Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nhật Bản thắt chặt kiểm soát môi giới du học từ VN

sinh vien VN

Đại sứ quán Nhật Bản (ĐSQ) tại Việt Nam đang thắt chặt hoạt động của các công ty môi giới vì phát hiện họ đã cấp visa du học cho nhiều trường hợp không đủ điều kiện.

Đại sứ quán sẽ xử lý những công ty môi giới giúp người Việt có được visa du học Nhật Bản một cách gian dối, theo thông tin từ hãng NHK của Nhật Bản.

Có tới 10-20% số người xin visa bị ĐSQ phát hiện là 'có vấn đề', cụ thể là hồ sơ visa có chứng chỉ tiếng Nhật nhưng khi phỏng vấn thì không nói được.
"Thực tế này có thể nói đang rất phổ biến.

Như đã thể hiện rõ ràng quan điểm ở một số kênh khác, tôi cảm thấy không bằng lòng về thực trạng này," ông Fushihara Hirota, chuyện gia pháp lý, đồng đại diện cho dự án trao đổi thông tin cho người Việt Nam đi Nhật Bản (IEVJ), cho BBC hay hôm 2/10.

'Du học trở thành vỏ trá hình để vào Nhật'

"Vốn dĩ, chế độ tiếp nhận du học sinh tại Nhật Bản là nhằm mục đích đào tạo ngôn ngữ, văn hóa, tri thức hoặc một số kỹ năng nghề nghiệp nhất định.
Tôi nhấn mạnh rằng đây là mục đích tối cao đặt ra đối với cả các cơ sở tiếp nhận và người học - các du học sinh," ông Fushihara Hirota viết trong thư gửi BBC.
"Bởi vậy, khi du học thì sẽ phải gánh chịu chi phí. Nếu không được nhận học bổng thì du học sinh hoặc gia đình phải tự bỏ tiền ra.

Ai từng du học một cách nghiêm túc chắc chắn sẽ hiểu, lựa chọn du học ở nước ngoài, đặc biệt là các nước kinh tế phát triển và vật giá cao không phải là con đường dành cho những gia đình có kinh tế khó khăn."

"Đương nhiên, các trường luôn khuyến khích du học sinh tận dụng các cơ hội làm thêm.
Đây là cơ hội để tiếp xúc gần hơn với văn hóa nước sở tại, sử dụng kiến thức đã học vào thực tế và trải nghiệm xã hội phát triển.
Tức là, việc làm thêm cũng phần nào phục vụ mục đích học và trong giới hạn thời gian cho phép."

"Tuy nhiên, không ít các cơ sở sản xuất, nhà hàng, khách sạn, trang trại tại Nhật đã tiếp nhận vô tội vạ du học sinh với mục đích lao động.
 Lý do là dân số Nhật Bản đang đà già hóa, nguồn lao động trẻ cạn kiệt, nhu cầu tiếp nhận lao động ngắn hạn cho các công việc lao động chân tay trở nên cấp thiết."

"Cũng bởi nhu cầu đó mà chế độ du học sinh trở thành cái vỏ trá hình để được vào Nhật Bản.
Sau đó các bạn tìm mọi cách để ngủ trong giờ học do đã làm đến kiệt sức, hoặc bỏ trường lớp và lưu trú bất hợp pháp."
"Ở miền quê Việt Nam, nhiều gia đình nông dân còn khó khăn cũng cố gắng vay tiền cho con cái đi Nhật du học.

Tôi hiểu đây là vì miếng cơm manh áo, khi họ thấy nhiều người đã thành công bằng cách đó, khi họ nghe những lời dụ dỗ ngọt ngào của ít nhiều công ty tư vấn.
Tuy nhiên, con đường này sớm muộn sẽ làm mất đi tuổi thanh xuân, mất đi cơ hội được học hành đầy đủ những tri thức cần thiết, mất đi tương lai với nhiều hoài bão của các bạn."

Cũng theo ông Fushihara Hirota, dù hiện nay cơ quan chức năng Việt Nam đang rất nỗ lực hợp tác với ĐSQ và chính phủ Nhật để thắt chặt cơ chế đưa người Việt sang Nhật làm việc, du học, nhưng "sẽ có giới hạn nhất định vì đây là vấn đề của toàn xã hội, của giáo dục, định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ."

'Bạn trẻ có nhất thiết phải đến Nhật không?'

sinh vien Nhat ban

Sinh viên Nhật Bản sẵn sàng cho 'mùa săn việc làm /'Bản quyền hình ảnh Tomohiro Ohsumi
 

Ông Fushihara Hirota cho rằng "cơ quan chức năng Việt Nam nên dựa vào sức mạnh xã hội để sàng lọc các công ty tư vấn du học, xuất khẩu lao động."

"Cấp phép, thẩm tra, thẩm định, kiểm tra… là câu chuyện mà cơ quan chức năng đang làm.
Nhưng nếu phần nào đó của công việc này được giao cho toàn xã hội thì tôi nghĩ phần nào đó sẽ có ích."

"Ví dụ, có thể thiết lập các cuộc điều tra, đánh giá xã hội về các tổ chức môi giới, tư vấn.
Chức năng kiểm tra được giao cho một đơn vị thứ ba độc lập không có quan hệ về lợi ích, tạo ra hệ quy chuẩn đánh giá và xếp hạng các doanh nghiệp trong ngành.

Sau đó phổ biến những thông tin này cho nhân dân để mọi người có được địa chỉ tin cậy và hạn chế các vụ việc lừa đảo."
"Mặt khác, cần tăng cường chức năng định hướng nghề nghiệp cho các bạn trẻ Việt Nam.

Các bạn trẻ có nhất thiết phải đến Nhật không? Các bạn mang theo ước mơ, hoài bão gì đi đến Nhật?
Tiền có thực sự là thứ cần phải trả giá và bỏ đi cả tương lai để mang về và tiêu dùng trong chốc lát không?"

"Tất cả những thứ đó cần được giáo dục, cần khai thác vào tận lý trí của các bạn.
 Khi các bạn trẻ thực sự có định hướng, khi Nhật Bản thực sự chắp cánh được cho ước mơ của các bạn, thì hãy mang các bạn đến với Nhật Bản."

"Ý tôi muốn nói là chúng ta cần sàng lọc các bạn đi Nhật. Những người cần đến Nhật thực sự vì những gì Nhật Bản có (không phải chỉ là môi trường có thể kiếm tiền, chúng tôi không tự hào về điều đó) thì nên đến Nhật Bản.
Còn những bạn khác, cần có định hướng khác cho tương lai của mình."

'Lượng người Việt đến Nhật tăng đột biến'

Japan tuoidep


Nước Nhật tươi đẹp là điểm đến mơ ước của nhiều bạn trẻ Việt Nam / Bản quyền hình ảnh Carl Court

 

Một người Việt sống tại Ibaraki, Nhật Bản, không muốn nêu tên, nói với BBC hôm 1/10 rằng thời gian gầy đây lượng người Việt đến Nhật tăng đột biến.

Chủ yếu là do số 'du học sinh' được đưa sang ồ ạt.
"Gọi là du học sinh chứ thực chất là nhân lực lao động tay chân, núp bóng đi học để kiếm tiền," vị này nói.

Người Việt ‘đầu bảng về phạm pháp’ tại Nhật

"Thị trường nhân lực ở Nhật đang thiếu kể cả chất lượng cao lẫn thấp nên các công ty du học, nhân sự phải tranh thủ kiếm tiền.
Một phần do họ thấy chính phủ Nhật dễ nên làm láo."
"Bây giờ có những vùng ở Việt Nam cả làng cho con đi Nhật hay Hàn học hoặc xuất khẩu lao động.

Sang tới Nhật, những người này đi làm là chính, làm xong đi học không đủ tiêu chuẩn để được chứng chỉ, không được cấp visa thì trốn ra ngoài làm chui.
Nếu bị bắt thì ôm tiền về nước."

"Tình trạng này xảy ra ở nhiều nước khác nhưng Nhật gần Việt Nam hơn, dễ đi hơn.
Nhật cũng là nơi mà trước nay người ta làm ăn trọng chữ tín nên điều kiện khá lỏng lẻo."
"Chỉ từ khi có tình trạng người Việt sang làm 'lậu' ở đây theo diện 'du học' thì nay chính phủ Nhật mới phải thắt chặt như vậy."

"Người ta đi du học để tận dụng cơ hội học hỏi kiến thức mới, nhằm học lên đại học ở nền giáo dục tiên tiến chứ nhiều trường hợp chỉ muốn đi làm, tiếng cũng không học chứ đừng nói là đại học."

'Thắt chặt kiểm soát các công ty môi giới'

Cách làm "gian dối" của một số công ty môi giới du học tại Việt Nam mà NHK đề cập bao gồm cấp chứng chỉ tiếng Nhật cho người xin visa trong hồ sơ, trong khi những người này không hề biết tiếng Nhật,

Sự thật này chỉ được phát hiện khi ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam bắt đầu phỏng vấn người xin visa dạng du học sinh vào năm ngoái, trong bối cảnh lượng du học sinh Việt Nam tại Nhật đang tăng mạnh.

Theo các con số thống kê trong bài viết trên NHK, vào tháng Sáu, số lưu học sinh Việt Nam là hơn 80.000 người, tăng bốn lần so với năm năm trước đây.
Số người Việt Nam theo học tại các trường tiếng Nhật tại Nhật Bản cũng tăng mạnh.

Một số công ty quảng cáo rằng ở Nhật Bản du học sinh có thể vừa học "vừa kiếm được hàng nghìn đôla Mỹ".
Đã có 12 công ty môi giới du học không tuân thủ luật pháp bị đăng tên trên website của ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam.
Hồ sơ xin visa nộp qua 12 công ty này sẽ bị từ chối trong thời gian sáu tháng, kể từ tháng 10/2018.

Phía ĐSQ Nhật Bản tại Việt Nam cho hay trên NHK rằng sẽ hợp tác với các cơ quan sở tại ở Việt Nam và tăng cường nỗ lực loại bỏ những công ty môi giới thiếu trung thực.
Giới trẻ Việt Nam mong sang Nhật Bản du học và nắm bắt các cơ hội mới.

Switch mode views: