Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Phận người câu cá khu Little Saigon


cauca ltlsaigon 1
Niềm vui câu được chiến lợi phẩm. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

ORANGE COUNTY, California (NV) – Mùa Hè, các bãi biển Huntington Beach, Newport Beach, Seal Beach… ở Orange County không chỉ đón đông đảo người dân đến tắm biển, chơi lướt ván… mà trên những cầu tàu của những nơi này còn có chi chít cần câu cá. Có người đến câu cá vì một thú vui, thư giãn, nhưng có người đến câu cá vì mưu kế sinh nhai… dù cá trong chợ không thiếu!

Nghề câu cũng lắm công phu, bởi vì câu cá phải thức khuya, phải dậy sớm trong lạnh lẽo, hoặc đội nắng chịu gió là chuyện thường. Và câu cá không dễ như mọi người tưởng, đằng sau đó là cả một thân phận người cực nhọc mưu sinh.

1. Lục đục rời khỏi phòng trọ của mình ở Fountain Valley từ 4 giờ 30 phút sáng, ông Quang Phạm đã ngoài 65 tuổi nhưng gầy gò, khắc khổ như chính cuộc đời ông, và như chính cái vùng đất miền Trung cằn cỗi đã sinh ra ông vậy. Trên chiếc xe Toyota Corolla đời 1997, bảy năm nay, từ Tháng Ba tới Tháng Mười Một, ông đều ra cầu tàu Huntington Beach Pier để câu cá. Ông bảo: “Con cá nó nuôi sống tôi mấy chục năm nay ở cái xứ này đó chớ!”

Ngậm trên miệng điếu thuốc và rít một hơi dài, ông thoăn thoắt dọn ra nào là cần câu, lưỡi câu, mồi câu, dây cước, chì, phao… rồi các loại kềm, kéo, dao chuyên dùng chuẩn bị một ngày “bắt cá kiếm cơm.”

Ông nói: “Câu cá trên cầu tàu này không cần phải có giấy phép (license), còn câu trên bờ đá, bờ biển thì mới cần giấy phép. Mà đâu cần giấy phép làm gì, tôi có làm ăn gì lớn đâu, ngày nào câu được nhiều, bán chừng $20-$30 là sống khỏe rồi.”

“Sống khỏe” là vì ông chỉ sống một mình, và được nhận tiền SSI hằng tháng nên có tiền trả tiền nhà, dư chút đỉnh để dành.

“Chứ chục năm trước, sau khi thất nghiệp, tôi lao đao lắm. Lúc đó chưa lớn tuổi nhưng sức khỏe yếu, đi đâu xin việc cũng không ai nhận. May sao có bạn bè chỉ, tôi ra cầu tàu này làm bạn với biển, với cá,” ông cười tươi kể.

Ông chỉ tay vào phía trong cùng của cầu tàu, nói: “Bắt cá nục thì vào trong đó, một cần câu móc 5-10 lưỡi câu có khi dính hết nhiêu đó cá trong lưỡi, nhưng có khi cũng chỉ vài con bị mắc câu. Còn bắt cá sửu, hay các loại cá lớn lớn thì đứng ở ngay đường dẫn vào cầu tàu này. Tôi thường bắt được nhiều nhất là cá sửu, trung bình một con từ 2 đến 6 pound, bán cũng được kha khá tiền.”

Ngày mới được bảo lãnh sang Mỹ cách đây hơn 20 năm, ông Quang Phạm cũng làm đủ thứ nghề để sống. Từ rửa chén, chạy bàn, cắt cỏ… nhưng lâu nhất là làm ở quầy cá của chợ với các công việc làm cá, cắt thịt, lóc xương, chiên cá… “Tanh hôi, ẩm ướt, máu cá, vẩy cá văng tứ tung, nhiệt độ lạnh nhưng làm riết rồi cũng quen, có việc làm nuôi miệng là vui lắm rồi,” ông kể.

Ông kể tiếp: “Lúc đầu làm việc ở quầy cá tôi đeo găng tay để tránh tiếp xúc nhiều với nước, nhưng làm chưa được tuần là phải bỏ găng tay để làm cho nhanh và dễ dàng. Làm một thời gian thì lòng bàn tay trắng tinh không thấy chỉ tay đâu cả, móng tay bị hư vì phải tiếp xúc thường xuyên với nước lạnh, nước nóng. Ai làm cá cũng vậy, bàn tay đều bị nước ăn trắng tái. Bình thường rửa cá đang làm bằng nước lạnh, nhưng ở công đoạn cuối thì phải rửa nước nóng. Nước nóng lắm chứ không phải âm ấm đâu, vì nước nóng thì rửa cá mới sạch, làm con cá sạch sẽ, trắng trẻo hơn, nhất là nhớt cá.”

“Tôi làm việc ở quầy cá cũng có số má đó chứ, nhưng rồi sức khỏe kém quá, tay lở loét hết, nên cuối cùng phải nghỉ, dù chẳng đặng đừng. Cái kinh nghiệm lựa cá, rồi cân, mổ, rửa sạch và cắt khúc đến lúc không làm được nữa, đành chia tay. Nhưng may mắn sống gần biển, nên trở về với nghề cá cũng là phước đức ông bà ban cho, để tôi sống khỏe đến giờ,” ông tâm sự.

2. Ông Thành Lê, cư dân Santa Ana, vừa móc mồi vào lưỡi câu vừa nói: “Lúc còn ở Bạc Liêu tôi hay đi cắm câu hay đi nhấp cá như cơm bữa. Sang đến đây, không ngờ có ngày tôi lại cầm cần câu đi kiếm cơm. Kể ra cũng duyên quá trời quá đất!”

“Hồi ở quê câu cá dễ lắm, không có tốn tiền, không có nhiêu khê như ở đây đâu. Tôi chỉ cần lấy những cọng dây chì cắt thành từng khúc nhỏ, rồi mài nhọn và uốn lại, thế là thành lưỡi câu. Cần câu thì lựa những cây trúc có đọt sao cho có độ cong vừa phải, cùng độ dẻo, quặt vừa tay. Vậy là cứ thế mà móc nào trùng, nào thằn lằn, nào nhái, nào dế, nào ốc bươu… và câu thôi,” ông kể.

“Sang đến đây thì cái gì cũng tiền không hà. Chỉ tính lưỡi câu thôi mà một cái cũng từ $4 đến $20; kềm, kéo, dao chuyên dùng cũng cả chục cho đến cả trăm đô la; còn cần câu thì cũng cả trăm đến mấy ngàn đô la. Nói riêng về lưỡi câu thì chắc có cả ngàn loại chứ chẳng ít, từ loại một lưỡi, loại hai lưỡi, loại bốn, năm lưỡi… với đủ kích cỡ kiểu dáng khác nhau. Cá mà cắn câu thì khó mà thoát ra được nếu dùng loại có ngạnh ngược vướng lại, khi đó phải dùng kềm mới gỡ lưỡi câu ra khỏi miệng cá,” ông kể tiếp.

Điều bất ngờ nhất với ông chính là mồi giả, bởi vì “Vô số kiểu dáng mồi giả khác nhau. Nhiều loại được làm với hình dạng cá con, tôm nhỏ, trùng biển, ếch, nhái… và loại nào cũng có nhiều màu sắc lấp lánh, phản chiếu ánh sáng nhằm thu hút sự chú ý của các loài cá. Dùng mồi giả ít hao vì có thể sử dụng được nhiều lần, hay là ở chỗ này, mồi giả mà vẫn bắt được cá mới hay. Nhưng nói gì nói, tôi cũng phải dùng ‘cá ăn cá, cá lớn nuốt cá bé,” tức dùng mồi cá để câu cá thường là nhạy nhất.”

“Tôi thì chỉ dùng mồi cá để câu cá, vì không có vốn, chứ thấy những người câu cá chuyên nghiệp họ đều dùng những thứ mồi đặc trưng của mỗi loại cá đểu câu được nhiều cá. Câu cá ở đây chỉ tối đa một người được câu cùng lúc hai cần câu, nếu dùng hơn là phạm luật, bởi vì câu ở đây không cần giấy phép. Hay nữa là bên này những sợi dây cước nhỏ mong manh mà vẫn câu được những con cá to, có khi cả mấy chục pound mà dây cước không hề bị đứt,” ông nói.

Ông cho hay, vợ chồng ông cùng hai cô con gái sang Mỹ được hơn năm năm.

“Vợ tôi thì làm nail, hai đứa con thì đi học, tụi nó học giỏi lắm. Tôi đi làm ở chợ, từ nhân viên bốc dỡ hàng, họ ‘đì’ riết rồi chuyển tôi qua làm thu lượm những chiếc xe đẩy mà khách đi chợ ra. Trời nắng cháy da cũng như lạnh thấu xương phải ở miết ngoài đường mà tiền thì không bao nhiêu hết, lại cứ bị trừ vì lý do này đến lý do nọ. Làm cũng được hai năm thì tôi nghỉ, vì bỏ sức nhiều mà chẳng đem về nhà được bao nhiêu,” ông tâm sự.

“Sau đó thì tôi ra biển Newport Beach này câu cá. Lúc đầu là câu để có cá tươi mang về nhà ăn. Tới mùa câu được nhiều quá, ăn không hết, vợ tôi bán rẻ cho người quen. Rồi giờ thì tôi câu được bao nhiêu thì bán bấy nhiêu, cũng có đồng ra đồng vô, mà con người thư thái. Câu cá xong tôi làm cá tại chỗ, ở các cầu tàu đều có sẵn thớt, cũng như vòi nước phục vụ cho những người câu cá,” ông chia sẻ.

“Để chuẩn bị bữa ăn cho một ngày đi câu cá, tôi chủ yếu dùng những món khô như xôi, khoai lang, chuối và chắc nhất là cơm nguội. Bởi vì ra biển, gió lạnh, thức ăn sẽ nguội lạnh mau chóng, không thể hâm mà chỉ có khi nào đói thì mang ra ăn,” ông cho hay.

cauca ltlsaigon 2
Cần mẫn đứng chờ cần câu rung. (Hình: Quốc Dũng/Người Việt)

3. Trái lại, có những người đi câu với mục đích chính không phải là để đem cá về ăn hay bán. Nhưng câu riết đâm ghiền. “Lúc đầu tôi đi câu thử cho biết, đi vài lần thấy cũng vui và có cảm giác thú vị. Cảm giác khi cần câu giật giật, biết là cá cắn câu, kéo lên được ‘một chùm’ cá nục thiệt là đã, lúc đó lâng lâng làm sao ấy,” ông Hữu Nguyên, cư dân Westminster, tươi cười nói.

“Loài cá nục ăn tạp lắm, mồi gì cũng ăn, ngay cả mồi giả. Cứ một cần móc năm lưỡi, dùng mồi là mực cắt dài, thả ra là kéo hàng loạt nục chuối to và dài khoảng 18 inch. Chỉ cần nó ăn 30 phút là coi như ba xô đầy. Lúc đầu thu hoạch hồ hởi vậy chứ nghe mùi máu cá thì tanh đến rợn người luôn, giờ thì cũng ‘quen’ với mùi máu rồi,” ông cười lớn.

“Thường sáng sớm đám cá nục không ăn mồi, nhưng chừng nắng lên thì chúng ăn liên tục, kéo mỏi cả tay. Lấy chính cá nục, cắt miếng thịt cá ra móc vào lưỡi câu, có mùi máu thì đám cá lại đến mắc bẫy nhiều hơn. Có lần tôi thấy một nhóm thanh niên đứng câu có mấy tiếng thôi mà được cả trăm con, không biết sao ăn hết nổi,” ông chia sẻ.

Ông Tony Lý, cư dân Costa Mesa, cho hay: “Chị tôi với mấy đứa cháu bên Texas thích cá nục ở đây của mình lắm. Mọi người nói thịt cá ở đây chắc, tươi hơn cá nục bên đó. Nên mỗi khi câu được nhiều thì tôi muối rồi gửi qua cho mọi người thưởng thức.”

“Khi rảnh thì 6-7 giờ sáng thì tôi đã ra đến đây, chừng 10, 11 giờ thì về. Trước đây tôi ra câu cá sớm lắm, 5 giờ sáng đã lọ mọ tới đây rồi và thấy đông người đến tắm, cũng như giương sẵn cần câu rồi. Nhưng mấy bận thấy câu sáng sớm không bằng lúc mặt trời lên nên tôi ra trễ hơn. Câu cá chứ cũng canh giờ, vì trước 8 giờ sáng thì được đậu xe miễn phí, còn sau đó thì phải mua vé đậu xe, $1.8 cho một giờ. Nếu không muốn tốn tiền thì phải chịu khó đi bộ hơi xa cầu tàu, coi như tập thể dục vậy,” ông chia sẻ kinh nghiệm.

Ông Thông Nguyễn, cư dân Santa Ana, nhận định: “Câu có ở đây có hai loại người, một là câu chuyên nghiệp, hai là câu nghiệp dư. Chuyên nghiệp thì câu loại cá nào mình muốn, còn nghiệp dư thì chỉ câu cá nục, cá suốt. Thường các loại cá này là loài cá tạp ăn, đa số mồi gì nó cũng xơi hết, hầu như bốn mùa, mùa nào cũng có.”

“Bắt đầu giữa Tháng Ba, nước ấm dần, các loại cá vào gần bờ để đẻ trứng, kiếm ăn, thì đây là bắt đầu mùa câu. Do công việc làm không bị gò bó nên khi rảnh thì tôi rủ anh em đi câu đỡ ghiền. Mùa nắng thì đi câu biển, mùa mưa thì đi câu hồ. Nhờ ăn cá tươi mà chống lại được nhiều thứ bệnh. Câu nhiều quá ăn không hết thì phải đi cho. Nhiều khi bà con mình thích ăn cá nhưng không biết làm cá, tôi phải làm luôn cả việc này,” ông nói.

Switch mode views: