Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bài trừ thuốc lá : Pháp tái khởi động chiến dịch

Chongthuocla


Một cuộc tuần hành tại Seoul nhân ngày Quốc tế không Thuốc lá.
Reuters/Truth Leem


Nhân ngày Quốc tế chống thuốc lá 31/05/2013, bộ trưởng Y tế Pháp tuyên bố tái khởi động cuộc chiến chống thuốc lá và nhấn mạnh đến việc cần hạn chế thuốc lá điện tử giống như với thuốc lá thông thường.

Theo bà Marisol Touraine, để chống thuốc lá, “không có một biện pháp mầu nhiệm nào, không có giải pháp duy nhất nào. Chúng ta cần phải tiến hành một chiến lược mang tính tổng thể”.

Bộ trưởng Y tế Pháp ghi nhận thực trạng tiêu thụ thuốc lá không giảm mà có chiều hướng gia tăng, đặc biệt ở giới trẻ và phụ nữ có thai.

Ví dụ như tăng 10% trong vòng ba năm gần đây ở thanh niên 17 tuổi, và Pháp có số lượng phụ nữ có thai hút thuốc cao thuộc loại kỷ lục Châu Âu. Đây là cơ sở khiến Pháp tiếp tục cuộc chiến với thuốc lá.

Trước mùa hè năm 2014, bộ Y tế Pháp sẽ buộc các bao nhãn thuốc lá phải dán một logo đặc biệt khuyến cáo phụ nữ có thai nên tránh, giống như đối với rượu.

Đối với giới trẻ, bộ phụ trách sức khỏe nước Pháp cũng muốn tạo điều kiện cho giới trẻ được tiếp cận dễ dạng hơn với các biện pháp cai thuốc và đặc biệt chú ý đến bộ phận cư dân này trong các chương trình chống thuốc lá.

Bộ Y tế Pháp dự kiến thiếp lập nhiều khu vực không hút thuốc ở các không gian ngoài trời, như các điểm chờ buýt hay công viên cho trẻ em, và dự kiến “huy động" chính quyền các địa phương tham gia vào việc này.

 UMIH - Liên hiệp hội chính của các quán hàng nước Pháp - sẽ lập ra một loạt "các hiên quán không có khói thuốc", để giúp cho các khách hàng chọn chỗ ngồi ở bên ngoài không bị hít khói thuốc thụ động.

Thuế thuốc lá có khả năng cũng sẽ tăng lên 5% từ 01/07, với dự kiến việc tăng thuế có khả năng giảm bớt lượng tiêu thụ.

Chủ tịch hiệp hội chống thuốc lá “Alliance contre le tabac” và nghị sĩ UMP, ông Yves Bur, cho rằng các biện pháp kể trên là không đủ.

Điều quan trọng, theo ông, cần phải tiến hành các biện pháp đồng thời cùng một lúc và đặc biệt là giúp người nghiện thoát khỏi sự phụ thuộc vào thuốc.

Hạn chế thuốc lá điện tử giống như đối với thuốc lá

Trong thời gian gần đây, ngày càng có nhiều người Pháp sử dụng thuốc lá điện tử, có hình thức giống như điếu thuốc, cũng mang lại nicotine, nhưng rẻ tiền hơn nhiều và được coi là ít nguy hiểm hơn nhiều, vì không có khói.

Ước tính có đến gần một triệu người Pháp sử dụng thuốc lá điện tử.

Dựa trên báo cáo của chuyên gia về hô hấp Bertrand Dautzenberg, bộ trưởng Y tế Pháp nhận định rằng, “thuốc lá điện tử” không được quy định chặt chẽ, trong khi đó các nguy cơ đối với sức khỏe về dài hạn vẫn còn chưa được biết rõ.

Theo bộ trưởng Pháp, thuốc lá điện tử không phải là một sản phẩm vô hại, bởi vì nó có thể khuyến khích người ta đi vào con đường sử dụng thuốc lá.

Bộ trưởng Marisol Touraine quyết định mở rộng các biện pháp hạn chế thuốc lá đối với thuốc lá điện tử, ví dụ như cấm quảng cáo, cấm bán cho người vị thành niên và kể cả việc cấm sử dụng các loại thuốc lá điện tử, có hình thức giống như thuốc lá, tại các nơi công cộng trong nhà.
 Giống như thuốc lá, thuốc tẩu, xì gà đã bị cấm từ năm 2007.
 Kiến nghị này sẽ được đưa ra tham khảo Hội đồng Nhà nước.

Fuu, một nhà sản xuất thuốc lá điện tử bày tỏ "sự ngỡ ngàng và lo ngại" đối với quyết định cấm thuốc lá điện tử tại những nơi công cộng trong nhà, và cho rằng việc này sẽ "làm cho những người sử dụng bị phân biệt đối xử và đẩy họ vào các căn phòng đầy khói thuốc".

Một tuần lễ trước ngày Quốc tế chống thuốc lá, Ủy ban Quốc gia Pháp chống nạn thuốc lá (CNTC - Comité national contre le tabagisme) lên án ảnh hưởng của ngành công nghiệp thuốc lá tại Pháp đối với các chính sách của ngành y tế.

 Để hỗ trợ Nhà nước, hiệp hội CNTC đã cho ra một cẩm nang hướng dẫn, đề xuất các biện pháp cụ thể nhằm khuyến cáo các cơ quan chính quyền từ chối mọi hình thức hợp tác và không ủng hộ các doanh nghiệp thuốc lá.

Theo CNTC, mỗi năm có hơn 70.000 người Pháp chết sớm vì thuốc lá.


Switch mode views: