Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Châu Âu thiếu hợp tác về chống khủng bố

FRANCE-SHOOTING-EU

Bộ trưởng Nội vụ Bỉ Jan Jambon (G) tới dự cuộc họp bất thường tại Bruxelles, 20/11/2015
REUTERS/Eric Vidal


Những vụ tấn công khủng bố đẫm máu ở Paris ngày 13/11/2015, cho thấy rõ là các nước trong Liên Hiệp Châu Âu đã thiếu hợp tác chặt chẽ về chống khủng bố, đến mức mà kẻ được coi là đầu não các vụ tấn công tại Paris, Abdelhamid Abaaoud, đã có thể ung dung từ Syria quay trở về châu Âu, đi vào nước Pháp, mà không hề bị phát hiện, cho đến khi bị giết chết ngày 18/11.

Cuộc điều tra về các vụ khủng bố ngày 13/11 càng tiến triển, người ta càng thấy rõ những lỗ hổng trong mạng lưới an ninh Châu Âu.

Theo các chuyên gia, một trong những lý do có thể giải thích tình trạng này, đó là các cơ quan tình báo Châu Âu nay đã không dùng nhiều phương tiện « con người », mà chủ yếu dùng các phương tiện « kỹ thuật ».

Trong những năm gần đây, các cơ quan tình báo Châu Âu thường sử dụng các biện pháp kiểm soát các liên lạc qua Internet hoặc qua điện thoại để theo dõi những kẻ theo xu hướng cực đoan hoặc đang chuyển theo xu hướng cực đoan, bởi vì họ thấy rằng những kẻ khủng bố tiềm tàng thường sử dụng các mạng xã hội và mạng Internet để liên lạc với nhau.

Trong khi đó, để có thể ngăn chận các mưu toan khủng bố, không có gì hiệu quả hơn là đến điều tra tại chổ hoặc cài người vào các nhóm Hồi giáo cực đoan.
Vấn đề là phương tiện « con người » rất là tốn kém cho các cơ quan tình báo Châu Âu, trong khi hiện nay nước nào cũng phải lo cắt giảm ngân sách Nhà nước.

Nhưng từ sau loạt khủng bố ở Paris vào tháng Giêng năm nay, Pháp đã quyết định tuyển dụng thêm hơn 1000 nhân viên cho các cơ quan tình báo, nhưng phải đến cuối năm 2016 đầu 2017, các nhân viên này mới có thể bắt tay vào việc sau khi được đào tạo.

Riêng về các vụ tấn công ở Paris thì nước Bỉ đã bị chỉ trích nặng nề vì phần lớn những kẻ khủng bố là công dân Bỉ, thế mà cơ quan tình báo của nước này đã không phát hiện được trước khi nhóm khủng bố sang Paris để hành động.

Nhưng Thủ tướng Bỉ Charles Michel đã rất giận dữ bác bỏ những lời chỉ trích nhắm vào cơ quan tình báo nước ông.

Vấn đề thứ hai đó là sự hợp tác giữa các quốc gia thành viên Liên Hiệp Châu Âu. Từ sau các vụ tấn công khủng bố ở Madrid năm 2004, các nước Châu Âu đúng là đã có tăng cường hợp tác, nhưng chủ yếu là hợp tác song phương, chứ không phải là trong khuôn khổ Châu Âu.

Trở ngại chính của hợp tác đa phương Châu Âu đó là do nhiều nước không chịu từ bỏ chủ quyền quốc gia nên không muốn chia sẻ nhiều thông tin tình báo với các nước khác.

Tại cuộc họp ở Bruxelles hôm nay Uỷ ban Châu Âu đã đề nghị thành lập một « Cơ quan tình báo Châu Âu », nhưng bộ trưởng Nội vụ Đức đã bác ngay đề nghị này.
Trong khi đó, các chuyên gia cho rằng ít ra phải có một hệ thống mà trong đó mỗi quốc gia tự thu thập thông tin và để các thông tin đó vào một cơ sở dữ liệu, mà các nước khác có thể tham khảo được.
Có như thế mới hành động nhanh chóng và hiệu quả hơn hiện nay.

Vấn đề thứ ba cũng gay go không kém đó là không gian Schengen.
Trong một khu vực mà mọi người được tự do đi lại như vậy, làm sao có thể kiểm soát được những người bị tình nghi khủng bố ?

 Các bộ trưởng Châu Âu hôm nay đã quyết định tăng cường kiểm soát biên giới bên ngoài Liên Hiệp Châu Âu, ngay cả đối với các công dân Châu Âu.

Paris cũng đang đòi Liên Hiệp Châu Âu nhanh chóng thông qua dự án kho dữ liệu hành khách hàng không Châu Âu ( PNR ), để cơ quan an ninh các nước Châu Âu có thể biết được chính xác hành trình của những kẻ khủng bố và như vậy có thể vô hiệu hóa những kẻ này trước khi họ ra tay hành động.

Và cuối cùng, Liên Hiệp Châu Âu bắt buộc phải tăng cường kiểm soát vũ khí tại các quốc gia bên trong khối này, để ngăn ngừa bọn khủng bố dùng vũ khí chiến tranh giết người hàng loạt như ở Paris vừa qua.


Switch mode views: