Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Thái Lan: Chính quyền quân sự trưng cầu dân ý về Hiến Pháp

cưu thutuong TL



Cựu thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đi bỏ phiếu trong cuộc trưng cầu dân ý về dự thảo Hiến Pháp, Bangkok, ngày 07/08/2016
REUTERS

Hôm nay 07/08/2016, người dân Thái Lan được kêu gọi tham gia cuộc trưng cầu dân ý về bản dự thảo Hiến Pháp mới đang gây nhiều tranh cãi.

Nếu được thông qua, Hiến Pháp mới sẽ cho phép giới tướng lãnh, thuộc phe đảo chính hiện nắm quyền, sẽ tiếp tục kiểm soát chính trường Thái Lan, thậm chí cả sau cuộc tổng tuyển cử năm 2017.

Theo AFP, tướng Prayuth Chan-O Cha, người lên nắm quyền Thủ tướng Thái Lan sau vụ đảo chính, khi đi bỏ phiếu vào sáng nay, đã hô hào 50 triệu cử tri đến bỏ phiếu : “Đây là tương lai của Thái Lan … Đây là dân chủ, vì vậy các bạn hãy đi bỏ phiếu ».

Từ sau cuộc đảo chính năm 2014, phe quân đội nắm quyền bị tố cáo ngăn cản các cuộc tranh luận bằng cách đe dọa bỏ tù, bắt giữ hoặc cảnh cáo những người đấu tranh phản đối Hiến Pháp mới.
Do các cuộc tranh luận bị cấm, cuộc trưng cầu dân ý bị coi là thiếu minh bạch.

Các tờ truyền đơn mà Ủy Ban Bầu Cử rải trước cuộc trưng cầu dân ý đã nhấn mạnh đến « hạnh phúc » trong tương lai, với các bức ảnh các em nhỏ đang mỉm cười.  Kể từ năm 1932, đây sẽ là bản Hiến Pháp thứ 20 của Thái Lan và do phe quân đội soạn thảo ra.

Dự thảo Hiến Pháp quy định Thủ tướng không phải do dân bầu, toàn bộ các Thượng nghị sĩ do chính quyền quân đội chỉ định và củng cố quyền lực của các toà án, vốn là thành trì của giới tinh hoa truyền thống Thái Lan.
Vì thế, kể cả sau tổng tuyển cử được dự kiến vào tháng 07/2017, Nghị viện Thái Lan vẫn sẽ do các tướng lĩnh quân đội kiểm soát.

Những người ủng hộ bản Hiến Pháp mới thì cho rằng văn bản này sẽ cho phép mở ra lối thoát trên chính trường và tổ chức tổng tuyển cử, đây cũng là điều mà quân đội không ngừng nhấn mạnh.

Theo giới quan sát, nếu dự thảo Hiến Pháp được thông qua trong cuộc trưng cầu dân ý thì đây sẽ là bước thụt lùi về dân chủ tại Thái Lan và có nguy cơ gây bất ổn định chính trị và bạo lực.

Nếu dự thảo Hiến Pháp bị bác bỏ, chính quyền quân sự đã báo trước là sẽ đưa ra một văn bản mới khác.

Switch mode views: