Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Người phụ nữ đa tài giúp ẩm thực Việt nở rộ giữa lòng London


uyenluu caulacboNhững người tham gia câu lạc bộ ăn tối đồ ăn Việt tại nhà của chị Uyên Lưu, London, Anh.

Một nhiếp ảnh gia muốn mọi người nhớ đến mình là một tác giả viết sách, nhưng công việc chính lại là một nhà tạo hình cho các món ăn. Không những có tài tạo hình cho các món ăn sao cho đẹp mắt, bản thân người phụ nữ đa năng này còn là một đầu bếp nấu món Việt rất cừ khôi. VOA ban Việt ngữ đã có cuộc trò chuyện với chị để tìm hiểu rõ hơn về chị và những công việc mà chị đang làm.

Đối với nhiều người sinh sống tại London, Anh, đặc biệt những người hứng thú và dành một tình yêu cho ẩm thực Việt Nam, thì cái tên Uyên Lưu không còn mấy xa lạ vì chị là người tổ chức câu lạc bộ ăn tối dành cho những ai có hứng thú với các món ăn Việt và đồng thời cũng là người mở lớp dạy nấu các món ăn Việt Nam thuần Việt duy nhất tại đây.

Câu lạc bộ ăn tối của chị diễn ra ngay tại nhà riêng của chị một tuần một lần. Bữa tối thường kéo dài từ 7:30 tối tới 11 giờ. Nhưng công việc chuẩn bị cho bữa tối cho những người tham gia thì không ngắn như vậy. Với sự trợ giúp của mẹ, chị Uyên Lưu bắt đầu chuẩn bị cho bữa tối từ 8h sáng kéo dài tới khi người cuối cùng về. Khi được hỏi ý tưởng tổ chức câu lạc bộ này đến từ đâu, chị đã chia sẻ:

“Các bạn của tôi rất thích các món tôi nấu và họ cũng rất thích ăn những đồ ăn Việt do tôi nấu. Họ biết là họ chỉ có thể tìm thấy những món ăn tự làm đặc biệt ở nhà tôi mà thôi. Tôi luôn tổ chức những bữa tiệc ăn tối ở nhà. Không hiểu tại sao mà từ những bữa tiệc với bạn bè ở nhà và kể từ khi tôi bắt đầu viết về đồ ăn Việt trên trang blog cá nhân, có rất nhiều người hứng thú với đồ ăn Việt và họ muốn thử ăn. Rồi qua truyền miệng, người này kể với người kia, cứ vậy mà câu lạc bộ của tôi bỗng dưng hình thành.”

uyenluu                                                         Nhiếp ảnh gia Uyên Lưu

Nhiều người đến tham dự câu lạc bộ là người Châu Á và cũng có nhiều người Châu Âu. Nhưng không giống như những bữa tiệc với gia đình, bạn bè, người thân đơn thuần, những người đến tham dự đều chưa gặp chị bao giờ trước đó và họ cũng không biết những người cùng tham dự khác. Mặc dù tất cả đều là người lạ, nhưng họ có một điểm chung đó là đều yêu các món ăn Việt qua những chuyến thăm tới Việt Nam hoặc có dịp được thưởng thức những món ăn Việt ở các nhà hàng. Họ cùng tới câu lạc bộ này, sẵn sàng ngồi với những người họ lần đầu gặp, và cùng tận hưởng những món ăn Việt hoàn toàn “cây nhà lá vườn” do chị và mẹ chị nấu. Những lần gặp gỡ này cũng là một dịp cho họ trò chuyện, mở rộng quan hệ, và kết bạn. Nhiều người trở thành bạn tốt của nhau sau khi cùng gặp gỡ tại câu lạc bộ của chị.

Tuy nhiên, việc mời nhiều người hoàn toàn xa lạ tới nhà mình đến cùng ăn tối có phải là một việc hơi mạo hiểm? Chị đã nói:

“Đôi lúc cũng có hơi mạo hiểm. Nhưng theo những gì mà tôi trải nghiệm thì mọi người đến đây đều cư xử rất lịch sự, rất tốt, và nhiều người còn trở thành bạn tốt của nhau. Tôi nghĩ chúng ta cũng nên tin tưởng lẫn nhau một chút. Phần lớn những người đến đây đều rất thật thà, đơn giản, và rất đáng yêu. Điều quan trọng là vì tôi tin tưởng mọi người khi đến đây và mọi người rất tôn trọng điều đó, cho nên cũng không có ai hành xử thiếu nhã nhặn cả.”

Qua những lần sinh hoạt câu lạc bộ và tiếp xúc với nhiều người tìm đến món ăn Việt, chị nhận thấy rằng:

“Có nhiều người nói với tôi rằng họ thấy đồ ăn Việt rất tươi, rất thanh đạm, và dinh dưỡng nếu đem so sánh với thức ăn Trung Hoa hay Thái, khi mà đồ ăn của họ nóng và cay hơn. Bản thân tôi thì tôi hay giới thiệu với mọi người các loại rau thơm, thứ tạo ra sự khác biệt trong ẩm thực Việt Nam. Và cũng nhờ dùng rau thơm mà các món ăn Việt Nam rất thanh đạm. Ngoài ra thì tôi cũng giới thiệu cho họ các món ăn mà chắc chắn không thể tìm thấy trong ẩm thực Trung Hoa ví dụ như là Phở, rất Việt Nam, hay một vài món mặn ăn với cơm như các loại canh, cá rán (cá chiên), đây đều là những thứ mà họ sẽ không biết khi họ tới ăn ở các nhà hàng. Đồng thời tôi cũng giới thiệu cho họ biết cách ăn chung trong bữa ăn của người Việt mình.”

Lòng yêu thích những món ăn Việt của chị Uyên không chỉ dừng ở đó khi chị quyết định mở thêm một lớp dạy nấu các món ăn Việt. Theo những lời mà chị tâm sự, mẹ chị rất yêu và luôn nhớ những món ăn Việt Nam. Cho dù không phải là một đầu bếp được huấn luyện bài bản nhưng bà nấu rất ngon và chính bà là người đã truyền cảm hứng và tình yêu đồ ăn Việt sang cho chị, ngay khi cả mẹ chị và chị đã sang sinh sống ở Anh đã lâu.

Bất chấp những khó khăn ban đầu lúc mới sang Anh khi lúc đó không có sẵn nhiều nguyên liệu để nấu món Việt như bây giờ, chị vẫn được thường xuyên ăn các món ăn

Việt Nam do chính tay mẹ mình nấu. Hương vị trong các món ăn Việt Nam đã ngấm sâu vào trong con người chị tới mức có lúc khi nấu đồ ăn Tây, chị lại dùng một số yếu tố ẩm thực Việt Nam để điều chỉnh lại và đưa vào những món ăn Tây đó, thay vì pha trộn những yếu tố Tây phương vào trong những món ăn Việt. Chị nói, chị luôn muốn nấu những món ăn Việt theo cách truyền thống và giữ được hương vị nguyên gốc của những món ăn đó. Và đây cũng chính là yếu tố quan trọng khiến lớp học dạy nấu món Việt của chị là lớp dạy thuần Việt duy nhất ở London, Anh.

Có lẽ là vì tôi là người Việt Nam duy nhất ở đây mở lớp dạy...
“Có lẽ là vì tôi là người Việt Nam duy nhất ở đây mở lớp dạy. Và cũng bởi vì là các lớp dạy món Việt khác thì họ không dùng nguyên liệu chuẩn, truyền thống, mà họ lại chọn những nguyên liệu khác để thay thế trong các khóa học.”

Mở lớp dạy nấu món Việt đã được hai năm, chị Uyên có nhận xét:

“Tôi nghĩ, ví dụ, Phở là món khá là khó nấu mặc dù tôi nấu phở rất nhiều và tôi cũng biết cách nấu phở. Muốn nấu phở ngon thì luôn phải rất chú tâm, giành tình cảm và sự thấu hiểu vào trong đó. Nếu mà mình chỉ có trộn tất mọi nguyên liệu vào với nhau và làm như một cái máy thì sẽ không bao giờ có thể ngon được. Nói chung, không chỉ riêng phở, nhất là khi tự nấu ở nhà, nấu cho gia đình, cho những người thân của mình ăn, thì mình bao giờ cũng muốn nấu ngon nhất. Muốn nấu ngon thì phải thực sự quan tâm và đặt hết tình cảm vào khi nấu. Và tôi nghĩ đây là điều thách thức nhất.”

Còn đối với các học viên, chị quan sát và nhận thấy rằng:

“Sự cân bằng trong hương vị của các món ăn Việt, có lẽ không khó, nhưng cần phải luyện tập nhiều. Có nhiều người không biết những nguyên liệu thiết yếu, cơ bản của món ăn Việt. Ví dụ như đường, có nhiều người không biết phải cho bao nhiêu đường vào là vừa. Hay là vị cay…nói chung mọi thứ đều rất cơ bản một khi bạn nắm rõ được các nguyên tắc.”

Không dừng lại ở việc dạy người nước ngoài làm những món ăn Việt truyền thống nổi tiếng như Phở, bản thân chị cũng có dịp vài lần về Việt Nam và thử nhiều món ăn được phục vụ trong các nhà hàng Việt Nam hiện nay lẫn các món ăn đường phố được bán nhiều ở các xe bán thức ăn ven đường.

Muốn nấu ngon thì phải thực sự quan tâm và đặt hết tình cảm vào khi nấu...

“Lần gần đây nhất tôi về mới hai tuần trước thôi. Theo như tôi thấy thì hương vị món ăn ở đó và món ăn do tôi làm thì giống nhau, ngoại trừ một điều. Đó là, vì một số món ăn tôi nấu là tự làm ở nhà và tôi thích cái hương vị đó hơn là ở ngoài hàng. Khi đi ăn hàng thì bạn lúc nào cũng có thể nhận thấy đó là đồ ăn ngoài hàng. Còn khi về nhà và gia đình tôi nấu cho tôi thì tôi rất thích. Tôi cũng nhận thấy rằng hương vị của món ăn thật nhất là khi có người nấu ngay trước mặt bạn, giống như các xe bán thức ăn trên phố chẳng hạn. Họ chỉ làm một món thôi nhưng mà thực sự là rất ngon, rất tuyệt vời bởi vì họ đã nấu món đó suốt 15, 20 năm rồi.”

Chị cũng chia sẻ thêm rằng, trong thời gian hai tuần ở Việt Nam, chị đã dành rất nhiều thời gian để tìm hiểu các món ăn đường phố đó. Ít nhất là ba lần một tối, chị không ngừng đi tìm hiểu, chụp ảnh, và thực hiện các đoạn video trên youtube về những món ăn này. Chị cho biết, chị sắp ra mắt một quyển sách dạy nấu các món ăn Việt vào tháng Chín năm sau ở Mỹ và Anh. Còn hiện tại, cho dù bận rộn với rất nhiều công việc khác nhau, chị vẫn không quên dành thời gian cho bạn bè vào các buổi tối. Chị nói rằng, vì các công việc của chị đều liên quan ít nhiều tới ăn uống, nấu nướng, xã giao, tiếp xúc với nhiều người cho nên việc cân bằng giữa sự nghiệp và cuộc sống cá nhân là không khó.

Switch mode views: