Bắc Triều Tiên từ chối đối thoại với Hàn Quốc tại Nga
- Thứ Hai, 16 tháng Mười năm 2017 19:10
- Tác Giả: Duy Anh
Phái đoàn Bắc Triều Tiên trong một buổi đàm thoại với ngoại trưởng Nga tại Matxcơva, ngày 29/09/2017.
REUTERS/Sergei Karpukhin
Bên lề diễn đàn của Đại Hội Đồng Liên Minh Nghị Viện Thế Giới (IPU) tại thành phố Saint-Petersburg (Nga) ngày 16/10/2017, các chính khách Bắc Triều Tiên và Hàn Quốc đều hiện diện, nhưng không tiến hành đối thoại trực tiếp về chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi của Bình Nhưỡng, bất chấp lời kêu gọi của Nga.
Theo báo chí Nga, bà Valentina Matviyenko, chủ tịch Thượng Viện Nga, sẽ lần lượt có cuộc hội đàm riêng với phó chủ tịch Quốc Hội Bắc Triều Tiên và người đứng đầu Nghị Viện Hàn Quốc về cuộc khủng hoảng hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.
Chính quyền Matxcova từng kêu gọi đôi bên tận dụng cơ hội cùng có mặt tại Nga để đối thoại, song ngày 15/10, hãng thông tấn Nga RIA, trích lời ông Piotr Tolstoi, phó chủ tịch Hạ Viện Nga, cho biết là sẽ không có bất kỳ cuộc gặp gỡ nào giữa hai phái đoàn Triều Tiên.
Một quan chức trong phái đoàn Bắc Triều Tiên nhấn mạnh rằng, chính việc Hoa Kỳ gây áp lực trên Bình Nhưỡng, và cuộc tập trận chung Mỹ-Hàn là yếu tố khiến cho cuộc đối thoại không thể diễn ra.
Trong một nỗ lực ngoại giao nhằm thúc đẩy đàm phán, ông Konstantin Kosachyov, chủ tịch Ủy Ban Đối Ngoại Thượng Viện Nga cho biết là chính quyền Nga ngày 16/10, sẽ lại kêu gọi hai phái đoàn trực tiếp đối thoại với nhau.
Theo quan chức Nga này, đoàn đại biểu của chính quyền Bình Nhưỡng kiên quyết từ chối đối thoại, trong khi phái đoàn Hàn Quốc tỏ ý sẵn sàng tham gia cuộc gặp.
Trong cuộc phỏng vấn với đài truyền hình CNN ngày 15/10, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tuyên bố rằng, các nỗ lực ngoại giao nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng Bắc Triều Tiên « sẽ vẫn tiếp tục cho tới khi quả bom đầu tiên được thả xuống ».
Người đứng đầu cơ quan Ngoại Giao Hoa Kỳ cho biết, Washington đã phải mất nhiều thời gian để thảo luận về những phương án nhằm đối phó với chính quyền Bình Nhưỡng, và tổng thống Trump hiện đã có trong tay những đối sách quân sự này.
Song ông Tillerson cũng nhấn mạnh rằng, chủ nhân Nhà Trắng muốn giải quyết vấn đề bằng con đường ngoại giao, thay vì phát động một cuộc chiến tranh.
Các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa của chính quyền Bình Nhưỡng trong thời gian gần đây làm cộng đồng quốc tế lo ngại bùng nổ một cuộc chiến tranh hạt nhân.
Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc đã tăng cường lệnh trừng phạt lên Bắc Triều Tiên.
Nga và Trung Quốc đã chủ trương một kế hoạch giảm căng thẳng, theo đó Mỹ và Hàn Quốc ngừng các cuộc tập trận rầm rộ, đồng thời chính quyền Kim Jong Un ngừng chương trình tên lửa đạn đạo tầm xa.
Đó là những động thái nhằm dọn đường cho các cuộc thương lượng đa phương.