ngữ ngàn xưa là “dốt thì hay nói chữ!”
Nếu viết chuyện này thì không biết bao nhiêu trang giấy cho đủ, nên chúng ta chỉ nói đến “chữ nghĩa thời đại dịch” cho khỏi đi xa đề tài hôm nay.
Hiện nay ở Italy và ngay ở New York của Mỹ, số người chết vì Covid-19 mỗi ngày lên quá nhiều!
Câu hỏi chúng ta đặt ra, qua báo chí, truyền hình hiện nay là chính quyền địa phương đã “xử lý” những xác chết này như thế nào?
Chúng ta cũng hiểu rằng xác chết muốn xử lý chỉ có hai việc, đem chôn hay hỏa táng! Dù vậy nhưng “xử lý” xác chết trong trường hợp này nghe có thuận tai không?
Muốn đặt câu hỏi thế nào tùy bạn, tuy nhiên trong ngôn ngữ VC, chữ “xử lý” được dùng rất rộng rãi như “xử lý nước thải,” “ xử lý các vi phạm pháp luật, “xử lý vết thương trước khi đưa bệnh nhân vào viện,” “xử lý nỗi cô đơn…”
Và như vậy, xử lý các xác chết thời đại dịch có khác chuyện xử lý một món thịt kho trong chương trình dạy nấu ăn hay không?
Xin hãy đọc dòng chữ “xử lý thịt bò dai trở nên mềm hơn,” trên báo chí trong nước, và để hiểu hết nghĩa của nó.
Ðây là một đoạn “xử lý” khác đọc được trong một trang sách dạy nấu ăn:
“Cách xử lý măng khô:” Măng khô rửa sạch bụi bẩn, sau đó cho măng khô vào ngâm nước trong 6 – 8 tiếng cho măng nở mềm.
Thay nước ngâm măng vài lần để loại bỏ vị đắng. Luộc kỹ măng, sau đó chắt bỏ nước và thay nước mới. Luộc và xả măng 2 – 3 lần đến khi nước luộc trong lại, không còn mùi khó chịu.
Hãy nghe một cô dạy nấu ăn trên đài truyền hình: “Mình xử lý xong phần rau củ, sau đây là đến phần xử lý thịt!” Sao không nói một cách giản dị:
“Chúng tôi đã trình bày cách xắt rau quả, sau đây là đến phần thịt!”
Trong nước định nghĩa hai chữ “xử lý” như sau: “Áp dụng vào cái gì đó những thao tác nhất định để nghiên cứu, sử dụng.” Sao mà rắc rối quá vậy?
Chúng ta đâu có thiếu chữ! Vì sao không dùng “cách giải quyết trong trường hợp số người chết lên quá cao?” khi nói đến chuyện người chết ở New York hay Italy?
Chúng ta, thật ra từ trước đến nay, bỏ quê hương, đi thì cũng mang văn hóa chữ nghĩa đi theo, đâu đến nỗi nghèo mạt mà phải dùng loại chữ nghĩa thô thiển, nhếch nhác từ trong nước đem ra, mà thật có hay ho gì cho cam.
Nhân mùa dịch chúng ta lại nghe những từ ngữ lạ tai, nhưng nghe lâu thành quen, nào là “lây nhiễm,” “đỉnh điểm,” “diện rộng,” “dập dịch,” “cú hích kinh tế,”“bệnh lý nền,” “lây nhiễm chéo,” “phun khử khuẩn,” hàng ngàn “cặp đôi” hoãn cưới, “liên hệ” ngay với bác sĩ khi vướng dịch…
Không phải đến bây giờ dịch ngôn ngữ trong nước mới lây lan ra ngoại quốc mà đã từ lâu, nhưng hải ngoại không ai chịu giữ khoảng cách với nó, mà còn vô ý thức mang nó đi, phát tán nó khi trò chuyện, tiếp xúc trong cộng đồng làm lây lan, không có một cái khẩu trang nào để bịt mồm chúng lại.
Chúng ta cũng không có một phương cách kiểm soát, luật lệ hay giải pháp nào có thể chận đứng nó.
Trái lại có thái độ, vô tâm, thờ ơ, vô ý thức đã tiếp tay, phát tán … khiến cho thứ dịch này càng ngày càng phát triển trong cộng đồng người Việt “tỵ nạn,” khó lòng thể cứu vãn.
Chúng ta đang bị đại dịch Virus Corona phát xuất từ Vũ Hán, Trung Quốc nhưng rồi đại dịch này sẽ qua đi, nhưng thứ đại dịch ngôn ngữ phát xuất từ cái xứ CHXHCN Việt Nam là một thứ dịch dễ lây khó gỡ.
Dịch này tràn đến Mỹ, Canada, Úc Châu rồi Âu Châu do người Việt tỵ nạn, người Việt di dân mang theo, được báo chí, truyền hình tiếng Việt tiếp tay, gieo rắc khắp nơi, ít người chống đỡ nỗi, một khi đã nhiễm bệnh thì chịu bệnh suốt đời.
Ðiều khốn nạn là hết đời chúng ta, nó còn lây lan cho đến con cháu chúng ta mai sau, nhiều thế hệ nối tiếp.
Dịch này không giết ai, nhưng nó phá nát ngôn ngữ, văn hóa mà cha ông chúng ta đã gầy công xây dựng bao nhiêu năm.
Tin mới
- Cảnh sát Seattle muốn quay trở lại khu vực bỏ trống vì bị dân bạo loạn chiếm cứ và gọi là 'khu tự trị' của họ - 14/06/2020 21:27
- Quốc Gia Tự Trị Thứ 196 Ra Đời - 14/06/2020 00:34
- Chuyện Gì Cũng Có Thể Xảy Ra Tại Nước Mỹ - 13/06/2020 17:04
- Covid-19: Hơn 113.000 người chết, 2 triệu ca nhiễm, Mỹ lo làn sóng thứ hai - 12/06/2020 22:21
- Nỗi kinh hoàng của người Việt trong trận cướp phá ở Minnesota - 12/06/2020 19:08
- Bức thư đầy mãnh lực của Đức TGM Viganò gửi TT Trump - 12/06/2020 02:58
- Âm Mưu Nào Đằng Sau Chiếc Mũ “Phân Biệt Chủng Tộc”? - 11/06/2020 20:55
- Những Tiên Đoán 10 Năm Tới - 09/06/2020 17:31
- Tổng Chưởng Lý Hoa Kỳ: Có Chứng Cứ Rõ Ràng Antifa Và Thế Lực Nước Ngoài Đứng Đằng Sau Gây Bạo Loạn - 09/06/2020 15:50
- Tranh cãi mùa dịch Covid-19 - 08/06/2020 19:07
Các tin khác
- Gái… nhậu thuê - 07/06/2020 22:38
- Thủ tướng Boris Johnson: 3 triệu người Hồng Kông có thể đến Anh - 06/06/2020 18:03
- Cựu thành viên: Antifa “tôn sùng tư tưởng xã hội chủ nghĩa cánh tả cực đoan” - 06/06/2020 17:19
- Khước Từ - 05/06/2020 23:46
- Cái dễ thương của người Sài Gòn - 05/06/2020 04:34
- Cà phê ơi! cà phê ơi! - 04/06/2020 16:10
- Nước Mỹ Rối Loạn Bởi ‘Lá Bài Màu Da’: Ai Mới Là Kẻ Phân Biệt Chủng Tộc? - 03/06/2020 16:15
- Hôn Nhân Buồn Chán - 02/06/2020 15:42
- Cõi Già Trên Đất Lạ - 01/06/2020 22:48
- Nguy cơ từ Deepfake lan rộng ra nhiều lãnh vực - 01/06/2020 18:51