Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Mỹ tiến gần đến giải pháp can thiệp vào Syria

SYRIA-CRISIS 2


Một nhà hoạt động đeo mặt nạ chống khí độc tại Zamalka. Ảnh chụp ngày 22/08/2013.
REUTERS/Bassam Khabieh


Sau một thời gian tỏ ra dè dặt với hồ sơ Syria, cỗ máy ngoại giao và quân sự của Hoa Kỳ đang tăng dần tốc độ phản ứng trước những nghi vấn chính quyền Damas sử dụng vũ khí hóa học trong giao tranh với phe nổi dậy.

Tổng thống Barack Obama đang nghiêng dần về khả năng can thiệp quân sự có giới hạn. Tuy nhiên sẽ còn rất khó khăn cho Washington trong việc đi tìm một khuôn khổ để can thiệp quân sự tại Syria.

Theo giới phân tích, những hình ảnh kinh hoàng của những thường dân được cho là bị chết vì khí độc trong các cuộc tấn công tại khu vực Damas hôm 21/8 vừa qua, cùng với sự hối thúc của các nước đồng minh phương Tây và Ả Rập cũng như của Quốc hội Mỹ dường như đang thuyết phục dần dần Tổng thống Barack Obama cần phải có hành động cụ thể đối với chế độ Bachar al Assad.

Viễn cảnh một cuộc can thiệp quân sự của Mỹ vào Syria đang hiện rõ dần. Cụm từ « can thiệp » cho dù có gắn với hai từ « giới hạn » lúc này vẫn là một quyết định khó khăn đối với Tổng thống Mỹ, nhất là trong bối cảnh chính quyền Obama đã cố gắng rút ra khỏi cuộc chiến Irak cũng như đang làm với Ahghanistan.

Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng Syria, Tổng thống Mỹ luôn tỏ ra hoài nghi về một giải pháp can thiệp quân sự vào nước này. Mặc dù đã khẳng định chính quyền Damas đã vượt qua « lằn ranh đỏ » sử dụng vũ khí hóa học, nhưng tuần trước trên kênh truyền hình CNN, Tổng thống Obama vẫn còn tỏ thái độ rất lưỡng lự không muốn để nước Mỹ bị lôi cuốn vào một cuộc phiêu lưu quân sự mới ở khu vực Trung Đông.

Tuy nhiên, sau hơn 2 năm giữ lập trường thận trọng không muốn dính vào chiến trường Syria, từ khi xảy ra vụ tấn công bị tình nghi có sử dụng vũ khí hóa học hôm 21/8 tại ngoại ô Damas, chính quyền Mỹ đã tỏ dấu hiệu thay đổi cái nhìn về cuộc xung đột Syria.

Washington lúc này không còn mấy nghi ngờ về trách nhiệm của Damas trong các cuộc tấn công bằng vũ khí hóa học vừa rồi, cho dù các thanh tra Liên Hiệp Quốc vẫn chưa có kết luận gì về vụ việc.

Đang công du Châu Á, Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel, hôm qua, cũng đánh tiếng cho biết Hoa Kỳ không loại trừ bất kỳ khả năng nào đối với Syria.

Đánh giá những động thái mới của chính quyền Obama, ông Barry Pavel , cựu quan chức Quốc phòng và An ninh trong các chính quyền từ Bill Clinton đến Obama đã nhận định :
 « Ở Washington, người ta đang cảm thấy bằng cách này hay cách khác phải hành động ».
 Nhiều chuyên gia về Trung Đông cũng nhận thấy Hoa Kỳ « không còn có thể ngồi yên » trước những diễn biến tình hình ở Syria.

Nhưng hành động như thế nào thì lại là một vấn đề đau đầu cho người ra quyết định cuối cùng, Tổng thống Barack Obama.

Cuối tuần qua, ông Obama đã có cuộc họp tại Nhà Trắng với các quan chức cao cấp nhất trong chính quyền về ngoại giao, quân sự và tình báo.
 Tổng thống Mỹ cũng đã nói chuyện với đồng minh thân cận nhất của mình ở Châu Âu, Thủ tướng Anh David Cameron. Hai ông đã nhất trí với nhau là « cộng đồng quốc tế phải đáp trả nghiêm túc » đối với những biến động tình hình Syria và hai nước đã xem xét đến giải pháp can thiệp quân sự.

Nhiều động thái trong những ngày qua cho thấy Hoa Kỳ đang sẵn sàng cho một cuộc can thiệp quân sự vào Syria.
 Theo giới quan sát thì đó có thể sẽ là một cuộc « can thiệp có giới hạn trong những mục tiêu cụ thể », chẳng hạn như có thể tấn công bằng tên lửa vào các địa điểm có chứa vũ khí hóa học của Syria.

Nhưng khó khăn lớn nhất cho chính quyền Mỹ vẫn là hành động trong khuôn khổ như thế nào.
Trong khuôn khổ một nghị quyết của Liên Hiệp Quốc thì là điều không tưởng khi mà Nga và Trung Quốc vẫn giữ lá phiếu phủ quyết ở Hội Đồng Bảo An.
Còn vượt ra ngoài khuôn khổ đó để mở chiến dịch quân sự với các đồng minh NATO như đã làm với trường hợp Kosovo năm 1999 thì cũng không ổn, vì Syria là một vấn đề hoàn toàn khác, bối cảnh ngoại giao bây giờ cũng khác.

Giới quan sát đều có chung nhận định là nếu một chiến dịch quân sự từ nước ngoài buộc phải xảy ra để chống lại Damas thì cuộc can thiệp đó phải có được sự ủng hộ ngoại giao vững chắc từ các nước trong khu vực.
Có lẽ vì thế mà trong bốn ngày qua, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã liên tục các cuộc điện thoại với các đồng nhiệm Châu Âu và Ả Rập.

Cuối cùng, để đi đến « hành động» tại Syria, Tổng thống Obama phải làm sao thuyết phục dư luận Mỹ vốn đã cảm thấy quá mệt mỏi với hơn 10 năm Hoa Kỳ tham chiến ở Irak và Afghanistan.

Từng tuyên bố, Washington sẽ không để yên nếu Damas vượt qua « lằn ranh đỏ » sử dụng vũ khí hóa học, giờ đây, khi tin rằng Bachar al Assad đã sử dụng vũ khí hóa học thì ông Obama lại phải vượt qua lằn ranh khác cho chính mình để hành động.


Switch mode views: