Thuyền nhân Sikiew với linh mục người Thái sau 35 năm gặp lại
- Thứ Hai, 04 tháng Bảy năm 2016 08:00
- Tác Giả: Linh Nguyễn
Bà Bạch Linh Phạm (trái) tự chụp hình với Linh Mục Peter Namwong (giữa), và ông Toàn Nguyễn. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
FOUNTAIN VALLEY, California (NV) – Buổi hội ngộ “Ân Tình Thuyền Nhân Sikiew 35 Năm” tưng bừng diễn ra vào sáng Thứ Bảy, 2 Tháng Bảy, tại công viên Mile Square Regional Park, Fountain Valley, với hàng trăm người tham dự, sau một năm chuẩn bị.
“Rồi những gì chúng ta chờ đợi sau 35 năm đã đến! Hôm nay chúng ta vui mừng hội ngộ gặp lại những bạn bè cũ của một thời khổ nhọc trong trại tị nạn Sikiew trên đất Thái, vào đúng dịp Lễ Độc Lập Hoa Kỳ, ngay tại Little Saigon,”ông Tài Đỗ, đại diện ban tổ chức, tuyên bố trong buổi picnic ngoài trời.
Ông nói thêm: “Mục đích trước hết là để chúng ta nối kết lại với nhau, để tìm lại chính mình, để hỗ trợ lẫn nhau, và để kết chặt dây thân ái cho những ai đã từng một thời sống tại trại tị nạn Sikiew.”
“Và sau là gặp được lại Cha Peter Prayoon NamWong, vị ân nhân cứu giúp vô số người tị nạn chúng ta ở Sikiew, nhân dịp linh mục đến Hoa Kỳ với sứ mạng giúp đỡ những người Việt tị nạn còn kẹt trên đất Thái,” ông Tài nói trong niềm xúc động.
Vui mừng gặp lại bạn cũ. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Hàng trăm người tham dự vỗ tay tán thưởng và đến tìm gặp vị linh mục khả kính nay đã 74 tuổi.
Linh mục nói được chút ít tiếng Việt: “Tôi rất vui mừng được gặp lại những người tị nạn Việt Nam sau hơn 30 năm. Tôi vẫn thấy thương họ quá!”
Nhiều người chạy lại ôm linh mục, những cái nắm tay thật chặt, những nghẹn ngào tỏ lộ trên đôi mắt của những người từng được cưu mang.
“Cha là ân nhân của người tị nạn chúng tôi. Từ khi có trại Sikiew, cha vào trại dâng Thánh Lễ cho chúng tôi mỗi tuần. Chưa nói đến việc cha lén lút mua tem thư cho chúng tôi để viết về thăm hỏi gia đình,” ông Johnny Nguyễn, trước ở trại B13 (nghĩa là building 13), kể.
Ông nói thêm: “Hình như cha cũng có dòng máu Việt, không biết là cha hay mẹ. Cha là người can thiệp với chính phủ Thái cho những người tị nạn bị bệnh nặng được ra điều trị ở bệnh viện bên ngoài.”
Ông Johnny còn cho biết một chi tiết lý thú là tên của linh mục trong tiếng Thái, “Prayoon NamWong” có nghĩa là “người tị nạn Việt Nam.”
Một người khác, ông Đệ Nguyễn, 48 tuổi, đến từ Atlanta, Georgia, cho biết: “Khi còn ở trong trại Sikiew, 80% người đến trại là những người không có người giám hộ như tôi. Khi ấy chúng tôi còn nhỏ tuổi, không có cha mẹ hay thân nhân khi vượt biên. Chính cha Peter là người lập nên ‘Minor Center’ để nuôi dưỡng chúng tôi.”
Ông cho xem tấm hình cũ chụp ở Sikiew và nói: “Cha còn giúp các cựu quân nhân VNCH thời đó, lập trường học, lấy tên là ‘Our School’ để cho những đứa bé như chúng tôi có chỗ học hành.”
Ông cho biết ông ở trại Sikiew từ năm 1984-1986, nhưng mãi đến năm 89 mới được đi định cư tại Mỹ.
“Cha Peter là người giúp chúng tôi tứ A đến Z, không phân biệt tôn giáo. Ngài coi chúng tôi như những đứa con. Tuổi trẻ, chúng tôi đâu biết gì, nhưng nhờ đó mà mà biết quý trọng kiến thức. Không khi nào chúng tôi quên được cha giúp chúng tôi trong ngày tháng bơ vơ!” ông Đệ nói.
Cựu thuyền nhân chia sẻ những kỷ niệm. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Tâm trạng này cũng được ông Tài Đỗ tán đồng: “Khi vượt biên tôi mới 14 tuổi nên ở trong trại tôi cũng được xếp vào ‘Minor Center.’ Ở tuổi ấy tôi cũng cảm thấy sức ép của cuộc vượt biên, nhưng nhờ trong trại có nhóm lãnh đạo rất hay, gồm các cựu quân nhân VNCH, lập ra các ban và cả trường ‘Our School’ cho chúng tôi đi học.”
“Lớp học từ mẫu giáo đến lớp chín. Nhờ môi trường này mà tôi thấy tâm trí quân bình lại. Tôi có thêm bạn bè và từ đó chúng tôi tin tưởng nhau. Sang đến Mỹ chúng tôi vẫn giữ liên lạc và giúp nhau vươn lên trong cuộc sống,” ông Tài nói với nhật báo Người Việt.
Ông cho biết ông làm việc ở Sở Cảnh Sát Long Beach trong 20 năm qua.
Cùng đóng góp đắc lực trong ban tổ chức là Nha Sĩ Thanh Huyền Chung, người giúp từ ẩm thực đến ban nhạc và các trò chơi giải trí cho mọi người và gia đình.
“Tôi trước ở trại tị nạn Songkhla năm 1982. Đến Tháng Mười, tôi được chuyển đến trại Sikiew và Tháng Tám, 1984 thì định cư tại Hoa Kỳ. Tôi học Bolsa Grande High School, sau theo học và tốt nghiệp UCI trước khi tốt nghiệp nha sĩ đại học Loma Linda University. Đến nay tôi đã hành nghề được 20 năm. Ban tổ chức chúng tôi ai cũng làm việc hết mình,” nha sĩ nói.
Nha Sĩ Thanh Huyền cũng nhắc đến nhạc sĩ Ngô Thanh Nam sáng tác nhạc, làm CD để bán gây quỹ giúp Linh Mục Peter.
“Một số anh chị em khác có sáng kiến làm mũ để bán gây quỹ cho cha, vì mang nặng ân tình cha giúp người tị nạn với Luật Sư Trịnh Hội. Nghe đâu lần này cha muốn giúp trả $12,000 tiền nhà thương cho một người Việt bị ung thư, mới qua đời vào đầu Tháng Sáu,” nha sĩ nói.
“Anh Tài Đỗ giúp mua vé máy bay và khách sạn giúp cho chuyến đi của cha để tỏ lòng biết ơn,” nha sĩ nói thêm.
Ngoài ẩm thực ngon miệng, chương trình văn nghệ karaoke rất hào hứng. Ban tổ chức còn đem cả bàn bóng bàn để mọi người chơi và cả bóng chuyền nữa.
Thành phần ban tổ chức. (Hình: Linh Nguyễn/Người Việt)
Bà Bạch Linh Phạm, cùng gia đình đến từ Minnesota tham dự cả ba ngày hội ngộ, cho biết: “Đối với tôi, điều đáng nhớ nhất là những gì Cha Joe và Cha Peter đã làm cho người tị nạn chúng tôi, nhất là ‘Minor Center’ mà tôi gọi là ‘ngôi nhà tình thương.’ Cha vẫn không thay đổi. Tình thương của cha cho người tị nạn vẫn cao cả!”
Ông Phúc Trần, biệt danh “Thầy Phúc,” từng coi sóc “Minor Center” cho biết: “Có khoảng 256 người tại trung tâm do Cha Peter thành lập, riêng tôi coi 50 em.”
Ông Toàn Nguyễn, cựu quân nhân, trước ở Building 15, nói: “Cha là người tuyệt vời.”
Giáo Sư Nguyễn Thanh Giàu, thành viên Hội Đồng Liên Tôn Việt Nam Tại Hoa Kỳ, cũng từng có thời gian ở trại Sikiew, chia sẻ: “Tôi muốn đến để gặp lại Linh Mục Namwong, người đã giúp biết bao người tị nạn Việt Nam có nơi sinh sống, sau khi họ phải mua sự tự do bằng chính mạng sống mình.”
Được biết sáng Chủ Nhật, ban tổ chức có Thánh lễ lúc 8 giờ 30 tại nhà thờ Đức Mẹ La Vang, 288 S. Harbor Boulevard, Santa Ana, CA 92704, do chính Linh Mục Peter Prayoon Namwong chủ tế.
Buổi tối Chủ Nhật là một dạ tiệc lúc 6 giờ chiều tại nhà hàng Majesty, Santa Ana.
Mọi chi tiết, xin liên lạc Tạ Dũng Khải 626-905-9550, Đỗ Tài 657-666-1922, hoặc email This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.
, vào Facebook Sikiew Reunion 2016, https://www.facebook.com/groups/sikiew/.
Related news items:
Tin mới
- Đại Hội Cựu Học Sinh Liên Trường Qui Nhơn - 13/07/2016 19:16
- Đêm văn nghệ ‘Gặp Nhau 2’ tại Viện Việt Học - 13/07/2016 19:04
- Vận động cứu xét hồ sơ con lai còn ở lại Việt Nam - 12/07/2016 21:30
- Quân Đoàn III hội ngộ, ghi dấu 44 năm Chiến Thắng An Lộc - 10/07/2016 19:48
- LS. Nguyễn Thị Thúy - Viện trưởng gốc Việt đầu tiên tại đại học Hoa Kỳ - 10/07/2016 09:05
- Gia Đình Lục Quân Công Xưởng hội ngộ thường niên - 09/07/2016 23:18
- Liên trường Qui Nhơn đại hội toàn thế giới lần thứ 19 - 09/07/2016 11:39
- Hội Ðồng Hương Cần Giuộc họp mặt lần thứ 23 - 07/07/2016 20:25
- Ðại Nhạc Hội ‘Cám Ơn Anh’ kỳ 10 về lại Little Saigon - 06/07/2016 10:03
- Hướng Ðạo Việt Nam họp Hội Nghị Trưởng năm 2016 - 06/07/2016 09:46
Các tin khác
- Cựu học sinh Ngô Quyền đại hội lần thứ 3 - 03/07/2016 22:16
- ‘Bình Thuận hải ngoại không quên Bình Thuận quốc nội’ - 30/06/2016 20:34
- Ðồng hương Cần Giuộc họp mặt lần thứ 23 - 30/06/2016 20:19
- Ðại Hội Lần Thứ 20 Cựu Sinh Viên Sĩ Quan Võ Bị Quốc Gia Việt Nam - 28/06/2016 14:23
- Hậu duệ Võ Bị và phương châm 'Tự Thắng Để Dấn Thân' - 28/06/2016 14:14
- Nguyễn Xuân Hợp dạy tiếng Việt chỉ 20 giờ là biết đọc - 26/06/2016 19:28
- Cựu SVSQ Khóa 12 Thủ Đức kỷ niệm 54 năm ra trường - 26/06/2016 19:21
- Thuyền Tự Do sẽ đến Alaska, hoàn tất 50 tiểu bang Mỹ - 26/06/2016 19:15
- Ở Mỹ có lò bánh pía Kim Ninh - 25/06/2016 09:37
- Viện Bảo Tàng Lịch Sử QLVNCH triển lãm Ngày Quân Lực - 22/06/2016 09:23