Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tri ân Cha Giuse Đinh Huy Hưởng

Cha Hương Dinh

GNsP (08.08.2016) – Hôm nay ngày 08/08/2016, ngày giỗ lần thứ năm của Cha Giuse Đinh Huy Hưởng (1940 – 2011).

Về cuộc đời và sự nghiệp tông đồ của ngài đã có nhiều người viết, những chứng từ đó cho thấy cuộc đời của một người chỉ biết lo cho người khác, chỉ biết phục vụ người khác, đặc biệt là những người nghèo, người bị bỏ rơi.

Ngày lễ ngân khánh linh mục của ngài, trong bài giảng của vị linh mục đàn anh có đoạn kể về câu chuyện những con cá, những con cá bị chết trong đêm khi tại nạn xảy ra trong hồ nuôi cá.
Sáng ra đứa trẻ yêu thương cá xót xa nhìn những xác cá lửng lơ trong hồ nước, chú bé bị cảm xúc mạnh khi nghĩ đến những con cá vùng vẫy trước cái chết nhưng không người tiếp cứu, chú bé ấy cứ nghĩ trong đầu, phải chi lúc ấy mình có mặt thì những con cá này chưa phải chết.

 Chú ấy lớn lên, hình ảnh những con cá dãy chết không người cứu cứ ám ảnh chú, chú dâng mình cho Chúa trong đời linh mục, chú chuyên tâm lo cho người nghèo, cứu vớt những con người đau khổ cùng đường nghẽn lối.

Sau khi chịu chức linh mục (1969), đáp lời mời gọi của Hội Thánh, cha gia nhập quân đội VNCH (1972) trong ngành Tuyên úy Công giáo để phục vụ những người lính đang hiểm nguy trước lằn tên mũi đạn.

 Sau năm 1975, vận nước nổi trôi, cha phải vào trại tù cải tạo, khi trở về cha đã không đi Hoa Kỳ theo diện HO nhưng chọn ở lại với người nghèo, người cô thân cô thế.

Ra tù (1985) cha lao mình vào công việc phục vụ người nghèo, vâng lời Đức Cha Nicolas Huỳnh Văn Nghi Giám Quản Tông Tòa Saigon, nhận trách vụ Chánh xứ Giáo xứ Đức Tin Xóm Mới (1995), năm 2010 bệnh nặng ngài nghỉ hưu và qua đời ngày 8/8/2011.

Sau biến cố 1975, tình trạng chung của Giáo Hội Công giáo VN ở miền Nam rất khó khăn. Việc chịu chức linh mục gần như nghẽn lối, những năm đầu số Chủng sinh được chịu chức đếm không quá đầu ngón tay của một bàn tay.

Đầu năm 1978, Ông Mai Chí Thọ, Giám đốc Công an Tp. HCM tổ chức một loạt các trận đánh nhắm vào năm tu viện của năm dòng tu lớn miền Nam, đầu tiên là Đan viện Phước Sơn, kế đến Dòng Don Bosco, Dòng Chúa Cứu Thế, Dòng Đa Minh và Dòng La San.

Các tu viện này là những nơi đào tạo linh mục tu sĩ của các hội dòng, mỗi nơi một vị được chọn để dàn dựng bản án, Vị chịu “tế thần’ bị bắt, một số khác bị bắt theo trong nhiều tình huống, quản thúc toàn bộ các tu sĩ đang sinh sống học tập trong các tu viện trong vài tháng, cuối cùng kêu án tống giam các vị chịu “tế thần”, giải tán toàn bộ năm tu viện, cướp trắng nhà cửa ruộng vườn không một mảnh giấy.

 Khi biến cố này xảy ra, mỗi tu viện có trên dưới 50 tu sĩ trẻ đang học tập, tất cả đều ở Thủ Đức.
Giuse Dinh huyhuong

Ngày 25/01/1978, lúc 9g00 sáng chúng tôi được tin công an đã chiếm tu viện Salesien (Dòng Don Bosco), chiều cùng ngày lúc 16g00 rất nhiều xe GMC chở công an áo vàng vây dày đặc tu viện chúng tôi, anh em chúng tôi đang chuẩn bị vào giờ học buổi chiều bị lùa vào một nơi, những ngày sau đó chúng tôi biết số phận của mình sẽ ra sao.

 Mười hai mẫu đất gồm, trại nuôi heo, ruộng và 12 ao cá bị chiếm, tu viện chúng tôi bây giờ là Bệnh viện Đa Khoa Khu vực Thủ Đức (web: http://www.benhvienkhuvucthuduc.vn:8888/dktd/gioithieu.html hay fb: https://www.facebook.com/BenhVienDaKhoaKhuVucThuDuc/).
Trận đánh vào các trung tâm đào tạo tôn giáo thành công rực rỡ, phá tan 5 tu viện và đẩy hàng trăm thanh niên vào cảnh không nhà không cửa, không điều kiện tu hành.

Việc chịu chức linh mục quá khó khăn, riêng với Dòng Chúa Cứu Thế thì tuyệt đối không có, ngoài hai đợt chịu chức vội vàng ngay sau ngày “giải phóng” (21/6/75 và 5/6/76), không một tu sĩ nào của Dòng Chúa Cứu Thế được cứu xét cho chịu chức.

 Có lẽ lý do rất đơn giản vì ở Dòng Chúa Cứu Thế có linh mục Chân Tín, Giáo sư Nguyễn Ngọc Lan và một số anh em khác mạnh dạn lên tiếng trước những bất công, đàn áp tôn giáo và phân biệt đối xử của chính quyền cộng sản, đặc biệt trong biến cố tuyên thánh cho các vị tử đạo tại Việt Nam (1988).
Nhưng thật ra, các đấng bề trên của Tỉnh Dòng lúc bấy giờ ủng hộ việc đấu tranh của hai vị này, ít ra là không ngăn cản, nhà nước biết chuyện nên mở miệng nói lời nguyền “đứng có hòng!”.

Giữa lúc Tỉnh Dòng bế tắc con đường dấn thân cho thánh vụ linh mục của các anh em trẻ, Cha Giuse Đinh Huy Hưởng lặng lẽ xuất hiện, ngài can đảm lãnh nhận công việc liên lạc, lo lắng cho anh em chúng tôi nhận thánh vụ âm thầm.

 Vừa ở trại tù cải tạo về, dấn bước vào việc này là dấn bước vào con đường nguy hiểm, gương của anh em Giáo Hội miền Bắc vẫn còn rất sống động trước mắt chúng tôi.

Bất chấp hiểm nguy Cha liều mình với chúng tôi, với nhà dòng. Năm 1990, ba tu sĩ chúng tôi gồm Cha Giuse Nguyễn Ngọc Bích, Cha Giuse Phan Đức Hiệp và tôi kín đáo theo ngài đi nhận thánh vụ, rồi lần lượt sau chúng tôi hàng loạt các anh em khác lãnh nhận thánh vụ trong tình trạng như vậy, tổng cộng là 34 anh em.

Năm 1993 Bề trên cho phép chúng tôi công khai sứ vụ, rồi lần lượt các anh em khác, phá vỡ thế kẹt của Tỉnh Dòng, mở ra một con đường mới, táo bạo và kiên vững, giành lấy quyền của mình.

Hôm nay ngày giỗ của Cha Giuse, một ân nhân của chúng tôi, của Tỉnh Dòng Chúa Cứu Thế VN. Ghi lại những dòng chữ này để cám ơn Cha, cám ơn các đấng Bề trên trong Dòng đã can đảm, sáng suốt, hy sinh, liều mình cho tương lai, cho thánh vụ của Nhà Dòng.

 Cám ơn các đấng đã không nhát đảm, tránh né trách nhiệm, nhu nhược trước những bất công vi phạm quyền chính đáng của Nhà Dòng, cám ơn các đấng đã không lo lắng cho sự an toàn bản thân mà đặt quyền lợi của Hội Thánh, của Nhà Dòng lên trên hết.

Những gì ngày hôm nay chúng ta có đó là do công sức và sự can đảm của các đấng. Hầu hết các đấng bề trên ngày ấy nay đã qua đời, nguyện xin Thiên Chúa thương đón nhận các đấng vào trong nước vĩnh hằng của Thiên Chúa.

Viết tại Nhà Hưu Dòng Chúa Cứu Thế VN
Ngày 08/08/2016

Switch mode views: