Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Khám bệnh bác sĩ mới

khambenhTháng Giêng năm 2014 (1/2014), chắc các bác sĩ sẽ bận rộn lắm. Với chương trình Omabacare bắt đầu thực hiện đầu năm 2014, ai cũng sẽ có bảo hiểm hoặc Medi-Cal. Nhiều vị, bao năm chưa đi bác sĩ, nay có bảo hiểm hoặc Medi-Cal, chắc sẽ đi khám bác sĩ ngay trong tháng Giêng sắp tới. Nhiều vị khác có thể phải đổi bác sĩ, đi bác sĩ mới.

Mùa đông, bác sĩ thường đã bận tíu tít. Mùa đông, nhiều việc phải làm, nhiều vấn đề xảy ra hơn, tử vong cao hơn những mùa khác. Ngoài chuyện khám bệnh kỹ cho người bệnh, bác sĩ còn soát lại hồ sơ xem ai nếu cần, đã chích ngừa cúm, chích ngừa sưng phổi Pneumococcus chưa để còn khuyên nên chích ngừa ngay kẻo không kịp. Mùa này, cúm nhiều, sưng phổi hay xảy ra. Rồi những công việc thường xuyên vẫn phải làm, xem những thử máu nào đến kỳ phải làm lại cho người bệnh, trên 50, người bệnh đã đi soi ruột già chưa, khám nhiếp hộ tuyến chưa, … Thêm vào đó, còn chuyện hoàn tất chỉ thị trong năm 2013 của Medicare đưa xuống, phải thi hành đầy đủ các chỉ thị này cho những vị cao niên trong các tổ hợp y tế. Trong tháng Giêng, có lẽ bác sĩ sẽ xem thêm nhiều vị mới có bảo hiểm hoặc Medi-Cal, và sẽ bận hơn nhiều.

Bạn sẽ có bảo hiểm hoặc Medi-Cal, muốn đi khám bệnh tháng Giêng này, nên biết và sửa soạn một ít việc trước.

Gọi lấy hẹn trước

Bạn nên tìm hiểu văn phòng bác sĩ bạn sắp đến khám có cho hẹn không, hay cứ phải đến ngồi chờ, tới lượt thì vào. Nhiều vị đã từng than, "Tôi ngồi chờ 2-3 tiếng, trễ nãi mọi công việc, đến khi vào chỉ được xem 2-3 phút, chưa kịp hỏi gì, bác sĩ đã ra khỏi phòng".

Đúng ra, các bác sĩ nên khám bệnh theo hẹn, để có đủ thời gian xem cho mỗi người bệnh. Nhất là bây giờ chính phủ Hoa Kỳ muốn tất cả các bác sĩ dùng hồ sơ điện tử (electronic health record) hầu việc chăm sóc sức khỏe cho người bệnh thêm đàng hoàng, có phẩm chất (quality of care). Hồ sơ điện tử làm được những việc hồ sơ giấy viết tay không thể làm.

Hồ sơ điện tử vì chu đáo, kỹ lưỡng nên cần nhiều thì giờ hơn hồ sơ giấy. (Một số vị bác sĩ trong hồ sơ giấy chỉ biên nguệch ngoạc mấy chữ chẳng ai đọc được, bảo sao không nhanh!). Hồ sơ điện tử có từng mục bác sĩ phải ghi chép, điền vào, nên nếu khám bệnh theo kiểu ào ạt, người ra kẻ vào như đi chợ, thì không thể nào làm được (mà trong trường Y khoa họ không bao giờ dạy kiểu khám bệnh qua quít như vậy). Làm hồ sơ điện tử, khám mỗi người trung bình 15 phút, một ngày bác sĩ chỉ xem tối đa được 20-30 người bệnh, không thể xem 40-50 người bệnh.

Vậy, nếu bác sĩ khám bệnh theo hẹn, trừ những chuyện khẩn cấp, còn không, bạn nhớ lấy hẹn trước để giúp bác sĩ nhé. Ai cũng lấy hẹn như vậy, mọi chuyện sẽ rất dễ dàng, bạn đến không phải ngồi chờ lâu, phòng chờ khỏi đông đầy người (nhất là đang trong mùa cúm, người này ho, vị kia hắt xì, lây bệnh lẫn cho nhau dễ như chơi), mà bác sĩ cũng thấy thư thả làm việc, không phải thăm khám trong tinh thần vội vã, qua loa cho xong để còn xem nhiều người khác đang chờ (khi vội, dễ nhầm lẫn lắm). Chăm sóc có phẩm chất cần thăm khám cẩn thận, không chỉ sơ sài vài phút là được. Vả, chúng ta ở Mỹ, một đất nước thứ tự, mà đi đâu cũng không lấy hẹn trước, cứ ào đến ngồi chờ, thì chả văn minh kiểu Mỹ tí nào.

Mang thuốc và hồ sơ bệnh lý theo

Xin bạn sửa soạn đem theo tất cả hồ sơ bệnh lý của mình và các thuốc đang dùng, kể cả những thuốc mua không cần toa. Lúc chờ bác sĩ trong phòng khám, bạn để hồ sơ bệnh lý và bày sẵn thuốc trên bàn, để khi vào, liếc mắt qua, bác sĩ đã nắm vững ngay một số vấn đề của bạn. Thuốc là ngôn ngữ không lời (non verbal language) vô cùng hữu ích cho bác sĩ.

Bạn mới đến khám bác sĩ lần đầu, bác sĩ muốn biết bạn đang dùng những thuốc gì, cho ngày nào, liều lượng của thuốc, số lượng, cách dùng, tên người bác sĩ cho thuốc đề trên chai thuốc, những điều hết sức quí báu giúp vào sự định bệnh. Biết bạn đang dùng thuốc gì, bác sĩ nào cho, bác sĩ có thể đoán biết bạn đang có những vấn đề nào. Thuốc là những đại diện quan trọng của chúng ta, nhất là trong trường hợp khẩn cấp. Nhìn thuốc dùng, bác sĩ hiểu vấn đề của chúng ta nhanh hơn, sâu xa hơn.

Xin đừng để lẫn lộn thuốc nọ vào lọ kia, và nên mang theo những lọ thuốc mới nhất, thay vì những lọ đã cũ từ năm xửa năm xưa.

Hồ sơ bệnh lý (kết quả thử máu, chụp phim, soi ruột già, ...) cũng giúp bác sĩ rất nhiều trong việc tiếp tục tìm hiểu vấn đề của bạn và chữa trị cho bạn. Nhất là nếu bạn mới từ phòng cấp cứu hoặc nhà thương ra. Xin nhớ mang theo, đừng để quên chúng ở nhà.

Kể bệnh mạch lạc

Việc kể bệnh mạch lạc rất quan trọng, giúp bác sĩ định bệnh mau chóng.
Bạn đi khám có thể vì nhiều triệu chứng hay mục đích cùng lúc. Ai cũng mong bác sĩ giúp giải quyết hết mọi vấn đề của mình, song, vì thời giờ dành cho mỗi người bệnh có hạn (thường 15 phút), nhất là trong mùa này bác sĩ phải làm việc thật nhanh, nên chỉ có thể giải quyết được cùng lắm một hai vấn đề trong buổi thăm khám đầu. Bởi thế, khám lần đầu, bác sĩ sẽ giải quyết giúp bạn những vấn đề nào được xem là khẩn cấp trước, còn những vấn đề ít khẩn cấp hơn, xin... khất với bạn lần sau.

Khi kể bệnh, bạn theo thứ tự thời gian: bệnh bắt đầu khi nào, các triệu chứng ra sao, định bệnh của các bác sĩ trước, các cách điều trị từ trước đến giờ, cách điều trị nào cho hiệu quả tốt, cách nào không, ... Nền y khoa Hoa Kỳ là một nền y khoa định lượng, dựa trên nền tảng các con số để suy luận. Bạn nên cố gắng diễn tả chính xác bằng con số. Thí dụ, thay vì kể “đau lâu rồi, đau từ hồi còn ở Việt Nam”, bạn nên kể “đau 3 ngày, đau từ 4 tháng trước, hay đau đã 6 năm...”. Hoặc khi được hỏi “bao lâu đau một lần?”, thay vì trả lời “đau hoài à, lâu lâu mới đau một lần”, bạn nên trả lời “đau khoảng 1, 2, 3, ... lần mỗi tuần, mỗi tháng hay mỗi năm”. Ngay cả với cái đau, bạn cũng thường được hỏi: “Trên bực thang từ 0 (không đau) đến 10 (đau khủng khiếp, đau chịu không nổi), cái đau của bạn trong khoảng nào?”, bạn cố ước lượng cái đau của bạn nhẹ, nặng mức nào trên bực thang này.

Nếu bạn có thể viết đầy đủ các triệu chứng ra trên giấy, và vào những lúc nhàn rỗi, lẩm nhẩm thực tập kể bệnh trước ở nhà, thực rất quí.

Mùa đông lắm bệnh xảy ra, nhiều người đến khám bác sĩ, bác sĩ cần làm việc nhanh chóng, hữu hiệu, cẩn thận. Bạn đến khám bác sĩ lần đầu vào tháng Giêng (1/2014) này, xin lấy hẹn trước, mang thuốc và hồ sơ bệnh lý theo, nếu không lạnh lắm, mặc quần áo giản dị, điện thoại cầm tay tắt trước khi vào phòng khám, và kể bệnh mạch lạc. Lần khám đầu hữu hiệu vì được sửa soạn trước như vậy, sẽ khiến bạn vui, bác sĩ cũng vui.

Cám ơn bạn. Chúng ta chúc nhau Năm Mới 2014 nhiều sức khỏe và hạnh phúc.

Switch mode views: