Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Vì sao tôi bắt đầu dạy về cuộc chiến Việt Nam



nhanvat Keith W Taylor

Tháng Giêng năm 1972, khoảng sáu tháng sau khi giải ngũ khỏi quân đội Mỹ và từ Việt Nam trở về, tôi bắt đầu vào cao học tại Đại học Michigan, chuyên về lịch sử Việt Nam. Chuyện khôn cùng của cuộc chiến vào thời điểm đó quả là quá lớn để tôi ép vào một khuôn khổ học tập, và vì vậy tôi chú trọng vào môn lịch sử thời cổ đại, âu cũng là một lối thoát an lành cho kinh nghiệm rối ren của cá nhân tôi đối với cuộc chiến Việt Nam. Những năm sau đó, khi dạy sử Việt Nam, tôi không tránh khỏi phải dành hai hoặc ba bài giảng về chiến tranh Mỹ-Việt nhưng tôi luôn ngán ngẩm khi phải làm điều đó, bởi vì nói chuyện trước công chúng về cuộc chiến thường mang lại cho tôi một cảm giác buồn nôn. Phải đến 25 năm sau trước khi tôi khởi sự hiểu rằng cảm giác buồn nôn này đến từ sự bất hòa giữa những lý giải thu thập được về cuộc chiến và những gì mình ấp ủ trong tim. Bài viết này cho biết vì đâu tôi bắt đầu dạy về cuộc chiến và ý nghĩ về cuộc chiến đó đã thay đổi như thế nào để trở nên ý tưởng của riêng tôi.

Tôi sẽ thảo luận về ba định lý phổ quát nhất về chiến tranh Mỹ-Việt mà các phong trào phản chiến phô trương trong những năm cuối thập niên 1960 và sau đó được các giáo viên trưng dụng ở hầu hết các trường trung học và đại học để làm cơ sở giải thích cho cuộc chiến. Các định lý gồm những giả định như: a) chẳng bao giờ có một chính phủ không cộng sản chính trực ở Sài Gòn; b) rằng Hoa Kỳ không có lý do hợp pháp nào để được can dự vào các vấn đề Việt Nam; và rằng c) Mỹ không thể thắng được trong bất cứ trường hợp nào trong cuộc chiến đó. Tôi đã phải mất nhiều năm để thoát ly khỏi các định lý này và để xem chúng như những mảnh vỡ tư tưởng tồn đọng của phong trào phản chiến chứ không phải là quan điểm bền vững được hỗ trợ bởi bằng chứng và logic. Lý do cho phép tôi làm được điều này là cuối cùng tôi đã chấp nhận hòa giải với tâm thức các trải nghiệm của riêng mình.

Tôi nhận được bằng B.A. vào tháng 5, năm 1968, và trong vòng hai tuần sau khi tốt nghiệp, tôi nhận được một thông báo nhập ngũ từ Hội đồng quân dịch cho biết phải ra trình diện với trung tâm gần nhất để khám sức khỏe. Sau cái gọi là Tổng Công Kích Mậu Thân, mức nhập ngũ đặc biệt cao, và nhiều người trong chúng tôi đang hy vọng hạn hoãn dịch cho sinh viên chúng tôi sẽ kéo dài hơn khả năng bị bắt quân dịch bỗng nhiên buộc chúng tôi phải trực diện đối mặt với cuộc chiến. Tôi nhớ, đã có năm chọn lựa trong tâm trí. Một là tìm cách để bị đánh rớt khi khám sức khoẻ, tất nhiên có nhiều cách để làm điều đó. Tôi bác bỏ chọn lựa này ngay lập tức vì điều đó vi phạm ý thức về danh dự cá nhân. Một lựa chọn khác là làm đơn xin miễn dịch vì nó “trái với lương tri”, một điều khiến người ta cần trưng bày lập luận rằng niềm tin tôn giáo của họ đã không cho phép thi hành nghĩa vụ quân sự. Tôi bác bỏ điều này bởi đức tin của tôi không thuộc loại đó.

Một lựa chọn khác là đi tù, và tôi cảm thấy không có lý gì phải làm chuyện này, vì tôi không tin rằng chiến tranh lại ở mức độ thiếu đạo đức đến đỗi mình phải dùng quyền công dân để kháng cự nó. Cuộc chiến, theo hiểu biết của tôi lúc bấy giờ, không phải tự nó là một điều ác; nếu có điều ác, tôi nghĩ đó chính là xuất phát từ kế sách tiến hành cuộc chiến quá tồi dở và những hậu quả của sự tồi dở này. Khi lên 7, tôi đã chứng kiến anh rể tôi từ Hàn Quốc trở về trong một cỗ quan tài, và đã có được một ý thức trách nhiệm công dân đối với đất nước mình mà không bị hạn chế bởi những thăng trầm của lãnh đạo kém. Khi tự xét bản thân, tôi biết rằng tôi sẽ trung kiên với quan điểm danh dự cá nhân gắn liền với những gì tôi cho là một mô hình lý tưởng của chính thể Hoa Kỳ đứng trên cả những sai lầm hành chính và quân sự của lãnh đạo. Điều này trở nên khá rõ ràng khi tôi làm thủ tục phỏng vấn với một sĩ quan để được cấp một sự vụ lệnh an ninh. Ông hỏi tôi nghĩ gì về cuộc chiến, và tôi nhớ đã nói với ông rằng thật vô lý để cố gắng bảo vệ miền Nam Việt Nam trong khi khu vực biên giới của Lào và Campuchia đã được bỏ ngỏ cho đối phương. Tôi không chống lại việc ngăn chặn ý đồ bành trướng của các chính phủ cộng sản, nhưng lại không thấy triển vọng thành công của một chiến lược nào được áp dụng khi đó. Tuy nhiên, tôi nhớ có nói với người phỏng vấn rằng lòng yêu nước của tôi cao hơn nỗi bất bình của mình về lãnh đạo yếu kém. Tôi không thấy tại sao mình phải đi tù chỉ vì mình tôi không đồng ý với phương cách đấu tranh trong cuộc chiến, nhất là khi tôi tán đồng mục tiêu nói chung của cuộc chiến.

Lựa chọn thứ tư là bỏ sang Canada, mà vào thời điểm đó vẫn đang được Chính phủ Canada khuyến khích. Đây là lựa chọn mà người bạn thân nhất của tôi thực hiện trong năm 1967, và vì anh tôi đã nghĩ đến vấn đề này một cách nghiêm túc, thậm chí tôi còn đến thăm Đại sứ quán Canada và nói chuyện với một nhân viên ở đó và người đó khuyến khích tôi nên nhập cư. Tuy nhiên, vì những lý do đã đề cập, tôi không thấy chọn lựa này hấp dẫn lắm. Ngay cả nếu tôi có thể hình dung ra được một số lợi ích riêng tư trong việc đó, thì dù sao đi nữa một sự lựa chọn như vậy, chưa nói đến niềm tin của tôi, sẽ mang lại nhiều xấu hổ và đau buồn cho cha mẹ tôi, và tôi đã không chuẩn bị để làm điều đó.

Lựa chọn thứ năm là phục vụ đất nước và chấp nhận nghĩa vụ công dân của mình như đã được dạy dỗ, và đây là chính là điều tôi đã làm. Tuy nhiên, có lẽ tự hào vì đã đạt được một mức độ nào trong học vấn và từ cảm giác hãnh diện và ảo tưởng tự chủ phát sinh từ niềm tự hào đó, tôi đã có một mong muốn mãnh liệt rằng mình cố giữ càng nhiều quyền điều hành cuộc sống của mình càng tốt, và tôi không thích cảm giác bất lực đến từ viễn tượng đơn thuần là bị bắt quân dịch và bị gửi đi bất cứ nơi nào để làm bất cứ một phận sự gì. Vì vậy, khi người tuyển mộ lính giải thích rằng thay vì bị bắt quân dịch tôi có thể ghi danh và bằng cách này tôi có thể chọn cho mình một nhiệm vụ trong quân đội, tôi quyết định nắm lấy bất cứ một cơ hội nào mà mình có thể chủ động được cuộc sống trong tình huống này và tôi đã xin gia nhập ngành tình báo.

Tôi đã dành hai năm sau đó trong việc huấn luyện: tập dượt tác chiến cơ bản, học tập tình báo, và đào luyện tiếng Việt. Cho đến khi tôi được giao nhiệm vụ học hỏi tiếng Việt, tôi đã nuôi hy vọng sẽ tránh được hoàn toàn cuộc chiến. Dù sao, tôi đã có bạn bè và những người quen biết từng được gởi đi Alaska, Hàn Quốc, Đức, và Panama. Nhưng một khi tôi đã được cử đi học tiếng Việt, hy vọng duy nhất còn lại của tôi là may ra chiến tranh sẽ kết thúc trước năm học được hoàn tất. Điều đó không thành, và cuối cùng tôi đã được gửi đi Việt Nam vào năm 1970 với cấp bậc trung sĩ.

Tôi nhận thấy một vấn đề ở Việt Nam: quân đội Mỹ đang trong chiều hướng bị mất tinh thần. Sau khi công luận quay lưng lại với cuộc chiến vào năm 1968, phong trào phản chiến thâm nhập vào quân đội Mỹ ở Việt Nam. Tất cả các vấn nạn thường thấy trong cuộc chiến như xì-ke, xung đột sắc tộc, bạo hành, giết hại nhau, và bất phục tùng đều là bằng chứng đã ảnh hưởng đến tinh thần tác chiến của quân đội, và chúng, ít ra theo hiểu biết của tôi, có liên quan đến sự kiện: do hệ quả của sự lãnh đạo tồi, nước Mỹ không còn ủng hộ chiến tranh, nhưng chúng tôi vẫn đang được kỳ vọng phải tiếp tục chiến đấu. Các nhà lãnh đạo trong quân đội, cả quân nhân lẫn dân sự, nhận ra sự cần thiết phải “tái phối trí” quân đội ra khỏi Việt Nam càng nhanh càng tốt để ngăn chặn tinh thần bất mãn lan rộng sang các chiến tuyến khác trên thế giới. Trong khi đó, chúng tôi đã được yêu cầu thử thời vận của mình như là “người tử trận cuối cùng ở Việt Nam”.

Mặc dù tôi thực hiện nhiệm vụ của mình với tinh thần chuyên nghiệp và một lòng thành, rõ ràng tôi đã bị ảnh hưởng bởi não trạng lãnh đạm này. Đối với tôi dường như cuộc chiến đang bị sa lầy và chúng tôi chỉ đơn giản là một hậu vệ có thể bị hy sinh. Tôi không thích điều đó. Tôi trở nên nghi ngờ cấp trên của tôi, cảm nhận rằng sự thất trận mà chúng tôi đang tham gia ít nhất đã giúp cho sự nghiệp của họ cơ hội để thăng tiến, trong khi đối với những phần tử còn lại trong chúng tôi chỉ còn một băn khoăn giữa sự sống hay cái chết. Tôi được vận chuyển về Mỹ như thương binh vào năm 1971 và ra khỏi biên chế quân đội một cách choáng váng và mất phương hướng. Tại Đại học Michigan tôi đã được vây quanh bởi các sinh viên và các giáo sư những người tán thành ba định lý nêu trên như thể chúng là một sự thật hiển nhiên. Tôi đã giận dữ vì đã hy sinh tuổi trẻ của mình cho sự vô dụng của người già, và, trong chừng mức mà tôi có suy tư tí gì về cuộc chiến, tôi chỉ cần theo các tín điều trong những khẩu hiệu rất hợp thời trang chống chiến tranh sau đó ở Ann Arbor.

Rất nhiều năm, kinh nghiệm chiến trường của tôi giống như một cục bướu lớn không tiêu hóa nổi vẫn nằm sâu trong tâm thức. Tôi không biết phải làm gì với nó. Tôi bắt đầu sự nghiệp giảng dạy và viết về lịch sử Việt Nam, mà trong trường hợp tôi có nghĩa là trước thế kỷ hai mươi, và tôi cho rằng với một đóng góp nhỏ tôi đã biến kinh nghiệm chiến trường khó ở của tôi sang một chuyện gì đó tích cực hơn bằng cách cố gắng dạy người khác về Việt Nam như là một đất nước và không chỉ là một cuộc chiến tranh.

Trong những năm đầu của thập niên 90, khi trở lại sống ở Việt Nam, tôi gặp rất nhiều người Việt – khi phải đối mặt với một người Mỹ đã từng là một người chiến binh trên đất nước họ và có thể nói ngôn ngữ của họ – họ đã bày tỏ sự giận dữ và nỗi đau đớn mà tôi dễ dàng cảm thông được. Ở miền Bắc, đó là những năm bị ném bom. Ở miền Nam, chính là khi bị phản bội. Dù bằng cách nào đi nữa, di sản Mỹ ở Việt Nam là một ký ức đau buồn đối với họ và cả với tôi. Nhưng có một điều tôi học được sau hai năm sinh sống và làm việc tại Việt Nam: đất nước này đang bị nạn độc tài, tham nhũng, và bần cùng hóa dưới một thể chế độc tài, và tôi bắt đầu đánh giá cao những gì mà nhiều người tị nạn Việt Nam đã nói với tôi: nếu người Mỹ đã giữ lời hứa, miền Nam Việt Nam bây giờ hẳn có thể thừa hưởng được sự thịnh vượng và dân chủ tương tự như những gì đang phát triển tại Đài Loan, Hàn Quốc và Thái Lan. Đối với tôi điều này trở nên rất rõ ràng rằng tôi không nằm trong số những người Mỹ tự ghê tởm chính mình và đất nước mình khi thấy những người dân ở các quốc gia khác đang tìm đến sự lãnh đạo của Hoa Kỳ, nhưng chỉ thấy một chế độ thực dân mới và chủ nghĩa đế quốc; tôi chấp nhận tiền đề rằng Hoa Kỳ có một vai trò chính nghĩa, thậm chí không thể tránh được, trong thế giới ngày nay.

Để chấp nhận định lý khẳng định các chính phủ ở Sài Gòn từ 1954-1975 là bất chính hoặc không có cơ may sống còn, người ta phải cố tin rằng kể từ năm 1945 chỉ có một chính phủ duy nhất có chính nghĩa và đáng tồn tại Việt Nam đó chính là chế độ được Hồ Chí Minh tuyên dương, mà đơn thuần đó chính là một nguyên lý gốc của phiên bản cộng sản về lịch sử dân tộc. Đáng kinh ngạc là tư tưởng hồ hởi của cộng sản Việt Nam đã và đang tiếp tục được các học giả và chuyên gia kinh điển tại Hoa Kỳ nuốt trọn không một thắc mắc. Thậm chí ngay cả Krushchev cũng không xử sự phù hợp với ý tưởng cộng sản cao ngạo và tuyệt vời này. Chúng ta thường quên rằng trong năm 1957, Liên Xô đã đề nghị cả hai chính phủ Việt Nam đang hiện hữu lúc đó được nhận vào Liên Hiệp Quốc, đó là chưa kể đến Trung Quốc cũng rất thích sự tồn tại của hai nước Việt Nam. Rõ ràng là, ngoài các bên Việt Nam ra, tất cả các đại biểu tại Hội nghị Geneva năm 1954 đều ưa thích một giải pháp hai nhà nước như là một cách để trị an khả dĩ cho một cuộc đối đầu toàn cầu. Sự khẳng định một nước Việt Nam thống nhất về mặt lý thuyết trong tuyên bố cuối cùng của hội nghị – mà không ai trong số các thành viên tham dự hội nghị chịu ký kết – đã để lại câu hỏi quan trọng về một chính phủ hợp pháp của một nước Việt Nam thống nhất với những bấp bênh không hình tượng về một cuộc bầu cử sẽ được tổ chức sau hai năm, đó là một thủ thuật ngoại giao nhằm phết lên trên sự nhiệt tình quốc gia chủ nghĩa với màu sắc hiện thực của một cuộc chiến tranh lạnh đang diễn ra.

Một quan điểm quen thuộc về chính quyền Ngô Đình Diệm cho rằng ông ta là người bất tài và tay sai của Mỹ. Quan điểm này ngày càng khó duy trì. Trước nhất, Ngô Đình Diệm đã thành công đánh bại hai cuộc nổi dậy ở nông thôn, vào năm 1956 và một lần nữa trong năm 1958. Cũng chính để đáp ứng với những thành tựu này mà các nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Hà Nội đã quyết định khởi sự một cuộc chiến tranh mới trong năm 1959, không phải vì họ coi Ngô Đình Diệm là người dễ bị áp đảo, nhưng ngược lại, bởi vì họ đã nhất quyết cho rằng họ không đủ khả năng chờ đợi lâu hơn để làm mất cơ hội ngăn chặn sự ổn định của một chính phủ không cộng sản ở miền Nam. Trong khi đó Mỹ quyết định hỗ trợ cuộc lật đổ chính vì ông [Diệm] không phải là tay sai và đang chống lại ảnh hưởng của Mỹ trong chính phủ của ông. Ông đã trở thành một vật tế thần cho sự bực tức của Mỹ và bị Chính phủ Hoa Kỳ phản bội; số phận của ông tiên liệu phần số của những người Việt Nam không ưa cộng sản sau này. Chỉ mới gần đây người ta mới bắt đầu đánh giá lại Ngô Đình Diệm một cách nghiêm chỉnh hơn và nhận thức rằng ông hiểu những gì cần thiết để cho phép quốc gia non trẻ của mình tồn tại tốt hơn so với nhiều cố vấn Mỹ háo hức nhưng lầm lạc. Sau khi ông bị ám sát, phải cần đến bốn năm sau trước khi một chính phủ mới được ổn định, một chính phủ cần thiết và phụ thuộc vào Hoa Kỳ nhiều hơn chính phủ của ông. Tuy nhiên, “nền cộng hòa thứ hai” kiên trì qua những thăng trầm của cuộc chiến và giữ được một vị thế chống trả khi – qua các diễn biến chính trị bất ổn của Hoa Kỳ – chính sách đối ngoại của Mỹ trong những năm đầu của thời 1970 đã phản bội tương lai một nước Việt Nam không cộng sản đưa họ vào tay của kẻ thù.

Hẳn rằng các chính phủ Sài Gòn không thiếu tính chính thống để được bền vững (với sự hỗ trợ của Mỹ) so với các chính phủ ở Hàn Quốc hay Đài Loan, hoặc giả ngay cả như Hà Nội (với sự hỗ trợ của thân chủ Cộng sản của họ). Nhưng bất hạnh thay cho miền Nam, họ là nạn nhân của một người bảo hộ không chuyên. Để xóa đi ký ức đáng xấu hổ này, nhiều người Mỹ cảm thấy thoải mái khi ôm ấp những mộng tưởng lãng mạn về Hồ Chí Minh và những ý niệm non nớt và nhàm chán về giả định lịch sử của một người Việt Nam anh hùng đánh bại kẻ xâm lược, trong đó danh tiếng của ông Hồ được nương náu.

Tôi thích những lời ví von về tầm quan trọng cần thiết để bảo vệ và nuôi dưỡng một nền dân chủ non trẻ trong một thế giới đầy dẫy các chế độ độc tài. Các quyền tự do mà chúng ta được hưởng ở Hoa Kỳ không chỉ xảy ra mà không cần nỗ lực của con người, cũng không có gì bảo đảm cho sự hiện hữu kéo dài của nền dân chủ này. Các tính năng tuyệt vời của hệ thống chính trị mà chúng ta xem thường, coi như lẽ tất yếu, chính là kết quả của sự hy sinh của từng thế hệ, sự hy sinh thường không được tôn trọng bởi những người được thừa hưởng chúng. Và đây là lý do tại sao tôi không thể chấp nhận định lý rằng Hoa Kỳ không có lý do chính thống để được can thiệp vào Việt Nam. Tôi tin rằng quyền lực toàn cầu trong tay của Hoa Kỳ nên được coi như là một trách nhiệm, chứ không phải một điều mà chúng ta cần phải xin lỗi. Nếu Hoa Kỳ không sử dụng quyền lực này cho lợi ích chung của mọi người trên thế giới này, thì nó sẽ không chỉ mất đi sức mạnh đó mà còn mất hết tất cả những gì mà Hoa Kỳ đã gặt hái được; những nền tự do đã phát triển mạnh mẽ dưới bóng ô dù của quyền lực Mỹ sẽ bị đe dọa. Tôi không phải là người Mỹ ghét bỏ chính mình, tránh né trách nhiệm, hoặc giả thà ngụp lặn trong những cảm giác tội lỗi do những sai lầm đã phạm hơn là mạnh dạn tranh đấu chống lại sự suy thoái trong khổ đau và hỗn loạn của toàn cầu. Bây giờ tôi không còn nghi ngờ gì chuyện Hoa Kỳ hoàn toàn hợp lý trong việc dùng quyền lực của mình để ngăn chặn sự tàn phá đức tin về một tương lai dân chủ ít nhất cho một số người Việt Nam. Thật không may, các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ trong những năm 1960 đã thực hiện một số quyết định chính trị và quân sự xuẩn ngốc, dẫn đến chuyện người dân Mỹ chống lại các cam kết tại Việt Nam. Theo tôi, bi kịch của Việt Nam không phải là nước Mỹ đã can thiệp khi họ không nên can thiệp, mà đúng hơn là sự can thiệp đã quá vụng về và những người Việt Nam tin tưởng vào chúng ta cuối cùng đã bị phản bội.

Định lý thứ ba là những nỗ lực của Mỹ tại Việt Nam chắc chắn phải cam chịu thất bại vì sự thoái hóa về ý chí và thiếu sự thống nhất trong mục đích của những người Mỹ và các cư dân của miền Nam Việt Nam so với miền Bắc Việt Nam và các đồng minh Trung Quốc và Liên Xô của họ. Đúng là các chính thể chống lại một nước Việt Nam không cộng sản đã có thể huy động người dân của mình mà không phải bận tâm đến sự bất đồng chính kiến, trong khi một trong những mục tiêu cơ bản dài hạn của Hoa Kỳ là phát huy quyền tự do đối kháng, một quyền mà chắc chắn sẽ làm giảm sự thống nhất ý chí cũng như mọi định hướng trong chính sách quốc gia. Hơn nữa, miền Bắc Việt Nam được hưởng lợi thế của các tổ chức đảng bộ cộng sản ở miền Nam Việt Nam chịu sự điều khiển của họ; miền Nam [quốc gia] không có lợi thế như vậy so với miền Bắc. Cuối cùng, từ quan điểm của Mỹ, Việt Nam là một quốc gia tương đối xa và ít được biết đến, và không tạo được bất kỳ cảm giác kết nối tự nhiên nào ngoại trừ cái lý lẽ (logic) của cuộc đối đầu chiến tranh lạnh toàn cầu. Tất cả những khía cạnh trong hoàn cảnh này trở thành thách đố cho bất kỳ nỗ lực nào nhằm nuôi dưỡng một chính phủ không cộng sản ở Sài Gòn. Tuy nhiên, những nhận định loại đó không đưa đến một cuộc tranh luận rằng chính sách của Mỹ tại Việt Nam sẽ bị triệt tiêu. Chính sách của Mỹ tại Việt Nam được sự ủng hộ cho đến năm 1968, và các nguồn lực quân sự và kinh tế của Hoa Kỳ, theo bất kỳ một phán xét nào, chắc chắn phải ngang hàng với nhiệm vụ bảo vệ chính quyền miền Nam Việt Nam. Ngay cả nếu chúng ta thừa nhận rằng những người cộng sản được yên trí hơn với cấu trúc cai trị của họ có thể đem lại cho họ lợi điểm của sự thống nhất về ý chí và hành động nhiều hơn là người Mỹ và đồng minh Việt Nam, thì thật khó để hình dung bằng cách nào mà các yếu tố đó có thể khuất phục được các tiềm lực quân sự của Hoa Kỳ nếu Hoa Kỳ biết triển khai một cách sáng suốt. Ta chỉ cần xem xét các cuộc chinh phục của Pháp ở Việt Nam vào cuối thế kỷ XIX để thấy những sai lầm về sự bất di bất dịch đó. Yếu tố dẫn đến thất bại của Hoa Kỳ và Nam Việt Nam không phải là sự thiếu ý chí và quyết tâm mà là một loạt các quyết định sai lầm trong chính quyền Kennedy và Johnson đã kéo dài cuộc chiến đưa đến bế tắc làm cạn kiệt sự kiên nhẫn của người dân Mỹ.

Trong những năm 1961-1967, Hoa Kỳ đã tự phá vỡ sức mạnh quân sự áp đảo của mình thông qua tư duy chiến lược nghèo nàn và thiếu quyết tâm về đường lối chính trị. Tất nhiên, các sai sót rất dễ giải thích, dường như dòng chảy tự nhiên từ báo chí về các sự kiện theo cách hiểu biết của tổng thống Kennedy và Johnson, và các cố vấn trưởng của họ.

Tuy nhiên, quan điểm bất đồng được tranh luận ở từng giai đoạn, và những chọn lựa được thực hiện không vì bị cưỡng ép mà do bắt nguồn từ những thiếu sót cơ bản và thiếu sự quan tâm đúng mức. Ta có thể kể ra dễ dàng những quyết định sai lầm nổi bật nhất: quyết định đàm phán vấn đề trung lập hóa Lào của Kennedy năm 1961, nhượng bộ cho địch thủ những khu sào huyệt an toàn dọc theo biên giới, và tuyến truyền thông nội địa để sau đó Mỹ phải nhận lãnh thiệt hại chiến lược trong suốt chiều dài cuộc chiến. Quyết định tăng cường lực lượng quân sự Mỹ ở Việt Nam của Kennedy đồng thời cố gắng ngăn chặn việc báo chí Mỹ đưa tin chuyện tác chiến của lính Mỹ mà không có một suy nghĩ chiến lược rõ ràng ngoại trừ cụm từ “cố vấn quân sự”, do đó tạo nên một tiền lệ nguy hiểm cho việc tham chiến mà không có sự minh bạch về mục tiêu cũng như sự trung thực với công chúng; quyết định của Kennedy để khích lệ một cuộc đảo chính quân sự lật đổ Ngô Đình Diệm, từ đó loại bỏ các lãnh đạo Việt Nam chống cộng đáng kể và hiếm hoi, tạo ra bao nhiêu năm nhầm lẫn chính trị, buộc Hoa Kỳ phải chọn lựa giữa thất bại hay ngày càng lún sâu vào vấn đề nội bộ của Việt Nam; quyết định của Johnson trong việc triển khai lực lượng không quân và bộ binh trong chiến lược làm tiêu hao (càn quét và tiêu diệt) địch quân, cho phép Tướng Westmoreland loại bỏ các biện pháp chống kháng chiến quân của Thủy quân lục chiến (một phương pháp, tình cờ, rất giống với chiến dịch người Pháp đã sử dụng thành công trong những năm 1880 và 1890); quyết định của Johnson nhắm vào mục đích thuyết phục đối phương bỏ cuộc hơn là thi hành những gì cần thiết để chiến thắng; quyết định không chịu vận động dân chúng và nền kinh tế cho chiến tranh của Johnson, từ chối gọi lính ở đội dự bị, hoàn toàn phụ thuộc vào chuỵện quân dịch, và vay mượn vào khủng hoảng tài chính đầu năm 1968, do đó chỉ để Hoa Kỳ tham chiến nửa vời trong cuộc chiến; Johnson quyết định cho phép chính sách chiến tranh bị ức chế vì dự đoán sai về nguy cơ can thiệp của Trung Quốc, do đó loại bỏ các chọn lựa quan trọng; Johnson đã tự mãn trong việc cho phép chiến tranh kéo dài tháng này sang tháng nọ mà không định lượng được mục tiêu, không đánh giá đúng mức được hậu quả, đã dẫn đến sự lụn bại của ý chí chính trị tại Hoa Kỳ. Tất cả các lỗi lầm này lên đến đỉnh điểm vào đầu năm 1968 với sự mất hậu thuẫn của công chúng để phải tiếp tục chiến tranh như đã tiến hành sau đó.

Sau đó, chính quyền Nixon, hoạt động trong những giới hạn của cuộc rút quân khỏi Việt Nam, mặc dù đã giúp ổn định lại một chính phủ miền Nam Việt Nam và xây dựng một quân đội miền Nam mà vào năm 1972 đã có thể, với sự hỗ trợ của Mỹ, đánh bại một cuộc xâm lược toàn diện từ phía Bắc. Tuy nhiên, những thành tựu này đã bị lâm nguy khi Hiệp định Paris năm 1973 được ký kết, và cuối cùng họ (Việt Nam Cộng hòa) cũng đã bị tiêu diệt bởi các vụ bê bối Watergate dẫn đến sự sụp đổ của Nixon. Miền Nam Việt Nam đã bị bỏ rơi để phải đối đầu với kẻ thù của mình mà không có sự hỗ trợ của đồng minh. Tôi tin rằng người ta có thể lập luận rằng ngay cả sau năm 1968, vẫn còn cơ hội để bảo vệ một chính phủ không cộng sản ở Sài Gòn, nhưng khả năng này đã được gắn quá chặt vào sự lãnh đạo của Nixon, và thiếu vắng ông, Hoa Kỳ đã không còn đảm lược để thi hành cho trót lời cam kết cuối cùng để đi đến thành công.

Tôi tin rằng Kennedy đã quyết định sai lầm về Việt Nam vì ông đã không đủ quan tâm, và Johnson đã hành xử như ông đã hành xử bởi vì Việt Nam không phải là ưu tiên của ông. Chủ yếu Kennedy bàn giao nhiệm vụ quyết định về Việt Nam cho cấp dưới của mình, những người thường xuyên hay có những mục tiêu tréo cẳng ngỗng với nhau hoặc chỉ đơn thuần họ bơi ra quá độ sâu của họ. Johnson đã dành ưu tiên, chú trọng vào các chương trình xây dựng xã hội quốc nội, và thực hiện các quyết định về Việt Nam giống như phong cách ông đã hoàn thiện để đối phó với Quốc hội: dỗ dành và cắt bớt những khác biệt. Cả hai đều không dành đủ thời gian thích đáng để đánh giá chính sách của họ tại Việt Nam với mức độ nghiêm trọng cần thiết, thể theo mức phí tổn của máu và tiền bạc đã đổ ra. Trong trường hợp thiếu vắng sự lãnh đạo sáng suốt và gắn bó, quyết định sai lầm tích lũy. Không có gì cần thiết hoặc bất di bất dịch về những quyết định của họ, trừ khi chúng ta muốn lập luận rằng mây mù trí tuệ nên được coi là một yếu tố thiết yếu của chính quyền Kennedy và Johnson. Một số người có thể vẫn thích tranh luận rằng loại mây mù trí tuệ này chỉ đơn giản là một dấu hiệu cho thấy Việt Nam đã không đủ quan trọng để thu hút sự chú ý của các nhà lãnh đạo Mỹ và bản thân nó cho thấy công cuộc tham chiến khó khăn của người Mỹ đã bị chết yểu. Trả lời cho câu hỏi này là Việt Nam đã đủ quan trọng đối với các tổng thống để gửi hàng vạn thanh niên Mỹ vào tử vong tại một chiến trường xa xôi với sự ủng hộ áp đảo của công luận và Quốc hội; rằng cuộc tham chiến đã được thực hiện một cách tồi dở chắc chắn là một phán xét về phẩm lượng của lãnh đạo nhiều hơn các chính sách riêng của mình.

Tôi bắt đầu dạy một khóa ở đại học về cuộc chiến Mỹ-Việt Nam vào cuối năm 1990 do một mặc cảm trách nhiệm công dân ấp ủ đã lâu (thế hệ trẻ cần biết về cuộc chiến này) và một ý tưởng ích kỷ hơn mà tôi cần phải làm điều đó để tìm sự an bình cho nội tâm. Buộc bản thân mình giảng dạy về cuộc chiến là một kinh nghiệm giải thoát khi tôi bắt đầu tìm được tiếng nói của mình trong tất cả các cuốn sách về cuộc chiến được tích lũy. Nhiều cuốn sách đi theo một luận điệu thuật lại tiêu chuẩn khuôn mẫu cho các định lý tôi đã thảo luận ở trên, mà tôi cảm thấy không thỏa mãn. Nhiều chủ đề quan trọng bị bỏ qua, đặc biệt là khát vọng, kế hoạch, và hành động của người Việt Nam đã chiến đấu cho niềm hy vọng của nền dân chủ ở đất của họ.

Tại một hội nghị trong khoảng thời gian đó, tôi đã gặp một người Việt như vậy, một người đàn ông đã phục vụ trong nhiều chính quyền Sài Gòn khác nhau từ cuối năm 1950 đến đầu những năm 1970 và sau đó đã bị bỏ tù nhiều năm trước khi di cư đến Hoa Kỳ. Đã có nhiều câu tôi muốn hỏi ông, nhưng ông nhìn tôi đầy nghi ngại và yêu cầu cho phép được đặt một câu hỏi cho tôi trước. Câu hỏi của ông là: “Bạn có nghĩ rằng trong cuộc chiến đó, chúng ta đã tranh đấu cho một lý tưởng cao quý?”. Tôi sững sờ trước câu hỏi bất ngờ này, nhưng sâu tận đáy lòng của mình một câu trả lời bộc phát làm tôi ngạc nhiên: “Tôi thấy đúng như thế!”. Từ lúc đó, thái độ của người đàn ông đối với tôi thay đổi đáng kể, ông ta trở nên tin tưởng và cởi mở hơn. Ông giải thích rằng theo kinh nghiệm của ông, các học giả Mỹ không tôn trọng ông ấy bởi vì họ tin rằng ông đã chọn đứng ở phía sai trái của cuộc chiến. Tuy nhiên, lỗi lầm duy nhất của ông là mong ước cho một nền dân chủ ở đất nước của mình và tin tưởng vào Hoa Kỳ.

Trong hơn hai thập kỷ, tôi cưỡng lại tư tưởng của bản thân rằng mình là một cựu chiến binh của cuộc chiến tranh Việt Nam. Tôi muốn được trở về với cuộc sống và không được mô tả bởi câu chuyện đau buồn đó. Tôi không thích đài tưởng niệm ở Washington DC với tên của tất cả những người tử vong được khắc trên một bức tường đá. Đó là một đài tưởng niệm cho người chết, nhưng tôi là một người sống sót và các bức tường này không có liên hệ gì với tôi. Sau đó, một buổi chiều vào lúc hoàng hôn, trong một buổi lễ đơn giản cách xa Washington DC, tôi đang lúi húi trong một chiếc lều chống cơn gió lạnh trong lúc một số người trẻ tuổi đọc danh sách của người chết dưới ánh nến. Đứng chung với những người chen chúc trong căn lều đó, nhìn ánh nến bập bùng hắt lên khuôn mặt và vải bố, lắng nghe các giọng nói thay nhau nối tên trước với tên sau trong một dòng chảy liên tục của âm thanh, mà không có một giọt nước mắt trong mắt tôi, có một cái gì đó di chuyển trong tôi và tôi cảm thấy được giải thoát, bỗng nhiên tôi biết chỗ đứng của tôi cũng như tôi đã vinh danh xứng đáng nơi cần có.

Đó là cả hai sự đổi thay quan điểm trí tuệ và một kinh nghiệm cảm xúc thỏa đáng giúp vứt bỏ cảm giác tội lỗi sai lầm về cuộc chiến tranh mà tôi đã cưu mang khoảng một phần tư thế kỷ. Làm như vậy đã giúp tôi học lại những giá trị tôi đã được dạy trong tuổi trẻ, để đánh giá cao sự hy sinh của những người Việt Nam nay đã trở thành những người đồng hương của tôi, và giúp tôi dạy về cuộc chiến với một niềm tin mới. Đối với một số học giả đồng nghiệp, lên án Hoa Kỳ là một đế quốc, bạo quyền phát xít rất hợp thời trang. Tôi không còn cảm thấy bị đe dọa bởi những khẳng định vô căn cứ như vậy. Tôi mời các bạn tìm xem trên toàn thế giới coi thử có một sự thay thế nào có thể chấp nhận được cho những đấu tranh dân chủ, tuy rằng không hoàn hảo, của Hoa Kỳ ngày nay. Tôi thấy không có một chọn lựa như thế. Thực tế khi Hoa Kỳ huy động quá nhiều quyền lực thế giới không phải là triệu chứng của một cái gì đó không ổn, trừ khi người ta đã chọn liên minh với các lực lượng trên thế giới biểu dương chuyện tàn độc đằng sau tấm bình phong của nạn nhân bị ức hiếp. Tôi đã nhận ra rằng đã đến lúc phải lên tiếng. Thanh niên của đất nước này được xứng đáng hơn là bị giảng dạy hoài nghi cay đắng và thù hận về những gì vẫn còn là niềm hy vọng tốt nhất cho nhân loại.

Keith W. Taylor, Đại học Cornell

Thái-Anh chuyển dịch

Switch mode views: