Phụ nữ sơn sửa nhà, đóng kệ gỗ, đi dây điện: Chuyện nhỏ!
- Thứ Bảy, 10 tháng Sáu năm 2017 09:00
- Tác Giả: Phụng Linh/Người Việt
Chiếc xe cart đựng đầy các ống sơn của một nữ Phật tử mua tại Home Depot để sơn tượng Phật bị hư. (Hình: Phụng Linh/Người Việt)
WESTMINSTER, California (NV) – Họ là những người bề ngoài trông mảnh mai, thon thả, thậm chí yếu ớt vì gầy nhom. Thế nhưng không ai ngờ rằng họ có đôi bàn tay khéo léo, làm được những việc xưa nay vốn của đàn ông.
Một tỉ lệ không nhỏ
Tôi kinh ngạc khi biết ra rằng, số lượng khách hàng của cửa hàng Home Depot tọa lạc tại đường Garden Grove thuộc thành phố Garden Grove, Orange County, Nam California dao động khoảng từ 3,000 đến 6,000 người mỗi ngày, và trong số này có đến 40% là phụ nữ. Theo cô Rachelle, nhân viên bán hàng của Home Depot Garden Grove, các nữ khách hàng đến đấy mua đủ thứ loại vật dụng cần thiết cho việc xây dựng, từ gỗ, sơn, hộp đèn, dây điện đến đinh, cọ, xi măng…
Như vậy là trung bình 10 cư dân Orange County thì có đến 4 người thuộc nữ giới đi mua các loại vật liệu xây dựng, lâu nay là công việc của người đàn ông, một tỉ lệ không nhỏ.
Trưa Chủ Nhật 28 Tháng Năm, tôi có mặt ở Home Depot Garden Grove và may mắn thu thập được chứng cứ cho thấy thống kê của Rachelle là có thể tin cậy được.
Tôi gặp ở bãi đậu xe một phụ nữ đẩy chiếc cart chất đầy hộp đèn điện gắn trần nhà đến chất vào chiếc xe Lezus màu trắng. “Em tự gắn lấy hay sao?” tôi hỏi. Cô cho biết tên Tracy Nguyễn, cư dân thành phố Westminster. Tracy nói rằng cô luôn luôn đích thân đi mua các vật dụng trang trí nội thất cho căn nhà của mình, từ các hộp đèn, cho đến khung cửa sổ rồi thuê thợ đến lắp ráp. Cô tự chọn các vật dụng trang trí nội thất theo đúng ý mình, và chưa bao giờ giao phó cho bất kỳ ai khác.
Tôi trờ tới để hỏi thăm một phụ nữ có dáng dấp khá khỏe mạnh nhưng không mấy cao lớn, chị Phương Võ, cư dân thành phố Santa Ana đang lui cui nhờ một nhân viên Home Depot Garden Grove cắt từng thanh gỗ để tự đóng lấy chiếc kệ gỗ treo trên tường. Chị Phương tâm sự: “Tôi không khéo tay, đôi khi tính toán vụng về nên chiếc kệ gỗ đóng xong không thật sự hoàn hảo. Nhưng tôi hài lòng vì chiếc kệ được đính vào một lỗ trống trên tường đủ để đặt những vật dụng linh tinh như thuốc men, chai nước sơn móng tay, những chiếc đồng hồ để bàn nhỏ gọn.” Theo chị, giá gỗ để đóng chiếc kệ nhỏ chỉ vào khoảng 30 Mỹ kim, chẳng thấm vào đâu so với tiền công thuê thợ đóng rồi lắp cho mình.
Chị cho biết, ngôi nhà chị ở chỉ toàn phụ nữ, không có lấy một người đàn ông, coi như không tìm ra đâu được một “lao động phổ thông cần thiết” nên phụ nữ ở nhà chị phải đứng ra làm những việc lẽ ra chỉ dành cho đàn ông.
Chị Phương Võ giới thiệu cho tôi gặp một vài người bạn thân thiết của chị cư ngụ trong vùng. Tất cả đều là phụ nữ, cư dân thành phố Garden Grove và đều có kinh nghiệm làm những việc sửa chữa đèn, đi dây điện, đóng kệ gắn tường, kể cả sơn vách tường, cửa sổ. Chị Nguyệt Nguyễn, cư dân khu mobile home park ở đường Euclid cho biết, chị tự sơn lấy cửa sổ, vách tường căn nhà nhỏ của mình. Theo chị, cầm một cái cọ để sơn phết là chuyện không hề khó khăn với chị em phụ nữ ở Hoa Kỳ. Chị nói: “Công lao động ở xứ Mỹ này mắc lắm. Tội gì mà không tự mình làm. Vừa làm, vừa dọn, và tiết kiệm được một số tiền không nhỏ.”
Tôi còn may mắn gặp được chị Thu Trần, một phụ nữ đã ngoài tuổi 60 nhưng đi lại khá nhanh nhẹn, cư dân khu Sahara Mobile Home Park ở đường Newhope, thành phố Santa Ana. Bà kể nhiều lần gọi một người thợ sửa chữa nhà đến gắn chiếc đèn trên trần nhà nhưng ông không đến theo lời hẹn. Giận quá, bà Thu Trần leo lên chiếc thang, tự nối dây điện để lắp bóng đèn trên trần nhà. Khi bật công tắc và đèn phựt sáng, bà Thu Trần vui mừng không sao kể xiết. Chừng đó, bà mới hiểu ra, việc sửa chữa nhà, tu bổ những chỗ cũ, hư để mái ấm của gia đình thêm ánh sáng và màu sắc rực rỡ, sinh động là một việc quá dễ dàng đối với người phụ nữ. Bà thốt lên: “Trừ những việc quá phức tạp như gắn bồn cầu tiêu, đi ống nước ngầm, tôi chưa làm, còn hầu hết những việc sửa chữa lặt vặt khác thì tôi tự tay làm lấy, có gì khó đâu.”
Phụ nữ tu sửa tượng Đức Phật Thích Ca ở chùa Bảo Quang, Santa Ana
Cùng ngày tôi cuộc gặp gỡ một nữ Phật tử tại Home Depot Garden Grove. Đây là cô gái không biết gì về nghề đúc tượng thạch cao, nhưng đã bền bĩ theo đuổi việc sửa chữa, đắp lại pho tượng đức Phật Thích Ca bị hư, vỡ.
Cô xin được giấu tên, chỉ cho biết là DN, một Phật tử cư ngụ tại thành phố cách Little Sài Gòn khoảng 2 tiếng đồng hồ lái xe. Khoảng 4 tháng trước, cô tìm thấy một pho tượng đức Phật Thích Ca Mâu Ni bị hư, vỡ, trầy xướt. Lòng mộ đạo chân thành khiến cô quyết định đưa pho tượng đến gửi tại một căn phòng của chùa Bảo Quang, và mời gọi nhiều anh chị em Phật tử cùng góp công tu sửa.
Chị Yến Nguyễn tu sửa mái tóc của pho tượng Đức Phật Thích Ca. (Hình: Phụng Linh/Người Việt)
Tôi vô tình gặp DN lúc cô đang mua hàng chục ống sơn màu trắng, gần như dọn hết hàng trên kệ sơn của Home Depot Garden Grove, nhưng vẫn còn thiếu đến 3 ống. Nhân viên ở đây phải xác định trên mạng các chi nhánh khác của Home Depot có bán loại sơn đó để DN chạy đến mua thêm. Số tiền lên tới hàng trăm Mỹ kim vẫn không làm chị nản lòng. Điều đáng trân trọng là DN không biết gì về nghề đúc tượng, và bỗng dưng vô tình chị trở thành người thợ đắp xi măng, thạch cao, rồi sơn phủ lên để pho tượng Phật trở nên trắng trẻo như mới.
Đến một góc phòng nằm trong khuôn viên chùa Bảo Quang, toạ lạc tại đường Newhope, thành phố Santa Ana, tôi gặp chị Diệu Liên, cư dân thành phố Los Angeles và chị Yến Nguyễn, cư dân thành phố Santa Ana đang đắp xi măng trắng lên những chỗ nứt vỡ trên pho tượng. Chị Yến khoác một cái áo bằng nylon màu đen đang tỉ mỉ đắp từng miếng xi măng trên đầu tóc của pho tượng. Chị cho biết chị tưởng tượng như đang cắt tóc của Đức Phật và tình yêu Phật pháp khiến chị làm việc thiện nguyện không biết đến mệt mỏi.
Cuối cùng thì hầu như tất cả những người phụ nữ ở xứ Mỹ đều có thể làm được những việc tu sửa lặt vặt trong nhà liên quan đến ngành nghề xây dựng mà tôi gặp đều thừa nhận rằng, các nhà máy đã cung cấp cho họ đầy đủ các vật liệu. Không đâu như ở Hoa Kỳ, các cửa hàng xây dựng, lớn nhất là hệ thống Home Depot, Ikea có bán tất cả hàng trăm ngàn loại vật liệu cần thiết cho việc xây dựng, sửa chữa, trang trí nhà ở, từ cái bồn tắm cho đến chiếc đinh vít.
Người thợ xây dựng chỉ cần móc ra những món hư, cũ để lắp vào cái mới. Chuyện nhỏ như vậy nên chị em phụ nữ ở Hoa Kỳ có thể làm lấy việc sửa chữa nhà một cách dễ dàng. Không còn gì để nghi ngờ, người phụ nữ của thời đại phát triển ở xứ sở văn minh bị buộc phải khéo tay hơn, và đảm đang hơn như một yếu tố “tự nhiên thành.”
Related news items:
Tin mới
- Cựu quân nhân Mỹ 82 tuổi đi Việt Nam tìm ông hiệu trưởng chỉ vì một bức tranh - 02/07/2017 19:14
- Các trường VNCH gắn kết tình thân qua Trại Hè Thân Hữu - 29/06/2017 21:35
- Võ Đường Vovinam Nguyễn Bá Học kỷ niệm 18 năm thành lập - 27/06/2017 11:49
- GSV Andrew Đỗ lưu ý đồng hương về âm mưu lường gạt thuế - 24/06/2017 13:53
- Little Saigon khai mạc chợ đêm Phước Lộc Thọ, ‘đông nhất trong 7 năm’ - 21/06/2017 21:06
- Hệ thống đại học CSU sẽ nhận tất cả sinh viên đủ tiêu chuẩn - 21/06/2017 11:55
- Cộng đồng Việt Nam tham gia diễn hành văn hóa quốc tế ‘trẻ trung, có màu sắc đặc biệt’ - 18/06/2017 12:58
- Trung Thu, ngôi trường đặc biệt của con em cảnh sát quốc gia VNCH - 15/06/2017 00:54
- Thư Mời tham dự "Ngày Cầu nguyện cho Quê Hương Việt Nam“ - 13/06/2017 00:06
- Người Việt ở Houston tặng thương phế binh VNCH nửa triệu đô la - 07/06/2017 11:28
Các tin khác
- Nhiếp ảnh gia Mỹ làm sách về hình ảnh chụp tại Việt Nam 10 năm - 05/06/2017 12:34
- Thức ăn chay ở Little Saigon: Không thường chút nào! - 04/06/2017 17:08
- NHÂN DÂN ĐỒNG TÂM NỔI DẬY - 01/06/2017 17:16
- Phụ nữ Việt ở Little Saigon thăm mộ tử sĩ Mỹ nhân dịp lễ Chiến Sĩ Trận Vong - 29/05/2017 17:02
- Mai táng chiến binh Mỹ mất tích trong cuộc chiến Việt Nam 50 năm trước - 28/05/2017 10:59
- Little Saigon: Tráng bánh ướt, nuôi sống cả đại gia đình - 26/05/2017 01:51
- Ông James Đinh và tác phẩm “Từ Hai Giòng” tại Phước Lộc Thọ - 22/05/2017 20:58
- Bài luận về ‘chiếc áo ngực’ giúp nữ sinh gốc Việt được nhận vào Harvard - 21/05/2017 10:47
- Việt Nam dùng loa gây điếc để đàn áp người biểu tình - 19/05/2017 14:09
- Cộng đồng người Mỹ gốc Việt thành lập ‘Ủy Ban Ngăn Chặn Dự Luật AB 22’ - 17/05/2017 20:43