Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bắc Triều Tiên vừa dọa vừa đàm ?

Hoaky BTT
Lãnh đạo Bắc Triều Tiên Kim Jong Un (P) bắt tay ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Bình Nhưỡng. Ảnh công bố ngày 26/04/2018.
Government via REUTERS

Sau nhiều tuần lễ không khí trên bán đảo Triều Tiên hòa dịu đến mức tưởng chừng như hòa bình sắp được vãn hồi tại đây, thế giới giống như vừa bị dội một gáo nước lạnh với lời đe dọa của Bình Nhưỡng hủy thượng đỉnh Kim Jong Un - Donald Trump, dự trù sẽ diễn ra ngày 12/06 tới ở Singapore.

Phải chăng là Bắc Triều Tiên đang dùng chiến thuật ngoại giao « vừa dọa vừa đàm » với Mỹ ?

Trên nguyên tắc, hồ sơ hạt nhân sẽ là trọng tâm của thượng đỉnh Singapore.
Trong những ngày qua, Washington đã liên tục đòi Bắc Triều Tiên phải « phi hạt nhân hóa hoàn toàn, có thể kiểm chứng được và không thể đảo ngược được ».

Thế nhưng, cho tới nay, Bình Nhưỡng vẫn chưa công bố những nhân nhượng của họ trong hồ sơ này, ngoài lời hứa hẹn chung chung là sẽ « phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên », một công thức mà ai muốn hiểu sao cũng được.
 Từ nhiều năm qua, Bình Nhưỡng vẫn tuyên bố sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí nguyên tử, với lý do chủ yếu là nhằm đối phó với nguy cơ Bắc Triều Tiên bị Mỹ xâm lược.

Chế độ Kim Jong Un tuy đã thông báo tháo dỡ bãi thử nghiệm hạt nhân Punggye-ri trong vòng hai tuần, nhưng họ chưa hề nói đến chuyện giải trừ vũ khí hạt nhân.

Thông tín viên Frédéric Ojardias tại Seoul cho biết, theo các nhà phân tích ở Seoul, những lời đe dọa nói trên là một phần của tiến trình thương lượng đang diễn ra : Bắc Triều Tiên tìm cách củng cố vị thế của họ trước cuộc họp thượng đỉnh với Trump, đồng thời nhắc lại rằng họ cũng đòi Washington có những nhân nhượng đáng kể.

Trả lời hãng tin AFP hôm nay, giáo sư Kim Huyn Wook, Học viện Ngoại giao Quốc gia của Hàn Quốc, cũng cho rằng, đây là một « chiến thuật ngoại giao » của Bình Nhưỡng nhằm làm thay đổi lập trường của Mỹ.

Theo ông, dường như Kim Jong Un đã buộc phải chấp nhận yêu cầu của Washington là « phi hạt nhân hóa trước đã », nhưng nay đang cố làm thay đổi vị thế, sau khi đã bình thường hóa được quan hệ với Trung Quốc.

Lý giải lời đe dọa của Bình Nhưỡng, nhà phân tích Joshua Pollock, Viện Nghiên cứu Quốc tế Middlebury, cho biết Bắc Triều Tiên đã rất bực mình về thái độ đắc thắng của phía Mỹ, khi nghe các quan chức Hoa Kỳ cứ nhắc đi nhắc lại rằng chính những « áp lực tối đa » của Washington đã buộc Bình Nhưỡng phải chấp nhận đối thoại.

Theo đài CNN, cũng có lập luận cho rằng, qua những lời đe dọa nói trên, có lẽ Kim Jong Un muốn chứng tỏ ông là một nhân vật « ngang cơ » với Donald Trump.
 Hơn nữa, không chỉ có Kim Jong Un dọa không họp thượng đỉnh, mà chính tổng thống Trump trước đó cũng dọa như vậy khi tuyên bố ngày 18/04 : « Nếu tôi xét thấy cuộc họp sẽ chẳng đạt kết quả gì, chúng tôi sẽ không đến họp »!

Vẫn theo CNN, một số chuyên gia nói tới khả năng Bình Nhưỡng đưa ra lời đe dọa vì ông Kim Jong Un đang chịu áp lực trong nội bộ.
Tức là khi lên giọng với Donald Trump, lãnh đạo chế độ Bình Nhưỡng muốn trấn an giới quân sự Bắc Triều Tiên, đang lo ngại vì thấy chính sách đối với Hoa Kỳ thay đổi hoàn toàn.

Tuy nhiên, đó cũng chỉ là suy đoán, vì rất khó mà biết được chuyện gì xảy ra bên trong chế độ khép kín nhất hành tinh này.
Dầu sao, bất kể nguyên do là gì, việc Bình Nhưỡng hôm nay dọa hủy thượng đỉnh Kim Jong Un - Donald Trump cho thấy là tiến trình đối thoại giữa hai nước còn rất bấp bênh.

 Dù có diễn ra, cuộc gặp lịch sử tại Singapore sẽ khó mà đạt ngay được những kết quả ngoạn mục, vì những đòi hỏi của hai bên có quá nhiều cách biệt.


Switch mode views: