Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Châu Á, miền đất hứa đang được Nga thăm dò

asean-summit singapore 2

Tổng thống Singapore Halimah Yacob (P) tiếp đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, Singapore, ngày 13/11/2018
REUTERS

Lần đầu tiên một nguyên thủ Nga đặt chân đến Singapore. Tổng thống Vladimir Putin tham dự thượng đỉnh ASEAN-Nga và thượng đỉnh Đông Á trong lúc thủ tướng Dimitri Medvedev chuẩn bị sang Papua New Guinea dự thượng đỉnh APEC ngày 14/15/11/2018.

Trong bối cảnh bị áp lực trừng phạt của châu Âu và Mỹ, Matxcơva thắt chặt quan hệ với Bắc Kinh nhưng cùng lúc đi tìm những đối tác mới ở châu Á để không mất thế độc lập.

Sự kiện chủ nhân điện Kremlin đến Singapore trong tuần này gây ngạc nhiên cho nhiều người, bởi vì chưa bao giờ tổng thống Nga tham gia hội nghị thượng đỉnh Đông Á từ khi nước này gia nhập năm 2011.

Từ trước đến nay, tổng thống Putin chỉ dự các cuộc họp của Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á Thái Bình Dương APEC, nhưng năm nay, trong khi thủ tướng Dimitri Medvedev dự APEC thì tổng thống Putin công du Singapore và tham dự thượng đỉnh Đông Á cùng ngày.

Từ khi Liên Xô sụp đổ, để tái cấu trúc kinh tế, Nga đã bắt đầu hướng về Đông Á, đầu tàu của tăng trưởng thế giới từ thập niên 1990.
 Tiếp theo đó, vì xung khắc với Mỹ và Liên Hiệp Châu Âu, nhất là từ 2014 sau vụ Crimée, Nga tập trung vào Trung Á, vùng ảnh hưởng truyền thống.

Trong bối cảnh bị Tây phương và Mỹ gia tăng trừng phạt gây sức ép từ sau vụ tai tiếng gián điệp, can thiệp bầu cử Mỹ …, chính quyền Nga phải nỗ lực hơn đi tìm những đối tác mới, cải thiện quan hệ với Trung Quốc qua các định chế kinh tế, an ninh « Hợp Tác Thượng Hải » và « Liên Hiệp Kinh Tế Á-Âu ».

 Tuy nhiên, theo phân tích của Valdai Club, viện nghiên cứu chiến lược của Nga ở Matxcơva, tổng thống Putin không muốn nước Nga bị biến thành « đối tác đàn em » của Trung Quốc.

Bốn nhu cầu chiến lược

Do vậy, chiến lược « hướng đông » của Matxcơva phải đi xa hơn.
Có bốn lý do thúc giục Putin phải đi xuống tận châu Á-Ấn Độ Dương.

Trước tiên là nhu cầu kinh tế: các nước châu Á, nhất là Nhật Bản, có thể giúp Nga phát triển vùng viễn đông thừa đất thiếu dân.
Thứ hai, là khác với Liên Hiệp Châu Âu, các nước Đông Nam Á không đặt vấn đề nhân quyền, không thắc mắc chuyện nội bộ của Nga hay khủng hoảng Ukraina.
Thứ ba là quân sự. Nga xuất khẩu khá nhiều vũ khí cho một số nước lớn trong vùng như Ấn Độ ,Việt Nam, Indonesia và Malaysia.

Bộ tư lệnh lực lượng Viễn Đông được cải tổ, hạm đội Thái Bình Dương được tái tổ chức, nếu được sử dụng đúng lúc, đúng chỗ sẽ là một lá chủ bài của cường quốc quân sự thứ hai thế giới.

Chiến lược địa-chính trị là lý do thứ tư . Tham dự các diễn đàn của ASEAN là cơ hội để tổng thống Nga phục hồi vị thế trước đây của Matxcơva ở khắp khu vực từ tình hình bán đảo Triều Tiên, bang giao với Nhật và quan hệ với Mỹ bên ngoài khuôn khổ NATO.
 Nói cách khác, Putin làm một công đôi ba việc: thoát trừng phạt Mỹ, không rơi vào thế bị động với Trung Quốc, cân bằng các cân lực lượng tại Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Bất trắc?

Theo Anna Maria Romero, một nhà phân tích độc lập ở Singapore, thách thức của tổng thống Nga là làm sao biến vận hội ở phương Đông thành kết quả cụ thể.
Vấn đề còn lại là liệu thực tế có thuận chiều với đường lối bị xem là « duy ý chí » của lãnh đạo Nga hay không?

Trả lời phỏng vấn nhật báo kinh tế Pháp Les Echos , giới doanh nhân cho biết họ quen và thích buôn bán, làm ăn với đối tác châu Âu hơn là với châu Á xa xôi.
Châu Âu nếu không là quê hương thứ nhất thì cũng là quê hương thứ hai của một cộng đồng người Nga rất đông đảo.

Ở châu Á cũng thế, một quan chức thân cận với tổng thống Putin than phiền là Tokyo, tuy hứa đầu tư thật nhiều, thủ tướng Shinzo Abe gặp Putin 22 lần, nhưng thực hiện chẳng bao nhiêu.

Quần đảo Kuril là cản lực trên đường «đông tiến » của chủ nhân điện Kremlin. Một ẩn số khác là Malaysia.
Chưa rõ thủ tướng Mohamad Mahathir sẽ nói gì với tổng thống Nga về vụ MH-17 bị bắn rơi ở Ukraina?

Switch mode views: