Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nga đẩy mạnh chiến dịch tác động lên bầu cử Mỹ

texas-debate

Tranh luận giữa các ứng cử viên tại Texas ngày 16/10/2018. Bầu cử giữa kỳ tại Mỹ đang là mục tiêu can thiệp mới của Nga?
Reuters

Tấn công tin học, loan tin giả trên mạng, càng gần đến ngày bầu cử giữa kỳ tại Mỹ 06/11, các nhân viên của Matxcơva càng gia tăng chiến dịch nhằm tác động đến cuộc bầu cử này, giống như họ đã làm với cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2016, theo ghi nhận của hãng tin AFP hôm qua, 23/10/2018.

Mặc dù Mỹ đã đóng hàng ngàn tài khoản do Nga kiểm soát trên mạng xã hội Twitter và Facebook, truy tố 14 nhân viên của Cơ quan Nghiên cứu Internet ( IRA ) của Nga, mà tư pháp Mỹ xem là một « ổ » tin tặc, tin giả, nhận tiền của điện Kremlin, các nỗ lực nhằm can thiệp vào chính trị nội bộ nước Mỹ vẫn không suy giảm.

Một chuyên gia về an ninh quốc gia, làm việc cho Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ( CSIS ), bà Suzanne Spaulding cho biết :
« Sau bầu cử năm 2016, đã có nhiều tranh luận về khả năng người Nga quay trở lại năm 2018. Kể từ nay, chúng ta biết rõ : họ chưa bao giờ rời đi ».

Vào thứ Sáu tuần trước, bộ Tư Pháp Mỹ thông báo việc truy tố lãnh đạo của Cơ quan Nghiên cứu Internet, tức là cơ quan quản lý hàng chục ngàn đô la ngân sách dành cho các hoạt động loan tin giả ở Mỹ và châu Âu.

Bản cáo trạng nêu rõ là đã có rất nhiều tài khoản của IRA mạo danh là tài khoản của các công dân Mỹ, chuyên đăng những bài viết, những tin nhắn, với những nội dung « đổ thêm dầu vào lửa » về tình hình chính trị nội bộ của Mỹ, đặc biệt là nhằm bài bác đảng Dân Chủ.

Theo các cơ quan tình báo Mỹ, đích thân tổng thống Vladimir Putin vào năm 2016 đã chỉ đạo các nỗ lực nhằm gây tác động lên bầu cử tổng thống Hoa Kỳ, theo hướng bất lợi cho ứng cử viên Dân Chủ Hillary Clinton, để cử tri dồn phiếu cho ứng cử viên Cộng Hòa Donald Trump.

Theo lời ông Bret Schafer, người điều hành trang web Hamilton 68, sau khi hàng ngàn tài khoản trên Twitter và Facebook bị đóng, nhiều tài khoản mới đã xuất hiện, trong đó nhiều tài khoản tự động hóa.

Thay vì tạo ra những nội dung mới, những tài khoản này chỉ việc đăng lại những tin nhắn « gây mất đoàn kết nội bộ » cử tri Mỹ, lan truyền trên các mạng xã hội qua các tài khoản thật của dân Mỹ.

Những tin nhắn, bài viết với những nội dung như trên có thể ảnh hưởng mạnh đến kết quả bầu cử giữa kỳ ngày 06/11, một cuộc bầu cử mang tính chất quyết định cho việc kiểm soát Quốc Hội Mỹ.

Tuy nhiên, đối với ông James Lewis, chuyên gia an ninh mạng của CSIS, thật ra thì phía Nga muốn nhân bầu cử giữa kỳ làm một cuộc « tổng diễn tập » cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ kỳ tới vào năm 2020.
Nhưng theo AFP, đó không phải là điều gây lo ngại nhất cho các chuyên gia, mà theo họ, nguy cơ lớn nhất là cử tri có thể không còn tin tưởng vào kết quả các cuộc bầu cử.

Như ghi nhận của chuyên gia Spauding ( CSIS ), theo nghĩa rộng, đây thật sự là một chiến dịch nhằm làm suy yếu nền dân chủ.

Switch mode views: