Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Chôn đắt, nhưng thiêu cũng không rẻ

Kỳ III - Chôn đắt, nhưng thiêu cũng không rẻ

Làm người ai cũng phải đến lúc chết, và cái chết là nhất định, nhưng không ai muốn bàn đến chuyện chết và lo cho chuyện chết được êm đẹp. Chúng ta đã từng sắp xếp cho những chuyến du lịch lâu ngày như mua vé máy bay, sắp xếp hành trang, thuê nhà trọ, yêu cầu bưu điện giữ lại thư từ. Nhưng với chuyến ra đi vĩnh viễn, không trở về, chỉ có một số nhỏ lo mua đất chôn, sắp xếp chuyện hỏa thiêu, mua trước phần nhà quàn, nhưng ít người sửa soạn cho mình chuyện sau khi nằm xuống, thế tục thường gọi là “chuyện hậu sự,” bởi vì chuyện ấy còn xa, thậm chí đôi khi người ta còn sợ hãi mỗi lúc phải nói đến.

hausu ky3 1Chỗ để hộp tro cốt tại Nghĩa Trang Chúa Chiên Lành, Huntington Beach.

Chôn hay thiêu? Quàn bao lâu? Nghi thức tôn giáo? Giá cả ra sao?

Ðó là những câu hỏi phải có được biết trước khi chết.

Từ một bình hoa đến một cuốn sổ ký tên, cây bút đều tính bằng tiền.

Ngày xưa có câu chuyện một anh chàng hà tiện sắp chết đuối được người ta đến cứu nhưng trả giá, thấy giá quá đắt, anh ta nói:“Ðắt quá, thà chết còn hơn!”

Sau khi đọc phóng sự này mà các bạn thấy cái chết quá đắt, nhiều chuyện không ngờ như bạn tưởng, thì hãy đừng vội chết, và nói: “Ðắt quá, thà sống còn hơn!”

Nếu tang gia quàn quan tài người mất và thiêu hay chôn cùng một nơi đương nhiên sẽ ít tốn kém hơn. Có gia đình quàn tại Peek Family nhưng lại đưa về chôn cất ở nghĩa trang Chúa Chiên Lành Huntington Beach, Melrose Abbey Memorial Park hay Anaheim Cemetery thì việc di chuyển quan tài rất tốn kém: $495 trong vòng 50 dặm, một dặm tính thêm $2.

Chở quan tài đi các tiểu bang khác hay về Việt Nam

Theo sự tiếp xúc của chúng tôi với ông Ðức Nguyễn, cố vấn hậu sự ở Westminster Memorial & Peek Family, nêu lên một ví dụ, nếu một người từ tiểu bang Florida đi du lịch hay thăm bà con ở California, chẳng may qua đời tại đây cần tẩm liệm để đưa về quàn tại tiểu bang nhà, chi phí là $1,585 (bao gồm việc nhận xác, tẩm liệm, đặt xác vào quan tài, chuyển ra phi trường, giấy phép...)

Chi phí này không bao gồm giá quan tài - theo luật định để bảo đảm cho việc di chuyển tối thiểu, xác phải đặt trong thùng gỗ “Alternative Containers” ($145.00).

Giá quan tài dành cho người lớn từ $695 đến $8,695, giá quan tài trẻ em (Infant or Child) từ $85 đến $1,895.

Xin nhắc lại giá ngày quàn tại đây: Dịch vụ tối thiểu (tính chung một tang lễ) phải trả cho:

- Người phụ trách tang lễ và nhân viên của nhà quàn: $1,075,

- Dịch vụ quàn và thăm viếng: $500 mỗi ngày (mỗi ngày thêm là $500). Quàn vào ngày Thứ Bảy và Chủ Nhật: thêm $475 mỗi ngày,

-Tiền phục vụ của nhân viên nhà quàn: $700 mỗi ngày.

Nếu chở quan tài về Việt Nam thì phải có giấy tờ của lãnh sự quán ở San Francisco và thân nhân phải lo tiền máy bay.

Theo cô Tố Nga ở nhà quàn Melrose Abbey Anaheim (2303 S. Manchester) thì chi phí chuyển quan tài về Việt Nam giá từ $10,000.00 đến $12,000.00. Việc liên lạc với thân nhân để thông báo ngày giờ tiếp nhận tại Việt Nam sẽ do nhà quàn đảm trách.

hausu ky3 2Chỗ để hũ tro cốt tại chùa Liên Hoa, Garden Grove.

Ðể bổ túc cho giá đất trong kỳ trước, giá đất của Melrose Abbey, khu bia đứng (phần đông là người Việt Nam) là $4,075 và khu bia nằm là $5,800.

Nói chung việc chôn cất hay di chuyển thi hài đi trong nước Mỹ hay ra ngoại quốc rất tốn kém và phiền phức, tuy vậy theo nhu cầu của gia đình hay ước nguyện của người quá cố, hiện nay cũng có gia đình đưa quan tài về nước để được “nằm gần với vợ hoặc chồng” hay từ trong nước sang Hoa Kỳ để được gần gũi với gia đình. Năm 2009, tôi có dự đám tang của một thân hữu bị bạo bệnh mất ở Việt Nam, nhưng được quàn và an táng tại Westminster. Ông Nguyễn Phước H., muốn về VN thăm thân nhân lần chót. Gia đình ông có hứa với ông là ông cứ yên tâm, nếu ông có mệnh hệ nào thì gia đình sẽ đem ông trở lại Hoa Kỳ.

Việc di chuyển quan tài từ Mỹ về Việt Nam hay trở lại cũng có chi phí tốn kém như nhau.

Ông Ðức Nguyễn của Westminster Memorial, qua cuộc tiếp xúc, cũng trả lời câu hỏi của chúng tôi về thắc mắc của thân nhân có phải “thi hài khi tẩm liệm bị mổ lấy hết gan ruột và đóng cây sắt trong mình” không? Ông cho biết nhân viên chuyên môn của nhà quàn chỉ chích hóa chất vào thi thể để tránh việc hoại tử sớm, cũng như để giữ vệ sinh trong lúc quàn. Trừ trường hợp người qua đời lúc sống đã bằng lòng hiến tặng các cơ phận cho các cơ quan y tế, sẽ có các nhân viên chuyên môn đến làm việc, ngoài ra theo luật pháp, không ai có thể lạm dụng đến các thi thể này.

Tốn phí cho nghi thức tôn giáo

Nhân viên phụ trách nhà quàn sẽ thiết lập bàn thờ tùy theo tôn giáo của người qua đời, trừ lễ vật là do gia đình cung cấp.

Ngoài ra, tang gia thường mời các linh mục Thiên Chúa, mục sư Tin Lành hay các tu sĩ Phật Giáo đến để làm lễ cầu siêu hay cầu hồn cho linh hồn người thân qua đời, việc này do tang gia đảm trách. Việc này tốn kém ra sao, có lẽ chúng ta cũng phải nói tới, như một trong những tốn phí của việc “hậu sự,” không nên tránh né.

Chủ một cơ sở thương mãi ở Westminster, có cho chúng tôi biết, khi thân phụ bà qua đời, bà có mời một số linh mục quen biết đến làm thánh lễ, sau đó bà có bỏ phong bì tặng cho mỗi Cha $100 như làm quà.

Một nữ bác sĩ Việt Nam ở thành phố Oakland, trong chỗ thân tình nói: “Khi chồng bà qua đời, bà có mời một linh mục cai quản một nhà thờ đến làm lễ. Sau đó bà có viết một tấm chi phiếu và một thiệp cám ơn, gửi đến ông. Vị linh mục này nhận tấm thiệp cám ơn nhưng gửi trả lại cho bà tấm ngân phiếu!”

Cách đây năm năm, có mấy cháu họ tôi, khi mẹ chúng qua đời, có đến một ngôi chùa ở Little Saigon mời thầy trụ trì đến tụng niệm. Thường thì nghi thức Phật Giáo có các phần cầu siêu, phục tang, cúng cơm và tụng niệm trong lễ di quan ra lò thiêu hay phần mộ để chôn cất. Trước đó, chùa nói với tang gia: “Tùy khả năng, tùy hoàn cảnh...”, nhưng khi xong tang lễ, các cháu đến chùa cám ơn và gửi chi phí cho thầy $700 thì thầy nói rằng: “Thông thường, gia đình khác đưa $2,000.”

Các cháu thưa với thầy về trình lại mẹ các cháu, nhưng vì “tùy khả năng, tùy hoàn cảnh,” các cháu đi luôn không trở lại!
Chúng tôi mong muốn, các cơ sở tôn giáo có hẳn một giá cả cho dịch vụ cho tang lễ, để gia đình người quá cố dễ tính toán mà không bị mặc cảm ray rứt, như là có lỗi với người sống lẫn người chết!

Chôn đắt, nhưng thiêu cũng không rẻ

-Thiêu rồi đem tro đi đâu?

Ðất ở Nghĩa Trang Mountain View, Oakland, California, 10 năm trước giá mỗi huyệt là $6,000 hiện nay giá lên $20,000 cho mỗi huyệt. Phần lớn là người di dân người Hoa mua cho gia đình từ 5 đến 10 chỗ.

Ðất dành cho người sống càng ngày càng đắt, đất cho người chết cũng vậy! Ðất chôn quá đắt thì chúng ta phải nghĩ đến chuyện thiêu!

hausu ky3 3Một bông hồng cho người vừa nằm xuống.

Nếu đã có dự định sau khi chết sẽ thiêu thân xác mình, hay nếu đã có nơi chôn cất mà phút chót đổi ý muốn thiêu, nhưng thiêu rồi, tro cốt để ở đâu?

Có người ngỏ ý muốn đem hủ tro này bón cho những cây hoa hồng trong vườn, làm phân cho những vồng ớt (nếu là phụ nữ) hay để trồng cây si (nếu là đàn ông,) nhưng cho đến nay chưa ai làm việc này, vì dầu sao, khi người thân không còn, thì mớ tro cốt còn lại cũng là những kỷ vật thiêng liêng của gia đình.

Nhiều gia đình để bình tro cốt trên bàn thờ của gia đình.

Nhiều gia đình đem bình tro đi theo các chùa ra biển, trong những dịp gọi là “vớt vong” thường là vào mùa Hè, sau khi làm lễ cầu siêu,” để rải tro trên biển.

Gia đình cựu Trung Tướng Ngô Quang Trưởng đã chuẩn bị chuyện hậu sự mua đất cho hai ông bà, nhưng cuối cùng, theo ước nguyện của người quá cố trước khi mất, bà Ngô Quang Trưởng đã đem tro của ông về rải trên đèo Hải Vân thuộc Vùng I Chiến Thuật, chiến trường ngày xưa, năm 2008.

Có nhiều nơi để tro cốt của người quá cố như ở các chùa, nơi đây có xây dựng những “bảo tháp” dành cho các hũ tro do thân nhân mang lại “ký gửi” với lý do là muốn cho linh hồn thân nhân gần gũi với kinh kệ.

Hiện nay chùa Liên Hoa đã hết chỗ để tro cốt, chùa Bảo Quang đang để tạm tro cốt trong một ngôi tháp nhỏ, nay mai sẽ xây tháp mới khang trang và di chuyển tro cốt về đó. Chúng tôi có đến gặp hòa thượng viện chủ chùa, nhưng thầy đi vắng, thầy “Sư Nhỏ” cho chúng tôi biết tiền gửi tro cốt vào chùa là $1,000.

Ở các nghĩa trang Công Giáo có các nơi khang trang, xây từng ngăn nhỏ, bên ngoài có khắc tên, để tro người quá vãng.
Tiền gửi tro, sở hữu một hộc đựng bình tro ở:

-Nghĩa Trang Chúa Chiên Lành (Good Shepherd Cemetery, Huntington Beach): $4,000.
-Nhà Thờ Kiếng (Crystal Cathedral): $7,750.
-Nghĩa trang Melrose Abbey: từ $3,500.00 đến $4,800, tùy theo vị trí.

Chúng tôi xin ghi thêm giá hộc dựng tro ở một vài nhà thờ lớn có nhiều chi nhánh khắp California như “Chapel of the Chimes,” giá ở Oakland năm 1992 là $4,500, chỉ 8 năm sau (2010) giá là $15,000.

Qua ba kỳ báo, chúng tôi đã sơ lược cho các bạn những con số chi phí đáng kể và cũng đáng sợ. Ðối với những gia đình đã mua bảo hiểm nhân thọ (Life Insurance) hay giàu có muốn tổ chức tang lễ cho đúng với địa vị và hoàn cảnh, nếu chúng ta không có khả năng tài chánh hay không chuẩn bị trước, có lẽ sẽ gặp nhiều khó khăn bất ngờ!

Sau khi viết bài phóng sự này, tôi chỉ có một điều mong muốn gửi đến tất cả mọi người:

“Ðừng vội chết! Xin trì hoãn được ngày nào hay ngày đó, vì cái chết không rẻ như ta tưởng!”

Switch mode views: