Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Biển Đông: Trung Quốc kêu gọi dừng thăm dò dầu khí ở vùng tranh chấp

gian khoan 981

Giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc.
Petrotimes

Bộ Ngoại Giao Trung Quốc ngày 25/07/2017 đã lên tiếng kêu gọi ngừng thăm dò dầu khí ở vùng đang có tranh chấp trên Biển Đông.

 Lời kêu gọi được cho là có hàm ý liên quan đến dự án hợp tác giữa công ty dầu khí Tây Ban Nha Repsol và Việt Nam vừa mới phải dừng lại dưới sức ép của Bắc Kinh.

Dự án khoan thăm dò dầu khí tại lô 136-03, nằm ở ngoài khơi phía đông nam của Việt Nam đã được Hà Nội cấp phép cho tập đoàn dầu khí Tây Ban Nha Repsol và đã đi vào hoạt động từ giữa tháng 6 năm nay.

Tuy nhiên lô khai thác này nằm bên trong đường 9 đoạn trên Biển Đông do Trung Quốc tự vẽ để đòi chủ quyền.
Việt Nam đã bất ngờ cho ngừng khoan thăm dò dầu khí tại lô nói trên trước sức ép của Trung Quốc, theo nguồn tin của BBC hôm 24/07.

Theo Reuters, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Lục Khảng (Lu Kang) cho biết Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi đối với các quần đảo Trường Sa, mà Trung Quốc gọi là đảo Nam Sa, và có quyền pháp lý đối với các vùng biển xung quanh cũng như đáy biển.

Trong buổi họp báo thường kỳ tại Bắc Kinh, ông Lục Khảng tuyên bố : “Trung Quốc kêu gọi các bên liên quan chấm dứt các hoạt động xâm phạm đơn phương và hành động thực tế để bảo vệ tình hình không dễ có được ở biển Đông hiện nay“.

Trong khi đó, trang mạng straitstimes.com hôm nay đưa tin Trung Quốc tỏ ý cho biết sẵn sàng hợp tác với Philippines cùng thăm dò khai thác dầu khí trong vùng biển đang có tranh chấp trên Biển Đông.

Ghé Manila ngày hôm qua, ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị giải thích rằng trong các vùng biển có chồng lấn quyền lợi, nếu một bên triển khai các hoạt động đơn phương thì bên kia cũng sẽ có các biện pháp tương tự. Như vậy sẽ làm tình hình trở nên phức tạp.

Ông Vương Nghị cũng tuyên bố thêm là hợp tác cùng khai thác tài nguyên thiên nhiên trong các vùng biển tranh chấp là một sự “khôn khéo về chính trị”.

Trước đó một hôm, tổng thống Philippines, Rodrigo Duterte đã cho biết đã tìm được một đối tác để thăm dò khai thác dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines.
Tuy nhiên ông không cho biết rõ cụ thể đối tác nào.

Trung Quốc luôn tuyên bố chủ quyền ở hầu hết Biển Đông.
Hồi tháng 7/2016, Tòa Trọng Tài Thường trực tại La Haye (Hà Lan) đã ra phán quyết bác bỏ yêu sách của Trung Quốc.

Nhưng trên thực địa, chế độ Bắc Kinh vẫn đang chiếm ưu thế trong việc kiểm soát hầu hết vùng biển chiến lược này và gây sức ép với các bên đang có tranh chấp với họ về chủ quyền trên Biển Đông.

Switch mode views: