VOICE tặng trường học cho Philippines từ đóng góp của người Việt hải ngoại
- Thứ Năm, 20 tháng Mười Một năm 2014 11:34
- Tác Giả: Thiện Giao/Người Việt (Tường trình từ Philippines)
CORON, Philippines (NV) - Ngày mai sẽ là một ngày đặc biệt trong đời đi dạy của cô giáo Norilyn Gacayan. Ngày mai, cô giáo Gacayan, 38 tuổi, của vùng quê nghèo Coron phía Bắc tỉnh Palawan, Philippines, sẽ bắt đầu một mùa dạy 20 học trò lớp Một của mình, giữa những chiếc ghế gỗ mới toanh, thơm phức mùi sơn, giữa những bức tường trắng vừa quét vôi xong; ngay bên trong còn có hai phòng vệ sinh, một cho con trai, một cho con gái; ngay kế bên là bồn rửa tay.
Cô giáo lớp Một, Norilyn Gacayan, cùng con gái, Deborah Gacayan, 6 tuổi,
trong phòng học mới. Deborah là một trong 20 học sinh của mẹ. (Hình: Thiện Giao/Người Việt)
“Tôi chưa bao giờ được đứng trong một phòng học đẹp như thế này,” cô Gacayan, giáo viên lớp Một tại trường tiểu học Guadalupe Elementary School, Coron, hào hứng thổ lộ trong buổi khánh thành bốn phòng học mới do tổ chức VOICE cùng các tổ chức phi chính phủ tại địa phương hỗ trợ xây dựng.
Chỉ mới một năm trước, cũng vào những ngày này, cô đã bật khóc khi nhìn cảnh tan hoang của ngôi trường mình dạy. Cơn bão Yolanda - theo cách gọi của người Philippines; hay Haiyan theo quy ước quốc tế - đập vào Philippines, quét qua sáu tỉnh duyên hải, nhấn chìm hàng chục ngàn căn nhà, cướp đi mạng sống của hơn 6,000 người, vào lúc 9 giờ tối ngày 8 Tháng Mười Một, 2013.
Coron, 8 Tháng Mười Một, 2013
“Cơn bão ập vào lúc 9 giờ tối,” cô Gacayan hồi tưởng. “Nước ngập vào nhà. Tường và mái nhà hư nặng.” Cả gia đình Gacayan, gồm hai vợ chồng và hai đứa con nhỏ, loay hoay cả đêm, cố vớt lại những vật dụng vốn đã ít ỏi, đang trôi theo dòng nước lụt. Đến 6 giờ sáng, cô kể tiếp, “Tôi đến trường, cách nhà chỉ 100 thước.”
Học sinh tại trường tiểu học Guadalupe Elementary School, Coron, trong ngày khai trương các phòng học mới, 9 Tháng Mười Một. (Hình: Thiện Giao/Người Việt)
Chỉ 100 thước, con đường mà cô giáo Gacayan vẫn đi về mỗi ngày trong nhiều năm qua, nay không còn nhận diện được nữa. “Nước ngập khắp nơi. Bùn, rác, thân cây đổ, đã che hết lối.” Nhưng cô xác quyết “phải đến trường, vì đó là công việc của tôi.”
Đứng từ căn phòng ngoài cùng nhìn vào bên trong trường, cô bật khóc. Sáu trong số tám phòng học sập đổ hoàn toàn. Nước khắp nơi, nước ngập cả vào phòng học liệu. Cô ngẩn người, chẳng biết bắt đầu từ đâu. Định thần, cô lấy chiếc điện thoại, chụp hình khung cảnh hoang tàn, rồi bắt đầu vớt các thiết bị và học liệu dành cho việc giảng dạy. Cô vớt bất cứ thứ gì cô nghĩ còn có thể sử dụng được. Cô vớt bất cứ thứ gì nằm trong tầm tay, đưa lên nơi cao, phơi khô. Cô làm thật nhanh, vì “còn phải về nhà cứu lấy đồ đạc trong nhà.”
Cô bắt đầu như thế, với sự lúng túng, “Thật sự chẳng biết bắt đầu từ đâu.”
Cùng thời điểm ấy, cách xa nơi cô giáo Gacayan đang đứng đúng nửa vòng trái đất, một người Việt Nam đang sinh sống tại tiểu bang South Carolina, Hoa Kỳ, có cùng tâm trạng: “Phải làm một cái gì.” “Một cái gì” mà chính ông cũng chưa biết phải bắt đầu ra sao!
South Carolina, 8 Tháng Mười Một, 2013
“Nơi tôi làm việc có cái TV lớn, hay mở đài CNN. Ngày 8 Tháng Mười Một, 2013, CNN đưa tin siêu bão đánh vào Philippines,” ông Lê Bảo Thiên, 60 tuổi, nhớ lại. Là người tị nạn từng trải qua 10 năm tại Palawan và Manila trước khi đến Hoa Kỳ năm 1999, ông Thiên biết chắc rằng ông, và cả những ai từng trải qua đời tị nạn tại Philippines, phải làm một điều gì để giúp đỡ người dân của quốc gia từng “mở rộng vòng tay suốt nhiều thập niên đón nhận không những một mà hai, ba thế hệ người Việt chúng ta đến nương náu.”
Trước khi có các phòng học mới, kể từ lúc cơn bão đánh vào Coron, các em học sinh
phải học dưới các lều dã chiến như thế này. (Hình: Thiện Giao/Người Việt)
Ông Thiên nhớ ngay đến một luật sư trẻ, người, vào năm 1997, ông mang về giới thiệu lần đầu tiên với cộng đồng gốc Việt tị nạn tại Palawan: Luật Sư Trịnh Hội. Ông gởi tin nhắn đến Trịnh Hội, hỏi anh đang ở đâu và có biết cơn bão đang hoành hành Philippines. Hội cho biết đang có mặt tại đây. Hai người gọi điện thoại cho nhau. Trịnh Hội nhờ Lê Bảo Thiên khởi sự trước.
Ông Thiên viết ngay một bản tin ngắn, cho lên Facebook. Bản tin có đoạn:
“Thưa các bạn,
Khi chúng ta còn ở trong các trại tị nạn Phi Luật Tân, đặc biệt là những người đã “bị” ở lại một thời gian dài, dài đến nỗi mà tương lai mịt mờ, tuyệt vọng, khốn khổ, khổ hơn chữ “khổ.” Tôi nhớ không nhầm lúc ở trong trại, hầu như mọi người đều thường nói, hay ít nhất cũng thường nghe câu, “Chúng ta không phải là 'lá lành đùm lá rách' mà chính chúng ta là 'lá rách đùm lá nát'”.... nghe thương quá phải không các bạn?
Giờ đây ít nhiều mỗi chúng ta cũng có được cuộc sống khá ổn định, chí ít cũng “chăn ấm nệm êm,” thôi thì bây giờ chúng ta làm “lá lành đùm lá rách” được không?
Thế là công việc vận động gây quỷ bắt đầu. Trong một thời gian ngắn, VOICE, tổ chức bất vụ lợi do Luật Sư Trịnh Hội khởi xướng, cùng sự hỗ trợ của nhiều cơ quan khác, quyên được tổng cộng hơn nửa triệu đô la.
VOICE
VOICE cẩn trọng hoạch định chương trình trợ giúp nạn nhân bão Yolanda. Họ làm việc cùng các tổ chức phi chính phủ tại Philippines, gởi người đến các địa phương bị bão tàn phá, xem xét, ước tính, và cuối cùng chọn ra hai nơi để giúp đỡ: Thị trấn Ormoc ở phía Đông và thị trấn Coron, đảo phía Bắc tỉnh Palawan.
“Ormoc chịu thiệt hại nặng thứ nhì, chỉ kém Tacloban, nhưng không được các tổ chức quốc tế trợ giúp tương xứng,” Luật Sư Trịnh Hội giải thích. “Lý do là vì Ormoc không chịu thiệt hại nhân mạng, trong khi Tacloban có đến hơn 6,000 người chết.” Đây là một trong những lý do VOICE quyết định đến với Ormoc.
Tấm bảng tại trường tiểu học Sto. Nino Elementary School, Ormoc, có dòng chữ,
“Cho tôi che chở bạn như bạn từng che chở tôi lúc gian nguy.” (Hình: Thiện Giao/Người Việt)
Về phần Coron, theo lời Luật Sư Trịnh Hội, đơn giản là vì “đã có quá nhiều người tị nạn gốc Việt tấp vào đây trong hơn ba thập niên qua.” Phần lớn người Việt Nam vượt biên trong các thập niên cuối 1970 đến đầu 1990 đều “tấp vào Palawan, trong đó đông nhất là Coron.” Cho đến khi chấm dứt phong trào vượt biên, đã có hơn 400,000 người gốc Việt từ Palawan đến định cư tại các nước thứ ba.
Chương trình hỗ trợ của VOICE dành cho Ormoc và Coron chia làm nhiều đợt. Đợt đầu là cứu trợ khẩn cấp, mang thực phẩm đến cho người bị nạn. Đợt thứ nhì là giúp nông dân và người nghèo phương kế sinh nhai. Đợt cuối là giúp xây trường học “cho tương lai lâu dài,” Luật Sư Trịnh Hội cho biết.
Trong tổng số tiền hơn nửa triệu đô la quyên được, VOICE dành cho hai thị trấn Ormoc và Coron vào khoảng 11 triệu peso, tiền tệ Philippines, tương đương $250,000.
Tại Ormoc, ngân sách xây ba phòng học, một phòng y tế cùng một số xây dựng nhỏ khác là 3.1 triệu peso. Bên cạnh đó, chương trình “Livelyhood” - hỗ trợ nông dân - phối hợp cùng tổ chức CONCERN chi khoảng một triệu peso, giúp nông dân tại 15 nông trang mua phân, lúa giống, bắp giống, mía giống, thuốc trừ sâu, và nông cụ. Một số gia đình phụ nữ độc thân còn được hỗ trợ - thông qua đề nghị của tổ chức CONCERN - mua heo về nuôi để bán sinh lời.
Tại Coron, ngân sách xây mới bốn phòng học vào khoảng 3.7 triệu peso. Ngoài ra, chương trình hỗ trợ cộng đồng cũng cho đào giếng và làm hệ thống dẫn nước vào các phòng học, ngân sách 750,000 peso, với sự hỗ trợ từ chùa Hoa Nghiêm, Vancouver, Canada, của Hòa Thượng Thích Nguyên Thảo.
Bà Christina Heidi Garcellano, người chịu trách nhiệm trông coi 21 trường trong tỉnh Palawan, đồng thời là hiệu trưởng tiểu học Guadalupe, rất hài lòng về “trường điểm” của mình. Bà cho biết, các lớp học mới xây tại trường “đẹp và hiện đại nhất tỉnh Palawan.”
Ngoài ra, giếng nước trong trường không chỉ dùng cho học sinh mà còn để phục vụ người dân địa phương. Đào giếng chính là ý kiến của tổ chức phi chính phủ SAFPMC, “partner” của VOICE tại Coron.
“Nước là vấn đề lớn tại Coron. Nếu không có giếng, vào mùa khô, người ta phải đi nửa dặm để múc nước về sử dụng,” bà hiệu trưởng cho biết. Ngoài ra, bốn phòng học mới được xây dựng kiên cố “có thể trở thành nơi trú ẩn cho cư dân địa phương mỗi khi bão đến.”
Xin cho tôi che chở bạn
Ngày khánh thành các phòng học mới tại Ormoc và Coron, 8 và 9 Tháng Mười Một, là ngày hội của người dân địa phương. Học trò thị trấn nghèo vui mừng có lớp học mới. Các thầy, cô giáo vui mừng vì từ nay học sinh “không còn phải học ngoài trời.”
Dãy phòng học mới do VOICE cùng các tổ chức hợp tác xây dựng tại
Guadalupe Elementary School, Coron. (Hình: Thiện Giao/Người Việt)
Trong một năm qua, các trường học tại đây phải dựng tạm lều bên ngoài để học sinh ngồi học. Coron chẳng hạn, người ta vẫn còn nhìn thấy bốn cái lều dã chiến bằng vải và một căn nhà không vách, chỉ có mái tôn, dùng làm lớp học.
“Những ngày đầu sau bão thật khó khăn,” cô giáo Gacayan kể lại. “Trường có các lớp từ Một đến Sáu. Không có phòng học, học sinh phải học dưới bóng cây.” Mà bóng cây thì thay đổi vị trí liên tục tùy...mặt trời. Bóng cây tỏa đến đâu, cô giáo và học trò lại di chuyển đến đó, theo vòng tròn xung quanh gốc cây. “Di chuyển một hồi, học trò các lớp lẫn lộn với nhau, không biết làm sao mà dạy,” cô Gacayan kể và bật cười nhớ lại năm học vừa qua. Một năm học ngoài trời, giữa cái nắng nóng của thị trấn lam lũ Coron, “Sức khỏe của nhiều học trò và giáo viên sa sút thấy rõ.”
Im lặng một hồi, kìm cơn xúc động, cô nói, “Học trò ở đây nghèo lắm, rất nghèo.”
Trong lớp học của mình, cô giáo Gacayan để ba chiếc thùng nhỏ nơi góc phòng. Bên trên cô dán ba mảnh giấy nhỏ, ghi “reduce-reuse-recycle.” Cô giải thích, “Học trò nghèo. Nhiều em đi học mà không có giấy, viết, phải xin cô giáo. Tôi khuyến khích các em tiết kiệm giấy để đủ dùng cho mọi người. Tôi cũng khuyến khích các gia đình khá giả hơn nên mua tập vở cho con em, để dành giấy trắng cho các em nghèo.”
Tương tự, tại Ormoc, vào ngày khánh thành ba phòng học và trung tâm y tế, khoảng mươi em học sinh chơi bóng chuyền dưới trời nắng gắt. Đến trưa, các em được một cô giáo gọi vào cho ăn trưa. Cô giáo nói, “Chúng nó chơi từ sáng đến giờ, chưa ăn trưa. Mà có nhiều em trong số này không có gì để ăn cả.”
Ormoc là một thị trấn nghèo, với đa số người dân làm nông, trồng lúa, mía, bắp hoặc chăn nuôi.
Buổi khánh thành các lớp học tại tiểu học Sto. Nino Elementary School, Ormoc, ngoài đại diện giáo viên, Hội Phụ Huynh, đại diện tổ chức CONCERN, còn có đại diện Hội Nông Dân và Phụ Nữ địa phương.
Phụ nữ vùng quê nghèo, có lẽ đã “diện” bộ quần áo đẹp nhất trong ngày vui, vẫn thấy rõ nét lam lũ. Họ hát một bài dân ca bằng thổ ngữ Visayas của Ormoc, mừng tặng khách và ân nhân.
Cô hiệu trưởng Leah Quibido cho biết tình hình của trường sau một năm đã “có tiến bộ,” nhưng chẳng thấm vào đâu. Bộ Giáo Dục Philippines cho biết chỉ mới có 5% số phòng học bị hư hại được tu bổ, tính đến thời điểm hiện nay.
Cả Ormoc và Coron, và có lẽ ở bất cứ địa phương nào từng bị cơn bão quét qua, các giáo viên đều nói, “Không thể trông chờ chính phủ!”
Không trông chờ chính phủ, họ gởi niềm tin vào các tổ chức thiện nguyện quốc tế. Trong lời mở đầu chương trình nhận phòng học mới, cô giáo dạy lớp Sáu tại trường, dẫn lời một danh nhân: “Lúc nguy khốn, người cơ nhỡ có quyền được kêu gọi sự giúp đỡ từ đồng loại; những người có phương tiện giúp đỡ không thể ngoảnh mặt đi mà không cảm thấy tội lỗi.”
Luật Sư Trịnh Hội (giữa) và bà hiệu trưởng Christina Heidi Garcellano của trường tiểu học Guadalupe trong ngày khai trương các phòng học mới. (Hình: Thiện Giao/Người Việt)
Em Jennylyn Aying, lớp Bốn, đại diện 400 học sinh của trường, kể lại những ngày bão tố cách đây một năm. Em nói vẫn “nhớ như in ngày này năm ngoái. Bão đến, quét sạch tất cả. Cả nhà không có gì ăn, phải ăn dừa trong nhiều ngày liền.”
“Em vẫn cứ tưởng như ngày hôm qua,” Aying vừa nói vừa khóc.
Đứng dưới ánh nắng gắt của Ormoc, Hòa Thượng Thích Nguyên Thảo, một trong những ân nhân đóng góp cho các kêu gọi của VOICE, cũng là người hiến tặng số tiền đào giếng nước tại Coron, nói sự giúp đỡ của người Việt Nam chính là để bày tỏ lòng biết ơn người dân Philippines. Hòa Thượng cũng ủng hộ sáng kiến giúp tu bổ trường học, xây phòng học, vì có thể “để lại cái gì đó lâu dài.”
“Mở rộng vòng tay trong lãnh vực giáo dục là có ý nghĩa nhất, là cho các em cơ hội lớn lên trở thành người con ngoan trong gia đình, học trò giỏi trong trường học và công dân tốt của quốc gia,” hòa thượng chia sẻ. “Chỉ mong Yolanda đừng bao giờ trở lại.”
Luật Sư Trịnh Hội, đại diện VOICE cùng “tất cả các ân nhân khác,” có mặt tại hai buổi khánh thành trường học tại Ormoc và Coron, nói, “Đây chỉ là món quà khiêm tốn, là cơ hội để tỏ lòng tri ân đến những giúp đỡ của đất nước Philippines cho người Việt Nam tị nạn trong ba thập niên qua.”
Hai tấm bảng được dựng tại hai trường học mới, có dòng chữ, “Cho tôi che chở bạn như bạn từng che chở tôi lúc gian nguy.” Bên dưới là dòng chữ viết bằng Anh ngữ: “Lòng tri ân từ những người Việt Nam yêu chuộng tự do trên khắp thế giới.”
***
Đứng nơi bục giảng của phòng học mới, rộng thênh thang, cô giáo Gacayan hào hứng giới thiệu đồ chơi mới, do các ân nhân tặng cho học trò cô. “Đây là toàn bộ đồ chơi cho học sinh. À, mà chắc chắn là tôi cũng sẽ chia bớt cho các giáo viên khác, cho các lớp Hai, lớp Ba,” cô vừa nói, như vừa tính làm sao để học trò của cô được thật nhiều đồ chơi, và các em lớp lớn hơn cũng được dự phần.
Ngày mai, cô giáo Gacayan sẽ đứng trong phòng học mới - “đẹp nhất từ trước đến nay” trong đời đi dạy của cô - để dạy 20 học sinh lớp Một thị trấn đảo Coron. Cũng từ ngày mai, cô được dành toàn thời gian chỉ để dạy các em lớp Một, từ 7 giờ 30 sáng đến 5 giờ chiều mỗi ngày. Đây cũng là điều đặc biệt của mùa học này. Trường tiểu học Guadalupe, với 124 học sinh, trước nay chỉ có ba giáo viên và một hiệu trưởng, các thầy cô giáo phải luân phiên dạy nhiều lớp khác nhau. Năm nay, có thêm giáo viên mới về đây, trường có tổng cộng bảy giáo viên, kể cả hiệu trưởng.
Trong số 20 học sinh lớp học ngày mai, có một em có ý nghĩa đặc biệt với cô giáo Gacayan. Em sẽ tròn 6 tuổi, sẽ bước vào ngày đầu tiên đi học lớp Một. Em tên là Deborah Gacayan. Em là con gái đầu của cô giáo Gacayan. Những chữ viết đầu tiên trong đời, Deborah sẽ được học từ chính người mẹ của mình.
Related news items:
Tin mới
- Hình Phạt Cho Những Người Thích... Cạo - 26/11/2014 12:24
- Gặp gỡ Hội Quân nhân Mỹ gốc Việt trong mùa lễ Tạ ơn - 25/11/2014 20:03
- Bảo Nguyễn, từ con thuyền vượt biên đến chiếc ghế thị trưởng - 24/11/2014 21:51
- Cựu sinh viên Quốc Gia Hành Chánh hội ngộ mùa Tạ Ơn - 24/11/2014 21:46
- Europol bắt 26 thành viên của một tổ chức buôn người Việt - 22/11/2014 13:04
- Ðặt lại giá trị văn học miền Nam trong lịch sử văn học Việt Nam - 22/11/2014 12:57
- Phong Trào Đoàn Kết VNCH hội luận quan hệ Việt, Mỹ, Trung - 21/11/2014 00:25
- Vai trò tiếng Việt và cử tri gốc Việt trong kỳ bầu cử 2014 - 18/11/2014 01:27
- Nancy Nguyễn: '... để mỗi người có quyền bảo vệ lá cờ của mình' - 18/11/2014 01:21
- Ngày Cựu Chiến Binh 2014 với các cựu chiến binh Mũ Ðỏ - 14/11/2014 11:19
Các tin khác
- Rực rỡ đêm kỷ niệm 25 năm Đoàn Lạc Hồng - 11/11/2014 15:06
- Võ sĩ Nam Phan 'không quên gốc Việt!’ - 11/11/2014 14:51
- Bầu cử tại đơn vị 149 thành phố Houston - 10/11/2014 19:17
- Liên Đoàn Người Nhái gây quỹ giúp thương phế binh VNCH - 10/11/2014 13:01
- Hột Vịt Lộn Long An và bài học 'biến rác thành tiền' (Kỳ 2) - 10/11/2014 11:13
- Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam và Giải Nhân Quyền 2014 - 09/11/2014 21:42
- Janet Nguyễn, người phụ nữ VN đầu tiên được bầu vào Thượng viện California - 09/11/2014 21:24
- Hột Vịt Lộn Long An và bài học 'biến rác thành tiền' (Kỳ 1) - 09/11/2014 21:05
- Bánh Mì Sài Gòn, chỗ nào cũng có - 08/11/2014 13:35
- Bầu cử 2014: Thứ hạng các ứng cử viên gốc Việt vẫn không thay đổi - 08/11/2014 11:07