Amazin Lethi, nữ lực sĩ gốc Việt đa tài nhân ái
- Thứ Bảy, 17 tháng Mười Một năm 2012 15:06
- Tác Giả: Trà Mi / VOA
thường xuyên trở về Việt Nam để giúp đỡ các em nhỏ đồng cảnh ngộ ở quê hương. Đó là câu chuyện của nữ vận động viên, huấn luyện viên thể lực-thể hình và quyền anh, diễn viên điện ảnh, nhà thiết kế thời trang, lực sĩ từng đạt ngôi quán quân giải thể hình quốc tế International Competitive Natural Bodybuilder, Amazin Lethi.
Amazin được một gia đình người Mỹ sống tại Australianhận làm con nuôi từ năm lên 2, lên 3. Tài năng đặc biệt của cô đã thể hiện từ hồi còn rất nhỏ. Cô bắt đầu tập thể hình từ năm 6 tuổi, rồi trở thành một huấn luyện viên quyền anh và thể dục thể hình từ lúc mười mấy đôi mươi. Không chỉ ở lĩnh vực thể thao, cô còn nổi bật ở lĩnh vực điện ảnh, giải trí, viết lách, và hoạt động từ thiện.
Sau một thời gian tham gia công tác từ thiện với nhiều tổ chức, năm nay, Amazin Lethi tự đứng ra thành lập hội từ thiện riêng với mục tiêu nâng cao nhận thức về HIV/AIDS đặc biệt ở phụ nữ, trẻ em và giúp giải quyết các vấn đề của bệnh nhân HIV bằng cách phá vỡ thành kiến xã hội, sự sợ hãi, và ngược đãi đối với người bị nhiễm HIV.
Tuy còn bận bịu với nhiều dự án cho tổ chức mang tên Amazin Lethi mới thành lập, nhưng cô không ngần ngại nhận lời làm đại sứ thiện chí toàn cầu cho Vietnam Relief Services (VRS), một tổ chức từ thiện phi lợi nhuận có trụ sở tại Mỹ chuyên giúp đỡ trẻ em và người nghèo tại Việt Nam.
Tạp chí Thanh Niên hôm nay mời quý vị và các bạn cùng gặp gỡ người phụ nữ nhân ái, đa tài Amazin Lethi để tìm hiểu về các hoạt động từ thiện của cô.
Trà Mi: Chúc mừng chị trở thành đại sứ thiện chí toàn cầu của tổ chức từ thiện VRS. Bằng cách nào chị được chọn đảm nhận vị trí này?
Amazin Lethi: Tôi có liên lạc với sáng lập viên của VRS từ năm ngoái. Anh tìm thấy tôi qua Twitter và chúng tôi có dịp gặp nhau nhiều lần. Tổ chức của anh muốn tìm người đại diện là một gương mặt được nhiều người biết đến. Chúng tôi có cùng sứ mạng và quan điểm. Tôi rất vinh dự được góp tay cùng một tổ chức làm rất nhiều việc tốt cho người dân Việt Nam như VRS.
Trà Mi: Chị đã thành công trong rất nhiều lĩnh vực khác nhau. Mục tiêu của chị trong vị trí mới được bầu chọn này là gì?
Amazin Lethi: Với cương vị đại sứ thiện chí toàn cầu, một trong những mục tiêu của tôi là khuyếch trương tiếng nói thiện chí của tổ chức trên thế giới, làm cầu nối giữa những người hảo tâm với những người cần được giúp đỡ tại Việt Nam, đặc biệt là trẻ em.
Amazin Lethi
Trà Mi: Ngoài tấm lòng và công tác thiện nguyện, câu chuyện thành công của chị cũng là một điều rất đáng khâm phục, từ một cô bé mồ côi trở thành một nhân vật công chúng được nhiều người biết tiếng trên thế giới. Làm thế nào chị có thể tiến xa như vậy?
Amazin Lethi: Từ khi còn nhỏ, tôi đã định hình rõ ràng rằng mình phải làm một điều gì đó có tác động đối với xã hội và thế giới. Rồi khi gia nhập vào ngành công nghiệp giải trí, tôi luôn luôn ấp ủ ý tưởng cần phải làm điều gì đó cho cộng đồng riêng của mình. Từ năm lên 6 tuổi tôi bắt đầu tập thể hình. Đây là bước ngoặt trong đời tôi. Tôi ngưỡng mộ diễn viên Arnold Schwarzenegger, người tự thay đổi cuộc đời mình bằng cách thức rất độc đáo là tập luyện thể hình. Tôi muốn bước vào ngành công nghiệp giải trí, truyền hình, làm diễn viên, nhưng tôi nhận ra cần phải làm điều gì đó để mình trở thành nổi trội và khác biệt với số đông, và tôi chọn môn thể hình làm nền tảng bởi vì cái lạ là ở chỗ một phụ nữ trẻ Á Đông lại theo đuổi môn thể hình làm nghề nghiệp tiến thân. Tôi nhận ra rằng để thành công, ngoài tài năng, bạn cần có sự thôi thúc và quyết tâm nữa.
Trà Mi: Vì sao chị quay về Việt Nam làm từ thiện?
Amazin Lethi: Người ta có thể đưa một người ra khỏi quê hương xứ sở, nhưng không thể làm cho những suy nghĩ về đất nước bản xứ ra khỏi tâm trí người ấy. Khi tôi ở giữa những người Việt Nam bản xứ, khi tôi về Việt Nam, tôi nhìn thấy và cảm nhận những điều mà dù tôi không trưởng thành từ đó, nhưng lại là những điều bên trong tôi, những gì làm nên con người của tôi. Tôi nghĩ trẻ em cần được một tương lai tươi sáng cho dù là các em đang phải chịu những hoàn cảnh thế nào đi chăng nữa. Vì vậy, chúng ta rất cần phải hỗ trợ các em. Nếu các em, thế hệ kế tiếp, mà không có cơ hội phát triển thì cộng đồng, xã hội, và đất nước cũng không thể phát triển. Bản thân tôi cũng là một trẻ mồ côi, tôi đã có cơ hội đạt được nhiều điều to lớn hơn mình từng nghĩ. Cho nên, tôi tự thấy mình cần phải trở lại Việt Nam và giúp đỡ cho những người trẻ kém may mắn. Tôi đã đi rất nhiều nơi từ Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, Hải Phòng, tới Hà Nam thăm trại trẻ mồ côi Bình Lục. Tổ chức từ thiện VRS và riêng bản thân tôi đang giúp đỡ trung tâm này. Tôi cung cấp hệ thống máy vi tính cho trung tâm.
Trà Mi: Nếu có một điều chị có thể làm để giúp cải thiện cuộc sống của trẻ em kém may mắn tại Việt Nam, ưu tiên số một của chị là gì?
Amazin Lethi và trẻ em Việt Nam
Amazin Lethi: Thật khó trả lời câu hỏi này vì tôi thấy có quá nhiều điều cần phải ưu tiên. Điều đầu tiên đối với tôi là phát triển các nguồn quỹ và chương trình học bổng toàn quốc cho các trẻ em Việt kém may mắn để các em biết là các em có cơ hội được học tập, cơ hội phát triển khả năng, và cơ hội tiến thân đổi đời. Tôi cũng đang tìm kiếm các chương trình học bổng cho các em để khuyến khích các em phấn đấu và thay đổi số phận của mình. Một ưu tiên khác nữa đối với tôi là chấm dứt sự khinh miệt, phân biệt đối xử với những người kém may mắn để họ không bị đẩy ra ngoài lề xã hội.
Trà Mi: Nguyên do nào hội từ thiện riêng do chị thành lập đặt trọng tâm hướng tới những người bị nhiễm HIV chứ không phải là một thành phần nào khác?
Amazin Lethi: Đây là câu hỏi nhiều người đặt ra với tôi rằng tại sao đặt trọng tâm vào HIV chứ không phải là nước sạch hay một lĩnh vực nào khác. Lúc còn nhỏ, đã từng có lúc tôi sợ hãi, xa lánh người bệnh AIDS. Nhưng khi trưởng thành, làm việc trong ngành tập luyện sức khỏe, tôi gặp gỡ nhiều trường hợp bị AIDS hơn và hiểu rõ những khó khăn của họ hơn. Từ đó, tôi nhận ra rằng HIV có thể là tâm điểm giúp giáo dục kiến thức về sức khỏe cho mọi người. Khi tôi gặp cô gái Việt Nam bị nhiễm AIDS Phạm Thị Huệ, tôi rất xúc động trước hoàn cảnh và những việc làm của cô ấy cống hiến cho xã hội. Tấm gương của cô Huệ cho tôi thấy rằng những người như Huệ rất cần được hỗ trợ.
Trà Mi: Hiện tại chị có những dự án nào tập trung vào Việt Nam mà chị muốn chia sẻ không?
Amazin Lethi: Tôi đang ấp ủ một số sáng kiến, trong số này có Dự án Asia Alive Project tập trung về vấn đề HIV. Một dự án khác tên là Dự án Liên minh Thể thao trẻ. Qua đó, tôi định thành lập một học viện thể thao cho giới trẻ và các trại hè, đặc biệt nhắm tới trẻ bị nhiễm HIV, để giúp các em hội nhập với xã hội thông qua các hoạt động thể thao. Chúng tôi đang nói chuyện với một số đối tác địa phương ở Việt Nam để tìm cách phát triển các dự án này.
Trà Mi: Nhiều người rất muốn tham gia các công việc từ thiện, nhưng bị ngăn trở bởi đời sống bận rộn, công ăn việc làm, hay vướng bận gia đình. Là một người hoạt động từ thiện hăng hái, chị có lời khuyên nào chăng?
Amazin Lethi: Nhiều người nghĩ vậy. Họ nói họ quá bận bịu với đời sống thì làm sao có thời gian để hướng tới những người mà họ không quen biết. Tôi quan niệm rằng cho đi là cách để ta thăng tiến và phát triển đời sống cá nhân. Không nhất thiết phải làm những chuyện lớn lao như từ Mỹ bay sang tận Việt Nam cống hiến thời gian giúp đỡ người nghèo hay phải đóng góp tiền bạc lớn lao mới là làm từ thiện. Một nghĩa cử đơn giản như lâu lâu góp 10 đô la cho các tổ chức thiện nguyện cũng là một việc làm từ thiện rồi. Các bạn có thể bắt đầu bằng cách đóng góp những khoản nho nhỏ trong khả năng của mình vào bất cứ lúc nào có thể, và bạn sẽ không cảm thấy làm việc thiện mất nhiều thời gian và công sức.
Trà Mi: Xin chân thành cảm ơn chị đã dành cho chúng tôi buổi trò chuyện này.
Vừa rồi là Amazin Lethi, nữ lực sĩ mồ côi gốc Việt thành danh trên quốc tế, người sáng lập hội từ thiện Amazin Lethi và cũng là đại sứ thiện chí toàn cầu của tổ chức từ thiện tại Mỹ mang tên Vietnam Relief Services, với các hoạt động thiện nguyện giúp đỡ trẻ em và người nghèo tại Việt Nam.
Tin mới
- Alex Huỳnh và ‘Dự án h.o.p.e.fly’ cứu nạn nhân bão Sandy - 27/11/2012 14:25
- Bức tranh Úc: Đất nước - 26/11/2012 15:23
- Thi hoa hậu sinh viên Việt Nam: Nụ cười, nước mắt, và những cái ôm xiết - 25/11/2012 16:25
- Tiếng Việt dấu yêu - 24/11/2012 14:33
- Những chiếc bóng lẻ loi trong ngày Lễ Tạ Ơn - 23/11/2012 15:20
- Lễ Tạ Ơn trong gia đình người Việt - 22/11/2012 14:41
- Santa Ana Bỏ Phiếu: Đồng Ý Cấm Cửa VC - 21/11/2012 14:56
- 'Người Nhái VNCH' gây quỹ giúp đồng đội thương phế binh tại Việt Nam - 20/11/2012 15:11
- OCVA Lions mở hội chợ thực phẩm giúp người nghèo - 19/11/2012 14:56
- Người Việt là 'dân tộc thiểu số' ở Czech? - 18/11/2012 16:10
Các tin khác
- Người phụ nữ thuyền nhân năm xưa liên tiếp đoạt huy chương cao nhất về làm bánh ở Úc - 16/11/2012 15:03
- "Đào Café" sản phẩm nổi tiếng Đông Nam Á - 15/11/2012 15:15
- Trường đại học cộng đồng San Jose City College lên tiếng xin lỗi và lấy cờ CSVN ra khỏi banners và posters của trường - 14/11/2012 14:55
- Cậu bé gốc Việt tỏa sáng trong cuộc thi tài năng Đức - 13/11/2012 14:58
- Nấu cơm tháng ở Little Saigon - 11/11/2012 16:06
- Bé trai gốc Việt được thưởng giải viết văn, tặng cho bệnh viện nhi đồng - 10/11/2012 15:09
- Từ Trần Thị Ngọc Bích đến sĩ quan Hải Quân Mỹ Kimberly Mitchell - 09/11/2012 14:59
- Ông Tạ Trí tràn trề hy vọng đắc cử Thị Trưởng Westminster - 08/11/2012 15:17
- Học sinh gốc Việt với việc vừa đi học vừa đi làm - 07/11/2012 15:12
- Chung tiếng nói với một triệu con tim, - 06/11/2012 15:05