Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Yếu tố Trump trong đà gia tăng trấn áp bất đồng chính kiến ở Việt Nam

usa-vietnam Phuc

Tổng thống Mỹ Donald Trump (P) gặp thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại Nhà trắng, Washington, 31/05/2017.
Reuters

Trong những ngày gần đây, chính quyền Việt Nam đã tăng cường việc bắt giữ hay kết án nặng nề những người bất đồng chính kiến trong nước.

Trong một bài viết đề ngày hôm nay, 02/08/2017, hãng tin Anh cho rằng đây là chiến dịch trấn áp có quy mô lớn nhất từ nhiều năm nay, và một số nhà hoạt động nhân quyền cho rằng chính quyền Hà Nội đã được thái độ thờ ơ đối với vấn đề nhân quyền của chính quyền Trump khuyến khích.

Reuters trước hết ghi nhận sự kiện chính quyền Việt Nam đã tăng cường các biện pháp nhằm ngăn chặn tiếng nói của giới blogger và những ai dám phê phán Nhà nước trên những vấn đề như sự cố nhà máy Formosa ở Hà Tĩnh thải chất độc hại ra biển gây ô nhiễm nghiêm trọng vào năm ngoái đã được các mạng xã hội khuếch trương lên, tại một quốc gia nằm trong nhóm 10 nước nhiều người sử dụng Facebook nhất.

Theo thống kê mà Reuters thực hiện, dựa trên thông tin từ các cấp chính quyền Việt Nam đưa ra về những vụ bắt giữ về tội hoạt động chống Nhà nước, đã có ít nhất 15 người đã bị bắt vào năm 2017 này - nhiều hơn bất cứ năm nào kể từ chiến dịch đàn áp các nhà hoạt động trẻ tuổi vào năm 2011.

Mới tuần trước, đã có 4 người bất đồng chính kiến bị bắt : một mục sư, một kỹ sư, một nhà báo và một luật gia.

Theo giới đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam cũng như giới ngoại giao và phân tích, chiến dịch đàn áp khởi sự từ trước lúc diễn ra Đại Hội Đảng Cộng Sản Việt Nam vào tháng Giêng năm 2016, khi quyền lãnh đạo như được chuyển qua tay những người bảo thủ, ưu tiên cho an ninh nội bộ và kỷ luật.

Chiến dịch trấn áp lại có dấu hiệu gia tăng trong bối cảnh Đảng Cộng Sản Việt Nam có thể sắp thay đổi lãnh đạo.
Theo chuyên gia Jonathan London thuộc Đại học Đức Leiden, mọi người dự trù là đương kim tổng bí thư Đảng Cộng Sản sẽ được thay thế, cho dù thời điểm chưa được xác định rõ ràng.

Mặt khác thì giới đấu tranh càng lúc càng có lên tiếng mạnh mẽ hơn sau những vụ biểu tình phản đối chính quyền vì sự cố nhà máy thép Formosa của Đài Loan vào năm ngoái.

Theo hãng Reuters, giới đấu tranh cho nhân quyền tại Việt Nam hay ở nước ngoài đều chung một nhận định về vai trò của nhân tố Trump trong các diễn biến về nhân quyền ở Việt Nam, đặc biệt là thái độ thờ ơ của chính quyền Trump đối với nhân quyền.

Tháng 5 vừa qua chẳng hạn, ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã báo hiệu rằng Hoa Kỳ sẽ không chú trọng đến mối quan tâm về nhân quyền trong một số quan hệ với các nước khác, và nói rằng mặc dù các giá trị của Hoa Kỳ không thay đổi, nhưng Mỹ cần phải cân bằng các giá trị này với an ninh quốc gia và lợi ích kinh tế.

Các nhà hoạt đông nhân quyền cũng cho rằng quyết định sớm của tổng thống Mỹ Donald Trump rút Hoa Kỳ ra khỏi khối Hiệp Định Đối Tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đã loại bỏ một động lực thúc đẩy chính quyền Hà Nội cải thiện vấn đề nhân quyền.
Vì không còn thấy bị áp lực từ phía Hoa Kỳ, cho nên chính quyền Việt Nam đã tăng cường trấn áp.

Ông Phil Robertson thuộc tổ chức Human Rights Watch, trụ sở tại Mỹ tố cáo :
« Ông Trump và các chính sách của ông phải chịu trách nhiệm về tình hình (nhân quyền) xấu đi thêm » tại Việt Nam.

Trước tình hình các cuộc trấn áp gia tăng tại Việt Nam, bộ Ngoại Giao Mỹ đã phải tuyên bố quan ngại và kêu gọi Hà Nội thả tất cả tù nhân lương tâm.

Switch mode views: