Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tác hại của việc lạm dụng thực phẩm chức năng


thucpham chucnang 1
Một loại thực phẩm chức năng. AFP photo

Thực phẩm chức năng hiện được quảng cáo và sự dụng khá rộng rãi ở nhiều nước trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, những quảng cáo đôi khi quá mức đã khiến người tiêu dùng lạm dụng sản phẩm này và có thể dẫn đến những tác hại cho sức khỏe đó là chưa nói đến vấn đề an toàn của nhiều loại sản phẩm hiện đang được bán trên thị trường.

An toàn thuốc

Trong những năm trở lại đây, người dân Việt Nam được thấy nhiều những quảng cáo giới thiệu về thực phẩm chức năng trông giống như thuốc nhưng không phải thuốc. Chúng được quảng cáo là để tăng cường sức khỏe. Đôi khi có những quảng cáo quá mức cho rằng thực phẩm chức năng thậm chí còn có thể chữa khỏi bệnh và không có tác dụng phụ vì chúng không làm từ hóa chất như các thuốc chữa bệnh khác.

Bộ Y tế Việt Nam hiện cũng đã có định nghĩa về thực phẩm chức năng cụ thể là ‘thực phẩm dùng để hỗ trợ chức năng những cơ quan bộ phận trong cơ thể người, có tác dụng dinh dưỡng, tạo cho cơ thể tình trạng thoải mái, tăng sức đề kháng, giảm bớt nguy cơ gây bệnh’

Nhìn vào định nghĩa này thì rõ ràng không có dòng nào nói rằng thực phẩm chức năng dùng để chữa bệnh. Tuy nhiên theo kết quả khảo sát của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Việt Nam hồi năm 2014 thì có đến 43% người trưởng thành ở thành phố Hồ Chí Minh sử dụng thực phẩm chức năng. Tại Hà Nội con số này là 63%. Báo VNexpress hồi năm 2014 trích lời của Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Trần Đáng thừa nhận rằng tình trạng quảng cáo tràn lan quá mức của một số sản phẩm thực phẩm chức năng trên thị trường đã gây nên nhiều hiểu lầm ở người dùng. Hiện thị trường Việt Nam cũng tràn ngập nhiều loại thực phẩm chức năng từ sản xuất trong nước đến nhập ngoại, trong số đó có các sản phẩm được nhập từ Mỹ.

Tuy nhiên ngay cả ở Mỹ, gần đây có một số các nghiên cứu cho thấy một số thực phẩm chức năng không những không có tác dụng mà thậm chí còn không an toàn và làm nhiều bác sĩ lo ngại về loại sản phẩm này. Bác sĩ Herbert Bonkovsky, chuyên khoa tiêu hóa thuộc trung tâm Y tế Wake Forest Baptist, Hoa Kỳ cho biết:

Nhìn chung mà nói không có bằng chứng nào cho thấy các loại thực phẩm chức năng hiện nay có hiệu quả thực sự… thậm chí có nhiều nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng chúng thậm chí còn không an toàn chứ chưa nói đến tác dụng.

Mặc dù bác sĩ Bonkovsky cho rằng việc uống bổ sung vitamin khi thiếu vitamin là có thể chấp nhận được, nhưng ông tỏ ra lo lắng về những loại thực phẩm chức năng được tổng hợp từ cây cỏ và những thành phần được quảng cáo rầm rộ gần đây là có tác dụng chữa bệnh cổ truyền.

    Nhìn chung mà nói không có bằng chứng nào cho thấy các loại thực phẩm chức năng hiện nay có hiệu quả thực sự…
    - Bác sĩ Herbert Bonkovsky

Điều mà chúng tôi lo ngại là những loại thực phẩm chức năng, những loại thuốc tổng hợp được nói là từ cây cỏ có chứa nhiều thành phần trong đó. Lo ngại lớn nhất của chúng tôi đối với phần lớn các sản phẩm này ví dụ như thuốc nghệ, thuốc sâm… là các phân tích gần đây cho thấy các thành phần trong thuốc không chứa hoặc chứa ít hơn các thành phần như đã quảng cáo.

Theo bác sĩ Bonkovsky, sở dĩ có tình trạng này là vì việc kiểm tra chất lượng các thực phẩm chức năng ở Hoa Kỳ chưa được chặt chẽ. Trong rất nhiều trường hợp, các bác sĩ tại Mỹ đã phải điều trị ngộ độc cho những người bệnh vì dùng những thực phẩm chức năng. Ông đưa ra dẫn chứng điển hình về thuốc Oxyelite Pro của hãng USPlabs bị thu hồi năm 2013 vì có hơn 50 trường hợp dùng loại thực phẩm này để giảm cân đã bị viêm gan. Không những thế còn có một trường hợp ở Honolulu, Hawaii phải thay gan sau khi uống thuốc này. Nguyên nhân được cho biết là vì thuốc có chứa một hóa chất mà công ty Mỹ nhập về từ Trung Quốc mà công ty Trung Quốc không cho biết hóa chất đó được làm từ nguồn nào.

Một ví dụ về an toàn khác của thực phẩm chức năng được bác sĩ Bonkovsky nói đến là thuốc triết xuất từ trà xanh.

Trà xanh được dùng từ hàng ngàn năm nay ở Ấn Độ, Trung Quốc và nhiều nước khác. Nếu bạn uống 2 hay 3 chén trà một ngày thì bạn không có vấn đề gì. Trà có thành phần polyphenols. Ở trà, thành phần này có xu hướng làm tăng huyết áp, mạnh đập, nó giống như bạn uống amphetamine theo một cách nào đó. Bạn trở nên tỉnh táo hơn, nhiều khi là quá mức. Một số người uống thuốc chiết xuất tức là thành phần trà đậm đặc hơn, tương đương 4 đến 5 cốc một lúc. Những người uống thuốc này thường bị viêm gan.

Ông cho biết ông đã điều trị cho một phụ nữ dùng loại thực phẩm chức năng này để giảm cân nhưng thay vì giảm cân bà bị viêm gan cấp và phải điều trị tại bệnh viện.

Nên dùng hay không?

Nhìn chung, các chuyên gia dinh dưỡng thường khuyên mọi người nên cố gắng cân bằng dinh dưỡng qua thức ăn hàng ngày thay vì phải dùng thuốc. Chuyên gia dinh dưỡng Carol Haggans, thuộc viện sức khỏe Hoa Kỳ nói:

thucpham chucnang 2
Các sản phẩm chức năng trong một cửa hàng ở Sydney hôm 16/2/2016. AFP photo

Bạn có thể hấp thụ đủ vitamin và khoáng chất từ thực phẩm. Điều này còn tốt hơn vì ngoài ra bạn còn hấp thụ các chất xơ cần thiết từ thực phẩm và không hấp thụ các hóa chất mà bạn có thể sẽ uống vào khi dùng thuốc.

Còn chuyên gia dinh dưỡng người Mỹ, Vandana Sheth thì nói việc dùng bổ sung vitamin, khoáng chất trong thực phẩm chức năng không nên coi là phần chính:

Điều quan trọng là hấp thụ được các chất cần thiết từ thực phẩm. Cơ thể hoạt động tốt hơn nếu có đủ chất và cân bằng. Nếu bạn hấp thụ các chất này từ các thuốc bổ sung vitamin và khoáng chất thì bạn phải nhớ đó là bổ sung cho thực phẩm mà bạn ăn vào mà thôi.

Bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai, chuyên khoa dinh dưỡng bệnh viện nhân dân Gia Định thì cho rằng với người tiêu dùng Việt Nam khi cân nhắc mua thực phẩm chức năng, điều quan trọng là chất lượng thuốc và giá thuốc.

    Điều quan trọng là hấp thụ được các chất cần thiết từ thực phẩm. Cơ thể hoạt động tốt hơn nếu có đủ chất và cân bằng.
    - Chuyên gia Vandana Sheth

Có những cái như omega 3 dạng nước được sản xuất ở các nước lớn và đã có các công trình nghiên cứu đàng hoàng, các loại thuốc đó bao gồm omega 3, vitamin đã được nghiên cứu và kết quả đàng hoàng thì chất lượng tốt. Thứ hai là giá cả phải phù hợp. Tuy chúng được gọi là thực phẩm chức năng nhưng nó cũng phải có giá đàng hoàng, nó cũng có liều dùng giống như thuốc. Nhưng những loại thuốc đi theo hàng đa cấp thì phức tạp lắm mà giá thì trên trời. Nếu mình coi công thức thuốc rồi mình so giá với giá tân dược mà giá gấp 10 lần thì đừng dùng.

Theo bác sĩ Tạ Thị Tuyết Mai, có một số thực phẩm chức năng dù được xếp vào dạng này nhưng có tác dụng chữa bệnh nhất định như omega 3 hay coenzyme 10.

Nó bị đưa vào thực phẩm chức năng thôi nhưng nó cũng có liều lượng đàng hoàng như thuốc và nhiều khi không có tác dụng phụ. Ví dụ như người bệnh bị tăng men gan, tăng mỡ máu thì dùng omega 3 nó không có hại cho men gan bệnh nhân. Có những thuốc được xếp vào thực phẩm chức năng nhưng lại có tác dụng tốt nên có thuốc vẫn được dùng cho điều trị.

Theo bác sĩ Mai, thuốc coenzyme 10 có tác dụng hạ huyết áp.

Theo quy định của Bộ Y tế Việt Nam, các loại thực phẩm chức năng không được quảng cáo là có tác dụng chữa bệnh và các bác sĩ cũng không được quyền kê đơn thuốc này. Bác sĩ Mai cho biết người dùng vì vậy khi muốn mua thực phẩm chức năng cần phải cân nhắc rất kỹ về giá cả và thành phần thuốc.

Bác sĩ Bonkovsky cho biết, loại thuốc Milk Thistle, hay còn gọi là Kế sữa, hiện được dùng khá phổ biến tại Mỹ trên thực tế cũng có tác dụng nhất định đối với gan. Đây cũng là loại hàng xách tay từ Mỹ rất được ưa chuộng ở Việt Nam. Tuy nhiên bác sĩ Bonkovsky cảnh báo người tiêu dùng khi lựa chọn mua loại thuốc này.

Thuốc Milk Thistle là một loại thảo dược dành cho gan. Đây là loại thuốc mà con người dùng từ hàng ngàn năm nay và nó rất phổ biến trong thuốc ở Trung Quốc và ở một số nước khác thời xưa. Nếu đúng là bạn có triết xuất từ hoa milk thistle hoặc từ cây này và được tổng hợp vào thuốc mà không có nhiễm các tạp chất khác thì nó khá an toàn. Người uống thuốc sẽ không bị ngộ độc. Đã có một số bằng chứng nghiên cứu từ châu Âu cho thấy loại thuốc này có tác dụng nhất định với người bị xơ gan.

Theo bác sĩ Bonkovsky, việc kiểm tra chất lượng thực phẩm chức năng ở Đức chặt chẽ hơn so với ở Mỹ. Ông khuyên người dùng nếu muốn dùng loại thuốc này thì nên tìm các hãng sản xuất lớn có uy tín tại Đức.

Đối với một số loại vitamin và khoáng chất, hiện cũng đã có những nghiên cứu liên quan đến tác dụng của những loại vitamin và khoáng chất phổ biến hay được sử dụng hiện nay như vitamine D và canxi. Đây là những loại thuốc thường được kê cho người lớn tuổi để phòng chống loãng xương. Tuy nhiên hồi đầu năm 2013, một nhóm làm việc đặc biệt vè phòng chống bệnh của Mỹ đã đưa ra khuyến cáo, theo đó những phụ nữ lớn tuổi khỏe mạnh không nên uống bổ sung canxi và vitamin D để chống gẫy xương vì kết quả nghiên cứu cho thấy việc uống các thuốc này liều cao vẫn chưa cho thấy hiệu quả rõ rệt. Sau khi khuyến cáo này được đưa ra, đã có một số chuyên gia dinh dưỡng tại Mỹ phản đối và cho rằng vẫn cần phải có thêm các nghiên cứu để chứng minh kết quả rõ ràng.

Ý kiến chung của phần lớn các bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng cho đến lúc này đối với người tiêu dùng là nên tập trung vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày thay vì dựa vào các loại thuốc bổ sung vitamin, các loại thực phẩm chức năng.

Switch mode views: