Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ðại Việt Quốc Dân Ðảng kỷ niệm 75 năm thành lập


SANTA ANA, California (NV) - Vào ngày Thứ Bảy, 6 Tháng Mười Hai, tới đây, Ðại Việt Quốc Dân Ðảng sẽ làm lễ kỷ niệm 75 năm thành lập. Cũng trong lễ kỷ niệm này, 100 năm ngày sinh của đảng trưởng Trương Tử Anh cũng được cử hành.

Buổi lễ sẽ được tổ chức tại hội trường Trung Tâm Công Giáo Việt Nam, Santa Ana.

daiviet qdd trantrongdatÔng Trần Trọng Ðạt phát biểu tại đại hội đảng năm 2012. (Hình: Ðại Việt Quốc Dân Ðảng)

Theo thư mời được phổ biến, ngoài những nghi thức kỷ niệm ngày thành lập đảng và tưởng niệm, còn có phần phát biểu của quan khách đại diện các đảng bạn như Kỹ Sư Lê Thành Nhân; Tổng bí thư Việt Nam Quốc Dân Ðảng, ông Lê Hồng Thanh; Tổng bí thư Việt Nam Dân Chủ Xã Hội Ðảng, Kỹ Sư Nguyễn Hoàng Công, chủ tịch Hội Ðồng Hương Phú Yên; Luật Sư Ðinh Thạch Bích, VN Exodus Foundation.

Ông Trần Trọng Ðạt, chủ tịch Ðại Việt Quốc Dân Ðảng, cho biết: “Kỷ niệm ngày thành lập đảng và tưởng niệm đến đảng trưởng Trương Tử Anh là để chúng ta, những người có tâm huyết với đất nước dân tộc có dịp ôn lại một giai đoạn lịch sử vừa qua, trong đó các đảng phái quốc gia đã nỗ lực đóng góp. Ðồng thời để các đảng viên khắp nơi nhắc nhở nhau tinh thần cách mạng của đảng trưởng Trương Tử Anh mà dấn bước thêm theo con đường tranh đấu cho đất nước và dân tộc sinh tồn của nhà cách mạng Trương Tử Anh.”

Ðề cập đến hoạt động của đảng hiện nay ở trong nước cũng như hải ngoại, ông Trần Trọng Ðạt dè dặt tiết lộ: “Ở hải ngoại, nói chung, Ðại Việt Quốc Dân Ðảng nay đảng viên có mặt khắp nơi từ Âu Châu, Úc, Canada và Hoa Kỳ. Nhiều nơi chúng tôi chỉ có một hay hai đảng viên như ở Hawaii, Alaska nhưng sinh hoạt nội bộ đảng rất chặt chẽ qua các phương tiện truyền thông, liên lạc điện tử ngày nay. Hàng tháng chúng tôi có những sinh hoạt thường kỳ để có sự hoạt động thống nhất, cập nhật kịp thời tin tức trong và ngoài đảng nhất là tình hình quốc tế và trong nước.”

“Chúng tôi cũng có những sinh hoạt bất thường để đáp ứng tình hình khẩn cấp. Tất cả những sinh hoạt này giúp chúng tôi có được sự hoạt động thống nhất, đáp ứng được mọi tình huống đấu tranh. Ở trong nước, sự phát triển đảng có khó khăn hơn. Nhưng chúng tôi vẫn duy trì được các tổ chức của đảng đã có ở miền Nam từ trước năm 1975 và sau này thêm được một số cơ sở đảng khác do nối kết được với những thành phần tranh đấu ở trong nước. Tại miền Bắc từ vĩ tuyến 17 trở ra sau Tháng Tư, 1975, Ðại Việt đã phát triển thêm được tám cơ sở nữa trong tám tỉnh miền Bắc. Ðây phải nói là những cố gắng, hy sinh của lớp đảng viên cũ còn ở lại trong nước. Ðiều rất đáng nói là những cơ sở mới đã thu hút được tuổi trẻ tham gia, nay thì có thể nói thành phần đảng viên của đảng có tới hơn 50% là giới trẻ,” ông Ðạt nói tiếp.

Hoàn cảnh đất nước vào thời gian có những biến chuyển mạnh, thực dân Pháp đang suy yếu, chiến tranh thế giới đã ảnh hưởng đến chính tình khắp nơi khiến các đảng phái quốc gia có cơ hội hoạt động và phát triển nhanh chóng. Quốc Dân Ðảng với đảng trưởng Nguyễn Thái Học sau cuộc nổi dậy thất bại năm 1930 đã đánh thức lòng yêu nước trong toàn dân dù sau đó đã bị thực dân Pháp truy lùng tận diệt phải rút vào bí mật và tùy theo tình hình, phương tiện mà hoạt động dưới những tổ chức khác nhau nhưng cùng một gốc Quốc Dân Ðảng.

Theo tài liệu của đảng, ngày 10 Tháng Mười Hai, 1939, trước cao trào cách mạng trong toàn dân, nhà hoạt động Trương Tử Anh đã kết hợp được nhiều thanh niên tại Viện Ðại Học Hà Nội thề nguyền, kết hợp quyết tâm đưa dân tộc ra khỏi cảnh suy vong. Ðó là những thanh niên trí thức của thời đại như Nguyễn Tiến Hỷ, Nguyễn Tôn Hoàn, Phan Cảnh Hoàng, Ðặng Xuân Tiếp, Nguyễn Sĩ Dinh, Trương Bá Hoành, Võ Văn Hải, Nguyễn Văn Viễn, Giáo Lai, Bác sĩ San... Vì phát sinh tại Viện Ðại Học Hà Nội có nhiều sinh viên từ các nơi trong nước đến theo học, nên Ðại Việt Quốc Dân Ðảng đã nhanh chóng lan rộng khắp Bắc, Trung và Nam nên đảng đã chia thành các xứ bộ Bắc Việt, Trung Việt và Nam Việt để hoạt động. Ở xứ bộ Bắc Việt rất nhiều trí thức khoa bảng tham gia như Ðặng Vũ Lạc, Ngô Gia Hy, Ðặng Văn Sung, Bùi Diễm, Trần Trung Dung, Phan Huy Quát, Vũ Quí Mão, Trần Ðỗ Cung... và còn có hai phụ nữ là Ðặng Thị Khiêm tức bà Cả Tề và bà U. Ðảng cũng phát triển thêm ở Cambodia và Lào.

Kế tiếp những năm sau đó đảng đã thiết lập được các chiến khu và cơ sở quân sự như chiến khu Kép, chiến khu Lạc Triệu và trường sĩ quan Lạc Triệu cùng Trung Tâm Huấn Luyện Quân Sự, trường Lục Quân Yên Bái, chiến khu Di Linh, chiến khu An Ðiền Thủ Ðức, Gia Ðịnh, và Trung Ðoàn 25 A B... Thời Ðệ Nhất Cộng Hòa có các chiến khu Ba Lòng, Nguyễn Huệ, Châu Ðốc.

Ngoài ra, về chính trị đảng thành lập Mặt Trận Quốc Dân Ðảng nhằm kết hợp các đảng phái quốc gia.

Ðại Việt Quốc Dân Ðảng từ ngày thành lập luôn luôn bị đàn áp, triệt hạ qua nhiều chế độ khác nhau.

Thuyết “Dân Tộc Sinh Tồn” là đường lối và chủ trương của đảng. Chủ nghĩa Dân Tộc Sinh Tồn có ba mục đích là thực hiện đại đoàn kết quốc gia, bảo đảm sự sinh tồn cho mọi người trong dân tộc, củng cố và tăng cường sức mạnh dân tộc.

Ba mục đích này, theo Chủ Tịch Trần Trọng Ðạt thì đảng vẫn còn giữ cho đến ngày nay.

Switch mode views: