Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Vận động Dự Luật 30 trong cộng đồng Việt

WESTMINSTER (NV) - Số liệu cho thấy khi được California Calls dùng tiếng Việt để tư vấn về Dự Luật 30, người gốc Việt bỏ phiếu ủng hộ dự luật này nhiều hơn các sắc dân khác. “Người Việt dễ trò chuyện và chịu thuyết phục hơn cử tri Mỹ trắng,” bà Tôn Nữ Chiêu An, phụ trách ban tiếng Việt của California Calls, cho biết.

duluat30 1“Người Việt dễ trò chuyện  và chịu khó lắng nghe hơn cử tri Mỹ trắng,” người quản lý ban tiếng Việt của California Calls nói. (Hình minh hoạ: Frederic J. Brown/ Gettyimages)

“Họ rất vui khi thấy các nhân viên nói được tiếng Việt,” bà Chiêu An nói thêm với phóng viên nhật báo Người Việt. Cuộc vận động Dự Luật 30 trước cuộc tổng tuyển cử năm 2012 là lần đầu tiên chương trình tiếp cận người dân của tổ chức California Calls có nhân viên nói tiếng Việt.

Dự Luật 30 do Thống Ðốc Jerry Brown đề ra trước cuộc tổng tuyển cử 2012, dự trù thu thuế mỗi năm thêm $7 tỷ, để tiểu bang khỏi cắt sâu thêm vào ngân sách tài trợ các trường công lập từ mẫu giáo đến đại học. Đổi lại, những cư dân có thu nhập trên $250,000 một năm sẽ bị tăng thuế lợi tức từ 1% đến 3% trong vòng 7 năm, và tất cả mọi người phải đóng thêm .25% cho thuế tiêu dùng (thêm 25 cent cho mỗi $100) trong vòng 4 năm.

Dự Luật 30 có ảnh hưởng lớn nhất đến giáo dục của tiểu bang California. Nếu không được thông qua hồi năm ngoái, ngân sách giáo dục do tiểu bang tài trợ cho các học khu đã tự động bị cắt giảm nặng, tổng cộng hơn $6 tỷ, nghĩa là, phụ huynh phải đóng nhiều học phí hơn.

“Người gốc Việt rất quan tâm đến giáo dục, người lớn tuổi cũng như người còn trẻ,” bà Chiêu An kể về dự án California Calls. Tương tự, bà Derecka Mehrens, giám đôc điều hành của Working Partnerships USA trong dự án tiếng Việt của California Calls, nói: “Cộng đồng Việt Nam rất háo hức, lắng nghe chúng tôi nói về Dự Luật 30.”

Tổng cộng, nhân viên người Việt của California Calls đã gọi đến 120,000 đồng hương, để được hơn 10,000 người bắt máy. Làm việc từ sáng sớm đến chiều tối, gọi cho 10 người mới được nói chuyện với 1 người, vậy mà, đại diện của Working Partnerships và California Calls nói dự án “rất vui, rất thành công.”

“Nhiều người Việt mình không có thói quen đi bầu hay theo dõi chính trị Hoa Kỳ, họ nói nếu chúng tôi không trò chuyện với họ, thì họ đã không biết về Dự Luật 30,”  bà Chiêu An cho biết.

Bà giải thích thêm: “Chúng tôi nói bằng tiếng Việt, khi gọi đến cộng đồng, họ chịu khó lắng nghe, cho chúng tôi cơ hội để trình bày. Giữa hai người Việt với nhau, có sự cảm thông và tôn trọng nhiều hơn.”

California Calls một tổ chức về vận động bầu cử trong cộng đồng, hoạt động rộng khắp tiểu bang, tập trung vào người nghèo, người thiểu số, dân nhập cư và thanh thiếu niên. Working Partnerships, một tổ chức chi nhánh của California Calls, đặt trụ sở tại San Jose, nơi có rất đông người Việt sinh sống.

Từ 2009,  California Calls bắt đầu sử dụng phương thức “California Dream,” qua hệ thống điện thoại mới và các tình nguyện viên, liên lạc các gia đình dân nhập cư và người có thu nhập thấp để thử nghiệm cách thuyết phục các cử tri đi bầu nhiều hơn. Năm 2012 là lần đầu tiên  California Calls dùng tiếng Việt để tiếp cận cộng đồng Việt Nam. Kết quả của dự án đã làm chính các nhân viên của  California Calls bất ngờ.

duluat30 2Một người vận đồng bỏ phiếu thuận cho Dự Luật 30 tại California, 2012. (Hình: Kevork Djansezian/Gettyimages)

75% những cử tri gốc Việt có nói chuyện với California Calls đã bỏ phiếu ủng hộ cho Dự luật 30. Tỉ lệ trung bình này của các cử tri gốc Việt khác là 64%.

Bà Chiêu An cho biết thêm: “Những người lớn tuổi thường hỏi thêm thông tin, muốn nói chuyện lâu hơn. Những người trẻ tuổi, thông thường không lắm đến chính trị, nhưng lần này để ý nhiều đến Dự Luật 30 vì ngân sách trường học của họ sẽ bị cắt giảm.”

“Họ lập đi lập lại rằng họ chưa bao giờ được nghe có đồng hương gọi để giải thích tận tường về các dự luật trong tiểu bang,” bà Derecka nói. “Chúng tôi rất vui khi người Việt, nhất là những người lớn tuổi, chịu khó nghe chúng tôi nói chuyện.”

Cả bà Chiêu An và bà Derecka đều nói với phóng viên nhật báo Người Việt: “Hy vọng chúng tôi sẽ có thêm nhiều cơ hội để giúp cộng đồng Việt Nam tăng cường sức mạnh chính trị.”

Qua thành công của cuộc vận động dùng tiếng Việt cho Dự Luật 30 hồi Tháng Mười Một 2012, bà Derecka Mehrens kết luận: “Cuộc vận động cho thấy, bên cạnh thông điệp gửi đi, việc lựa chọn người gửi nó đi cũng rất quan trọng.”

Switch mode views: