Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

‘Một Thời Ðể Sống’ với các cựu học sinh Nguyễn Trường Tộ



WESTMINSTER (NV) - Ngày 13 Tháng Chín tới đây, cựu học sinh Nguyễn Trường Tộ Vĩnh Long lại có cuộc họp mặt lần thứ tư tại tư gia ông Mai Thế Nghĩa, phụ trách Hội Ái Hữu Trung Học Nguyễn Trường Tộ Vĩnh Long.

Theo ông Mai Thế Nghĩa, lần họp mặt này, hội cũng ra một đặc san với chủ đề “Một Thời Ðể Sống,” làm diễn đàn cho các cựu giáo sư và cựu học sinh Nguyễn Trường Tộ bày tỏ tâm tư của mình với trường cũ người xưa. Ðồng thời cũng là để anh chị em liên lạc với nhau mật thiết hơn và thăm viếng ủy lạo những anh chị em còn ở quê nhà cùng thương binh quả phụ VNCH.


nguyentruongto vinhlongCác cựu giáo sư Nguyễn Trường Tộ Vĩnh Long vui vẻ gặp gỡ hàn huyên với đồng nghiệp cũ và cựu học sinh của mình trong một buổi hội ngộ. (Hình: Ban Tổ Chức cung cấp)

Ðây là cuốn đặc san thứ ba của hội. Hai cuốn trước được phát hành vào các năm 2013 và 2014. Mỗi cuốn đều có một chủ đề. Ðặc san 2013 có chủ đề” Một Thời Ðể Nhớ.” Ðặc san 2014, chủ đề “Một Thời Ly Hương,” và năm nay là “Một Thời Ðể Sống.”

Với hơn 400 trang khổ sách, Ðặc San 2015 của cựu học sinh Nguyễn Trường Tộ Vĩnh Long chuyên chở tâm tình của các vị giáo sư như Lê Châu Lộc, Ngô Văn Ðiệu, Lê Minh Ðức, Nguyễn Văn Liêm và Linh Mục Nguyễn Hữu Lễ và hơn 70 cựu nam nữ học sinh Nguyễn Trường Tộ qua các bài văn, thơ và biên khảo. Phần văn hầu hết các tác giả đều nói lên tâm tình của những người con xa xứ, lòng luôn khao khát một ngày về trường cũ quê xưa. Những tâm tình, những chuyện cũ đó là những mảnh đời ghi dấu một giai đoạn sống trên quê hương đất nước để nay, trong “một thời để sống,” vẫn mãi là những kỷ niệm hằn in nỗi nhớ.

Về phần thơ, tâm tình của những cựu học sinh còn trang trải da diết hơn nữa về một quê hương trong nỗi nhớ, về một ngôi trường xưa đã không còn hiện diện.

Theo lời những cựu học sinh Nguyễn Trường Tộ đã về thăm lại quê hương thì trường Nguyễn Trường Tộ đã không còn. Chế độ Cộng Sản đã phá hủy hoàn toàn ngôi trường để làm công viên.

Về phần biên khảo, có nhiều bài giúp cho kiến thức phổ thông của người đọc, đặc biệt có một bài viết về “người Việt đầu tiên tại Hoa Kỳ,” nhắc lại chuyện lịch sử Việt Nam về việc mở cuộc bang giao với Hoa Kỳ vào năm 1870 do Bùi Viện dưới triều vua Tự Ðức làm sứ giả. Nhưng theo tác giả bài viết (không thấy nêu tên) thì trước đó đã có một người Việt Nam là Trần Trọng Khiêm, người Phú Thọ, đã đến California tìm vàng và đã là nhà báo Việt Nam đầu tiên trên đất Mỹ.

Nói về trường Nguyễn Trường Tộ và Hội Ái Hữu Trung Học Nguyễn Trường Tộ, ông Mai Thế Nghĩa cho biết: “Trường được thành lập năm 1952. Ðức Cha Nguyễn Ngọc Quang là hiệu trưởng đầu tiên. Vào năm 2012, do sáng kiến của các cựu học sinh Nguyễn Trường Tộ, như LM Nguyễn Hữu Lễ, Bác Sĩ Phạm Ngọc Giao, Giáo Sư Lê Minh Ðức, Giáo Sư Nguyễn Văn Liêm, Giáo Sư Nguyễn Thị Nhiều, Mai Thế Nghĩa, Trần Khải Trung, Ðào Lê Minh Khải, Hoàng Dân Bình, Ðào Lê Minh Dung, Huỳnh Thanh Vân và Văn Bạch Lan đã quyết định thành lập Hội Ái Hữu Trung Học Nguyễn Trường Tộ. Hội tổ chức được bốn lần họp mặt ở nhiều nơi có đông người Việt cư ngụ. Năm 2012 tại Nam California. Năm 2013 tại Houston, Texas. Năm 2014 tại San Jose, Bắc california. Và nay 2015 tại Nam California với cuộc du ngoạn chung 3 ngày tại Grand Canyon để kỷ niệm “Một Thời Ðể Sống.”

Quý độc giả, cựu học sinh Nguyễn Trường Tộ Vĩnh Long, cần biết thêm chi tiết về cuộc hội ngộ năm nay, xin liên lạc với hội qua (714) 890-4821, (602) 502-6948.

Switch mode views: