Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tây ba lô đón ‘Tết Tây’ ở Sài Gòn

Pho-Tay-Sg


Phố Tây luôn rực sáng ánh đèn trong dịp Giáng Sinh và năm mới. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)

SÀI GÒN (NV) – Kéo dài từ Noel cho đến cuối Tháng Mười Hai, khi những cơn áp thấp nhiệt đới vẫn còn đe dọa ngoài Biển Đông, khi miền Trung vẫn có nguy cơ đón những cơn bão lũ cuối mùa…

Tết Tây ở phố Tây bắt đầu bằng những cơn gió thổi tràn trên hè phố lướt qua những biểu tượng đầy màu sắc, dường như nó không bao giờ có tuổi khi những kẻ lữ hành phương xa đang nhộn nhịp chén anh chén chú.

Đến với “Phố Tây,” nơi gồm các con phố Phạm Ngũ Lão – Bùi Viện – Đề Thám, thuộc quận 1, Sài Gòn vào những ngày cuối năm bạn sẽ thấy không khí lung linh và mùi vị của nó.
Một khung cảnh đặc biệt không nơi đâu có và cái mùi vị đậm chất tây phương với vai trần ngực nở, quần short áo ba lỗ với những cặp giò rám nắng từ địa trung hải tung tăng trên phố.

Sài Gòn luôn luôn có những lý do riêng để tồn tại bất chấp quan điểm chính trị cùng với lối cai trị sặc mùi cộng sản.
Phố Tây như một thứ “Đặc Khu Tự Trị” để cho thế giới biết rằng Việt Nam vẫn còn có một chút tự do mờ ảo nào đó trong vòng kèm cặp.

Vậy nên mới có chuyện những anh chàng, chị Tây thất tình cố quyết chọn nơi đây làm quê hương, mặc cho visa đã hết hạn và cứ thế lảng vảng quanh năm suốt tháng ở Sài Gòn bằng cách đi dạy thêm Anh Văn để có thể đủ ăn ngày 2 bữa, để có thể ở lại nơi này để đón Giáng Sinh và năm mới.

Tay Balo

Những chàng Tây Ba Lô chọn Phố Tây làm nhà. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)



David là một người như vậy. Anh lang thang hết Châu Âu, đi hết Châu Á qua ngả Bangkok, Jakatar,… và dừng lại Phố Tây từ 3 năm nay.

Bằng việc dạy kèm Anh văn cho trẻ em bụi đời ở các công viên và chính thức dạy thêm ở các Trung Tâm Sinh Ngữ. Đi dạy với giá $20 một giờ, một tuần dạy 8 đến 10 tiếng, David có thể đủ xoay xở qua ngày và thỉnh thoảng đi bụi đâu đó quanh Asean mà không phải lo gì.

Khi được hỏi, có quay về quê nhà để đón năm mới không, David lắc đầu: Muốn về lắm nhưng lộ phí quá sức không thể đủ cho cái vé máy bay khứ hồi.

Noel và New Year ở bên ấy không vui bằng bên này và quan trọng hơn, anh không có một công việc nào ra hồn bên ấy “nên tạm thời cứ giang hồ quanh quanh ở đây đến khi nào chán sẽ quay về.”

Chuyện Tây Balo ở lậu không “đăng ký tạm trú tạm vắng” là chuyện thường ngày ở Phường Phạm Ngũ Lão.
Công an biết hết nhưng không làm được gì, họ cứ ở lì, ban ngày đi đâu hổng biết, chiều tối về lê la các quán beer tới khuya rồi quăng mình lên một cái giường tạm nào đó chừng $5 một đêm, sáng ra vệ sinh tắm táp xong là lên đường.

Một công an phường cho biết, quản lý mấy người này rất khó vì họ ít khi làm chuyện gì “phạm pháp” nên cũng không có cớ gì bắt họ. Mà nếu bắt thì lấy gì nuôi cơm đây?

Cũng có người bị “trục xuất” ra khỏi Việt Nam được một thời gian sau đã thấy họ xuất hiện trở lại một cách “ngoan ngoãn.” Nghĩa là họ sống rất lương thiện như anh chàng David nói trên, mặc cho thời hạn nhập cảnh qua đi nhưng họ cũng cóc cần, nếu bị truy vấn bắt đóng phạt thì họ khất lần rồi biến mất đi đâu đó sang tỉnh khác rồi lò mò quay lại.

Pho-Tay-noel

Một góc hào nhoáng của Phố Tây. (Hình: Nguyễn Sài Gòn/Người Việt)

Cuộc cút bắt kiểm tra nhân khẩu ở các phòng trọ, nhà nghỉ là vô phương vì họ biết cách “đối phó” với công an.

Khi có động là họ “vườn không nhà trống” dạt ra các quán café ngồi đồng chờ cho công an kiểm tra xong rồi họ mới chui vào chỗ ngủ, cứ như thế miễn là đừng làm gì phạm pháp thì thôi.

Một bà chủ chủ nhà hàng ở Bùi Viện cho biết: “Phố Tây quanh năm không bao giờ vắng bóng giang hồ phiêu bạt khắp nơi từ thế giới đổ về, nhất là vào những dịp giáng sinh và năm mới.

Khi ở quê hương của họ tuyết trắng đang tràn về thì có một nơi ‘nhiệt đới’ ấm áp như Sài Gòn là quá lý tưởng, với cái lạnh hiu hiu bất thường càng làm thêm vui cho những cuộc chơi đường phố.”

Khách Tây chính là “điểm nhấn” của phố Tây và cũng chính những ông Tây lang thang “bất hợp pháp”mới chính là linh hồn của phố Tây.
Nó như một “món mồi” câu nhử du khách đến càng nhiều hơn và nói đúng như một ai đó đã viết “Quê nhà nào ở đâu xa. Nó nằm ngay trên những con đường của phố Tây với những nhóm người đặc thù trên các màu da với phương ngữ riêng biệt như Anh, Pháp, Ý, Nhật, Hàn, Mỹ… và đặc biệt những “món ăn của những dân tộc khác nhau ‘không đụng hàng.’”

Một tay chủ quán rượu xác quyết “không ở đâu Happy New Year vui bằng nơi này, tôi đoan chắc như vậy, vì không ai dại gì mà cô đơn và nhớ nhà ở một nơi tuyệt vời đầy bè bạn như ở phố Tây!”

Switch mode views: