Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

G20 hàm ý chỉ trích tình trạng dư thừa sản xuất tại Trung Quốc

g20-hangzhou bis

Lần đầu tiên Trung Quốc là nước chủ nhà hội nghị thượng đỉnh G20.
REUTERS/Aly Song

Không nêu đích danh nước chủ nhà Trung Quốc, nhưng trong thông thông cáo chung kết thúc hội nghị G20 Hàng Châu ngày 05/09/2016, lãnh đạo 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới cam kết « chấm dứt tình trạng dư thừa sản xuất trên thị trường thép » gây tổn hại cho thế giới.

Chống chính sách bảo hộ trong các lĩnh vực thương mại và đầu tư để tạo đà cho tăng trưởng toàn cầu cũng là mục tiêu các bên đạt được tại thượng đỉnh G20 lần thứ 11.

Sau hai ngay họp tại Hàng Châu, miền đông Trung Quốc, 20 nền kinh tế hàng đầu thế giới công bố bản thông cáo chung với những điểm chính như sau : thứ nhất các bên « thể hiện quyết tâm đẩy mạnh trao đổi mậu dịch, coi đây là đầu tàu tăng trưởng ; cùng nhau xây dựng một nền kinh tế mở rộng, chống lại mọi chính sách bảo hộ mậu dịch và đầu tư ».

 Về điểm này theo giới quan sát, tuyên bố chung ở Hàng Châu chỉ là sự nhất trí bề ngoài vì trên thực tế chưa bao giờ các thành viên G20 lại có xu hướng giới hạn xuất nhập khẩu như hiện tại.

Thứ hai hội nghị Hàng Châu đã nhấn mạnh đến những lợi thế của một nền kinh tế mở rộng, của chính sách tự do mậu dịch và lên án những tuyên bố bài tiến trình toàn cầu hóa.

Điều khoản này được đưa ra trong bối cảnh Pháp, một phần công luận Đức và cả hai ứng cử viên tổng thống Mỹ cùng chống đối dự án tự do mậu dịch xuyên Đại Tây Dương, đang bị chỉ trích kịch liệt.

Tuy nhiên điểm đáng chú ý hơn cả là G20 đã dành hẳn một đoạn để kêu gọi chấm dứt tình trạng dư thừa sản xuất, làm phương hại tới luật cung cầu và tính cạnh tranh trên một số thị trường.

 Trung Quốc thường xuyên bị cả Liên Hiệp Châu Âu lẫn Hoa Kỳ chỉ trích trợ giá cho các tập đoàn quốc gia, gây cạnh tranh bất bình đẳng cho thị trường.
Ngành công nghiệp thép của Trung Quốc đặc biệt trong tầm ngắm của phương Tây.

Cuối cùng, điều bất ngờ khác được nghi nhận là G20 chủ trương đã đến lúc các quốc gia trên thế giới có thể nới lỏng chính sách chi tiêu công cộng để tạo đà cho tăng trưởng. Khả năng sáng tạo sẽ là "động cơ tăng trưởng" trong tương lai.

Về xung đột Syria khiến hàng triệu người phải di tản, lãnh đạo G20 xem đây là "vấn đề chung của thế giới" do vậy tất cả các bên cần chia sẻ gánh nặng, phối hợp hành động để giải quyết hồ sơ người tị nạn Syria.

Sau Trung Quốc, đến lượt Đức tổ chức thượng đỉnh G20 vào năm 2017.

Switch mode views: