Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Nguyễn Phú Trọng thăm Bắc Kinh, giữa lúc Biển Ðông căng thẳng

Trong-BacKinh


Tập Cận Bình được Nguyễn Phú Trọng đón tiếp khi ông này đến thăm Hà Nội vào tháng 11 năm 2015. (Hình: Getty Images)

HÀ NỘI (NV) – Tổng bí thư đảng CSVN, ông Nguyễn Phú Trọng, sẽ đến thăm Bắc Kinh vào tháng 1 năm 2017.
Ông Phạm Bình Minh, phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Ngoại Giao CSVN loan báo tin này trong cuộc họp báo ở Hà Nội hôm 5 tháng 1, 2017.

Không có thông tin chi tiết về chuyến thăm này, nhưng truyền thông tại Việt Nam trích lời ông Phạm Bình Minh nói một cách chung chung rằng:

“Chuyến thăm nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược giữa hai nước đồng thời khẳng định đường lối đối ngoại của Việt Nam muốn tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị với các nước, trong đó có Trung Quốc, một đối tác chiến lược toàn diện quan trọng của Việt Nam.”

Vẫn theo ông Phạm Bình Minh được báo Tuổi Trẻ dẫn lời: “Chuyến thăm ngay thời điểm đầu năm khẳng định rõ mong muốn của Việt Nam đưa quan hệ với Trung Quốc đi vào chiều sâu, hiệu quả, tạo môi trường hòa bình, ổn định, mở ra một năm sẽ có nhiều chuyến viếng thăm lẫn nhau giữa lãnh đạo hai bên.”

Nếu chuyến thăm này diễn ra, thì đây là lần đầu tiên ông Nguyễn Phú Trọng công du Bắc Kinh kể từ khi tái nắm chức tổng bí thư của đảng CSVN sau kỳ đại hội đảng lần thứ 12 hồi tháng 1 năm 2016.

Chuyến thăm viếng Bắc Kinh gần nhất của ông Nguyễn Phú Trọng kéo dài 4 ngày diễn ra hồi tháng 4 năm 2015.
Chỉ 3 tháng sau đó, ông Trọng lần đầu tiên có chuyến thăm Mỹ diễn ra vào các ngày từ 6 đến 10 tháng 7, 2015.

Kể từ sau đại hội đảng lần thứ 12, ít nhất đã có 3 ủy viên Bộ Chính Trị của đảng CSVN thăm Trung Quốc.

Ðầu tiên là Bộ Trưởng Quốc Phòng, Tướng Ngô Xuân Lịch, đến Bắc Kinh vào ngày 28 tháng 8 năm 2016.
Chưa đầy một tháng sau, ngày 10 tháng 8, Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc, cũng thăm Trung Quốc và dự Hội Chợ Trung Quốc – ASEAN và Hội Nghị Thượng Ðỉnh Thương Mại và Ðầu Tư Trung Quốc – ASEAN lần thứ 13 tại Nam Ninh.

Ngay tháng sau đó, ngày 21 tháng 10, 2016, Ðinh Thế Huynh, thường trực Ban Bí Thư thăm Trung Quốc từ ngày 19 đến ngày 21 tháng 10, đồng thời có chuyến thăm Hoa Kỳ ngay sau đó vào hôm 25 tháng 10, năm 2016.

Như vậy, nếu tính luôn chuyến thăm của ông Nguyễn Phú Trọng vào tháng 1 này, thì chỉ trong vòng một năm kể từ sau đại hội 12, đã có đến 4 ủy viên Bộ Chính Trị của đảng CSVN đến Bắc Kinh.

 Tần suất các chuyến thăm này cho thấy, đảng CSVN ngày càng có quan hệ mật thiết hơn với Trung Quốc, và mỗi khi chuẩn bị có những biến động lớn về chính trị, các lãnh đạo CSVN vẫn thường đến Bắc Kinh, đồng thời bảo đảm thế “đu dây” trong quan hệ tay ba giữa Việt Nam, Trung Quốc và Hoa Kỳ.

Trong chuyến thăm Bắc Kinh lần trước, tháng 4 năm 2015, ông Nguyễn Phú Trọng muốn cải thiện mối quan hệ bị sứt mẻ vì tranh chấp chủ quyền lãnh thổ trên Biển Ðông kể từ khi có cuộc đối đầu trên biển giữa lực lượng hai nước ở phía Nam quần đảo Hoàng Sa từ đầu tháng 5 năm năm 2014 và kéo dài 2 tháng rưỡi.

Còn lần này, tình hình trên Biển Ðông tiếp tục căng thẳng sau khi Trung Quốc hoàn tất việc bồi đắp 7 đảo nhân tạo ở Trường Sa đang gia tăng sự hiện diện quân sự và biểu dương sức mạnh ở Biển Ðông kể cả việc mang hàng không mẫu hạm đến tham gia tập trận.

Tin cho hay, những ngày cuối năm 2016, mẫu hạm Liêu Ninh và đoàn tàu hộ tống đã thực tập chiến đấu với các phi cơ J-15 ở khu vực biển Hoàng Hải, đã tới Biển Ðông và chuẩn bị cho những chương trình huấn luyện tác chiến quy mô tại vùng biển đang có tranh chấp chủ quyền lãnh thổ giữa Trung Quốc và các nước trong khu vực.

Không ảnh chụp được những tháng gần đây cho thấy Bắc Kinh gấp rút hoàn thiện các cơ sở và pháo đài quân sự trên các đảo nhân tạo tại Trường Sa. Một số đảo ở quần đảo Trường Sa cũng đã được mở rộng thêm và xây cất thêm.

Tờ Hoàn Cầu Thời báo viết bình luận khoe rằng các cuộc tập trận của mẫu hạm Liêu Ninh chứng tỏ Trung Quốc đang hoàn thiện khả năng tác chiến và có thể hành động ở những khu vực xa.

Về kinh tế, người ta thấy Việt Nam càng ngày càng lún sâu vào sự lệ thuộc kinh tế với Trung Quốc.

Ba năm trở lại đây, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc liên tục tăng. Năm 2014 kim ngạch thương mại Việt-Trung tăng 17%, lên tới $58.77 tỉ đôla.
Trong đó mức thâm hụt mậu dịch của Việt Nam với Trung Quốc cũng gia tăng lên tới gần $29 tỉ trong năm 2014, so với năm trước đó chỉ có $23.7 tỉ đôla.
Xuất cảng từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng 18.8% hồi năm ngoái với $43.87 tỉ trong khi xuất cảng từ Việt Nam sang Trung Quốc chỉ tăng được 12.6% với $14.91 tỉ.
Các chuyên gia ước tính, kim ngạch thương mại Việt Nam-Trung Quốc sẽ đạt con số $100 tỷ vào năm 2016.

Về đầu tư, tính đến tháng 10 năm 2015, số dự án Trung Quốc đầu tư vào Việt Nam còn hiệu lực là 1,212 dự án, tổng vốn đầu tư là $8.439 tỷ, đứng hàng thứ 9 trong tổng số hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam.

Trung Quốc có các dự án ở hầu khắp các tỉnh thành của Việt Nam, nhiều nhất là ở Hà Nội, Hải Phòng, Lào Cai, Hưng Yên, Long An, Sài Gòn, Bình Dương, Ðồng Nai,…Số du khách Trung Quốc đến Việt Nam cũng liên tục tăng. Nếu như năm 2014 có 1.9 triệu lượt khách, thì năm 2016 con số này đã là 2.7 triệu, tăng hơn 51% so với năm 2015.

Người dân Việt Nam và nhiều nhân sĩ trí thức từng mong muốn nhà cầm quyền “thoát Trung,” tức là giảm sức ảnh hưởng của Trung Quốc vào tất cả các mặt của đời sống kinh tế, xã hội Việt Nam.

Tuy nhiên, tần suất các cuộc thăm viếng Bắc Kinh của các lãnh đạo CSVN ngày càng dày đặc, có vẻ như mong muốn này càng ngày càng xa diệu vợi. (KN)

Switch mode views: