Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điều tra về cái chết của Arafat đe dọa tiến trình hòa bình Cận đông

polonium arafat


Ông Francis Bochud, giám đốc Viện nghiên cứu vật lý phóng xạ Lausanne trả lời báo chí - REUTERS/Denis Balibouse


Hôm qua, 07/11/2013, Viện nghiên cứu vật lý phóng xạ Lausanne (Thụy Sĩ) công bố một báo cáo y khoa sơ bộ khẳng định nguyên nhân gây ra cái chết của cố lãnh tụ Palestine Yasser Arafat năm 2004.

Theo đó, có khả năng rất lớn là ông Arafat bị đầu độc bằng chất polonium, do hàm lượng chất này trong cơ thể ông Arafat cao hơn 20 lần so với mức bình thường.

Sau tuyên bố của cơ sở nghiên cứu Thụy Sĩ, chính quyền Palestine bị đặt trước áp lực rất lớn phải đưa vấn đề này ra trước tòa án quốc tế, trong bối cảnh quan hệ Palestine và Israel vốn đang rất căng thẳng.

Ngày 11/11/2004, ông Yasser Arafat qua đời ở tuổi 75, sau một cơn bệnh bí hiểm.

Tháng 11 năm ngoái khoảng 60 mẫu xét nghiệm đã được lấy ra từ thi hài của ông, để phục vụ cho các nghiên cứu được tiến hành đồng thời tại Pháp và Thụy Sĩ, cũng như tại Nga, theo đề nghị của chính quyền Palestine.

Hôm qua, 07/11, trả lời phỏng vấn AFP, ông Wassel Abou Youssef, thành viên Ủy ban hành pháp của Tổ chức Giải phóng Palestine, việc kết quả nghiên cứu kể trên cho thấy ông Arafat bị đầu độc bằng polonium, một hóa chất chỉ có các quốc gia mới có thể sở hữu, cho thấy « hành vi tội ác này do một nhà nước chủ trương ».

Một lãnh đạo của Fatah, đảng của cố lãnh đạo Palestine, cũng loại trừ nguyên nhân cái chết do một người thân thích gây ra như quả phụ của ông Arafat đã từng nhắc đến.

Theo nhà phân tích Hani al-Marsi, việc công bố các kết quả điều tra về nguyên nhân cái chết của Yasser Arafat « có thể phá hủy các đàm phán chính trị » Israel-Palestine đang diễn ra.

Tổ chức Hamas, cầm quyền tại dải Gaza, ngay sau khi kết quả điều tra sơ bộ được công bố, kêu gọi ngưng lập tức các đàm phán hòa bình với Israel.

Về vấn đề nguyên nhân cái chết của ông Arafat, trong một tuyên bố ngày thứ Tư, 06/11, bà Souha Arafat, vợ của lãnh đạo quá cố, không cáo buộc đối với bất cứ ai hay bất cứ nước nào.

Quả phụ của Yasser Arafat chỉ nhắc lại rằng nhà lãnh đạo lịch sử của Tổ chức Giải phóng Palestine đã từng có rất nhiều kẻ thù, đặc biệt trong các xung đột với Israel.

Năm 1993, ông Arafat đã ký kết hiệp định hòa bình tạm thời với Tel Aviv tại Oslo, rồi tiếp tục lãnh đạo một cuộc nổi dậy của người Palestine, vào năm 2001, sau khi các đàm phán thất bại.

Về phần mình, ngày hôm qua, 07/11, Nhà nước Do Thái khẳng định rằng không có bất cứ một trách nhiệm nào trong cái chết của ông Arafat.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Israel, Yigal Palmor, nhận định « các lời đồn thổi » về nguyên nhân cái chết của Yasser Arafat là kỳ cục.

Theo một cựu lãnh đạo Israel, Tel Aviv không bao giờ quyết định đầu độc cố lãnh đạo Palestine, và cho dù một cuộc đầu độc như vậy là có thực, thì xáo động hiện nay xung quanh cuộc điều tra về nguyên nhân cái chết của Yasser Arafat, chỉ là « cơn bão trong một tách trà ».

Theo các nhà quan sát, báo cáo pháp y Thụy Sĩ, được kênh truyền hình Al-Jazeera công bố, chỉ khẳng định thêm niềm tin vốn bắt rễ sâu sắc trong công luận Palestine rằng Israel tham gia vào vụ đầu độc này.

Theo bình luận của nhà chính trị học Abdelmajid Souilem, « mục tiêu của Israel giết ông Arafat là để làm rối loạn chính trường Palestine và để cho ra đời một ban lãnh đạo mới có thái độ nhân nhượng hơn (ám chỉ chính quyền của Tổng thống Abbas hiện nay), có thể ký kết một thỏa thuận hòa bình với Israel trong thời gian gần ».

Trên thực tế, còn nhiều bí ẩn xung quanh nguyên nhân gây ra cái chết của Yasser Arafat.
Nghiên cứu tại Nga cho thấy những kết quả khác. Vào tháng 10/2013, theo hãng thông tấn Interfax, phụ trách cơ quan pháp y Nga đã tuyên bố không có lý do gì để khẳng định việc ông Arafat bị đầu độc.

Tuy nhiên, ngay sau đó, chính cơ quan này đã tuyên bố bác bỏ việc có một thông tin như vậy.

Một số chuyên gia đưa ra nhận xét rằng, nếu polonium là chất được dùng để đầu độc ông Arafat, thì cố lãnh đạo Palestine sẽ phải tử vong ngay sau đó, như trường hợp cựu điệp viên Nga Litvinenko, bị đầu độc ở Luân Đôn năm 2006.
Mà, trên thực tế cố lãnh đạo Palestine đã có thời gian hồi phục tạm thời, trong thời gian ông bị mắc căn bệnh bí hiểm.


Switch mode views: