Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Ân Xá Quốc Tế: Bình Nhưỡng đàn áp công dân lén điện thoại ra nước ngoài

Amnesty International LOGO

Logo của tổ chức Ân Xá Quốc Tế
Amnesty International

Bắc Triều Tiên đang tìm cách tăng cường cô lập người dân nước này với thế giới bên ngoài.
Tổ Chức Ân Xá Quốc Tế ngày 09/03/2016 cáo buộc Bình Nhưỡng đang tiến hành một chiến dịch đàn áp những công dân cố tình sử dụng điện thoại di động để liên lạc ra nước ngoài.

Trong bản báo cáo được hãng tin AFP trích dẫn, tổ chức bảo vệ nhân quyền cáo buộc, ngoài việc biệt giam tù chính trị, chính quyền Kim Jong Un tiến hành chiến dịch bắt quả tang công dân đang gọi điện cho người thân ở nước ngoài.

Theo ông Arnold Fang, chuyên gia về Đông Á làm việc tại Ân Xá Quốc Tế, các hành động trên « nhằm duy trì quyền kiểm soát một cách hệ thống và tuyệt đối » của Bình Nhưỡng.

Tại Bắc Triều Tiên có khoảng 3 triệu thuê bao điện thoại di động nội địa, nhưng các cuộc gọi quốc tế đều bị chặn.
Vì vậy, một số người chuyển sang dùng « điện thoại di động Trung Quốc », có nghĩa là với máy điện thoại và thẻ SIM Trung Quốc, họ có thể gọi ra nước ngoài thông qua các mạng của nước láng giềng, phủ sóng gần biên giới.

Những chiếc điện thoại và thẻ SIM như vậy thường được người Bắc Triều Tiên sống ở nước ngoài gửi lén về cho người thân sống ở trong nước, nhưng phải hối lộ lính biên phòng khoảng 500 đô la.

Theo Ân Xá Quốc Tế, việc gọi điện thoại ra nước ngoài không phải là bất hợp pháp ở Bắc Triều Tiên, nhưng việc mua bán điện thoại có nguồn gốc nước ngoài hoàn toàn bị cấm.
Những người bị bắt quả tang đang dùng « điện thoại Trung Quốc » gọi ra nước ngoài sẽ có thể bị đưa tới trại cải tạo hoặc trại giam tù chính trị.

Nhiều công dân Bắc Triều Tiên đào thoát ra nước ngoài thuật lại với Ân Xá Quốc Tế rằng những phương tiện theo dõi của Bình Nhưỡng rất hiện đại, có thể phát hiện « vị trí chính xác các điện thoại di động bất hợp pháp ».
Việc kiểm soát hoàn toàn mọi phương tiện truyền thông là « một vũ khí cần thiết » đối với chính quyền Bắc Triều Tiên.

Theo ông Fang, « Không chỉ ngăn cản người dân Bắc Triều Tiên biết được những gì đang diễn ra ở thế giới bên ngoài, Bình Nhưỡng còn muốn cấm họ cho thế giới biết tình hình nhân quyền hoàn toàn không được tôn trọng tại quốc gia bị cô lập này ».

 Về phần mình, Bình Nhưỡng luôn tỏ ra khó chịu với mọi lời chỉ trích về vấn đề nhân quyền của chế độ độc tài.

Switch mode views: