Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Little Saigon: ‘Bạc đầu’ vì học thi quốc tịch Mỹ


quoctich nguoigia 1
Ông Tính Nguyễn, 65 tuổi, "điều lo lắng nhất khi đi thi là sự hay quên của mình, học thì nhiều nhưng thật sự không nhớ bao nhiêu.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Bất kỳ người di dân nào đến Mỹ, sau thời gian 3 năm hay 5 năm làm thường trú nhân, tùy theo trường hợp, đều mong chờ ngày được gọi đi thi quốc tịch để có cơ hội trở thành công dân Hoa Kỳ.

Thi quốc tịch không khó, nói đúng hơn là khá đơn giản, với những ai biết tiếng Anh, hiểu tiếng Anh. Tuy nhiên, thi quốc tịch cũng là nỗi ám ảnh lớn của không ít người đến Mỹ khi đã bước vào tuổi trung niên, khi mà việc học chữ bắt đầu chậm lại, và chuyện học ngoại ngữ lại muôn vàn khó khăn hơn.

Theo chân những người đã đi qua thời son trẻ, mang theo mái đầu bạc cùng bao lo lắng “làm sao để cho đậu quốc tịch Mỹ” vào những lớp học luyện thi, mới thấy được nhiều hơn tâm tư của họ, những người đang chờ ngày “vượt vũ môn”.

    Lo lắng về Anh ngữ

Cho rằng “chuyện thi quốc tịch là rất quan trọng vì mình đã định cư ở đây thì mình phải có quốc tịch ở đây,” nên dù còn ba tháng nữa mới tròn năm năm ở Mỹ, nhưng từ Tháng Chín năm trước, bà Dung Nguyễn đã ghi danh theo học lớp luyện thi quốc tịch ở trường Santa Ana College do thầy Timothy Võ phụ trách.

Sau mấy tháng theo học, bà Dung cảm thấy “có khá hơn là tự học ở nhà hay học bằng cách lên internet xem.”

Vừa dò theo từng câu hỏi trong sách, đọc theo thầy, rồi thực tập cùng nhóm, những từ tiếng Anh nào không rõ nghĩa, bà Dung lại tra từ điển từ chiếc điện thoại cầm tay để ghi chú thêm vào bài học.

“Bài học thì không khó, cái khó là mình chưa quen tiếng Anh nhiều, nhất là nghe chưa quen, nên tôi sợ phần đó,” bà Dung cho biết.

Cũng có sự chuẩn bị trước như bà Dung là ông Hậu Võ, người sẽ đủ điều kiện nộp đơn xin nhập tịch vào năm 2018.

“Tôi bắt đầu học từ Tháng Chín năm 2016, giờ mà đi thi thì tôi nghĩ mình đậu được… 50% thôi,” ông Hậu cười nói.

quoctich nguoigia 2
Nhiều người lớn tuổi theo học lớp quốc tịch tại trường Santa Ana College (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Mặc dù thừa nhận “tiếng Anh của tôi tiến bộ được 70-80% khi theo học lớp quốc tịch ở trường Santa Ana College” nhưng ông Hậu vẫn cho rằng vấn đề khó nhất cho ông là khả năng nghe hiểu tiếng Anh

“Không nghe được thì không trả lời được” cũng là nỗi lo lắng của bà Ngô Thị Triều Dương, người đang học lớp ESL Civics ở trường Santa Ana College

Bà Dương tâm sự, “Ngày đầu tiên bước vô lớp, tôi biết là mình không hiểu gì. Tôi nói điều đó với thầy nhưng thầy nói ‘không sao đâu, vô đây học thì cứ cố gắng, nghe từ từ rồi sẽ quen.’”

Sau một thời gian cố gắng, bà Dương “có thêm tự tin” khi nhận được sự khuyến khích, giúp đỡ của những người học chung. “Điều gì tôi không hiểu thì tôi hỏi thêm các bạn ngồi bên cạnh, họ giải thích dùm và tôi ghi nhớ được nhiều hơn,” bà cho biết.

Một trong những người cao tuổi nhất đang theo học lớp luyện thi quốc tịch tại Hội Cộng Đồng Người Việt (thường được gọi là Hội Người Già) là ông Búp Nguyễn, 83 tuổi.

Mặc dù còn hai năm nữa mới tròn năm năm ở Mỹ nhưng ông Búp muốn “đi học sớm để trao dồi tiếng Anh thêm.”

Ông Búp nói một cách thật thà, “Hồi xưa tôi học tiếng Pháp, tôi học dữ lắm nhưng giờ tôi thấy tôi không biết tiếng Anh tôi quê quá nên ráng đi học.”

“Tôi học thấy không khó, chỉ thấy vui. Vì mình học tiếng Anh, mình thêm hiểu biết thấy tự hào, thấy tự tin lắm, còn không biết thấy dốt nát quá, thấy xung quanh ai cũng biết hết mà mình không biết cũng dở,” ông nói cùng nụ cười hiền lành.

Ở tuổi ngoài 80 nhưng ông Búp cho rằng “cần phải thi quốc tịch vì tôi đã qua Mỹ sống với con tôi nên tôi thấy phải thi.”

Cũng có mặt trong lớp luyện thi quốc tịch ở Hội Người Già là ông Dương Bảo Anh, 65 tuổi, sống ở Santa Ana. Ước mơ được sang Mỹ và trở thành công dân Hoa Kỳ, tuy nhiên, do bị bệnh về mắt, ông Bảo Anh không nhìn thấy đường nên chuyện học tiếng Anh của ông cũng gặp nhiều khó khăn.

“Tôi theo lớp này được một năm rồi nhưng thời gian đi học ít lắm vì không có phương tiện đi lại do không thấy đường, cho nên khi nào có ai chở thì mới đi được thôi, dù nhà chỉ cách đây một ‘mile’ thôi nhưng đi bộ cũng phải có người dắt mới đi được. Dạo này may nhờ có thầy Luyến (tức Trịnh Ngọc Luyến, người hướng dẫn lớp luyện thi quốc tịch ở Hội Người Già- NV) thương giúp dùm, như lát nữa học xong thầy chở cho về nhà,” ông Bảo Anh nói.

Ông cho biết “hiện giờ đang đợi xin giấy bác sĩ cho miễn tiếng Anh rồi nộp đơn dự thi, vì mắt tôi không thấy đường, nhưng chưa biết sao.”

Mặc dù rơi vào hoàn cảnh khá đặc biệt, nhưng ông Bảo Anh vẫn tỏ ra lạc quan, “Khi qua được đến đây rồi thì rất mơ ước được vào quốc tịch nên tôi ráng mà học trong sự cố gắng của mình.”

    Lo vì ‘hay quên và mất bình tĩnh

Ngồi lắng nghe thầy giảng bài một cách chăm chú, cố gắng ghi chép cẩn thận là cô Lê Thị Thu Hà, mới từ tiểu bang Washington dọn sang California được vài tháng.

Cô Hà cho hay, “Tôi sang Mỹ tám năm rồi, ở tiểu bang Washington, nơi không có nhiều người Việt, và cũng không có điều kiện đi học thi quốc tịch, giờ chuyển về Cali ở, được đi học như thế này tôi mừng quá.”

Cô cho biết theo học ở Hội Người Già mới có mấy buổi thôi và “đang cố gắng đến cuối năm nay sẽ nộp đơn đi thi” vì “vào quốc tịch là điều này rất quan trọng nên phải cố gắng.”

“Cái khó khi đi học là mình lớn tuổi rồi nên trí óc không còn minh mẫn như những người trẻ, khó tiếp thu mà lại dễ quên. Thứ hai là căn bản tiếng Anh cũng không nhiều nên phải cố gắng học tiếng Anh. Một câu tôi học phải cố gắng viết ra thành cả trăm câu để nhớ,” cô nói thêm.

quoctich nguoigia 3
Nhiều người lớn tuổi theo học lớp quốc tịch tại Hội Cộng Đồng Người Việt (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

Người phụ nữ này mơ ước, “Ước gì tôi được trở lại tuổi ngày xưa là tôi học cho tới luôn.”

Bà Nguyễn Thị Mỹ Dung, đang sống ở Garden Grove, cũng đang chuẩn bị nộp đơn xin nhập tịch, cho rằng, “Đi học thấy vui, không khí lớp học vui, thầy dạy dễ tiếp thu.”

Trong khi bà Dung đi học luyện thi ở Hội Người Già vào sáng Thứ Bảy thì chồng bà chọn ngày học khác, bởi vì “phải chia thời gian ra học để còn thay nhau giữ cháu nội.”

“Tôi chỉ rảnh có ngày Thứ Bảy để đi học thôi. Ông chồng tôi đi học nhiều hơn và khá hơn nên về cũng chỉ thêm cho tôi,” bà khoe.

Nói về chuyện học, bà Dung giãi bày, “Học thi quốc tịch không khó. Vấn đề là khi vô phòng thi có run hay không, có nghe được người ta hỏi hay không. Dĩ nhiên mình phải thuộc bài, không thuộc bài thì làm sao đậu, nhưng mình phải nghe được người ta hỏi cái gì thì mình mới trả lời được. Mà muốn nghe được thì phải nghe cho nhiều, về nhà phải mở máy, mở youtube lên nghe, nghe cái giọng của họ, mà đâu phải chỉ có người Mỹ hỏi đâu, còn người gốc Á Châu nữa, mỗi người nói mỗi giọng khác nhau. Nhưng đó là những gì mình nghe người thi rồi về nói lại thôi chứ tôi chưa đi thi mà. Nhưng cũng lo lắm đó.”

Cũng theo học lớp luyện thi quốc tịch do thầy Trịnh Ngọc Luyến phụ trách ở Hội Người Già là ông Tính Nguyễn, 65 tuổi, ở Garden Grove.

Ông Tính cho biết Tháng Sáu tới đây ông sẽ thi quốc tịch. Dù nhận xét “đi học vừa học cái mới vừa học kinh nghiệm, và nhiều điều thầy dạy không có trong sách vở hay trên youtube,” nhưng ông cũng thừa nhận “Học nhớ rồi quên, vì đầu tôi chắc đầy hết rồi hay sao đó. Cho nên điều tôi cảm thấy lo lắng nhất khi đi thi là sự hay quên của mình, học thì nhiều nhưng thật sự không nhớ bao nhiêu.”

Khác với những nỗi lo trên, điều chị Tâm Trần băn khoăn là “gặp phải giám khảo khó quá!”.

Chị Tâm nằm trong số người trẻ tuổi theo học luyện thi ở trường Santa Ana College và dự tính sẽ nộp đơn xin nhập tịch trong năm nay.

Tâm cho rằng, “Lo nhất là gặp phải giám khảo khó quá! Còn nếu họ thoải mái thì tôi nghĩ là tôi sẽ đậu vì mình cứ học thuộc bài thôi.”

Dù vậy, chị cũng mạnh dạn khẳng định, “Thuộc bài, tự tin, thì dù người ta có khó, mình trả lời đúng thì ok.”

“Giám khảo hỏi mình toàn chuyện trên trời dưới đất!”

Chuẩn bị cho “kỳ thi” quốc tịch, ai cũng biết ngoài việc phải thuộc lòng 100 câu hỏi liên quan đến lịch sử, thể chế… Hoa Kỳ thì người nộp đơn còn phải điền một bộ hồ sơ dày cui với rất nhiều câu hỏi liên quan đến lý lịch bản thân.

Thông thường, sau phần kiểm tra lý lịch, như hỏi về ngày tháng năm sinh, hỏi về những nơi mình đã ở qua trong thời gian ở Mỹ, hay những chuyến đi ra khỏi Hoa Kỳ,… thì người phỏng vấn sẽ hỏi 10 trong số 100 câu hỏi qui định, trả lời đúng 7 câu là xem như đậu phần này. Tiếp theo là phần đọc, nghe và viết một câu tiếng Anh tương đối đơn giản.

Nội dung của một cuộc phỏng vấn để được chấp nhận nhập tịch cơ bản là như thế. Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp ngoại lệ để người “đi thi” phải ngạc nhiên kêu lên “Giám khảo hỏi mình toàn chuyện trên trời dưới đất!”

Đó là trường hợp của cô Bùi Thị Ánh Nguyệt, 65 tuổi, người vừa đậu quốc tịch hồi đầu tháng qua.

Mang bánh vào “chiêu đãi” thầy và các bạn “đồng môn” tại lớp luyện thi ở Hội Người Già, cô Ánh Nguyệt đồng thời cũng chia sẻ kinh nghiệm đi thi của mình cho mọi người nghe.

“Tôi không thể nào ngờ được là giám khảo hỏi mình toàn chuyện trên trời dưới đất,” cô kể lại bằng thái độ vẫn còn ngạc nhiên.

Cô kể sau khi được người phỏng vấn mời vào phòng và chỉ vào hai chiếc ghế nói “chị ngồi một bên, để đồ đạc một bên” thì ông cứ “quay qua quay lại kiếm giấy tờ gì đó.” Rồi bỗng ông ta hỏi, “Phải chị là bác sĩ không?”

quoctich nguoigia 4
Bà Bùi Thị Ánh Nguyệt, 65 tuổi, vừa thi đậu quốc tịch, chia sẻ kinh nghiệm “giám khảo hỏi mình toàn chuyện trên trời dưới đất.” (Hình: Ngọc Lan/Người Việt)

“Tôi nói không, tôi không phải bác sĩ. Sao ông hỏi tôi vậy?” cô Nguyệt nhớ lại, “’Tại tôi thấy cái nón chị đội đó. Tôi thấy nhiều bác sĩ đội nón đó nên tôi nghĩ chị là bác sĩ,’ ổng trả lời như vậy. Nghĩa là mọi chuyện rất tự nhiên, ổng hỏi tự nhiên, và tôi cũng nói một cách tự nhiên.”

Theo lời cô Nguyệt, sau khi đưa tờ giấy để cô viết một câu tiếng Anh mà người phỏng vấn yêu cầu, ông ta thu tờ giấy lại, rồi hỏi “Năm nay chị nhiêu tuổi rồi?”, “Chị có chồng chưa?”, “Chị chưa từng lấy chồng hay đã li dị?”, “Chị có con không?”…

“Ông ta cứ hỏi tôi những câu như vậy, rồi tôi trả lời. Xong, ổng nói ‘Chúc mừng chị. Chị đã đậu.’ Tôi nghe mà ngạc nhiên quá chừng,” cô Nguyệt kể trước lớp trong sự ngạc nhiên thú vị của nhiều người.

Trường hợp của cô Nguyệt thật ra không là ngoại lệ. Cô Xuyến Huỳnh, người thi quốc tịch từ nhiều năm trước cũng rơi vào cuộc phỏng vấn tương tự.

“Tôi vô phòng thi, ông giám khảo hỏi tôi làm nghề gì, tôi trả lời tôi làm y tá. Ổng nói vợ ổng cũng làm y tá. Thế là hầu như tôi và ổng chỉ hỏi đáp những câu liên quan đến chuyện này. Xong, ổng nói tôi đậu rồi,” cô Xuyến chia sẻ kinh nghiệm.

Giải thích về những trường hợp “ngoại lệ” này, ông Trịnh Ngọc Luyến, người phụ trách lớp quốc tịch ở Hội Cộng Đồng Người Việt cho rằng, “Không người phỏng vấn nào muốn đánh rớt quý vị hết nếu họ nhìn thấy ở quý vị sự nỗ lực để trở thành công dân Hoa Kỳ. Khi quí vị có thể tự tin đối đáp với họ như vậy nghĩa là quý vị đã có sự cố gắng, cũng như khả năng Anh ngữ tốt. Vậy là đủ để đậu rồi.”

Chuẩn bị thật kỹ bản hồ sơ cá nhân. Học thuộc 100 câu hỏi qui định. Và bình tĩnh. Tự tin. Chỉ cần như vậy là có thể yên tâm chờ ngày tuyên thệ, rằng: Tôi là công dân Hoa Kỳ!

Switch mode views: