Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tại sao Ả Rập Xê Út từ chối làm thành viên Hội Đồng Bảo An ?

USA-KERRY 3

Ngoại trưởng Kerry công du Trung Cận Đông : Hồ sơ Syria làm lộ rõ bất đồng giữa Ryad và Washington - REUTERS /Susan Walsh


Từ ngày mai, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry bắt đầu chuyến công du Trung Cận Đông và nước đầu tiên mà ông tới thăm, trong hai ngày, 03 và 04/11, là Ả Rập Xê Út.
Theo Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Kerry « sẽ tái khẳng định tính chất chiến lược của quan hệ Hoa Kỳ - Ả Rập Xê Út, trước quy mô các thách thức mà hai nước cùng phải vượt qua ».

Quả thực là quan hệ giữa hai nước đã xấu đi trong thời gian qua.

Bằng chứng cụ thể nhất là việc Ả Rập Xê Út, vào ngày 18/10, đã có một hành động chưa từng thấy trong lịch sử Liên Hiệp Quốc, một sự thách thức đối với Hoa Kỳ : Chính quyền Ryad thông báo từ chối làm thành viên không thường trực Hội Đồng Bảo An cho dù vừa được bầu, với lý đo là định chế này bất lực trong hồ sơ Syria và cuộc xung đột Palestine-Israel.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, đây là hệ quả của những bực tức dồn nén của Ả Rập Xê Út trước thái độ của Hoa Kỳ.

Tất cả bắt đầu với cuộc Cách mạng mùa xuân Ả Rập mà chính quyền Ryad rất nhanh chóng nhận ra rằng đó là một mối đe dọa cực kỳ nguy hiểm.
Việc lật đổ các nhà độc tài Tunisa Zine El-Abidine Ben Ali và Libya Mouammar Kadhafi không làm Ryad mấy bận tâm.

Ngược lại số phận của nhà cựu độc tài Ai Cập, Hosni Mubarak, người bạn trung thủy và tận tâm của Ryad đã làm Ả Rập Xê Út nổi đóa : Tại sao Washington lại nhanh chóng và dễ dàng bỏ rơi Mubarak, người đã luôn luôn bảo vệ các lợi ích của phương Tây trong vùng và duy trì được ổn định tại Ai Cập với bàn tay sắt.

Vào thời điểm đó, một mối đe dọa khác lại xuất hiện ngay trước cửa ngõ Ả Rập Xê Út : Cuộc dậy hồi tháng Hai 2011 tại Bahrain, có nguy cơ dấy lên một phong trào cách mạng trong vùng Vịnh, lật đổ sự thống trị của gia đình Khalifa, thuộc phái Hồi giáo Sunni, và thay vào đó một nền cộng hòa do phái Hồi giáo Shia thống trị.

Từ sau 2003, Irak đã rơi vào tay phái Hồi giáo Shia thân Iran, đối thủ lớn nhất trong khu vực của Ả Rập Xê Út.
Còn Bahrain lại liền kề các vùng phía đông Ả Rập Xê Út, nơi có nguồn dầu lửa dồi dào, nhưng lại đông dân theo phái Hồi giáo Shia.

Mặt khác, sự nghi ngại của Ryad đối với Washington không ngừng gia tăng, nhất là thái độ thiện cảm của Mỹ đối Huynh Đệ Hồi Giáo tại Ai Cập, sau khi tổ chức này giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử.

Trong cuộc chạy đua để khẳng định vai trò thống trị của mình trong thế giới Hồi giáo Sunni, Ả Rập Xê Út đã coi Huynh Đệ Hồi Giáo là đối thủ, thậm chí là kẻ thù, nhất là kể từ khi tổ chức này chống lại việc Ryad kêu gọi Washington can thiệp giải phóng Koweit bị Irak của chế độ Sadam Hussein xâm chiếm năm 1990, rồi lại liên kết chặt chẽ với Qatar, một đối thủ cạnh tranh khác của Ả Rập Xê Út trong vùng Vịnh.

Tuy nhiên, chính hồ sơ Syria mới làm lộ rõ những bất đồng giữa Ryad và Washington.

 Ả Rập Xê Út đã tích cực ủng hộ cuộc nổi dậy của đa số dân Hồi giáo Sunni chống lại chính quyền của Tổng thống Bachar Al Assad, theo hệ phái thiểu số Alaouite, một chi nhánh ly khai của hệ phái Hồi giáo Shia, đồng minh chiến lược của Iran.

Chính quyền Ryad muốn phá vỡ khối liên kết Shia hình « vành trăng », từ Teheran qua Bagdad và Damas, tới miền nam Liban.

Do vậy, Ả Rập Xê Út đã cung cấp một khối lượng vũ khí lớn cho phe nổi dậy Syria.

Nhưng Hoa Kỳ không tiếp tay. Liên minh Mỹ-Ả Rập Xê Út, được hình thành trong những năm 1980, đánh bại Hồng quân Liên Xô tại Afghanistan, lần này không hoạt động.
Rồi Mỹ lại từ bỏ ý định tấn công Syria sau vụ quân đội nước này sử dụng vũ khí hóa học ngày 21/08.

Sự cay đắng của Ả Rập Xê Út đã chuyển thành nỗi tức giận, tâm thần hoảng loạn khi Tổng thống Barack Obama, ngày 27/09/2013, điện đàm với đồng nhiệm Iran Hassan Rohani.

 Đây là lần đầu tiên nguyên thủ hai nước nói chuyện với nhau, kể từ sau cuộc Cách mạng Hồi giáo năm 1979.
 Đối với giới lãnh đạo Ả Rập Xê Út, không cần phải chứng minh thêm nữa, rõ ràng là Washington sẵn sàng từ bỏ đồng minh Ryad và thay đổi liên minh tại Trung Cận Đông.

Hóa giải được những bực tức, nghi kỵ của Ả Rập Xê Út và khôi phục lại lòng tin của Ryad đối với Washington, công việc của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry không hề đơn giản.


Switch mode views: