Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Bầu cử tổng thống Pháp 2017 : « Thu nhập phổ quát », tâm điểm của ứng viên đảng Xã Hội

france-election-hamon 2

Ứng cử viên tổng thống Pháp của đảng Xã Hội, Benoît Hamon xem « công bằng xã hội » là ưu tiên hàng đầu trong cương lĩnh vận động tranh cử.

 

Ông đề nghị bảo đảm thu nhập phổ quát cho người nghèo, xem đấy là động lực tăng trưởng.

Vào lúc ngân sách Nhà nước bị thâm hụt, nợ công tăng cao, các quỹ bảo hiểm xã hội bị thiếu hụt, ứng cử viên Hamon lại chọn đi « ngược chiều » : bất chấp quy định chung của khối euro, - giới hạn bội chi ngân sách và nợ công ở dưới ngưỡng 3 % và 60 % GDP, đại diện của đảng Xã Hội quyết định tăng ngân sách ít nhất 70 tỷ euro trong nhiệm kỳ 5 năm.

Áp dụng thuyết của nhà kinh tế học người Anh, John Maynard Keynes (1883-1946) liệu có còn phù hợp với toàn cảnh kinh tế mở rộng ở vào thế kỷ 21 hay không ?

Là một trong số 11 ứng cử viên tổng thống Pháp, đại biểu Quốc Hội đại diện cho vùng Yvelines, ngoại ô Paris, Benoît Hamon, 49 tuổi, từng giữ chức bộ trưởng Giáo Dục, bộ trưởng đặc trách về hồ sơ kinh tế xã hội dưới thời tổng thống Hollande.

 Tháng 8/2014 ông từ chức vì bất đồng với chính sách của thủ tướng Valls mà theo Hamon là quá bất lợi cho giới lao động, cho người nghèo trong xã hội.

Trong cuộc tuyển chọn sơ bộ mở rộng của đảng Xã Hội, Benoît Hamon đã bất ngờ về đầu, loại đối thủ nặng ký nhất là cựu thủ tướng Manuel Valls, một người có khuynh hương đưa đảng Xã Hội Pháp tiến tới mô hình Xã Hội- Dân Chủ theo kiểu của Đức.

Còn 20 ngày trước bầu cử tổng thống Pháp vòng một, các cuộc thăm dò dư luận đều cho thấy ứng viên này bị loại ngay vòng đầu.
Chiến dịch vận động của Hamon chưa thực sự « cất cánh ».
Ông không có sức thu hút cử tri cánh tả bằng lãnh đạo phong trào Nước Pháp Bất Khuất – La France Insoumise, Jean -Luc Mélenchon.

 Chủ trương « công bằng xã hội », bơm mãi lực cho người nghèo, tăng đánh thuế doanh nghiệp, trừng phạt các nhà đầu cơ vừa gây hoang mang trong giới tư bản, vừa bị chỉ trích là thiếu tính thực tế.

Ngay trong hàng ngũ nội bộ, một số nhân vật nặng ký trong chính quyền và đảng Xã Hội có khuynh hướng bỏ rơi ông Hamon để thiên về một ứng cử viên có đường lối dung hòa hơn, là ông Emmanuel Macron, lãnh đạo phong trào En Marche-Tiến Bước !

Bất chấp kêu gọi của cánh trung dung trong nội bộ đảng, ứng viên tổng thống Hamon dồn nỗ lực thuyết phục cử tri cánh tả đã thất vọng sau 5 năm chính sách kinh tế trung dung của tổng thống Hollande.

Giáo sư kinh tế Julia Cagé, giảng dậy tại học Viện Khoa Học Chính trị Sciences Po- Paris, người đã cùng ứng cử viên Hamon phác họa ra cương lĩnh tranh cử mang trên Le Futur Désirable – Tương lai đầy khao khát, trở lại với những nét chính trong chương trình của Benoît Hamon.

RFI : Kính chào giáo sư Julia Cagé, cảm ơn bà dành thời gian cho RFI Việt ngữ.
 Là một trong những cố vấn kinh tế chính của ông Hamon và cũng là người đã cùng với ứng cử viên tổng thống của đảng Xã Hội soạn thảo ra cương lĩnh tranh cử « Le Futur Désirable » vậy xin bà cho biết đâu là những điểm nổi bật trong chính sách kinh tế của ông Hamon ?

Julia Cagé : Ưu tiên trong chương trình của Benoît Hamon là bảo đảm công bằng trong xã hội.
Thứ hai là mỗi công dân Pháp đều phải có công ăn việc làm.
Điểm thứ ba là ông ấy muốn bơm mãi lực cho các hộ gia đình mà sức mua liên tục bị sụt giảm từ năm 2007, tức là từ trước khi nổ ra khủng hoảng tài chính toàn cầu.

 Với ứng cử viên tổng thống Hamon, sức mua của người dân là lực đẩy tạo đà cho tăng trưởng.

Cũng chính lô-gic phối hợp công bằng xã hội và bảo đảm một sức mua nào đó cho tất cả mọi người, ông Hamon đề nghị một mức thu nhập tối thiểu, còn được gọi là Revenu Universel d’Existence, tức là một thu nhập nhất định đủ để bảo đảm điều kiện sống cho mỗi người.
Đây là một sáng kiến chưa từng được áp dụng bao giờ.

RFI : Vậy thu nhập phổ quát đó là gì thưa bà ?

Julia Cagé : Thu nhập phổ quát đó phải là một điều khoản mới về mặt an sinh xã hội của thế kỷ 21 này.
Có nghĩa là tất cả mọi người sống trên đất Pháp, từ 18 đến 25 tuổi, hàng tháng phải nhận được một mức thu nhập là 600 euro. Điều khoản này hết sức quan trọng đối với nhiều tầng lớp trong xã hội.

Tôi lấy thí dụ của giới sinh viên : hiện tại một trong những nguyên nhân đầu tiên khiến nhiều sinh viên phải bỏ học ngang, là vì họ phải vừa đi học, vừa đi làm.
Nếu như được bảo đảm là mỗi tháng có thu nhập đều đặn, cho dù khoản tiền đó không lớn, thì họ sẽ yên tâm và tập trung vào việc học hành.
Tương tự như vậy, những thành phần có thu nhập thấp nhất trong xã hội cũng phải được hưởng khoản trợ cấp đó của Nhà nước.

france-election-hamon

Chiến dịch vận động tranh cử của ứng viên Hamon chưa thực sự cất cánh.
Reuters

RFI : Theo Trung tâm quan sát về tình hình kinh tế Coe Rexecode, chương trình của ứng cử viên tổng thống Benoît Hamon sẽ đẩy thâm hụt ngân sách Nhà nước trong nhiệm kỳ 5 năm tới lên đến 8 % tổng sản phẩm nội địa thay vì 3 % GDP như quy định của khu vực đồng euro.

Viện nghiên cứu Institut Montaigne- Paris, trước đó dự trù Pháp sẽ phải chi ra đến 200 tỷ euro để bảo đảm thu nhập tối thiểu mà ông Hamon gọi là thu nhập phổ quát, chứ không chỉ 35 tỷ như chính ứng viên Hamon đã nêu lên. Không thể phủ nhận đây là một đề nghị tốn kém mà chưa chắc là đã hiệu quả như mong đợi.
Mặt khác, bà có nghĩ rằng trợ cấp thu nhập tối thiểu 600 euro như vừa nêu sẽ làm nản lòng một số người khi đi tìm việc làm, họ ngồi chờ nhận trợ cấp xã hội như điều các đối thủ của ông Benoît Hamon đã nêu lên hay không ?

Julia Cagé : Hoàn toàn không. Trái lại tôi nghĩ là những người lên tiếng chỉ trích biện pháp này đã hoàn toàn xa rời thực tế.
Trong số các ứng cử viên tổng thống, có mấy người biết thế nào là phải sống với 600 euro một tháng hay không ?
 Chúng ta cần giúp đỡ những người yếu đuối nhất trong xã hội và tôi không nghĩ đây là lý do khiến những người được giúp đỡ trở nên lười biếng hơn.

RFI : Một điểm nổi bật khác trong chính sách kinh tế ứng viên Hamon đề xuất là ngăn chận đà phi công nghiệp hóa tại Pháp thưa giáo sư Julia Cagé ?

Julia Cagé : Thực ra, mục tiêu của ứng cử viên Hamon không hẳn là chận đứng đà phi công nghiệp hóa tại Pháp. Tất cả vấn đề là đem lại công ăn việc làm cho người dân, bởi vì nước Pháp không thể hài lòng với một tỷ lệ thất nghiệp trên dưới 10 %.

Mục tiêu của ông Hamon là làm thế nào để đến cuối nhiệm kỳ, tỷ lệ thất nghiệp ở Pháp rơi xuống còn 6 %. Chìa khóa cho phép làm được việc này là kích thích tiêu thụ và đầu tư.
Để kích thích tiêu thụ, như vừa nói, ứng cử viên Benoît Hamon dựa vào mức thu nhập phổ quát. Còn để đầu tư, ông ấy tập trung vào đầu tư cho tương lai, tức là vào vế đào tạo, vào các chương trình nghiên cứu và phát triển.

Pháp cần dành ra ít nhất 3 % tổng sản phẩm nội địa cho nghiên cứu và phát triển. Ứng cử viên đảng Xã Hội quan niệm rằng, mỗi cá nhân đều phải được đào tạo suốt thời gian còn đi làm để thích nghi với những chuyển biến trong xã hội, trong lĩnh vực chuyên môn của họ.

Đừng quên rằng cương lĩnh tranh cử của ông Hamon là « Le Futur Désirable- Tương lai đầy khao khát ». Bên cạnh đó thì Pháp cần đầu tư vào năng lượng tái tạo và dùng thuế carbon để tài trợ các dự án năng lượng sạch. Ở đây khái niệm tăng trưởng cũng được đặt lại, hiểu theo nghĩa, tăng trưởng không nhất thiết phải đồng nghĩa với việc phá hủy môi trường.

RFI : Xin giáo sư Cagé, cố vấn kinh tế của ứng cử viên tổng thống Hamon, một câu hỏi chót : đảng Xã Hội lấy đâu ra hàng chục tỷ euro để tài trợ chính sách kinh tế vừa nêu và liệu rằng Pháp có vượt ra ngoài khuôn khổ đã được các thành viên sử dụng đồng euro quy định hay không ?

Julia Cagé : Không. Chúng tôi đã soạn ra chương trình tranh cử căn cứ trên một ngân sách rất chi tiết. Benoît Hamon dự trù tăng chi 70 tỷ euro trong nhiệm kỳ 5 năm, một nửa trong số đó để đài thọ chương trình thu nhập phổ quát.

Nửa còn lại là để đầu tư. Về thu nhập của Nhà nước, 5 tỷ có được do đánh thuế các dịch vụ đầu cơ của ngân hàng, 10 tỷ do tăng thuế, 10 tỷ khác do các đại tập đoàn đa quốc gia nộp thuế.

Trong nhiệm kỳ tới, ngân sách Nhà nước sẽ bị bội chi, nhưng khi kinh tế khởi sắc trở lại, thuế thu vào cũng sẽ tăng lên, để đến cuối nhiệm kỳ, tức là vào năm 2022 thâm hụt ngân sách chỉ tương đương với 2,7 % GDP của Pháp mà thôi.
Trong điều kiện đó Paris hoàn toàn không vượt ngoài giới hạn của khu vực đồng euro.

Switch mode views: