Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nhóm Hương Thời Gian hát tưởng niệm Tháng Tư Đen


huongthoigian
Các ca sĩ trong nhóm Hương Thời Gian. (Hình: Hương Thời Gian cung cấp)

WESTMINSTER, California (NV) – Buổi tưởng niệm Tháng Tư Đen bằng một chương trình cùng nhau hát tình ca quê hương vừa được nhóm Hương Thời Gian tổ chức tại giảng đường nhà thờ Jesus of Later Day Saints, Westminster, chiều Thứ Bảy, 15 Tháng Tư.

Mỗi Tháng Tư về lại khiến người Việt tị nạn Cộng Sản khắp nơi trên thế giới tổ chức những buổi tưởng niệm để nhắc nhở nhau và cho thế hệ con em biết đến biến cố 30 Tháng Tư, 1975, là một biến cố đau thương nhất trong dòng lịch sử dân tộc.

Hơn 25 triệu người Việt miền Nam bị thay đổi cuộc đời đến tận gốc rễ. Hàng trăm ngàn Quân Cán Chính VNCH phải bị vào tù Cộng Sản cả hơn chục năm trời. Hàng triệu người phải bỏ nước ra đi dù hiểm nguy “chín chết một sống.” Hàng chục năm trời cả đất nước tối tăm mù mịt, đói khổ không bút nào tả xiết.

Nhóm Hương Thời Gian, một nhóm anh chị em nghệ sĩ tài tử, là một trong những tổ chức hằng năm vào dịp Tháng Tư Đen vẫn đứng ra tổ chức những buổi tưởng niệm.

Buổi tưởng niệm của nhóm không có những bài diễn văn phát biểu mong đốt lên khí thế, nhưng là những tâm tình của người dân Việt trải dài theo dòng lịch sử từ ngày có sự xuất hiện bí mật của Cộng Sản từ năm 1932 và công khai dưới lớp vỏ kháng chiến Việt Minh từ năm 1945.

Từ trước năm 1945, tuổi trẻ Việt Nam được khích lệ lòng yêu nước do Nguyễn Thái Học và Việt Nam Quốc Dân Đảng đứng lên khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa không thành công lật đổ được chính quyền thực dân Pháp, nhưng đã là ngọn lửa cứu nước rực đỏ trong tâm hồn tuổi trẻ Việt Nam để tiến tới cuộc khởi nghĩa 19 Tháng Tám, 1945, của toàn dân mà Cộng Sản đã nhanh tay cướp đoạt công trạng.

Dòng tân nhạc Việt Nam phôi thai trong bối cảnh này. Những bài ca lịch sử ra đời. Các tác giả là những sinh viên đã sáng tác những bài ca yêu nước mượn oai linh từ các anh hùng dân tộc Việt Nam để tránh sự bắt bớ của mật thám Pháp. Những ca khúc lịch sử ấy nhanh chóng lan truyền trong dân chúng.

“Bóng Cờ Lau” nhắc đến anh hùng Đinh Tiên Hoàng có công thống nhất đất nước khi dẹp xong loạn 12 sứ quân. “Bạch Đằng Giang” nhắc đến vua tôi nhà Trần ba lần thắng quân Nguyên bên Trung Quốc sang xâm lược.

Rồi toàn quốc kháng chiến chống Pháp. Những bản nhạc nức lòng chiến đấu của các tác giả Văn Cao, Đỗ Nhuận, Phạm Duy,… thi nhau ra đời. Đó là nhạc thời kháng chiến mà Cộng Sản chưa dám lộ mặt, đã đóng một vai trò vào công cuộc hy sinh cứu nước chống ngoại xâm.

Cuộc kháng chiến kết thức với đất nước bị chia hai. Các nhạc sĩ trong vùng tự do miền Nam đã thể hiện nỗi đau của dân tộc qua nhiều bản nhạc nói về hai bờ Nam Bắc chia miền Bắc cho Cộng Sản Việt Nam khiến toàn dân bị bức màn tre độc tài phủ chụp.

Còn miền Nam tự do là miền đất sinh sôi nảy nở những sáng tác theo dòng thời sự. Gọi là theo dòng thời sự nhưng không khô cứng như nhạc ở miền Bắc do chủ trương tuyên truyền, khích động chiến tranh của đảng Cộng Sản, mà là những tình cảm chân thực của người Việt Nam muốn tỏ lòng thương yêu đất nước quê hương.

Trong một chiều dài lịch sử 20 năm ở miền Nam, ca nhạc miền Nam trăm hoa đua nở, nhưng nở rộ nhất là thời gian Cộng Sản phát động chiến tranh tàn khốc để Mỹ phải đưa quân vào miền Nam. Đó là nhạc thời chinh chiến, nó đã sống mãi, vượt thời gian vì tính nghệ thuật và vì sự trung thực thể hiện được tâm tình của người dân miền Nam chan hòa tính nhân bản.

Nhóm Hương Thời Gian đã nỗ lực tối đa để thể hiện dòng nhạc lịch sử cận đại Việt Nam qua một chương trình gồm 25 ca khúc gần như tiêu biểu được cho từng thời gian như Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà, Về Miền trung, Anh Đi Chiến Dịch, Bên Bờ Đại Dương, Gánh Lúa… (tiêu biểu cho thời gian toàn dân kháng chiến chống Pháp), Người Tình Không Chân Dung, Chiều Trên Phá Tam Giang, Đêm Nguyện Cầu, Cờ Bay Trên Thành Phố Thân Yêu… (tiêu biểu cho thời gian chiến tranh chống Cộng Sản Bắc Việt xâm lược), Đêm Chôn Dầu Vượt Biển, Khi Tôi Chết Hãy Đem Tôi Ra Biển, Chút Quà Cho Quê Hương, Con Đường Tôi Về, Em Vẫn Mơ Một Ngày Về… (tiêu biểu cho thời gian di tản tị nạn).

Hơn 20 ca sĩ, không là những ca sĩ chuyên nghiệp nhưng là những nghệ sĩ có tâm huyết với quê hương, với đất nước nên lời ca rất truyền đạt làm rung động đến những trái tim người đến tham dự.

Hơn 300 khán giả ngồi chật phòng hội lớn của nhà thờ Jesus of Later Day Saints lắng nghe từng đoạn nhạc, từng ca sĩ trình diễn, từng lời giải thích của hai MC Minh Ngọc và Nguyễn Phú Hùng.

MC Nguyễn Phú Hùng lôi cuốn được khán giả vì những lời giải thích về thời gian các tác giả sáng tác những ca khúc được trình diễn trong chương trình, và qua trình diễn của các ca sĩ Bùi Thiện, Vũ Anh, Ngọc Quỳnh, Bích Thủy, Phương Mai, Phương Thảo, Túy Hoa và các nghệ sĩ Bác Sĩ Vương Đức Hậu, nhà văn Chu Tất Tiến…

Switch mode views: