Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Công an Trung Quốc bắn chết 5 người Tây Tạng

tibet police



Công an Trung Quốc triển khai lực lượng chống biểu tình bạo động - REUTERS


AFP hôm qua, 20/08/2014, dẫn lại thông tin từ một tổ chức bảo vệ nhân quyền của người Tây Tạng, theo đó công an Trung Quốc đã nổ súng vào một đoàn biểu tình ôn hòa của người Tây Tạng, khiến 5 người chết.

 Hồi tuần trước, tại huyện Cam Tư, tỉnh Tứ Xuyên, nơi đa số dân cư là người Tây Tạng, cư dân địa phương tập hợp để phản đối vụ bắt giữ một trưởng làng. Cảnh sát đã nổ súng.

Theo Free Tibet, tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Luân Đôn, có ba người tuổi từ 18 đến 60 đã chết vì vết thương do đạn.
 Free Tibet không nói rõ lý do tử vong của hai người còn lại. Free Tibet còn cho biết thêm, nhiều người bị thương vì đạn, nhưng không được y tế chăm sóc.

Thông tin kể trên cũng được đài phát thanh Á Châu Tự do (RFA), một cơ sở truyền thông được chính phủ Mỹ tài trợ, xác nhận.
Còn theo tổ chức quốc tế bảo vệ người Tây Tạng, The International Campaign for Tibet, có trụ sở tại Hoa Kỳ, một người biểu tình đã “tự sát” tại nơi giam giữ.

Huyện Cam Tư, (huyện Ganzu trong tiếng Hán, Kardze theo tiếng Tây Tạng) là nơi từng diễn ra nhiều phong trào phản kháng của người dân Tây Tạng.
Hồi tháng 3/2014, một nữ tu sĩ Phật giáo đã tự thiêu, cũng theo các nguồn tin trên.
Kể từ năm 2009, ít nhất 120 người Tây Tạng đã tự thiêu để phản đối các đàn áp của chính quyền về văn hóa và tôn giáo.

Theo giới quan sát, chính quyền Trung Quốc áp đặt các quy định ngặt nghèo đối với các phóng viên Trung Quốc và nước ngoài tại các vùng nơi đa số dân cư là người thiểu số, kết quả là giới hạn khả năng thẩm định độc lập các thông tin về những phong trào phản kháng.

Bên cạnh đó, các tổ chức bảo vệ nhân quyền cũng lên án chính sách tuyên truyền che giấu sự thật của Bắc Kinh.

Cuối tháng trước, Free Tibet tố cáo ít nhất hơn một trăm tài khoản Twitter giả mạo được lập ra để phổ biến các thông điệp nhằm thuyết phục thế giới rằng Tây Tạng là một vùng đất an toàn và nơi mọi người dân đều hạnh phúc.

Free Tibet cho rằng các tài khoản giả danh này là của các « dư luận viên », do chính quyền Trung Quốc lập ra, để tuyên truyền cho chính sách của Bắc Kinh về Tây Tạng và bôi nhọ lãnh tụ tinh thần của người Tây Tạng, Đức Đạt Lai Lạt Ma.

Phiên tòa 5 nghi phạm thuộc một « giáo phái », bị cáo buộc giết người

Hôm nay, 21/08/2014, theo AFP, năm thành viên của một tổ chức tôn giáo mang tên « Giáo hội Thượng đế toàn năng », bị chính quyền Trung Quốc đưa ra tòa, vì bị cáo buộc cố tình giết hại một phụ nữ tại một hiệu ăn McDonald ở một tỉnh miền đông hồi tháng 5/2014.

Theo truyền thông Nhà nước Trung Quốc, các bị cáo đã tìm cách tuyển mộ người phụ nữ này vào « giáo phái » của họ, nhưng bị người này từ chối đưa số điện thoại.
Từ tháng 6, hơn 1.000 thành viên giáo phái nói trên đã bị chính quyền Trung Quốc bắt giữ.

Theo giới quan sát, chính quyền Bắc Kinh - rất lo ngại trước các phong trào có thể làm tan rã các cơ sở quyền lực của đảng Cộng sản – kiểm soát chặt hoạt động tín ngưỡng tôn giáo nói chung và đàn áp các nhóm tâm linh độc lập, mà họ gọi là « giáo phái ».

Việc hàng chục ngàn tín đồ của phong trào Pháp Luân Công, có thiên hướng Phật giáo, bị chính quyền Trung Quốc bức hại, là điều được các nhà bảo vệ nhân quyền nhiều lần ghi nhận.


Switch mode views: