Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Tiến triển quá trình phong Chân phước cho Hồng y Nguyễn Văn Thuận

Hongy nguyenvanthuan


Chân dung Đức Hồng y Nguyễn Văn Thuận tại nhà thờ Santa Maris della Scala - RFI / Thanh Phương


Cuộc điều tra thực tế, một giai đoạn quan trọng trong tiến trình phong Chân phước cho cố Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận đã hoàn tất vào tháng Bảy tại Roma.
 Hiệp hội bạn hữu của vị Hồng y từng bị tù đày nhiều năm tại Việt Nam hôm nay 07/08/2013 cho biết như trên.

Ông Jean-Marie Schmitz, chủ tịch hiệp hội nói với AFP : « Giai đoạn điều tra thực tế ở giáo phận của thủ tục phong Chân phước đã chính thức kết thúc nhân một buổi lễ ở điện Latran vào tháng Bảy.
Thánh bộ đã được trao các tài liệu lưu trữ được niêm phong, có các chứng cớ thuận lợi lẫn phản biện ».

Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận từng là Chủ tịch Hội đồng Giáo hoàng về Công lý và Hòa bình vào thời Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô đệ nhị. Ông đã từ trần tại Roma vì bệnh ung thư vào năm 2002.

Là cháu của cố Tổng thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm – bị ám sát vào năm 1963 - Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận bị giam giữ từ năm 1976 đến 1988, chủ yếu là bị biệt giam, và sau đó chuyển sang một trại cải tạo.

 Tác phẩm « Đường hy vọng » của ông, viết về những ngày trong ngục tù, là một di chúc tinh thần xúc động đối với nhiều người Công giáo Việt Nam.

Theo ông Schmitz, có ba phép lạ được xem là của Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, trong đó có một nữ tu bị mù đã được sáng mắt.

Thánh bộ Vatican sẽ xem xét hồ sơ và nếu mọi việc thuận lợi thì vị Hồng y Việt Nam có thể sẽ được phong Chân phước, và sau đó cũng có khả năng sẽ được phong Thánh.

Được biết tiến trình phong thánh trong Giáo hội Công giáo Roma có bốn bậc : Đấng đáng kính, Tôi tớ Chúa, Chân phước và Thánh.

Một thánh lễ đã được người kế nhiệm của Hồng y Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận là Hồng y người Ghana Peter Turkson cử hành hôm 5/7, với sự hiện diện của khoảng một trăm linh mục Việt Nam, và có cả một người trước đây từng là quản giáo của ông.

Quan hệ giữa Việt Nam và Tòa thánh đã được tăng cường, cho dù chưa có quan hệ ngoại giao đầy đủ - Vatican vẫn chưa có sứ thần thường trực tại Hà Nội.

 Giáo hội Việt Nam đầy sức sống và năng động, dù vẫn phải đối mặt với sự nghi kỵ và quấy nhiễu của chính quyền.


Switch mode views: