Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 07-10-2013

Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua lăng kính báo Pháp

Giap Pomonti

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nhà báo Pháp Jean-Claude Pomonti tại Hà Nội, tháng 04/2004
Nicolas Cornet


Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời để lại nhiều thương tiếc trong lòng người dân Việt Nam lẫn giới nghiên cứu tại phương Tây. Đối với ba tờ báo lớn của Pháp sáng thứ Hai 07/10/2013 - Le Monde, Libération và L’Humanité - Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một vị tướng của Việt Nam, xứng đáng được xem như một chiến lược gia ngoại hạng của thế kỷ XX.

Chính ông là người duy nhất đánh bại Pháp và dám đối đầu với Mỹ, điển hình qua chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và chiến thắng 30/04/1975. Một chiến lược gia mà đến ngay cả kẻ thù cũng phải nghiêng mình kính nể.



« Ngọn núi lửa dưới lớp băng »

Nhật báo Công giáo La Croix, dành một góc nhỏ trên mục Thế giới để thông báo « Việt Nam để quốc tang tướng Giáp ».

Ngoài tít lớn trên trang nhất « Thương tiếc Đại tướng Võ Nguyên Giáp, người mang lại tự do cho dân tộc Việt Nam », nhật báo cộng sản L’Humanité dành hẳn 4 trang phụ san để nhắc lại những hồi tưởng của Alain Ruscio - sử gia kiêm cựu thông tín viên L’Humanité trong suốt cuộc chiến tranh Việt Nam trong bài viết « Đại tướng Võ Nguyên Giáp, một trong những học trò ưu tú của Bác Hồ ».

Tờ báo còn đăng lại bài phỏng vấn của đặc phái viên Dominique Bari - thực hiện vào ngày 05/04/2004 năm mươi năm sau trận chiến Điện Biên Phủ qua hàng tựa « Tôi là một đại tướng cho hòa bình, chứ không phải cho chiến tranh ».

Những cuộc tiếp xúc với các ký giả phương Tây đã để lại trong họ những ấn tượng sâu đậm cho thấy ông không phải là một chiến thuật gia khô khan như ta tưởng, ông cũng có chút lãng mạn như bao con người khác, cũng thích thơ phú, văn chương ; thích các tác giả Mỹ nhất là các nhà văn Pháp như La Fontaine, Anatole France, Voltaire, Romain Rolland, theo như nhận xét của tác giả Daniel Roussel, cựu phóng viên thường trực của L’Humanité tại Việt Nam, trong bài viết « Giáp, người không khuất phục, yêu thích từ Voltaire đến Romain Rolland ».

Tác giả nhớ lại, đàng sau tính cách uy quyền tự nhiên đó, ông là một con người rất thoải mái, nhã nhặn, hay cười, quan tâm đến người khác, rất mô phạm nhưng cũng rất nhiệt tình.

Trong con mắt của người Pháp, Đại tướng như là « một ngọn núi lửa dưới lớp băng tuyết », theo như hàng tựa nhận định của báo Le Monde. Tờ báo cho đăng lại bài viết này do tác giả Jean Lacouture thực hiện cho báo Le Monde ấn bản ngày 05/12/1952.

Võ Nguyên Giáp, trận chiến cuối cùng

Còn đối với tác giả Jean-Claude Pomonti, trong bài nhận định sâu sắc « Võ Nguyên Giáp : Đại tướng Việt Nam, người dẫn đến chiến thắng Điện Biên Phủ năm 1954 và Sài Gòn năm 1975 », những chiến công lẫy lừng đó đã làm nổi bật các phẩm chất ngoại hạng của một nhà cầm quân đó là: uy tín lãnh đạo và tài điều động hậu cần-chiến lược ngoài tầm cỡ.

Những thành công không thể nào chối cãi được này, đưa tướng Giáp vào hàng ngũ những nhà chiến lược lớn của Việt Nam, những người đã chặn đứng thành công các cuộc xâm lược phía Nam của các triều đại Trung Quốc.

Về phẩm chất đầu tiên, tác giả thuật lại, khi còn đi dạy tại trường Trung học Thăng Long, các học trò đã đặt cho ông biệt danh là « Đại tướng » và thường hay gọi ông là « Napoléon ». Bởi một lẽ rất đơn giản là vì, ngoài sự ngưỡng mộ mà ông dành cho các bậc tiền nhân trong lịch sử, ông còn nghiên cứu rất kỹ về các chiến dịch của Napoléon.

Các bậc tiền nhân nuôi dạy ông nghệ thuật sử dụng địa bàn, dựa vào địa thế núi non, cách đảm bảo hậu phương, và cách dụ dỗ đối thủ vào bẫy. Nhưng với Napoléon, điều mà ông tâm đắc nhất chính là « hiệu quả bất ngờ » : Yếu tố quyết định dẫn đến thắng lợi Điện Biên Phủ 1954 và Sài Gòn năm 1975.

Nói về tài hậu cần, tác giả nhớ lại có lần Tướng Giáp nhắc đến một câu nói nổi tiếng của Napoléon : « Chỗ nào có con dê đi qua được, ở đó con người cũng có thể đi được. Chỗ nào một người đi được, ở đó một tiểu đoàn cũng có thể đi được ». Và trận chiến Điện Biên Phủ là một minh chứng điển hình cho tài điều binh khiển tướng, huy động nhân tài-vật lực của ông.

Thế nhưng, chiến lược ngạc nhiên nhất mà Đại tướng đã thực hiện trong suốt những năm 1960, đó chính là « đường mòn Hồ Chí Minh » nhằm vận chuyển binh sĩ, khí tài và lương thực dẫn đến chiến thắng lịch sử 1975. Con đường huyết mạch của Cộng sản mà Hoa Kỳ phải mất bao nhiêu thời gian, tiền tài và nhân lực nhưng vẫn không tài nào bẻ gãy được.

Số phận như Nguyễn Trãi !

Tài năng luôn đi kèm theo sự đố kỵ. Pomonti cho rằng chiến thắng năm 1975 đã khiến ông bị gạt ra khỏi guồng máy lãnh đạo cũng như bao chiến lược gia lỗi lạc khác của Việt Nam, bị cho quá xuất sắc và có quá nhiều ảnh hưởng nếu không muốn nói là quá nguy hiểm.

Tác giả so sánh trường hợp của Đại tướng với nhà quân sự lỗi lạc Nguyễn Trãi thế kỷ XV, một nhà nho uyên bác và cũng là một vị tướng tài giỏi, bị kết án lưu đày để không thể nào gây ảnh hưởng lên hoàng đế của mình là Lê Lợi.

Kể từ năm 1976, tướng Giáp lần lượt mất các chức vụ Tổng tư lệnh quân đội (1976), Bộ trưởng Quốc phòng (1980), Ủy viên Bộ Chính trị (1982), Ủy viên Trung ương Đảng và phó thủ tướng phụ trách kinh tế (1996). Dù không còn được trọng dụng như trước, nhưng Đại tướng vẫn rất tỉnh táo, biết chọn thời điểm để rồi thỉnh thoảng đưa ra những quan điểm của mình, mà ví dụ minh chứng là ông đã công khai phản đối vụ khai thác bô-xít tại Tây Nguyên của tập đoàn Trung Quốc Chinalco vào năm 2009. Theo Đại tướng, đây là một « sai lầm to lớn ».

Có thể nói, cho đến giờ phút đó, ông cũng đã chứng tỏ « chưa bao giờ Đại tướng buông vũ khí ». Đối với ông, đó cũng có thể là một « trận chiến cuối cùng » như hàng tựa nhận định trên tờ Libération.


Switch mode views: