Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 01-08-2013

Do khủng hoảng, thanh niên Pháp xuất ngoại tìm việc

Phap sinhvien

Sinh viên tại Pháp.
Reuters

Trang nhất các báo Pháp hôm nay đều quan tâm đến thời sự tại Pháp, duy chỉ có tờ La Croix là quan tâm đến thời sự tại Iran.

Đáng chú ý là chủ đề được trang nhất báo Le Monde nêu lên qua dòng tựa : « Thanh niên Pháp muốn rời khỏi đất nước ».

Tờ báo Pháp đặt câu hỏi : « Vì sao thanh niên Pháp lựa chọn xuất ngoại ? ».

Hơn ¼ thanh niên có bằng cấp khẳng định muốn làm việc ngoài nước Pháp. Con số tăng gần như gấp đôi trong vòng một năm.

Theo tờ báo, chính cuộc khủng hoảng kinh tế là tác nhân thúc đẩy ngày càng nhiều thanh niên rời khỏi Pháp, đặc biệt là người nhập cư. Vào tháng hai, một nghiên cứu cho thấy 27% thanh niên có bằng cấp muốn làm việc ở ngoại quốc, trong khi con số đấy vào năm 2012 chỉ là 15%.

Bài báo trên tờ Le Monde trích ví dụ một số trường hợp điển hình với nhiều động cơ khác nhau. Đối với Nadia và Reda, những thanh niên có bằng cấp được báo Le Monde phỏng vấn thì việc rời khỏi Pháp là hiển nhiên.

Ngoài ra, Nadia còn chia sẻ không hề tìm việc tại Pháp trước khi quyết định ra đi. Cô đã quyết định sẽ đến Dubai, Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất vào trung tuần tháng 9. Trước đó, cô đã từng đến đây và hết sức phấn khởi vì tìm việc làm quá dễ dàng, cộng với khả năng biết nói tiếng Ả Rập.

Ngoài ra, bài báo còn đề cập đến một thành phần khác cũng di cư, đó là những thanh niên ra nước ngoài lập công ty. Tuy nhiên, số này còn là thiểu số. Ví dụ như Alexandre, 27 tuổi, đã mở công ty du lịch bằng mô-tô tại Ấn Độ. Đối với anh thì không phải lý do thuế khóa nặng nề của Pháp đã khiến anh ra đi, mà chính vì đam mê Ấn Độ. Theo chia sẻ của Alexandre, tại Ấn Độ, chỉ cần có 1000 euro, một phiên dịch viên và một kế toán là đủ để mở công ty.

Trước trào lưu này, các trang mạng tư vấn di cư cũng đang bùng nổ và tạo thành một luồng kinh doanh mới không chỉ nhắm đến thanh niên mà còn nhắm đến cả giới đã về hưu. Mặc dù các số liệu về luồng di cư chưa nhiều, nhưng một số đầu óc sáng tạo đã cho đây có thể là thị trường trong tương lai.

Trái với các quốc gia khác, Pháp không hề thống kê số lượng xuất ngoại, mà chỉ tính lượng nhập cảnh. Ví dụ như trang Lepetitjournal.com được lập ra năm 2001, đăng thông tin hàng ngày của những người di cư. Người sáng lập là ông Hervé Heyraud, một cựu di dân trong 13 năm tại Mehico và 6 năm tại Thái Lan. Từ đó, trang web không ngừng lớn mạnh. Hiện nay, trang mạng thu hút 350.000 khách/tháng và 12 triệu trang được xem hàng năm.

Ngoài ra, tờ báo còn nhắc đến thành phần hưu trí, một trong những điểm ngắm của các trang tư vấn xuất ngoại. Ví dụ công ty « L’Hirondelle » được lập ra để tổ chức các chuyến đi dài hạn hay ngắn hạn cho những người đã về hưu muốn sống ở hải ngoại, bao gồm các vấn đề nhà ở, bảo hiểm-sức khỏe, giao thông…

Khi đến nơi, người hưu trí không hề cô độc mà có thể nhờ đến sự giúp đỡ của một hiệp hội mang tên « AMI » giúp hội nhập tốt hơn. Phân nửa trong số các khách hàng hưu trí của công ty « L’Hirondelle » quyết định ra đi là vì cuộc sống tại Pháp đắt đỏ, vì chán tình hình hiện tại và khí hậu lạnh tại Pháp.

Ý đối mặt với thảm kịch thanh niên không việc làm, không hy vọng

Nhìn sang quốc gia láng giềng của Pháp là Ý, báo Le Monde hôm nay cho biết tỷ lệ thất nghiệp tại nước này đã giảm nhẹ nhưng vẫn còn cao, ở mức 12,1%. Bài báo chú ý đến số thanh niên không công ăn việc làm và mất hoàn toàn hy vọng. Đó là thảm kịch mà Ý đang phải đối mặt.

Bài báo cho biết, một số thanh niên phải làm một số việc nhỏ, thường là làm lậu hay giúp việc trong các nhà hàng gia đình. Công việc này chỉ đủ để sống lây lất qua ngày. Tỷ lệ thất nghiệp ở độ tuổi 15-25 đã tăng gấp ba, đạt tỷ lệ 38% theo Eurostat.

Theo một giảng viên kinh tế dạy đại học, hệ thống giáo dục quá nặng về tính hàn lâm và ít được công ty trọng dụng cũng là một trong những nguyên nhân gây nên nạn thất nghiệp.

Đối với tờ báo, tại Ý, để có được một công việc với hợp đồng vô hạn định vô cùng khó khăn. Chính phủ của thủ tướng Enrico Letta đã cố gắng tạo điều kiện cho việc tuyển dụng, đặc biệt là hợp đồng ngắn hạn và bấp bênh nhưng vẫn còn rất nhiều điều phải làm.

Bài báo nhận định điều đáng lo ngại nhất là sự căng thẳng tiềm ẩn trong xã hội Ý, do nỗi thất vọng ngày càng cao của tuổi trẻ không nghề ngỗng, do bất công xã hội và bạo lực.

Nhật muốn tìm lại công dân của mình bị mất tích tại Bắc Triều Tiên

Nhìn sang châu Á, báo Libération hôm nay đặc biệt quan tâm đến việc Nhật muốn tìm lại các công dân của mình bị mất tích tại Bắc Triều Tiên. Cảnh sát Nhật Bản vừa mới công bố trên mạng hình ảnh và tên tuổi của 169 trường hợp được cho là đã mất tích từ nhiều thập niên qua. Sở Cảnh sát Nhật Bản nghi ngờ là có thể những người này đã bị tình báo Bắc Triều Tiên bắt cóc.

Trong những thập niên 70-90, chế độ Bình Nhưỡng đã tiến hành hàng trăm vụ bắt cóc để đào tạo làm gián điệp và giáo viên.

Một nhân viên cảnh sát Nhật cho biết : « Chúng tôi muốn có sự đồng ý của gia đình nạn nhân trước khi tung ra thông tin. Mục đích là kêu gọi một bộ phận dân chúng đông đảo và các nhân chứng, và cho Bắc Triều Tiên hiểu rằng chúng tôi không từ bỏ hồ sơ này ».

Hồi năm 2002, Triều Tiên từng thừa nhận các nhân viên tình báo của nước này chỉ bắt cóc 13 công dân Nhật Bản. Họ đánh giá rằng hồ sơ này đã được đóng lại sau khi đã thả 5 trong số những người bị bắt cóc nói trên về nhà vào năm 2002 và khẳng định 8 người còn lại đã chết.

Một trong những cố vấn của thủ tướng Nhật Shinzo Abe đã sang Bắc Triều Tiên để nêu lên hồ sơ này, một vấn đề cản trở mọi bang giao giữa Tokyo và Bình Nhưỡng.

Nhật Bản : « Abenomics » làm lợi cho công ty hơn là các hộ gia đình

Báo Le Monde hôm nay cũng quan tâm đến Nhật Bản nhưng trên khía cạnh kinh tế. Tờ báo cho biết những giải pháp của thủ tướng Shinzo Abe làm lợi cho các công ty xuất khẩu hơn là cho các hộ gia đình. Theo tờ báo, việc hạ giá đồng yên giúp kích thích xuất khẩu và là một điều tốt cho các nhà xuất khẩu xứ Hoa anh đào.

Trong bản báo cáo kinh tế hàng tháng vào ngày 23/07, chính phủ Nhật đã nói đến từ « phục hồi » kinh tế lần đầu tiên trong vòng 10 tháng. Tỷ lệ thất nghiệp đã giảm 0,2 điểm, chiếm 3,9% dân số trong độ tuổi lao động, giảm xuống dưới mức 4% lần đầu tiên kể từ năm 2008. Chủ yếu việc làm có được là từ các công ty xuất khẩu. Ngoài ra, trong lĩnh vực sản xuất xe hơi và hàng điện tử gia dụng, tuyển dụng, số việc làm cũng tăng lên 13,3% trong cùng kỳ.

Chính sách hạ giá đồng yên còn lôi cuốn được nhiều khách du lịch, do đó, việc tuyển dụng trong lĩnh vực du lịch-nhà hàng cũng tăng lên 13,5%. Các dự án « hồi hương » các hoạt động của các công ty như Toshiba, Mitsubishi Electric cũng mang lại hy vọng cải thiện công ăn việc làm cho người dân.

Chủ tịch tổ chức ngoại thương Nhật Bản ngày 25/07 đã lấy tiếc là do các căng thẳng ngoại giao, vào năm 2013, Trung Quốc đã nhường cho Hoa Kỳ vị trí đối tác thương mại số một của Nhật.

Tờ báo nhận định, nguồn thu nhập của các hộ gia đình đã tăng 2% vào tháng sáu nhờ vào tiền thưởng và các giờ làm thêm. Các tập đoàn Nhật Bản dường như đầu tư lợi nhuận của mình ra nước ngoài nhiều hơn là vào nguồn nhân sự của đất nước.

Trên thị trường việc làm, việc tuyển dụng đa phần là bằng các hợp đồng ngắn hạn và bấp bênh : 38% người lao động rơi vào trường hợp này.

Sức tiêu thụ của các hộ gia đình, là nhân tố chính của GDP, lại đang bị đe dọa bởi giá đồng yên thấp, nên giá nhập khẩu các nguyên vật liệu và giá cả một số mặt hàng tăng . Vào tháng Sáu, mức tiêu xài của các hộ gia đình Nhật Bản bị giảm 0,4% trong một năm.

Đó là lý do vì sao thủ tướng Abe ngần ngại trước dự định tăng gấp đôi thuế tiêu thụ từ 5% lên 10% từ nay đến tháng 10/2015 và cũng có thể ông sẽ bỏ kế hoạch này. Thế nhưng, nếu làm như vậy thì ông vấp phải chướng ngại là đã thất hứa, vì ông đã cam kết với các đối tác thế giới là sẽ cải cách chi tiêu công của đất nước, đã đạt đến con số 200% GDP.

Quân nhân Manning bị buộc tội gián điệp

Bradley Manning, binh sỹ Mỹ đã làm rò rỉ hàng nghìn tài liệu mật cho WikiLeaks được báo chí Pháp hôm nay đồng loạt quan tâm. Báo Le Monde chạy tựa : « Binh sĩ Manning là tội phạm nhưng không phản bội ».

Le Figaro đăng bài : « Những bài học của vụ án Bradley Manning ». Báo L’Humanité đăng bài: « Chú chuột chũi (taupe = nội gián) của Wikileaks có nguy cơ phải sống quãng đời còn lại trong hang (trou = nhà tù) ».

Tư pháp Mỹ ngày 30/07/2013 đã buộc tội Bradley Manning, quân nhân đã cung cấp tài liệu mật cho WikiLeaks, làm gián điệp, nhưng không cáo buộc tội trợ giúp kẻ thù. Báo Le Monde cho biết các luật sư của Manning đã miêu tả anh là một thanh niên ngây ngô và không chín chắn. Anh ta chỉ tìm cách để gây dư luận về chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Tổng cộng, anh ta đã cung cấp cho Wikileaks những báo cáo nội bộ về 700 000 sự cố xảy ra thường nhật trong cuộc chiến tại Afganistan và Irak, một số khác liên quan đến những tù binh tại nhà tù Guantanamo mà không có tội danh.

Quân nhân Manning đã từng bị bỏ tù trong vòng 9 tháng tại bang Virginia trong điều kiện hết sức cơ cực...

Báo L’Humanité cho biết Manning có nguy cơ lãnh án trên 100 năm tù. Trước vụ án này, ý kiến từ công chúng cũng khác nhau. Một số ủng hộ Manning và cho rằng không thể buộc tội những người nói lên sự thật.

Thời sự Pháp trên trang nhất

Báo thiên hữu Le Figaro thì lưu ý đến các hồ sơ nóng mà tổng thống Pháp phải đối mặt sau kỷ nghỉ hè. Báo kinh tế Les Echos thì quan tâm đến vì sao hãng hàng không Air France còn phải cắt giảm hàng nghìn việc làm.

Báo thiên tả Libération trên trang nhất quan tâm đến bài phát biểu của tổng thống Hollande tại Clichy, ngoại ô Paris về việc tạo công ăn việc làm cho dân Pháp.

Báo Cộng sản L’Humanité thì quan tâm đến khó khăn của dân Pháp tại vùng Bretagne.

Air France : đợt giảm biên chế mới

Trên hồ sơ kinh tế, báo chí Pháp hôm nay đặc biệt quan tâm đến hãng hàng không Air France lại có một đợt giảm biên chế mới. Báo Les Echos chạy tựa trên trang nhất : « Vì sao Air France còn phải cắt giảm hàng nghìn việc làm ». Báo Le Figaro đăng bài : « Air France sẽ giảm thêm 2500 việc làm vào năm 2014 ».

Theo báo Le Figaro thì hãng Air France cần phải vực dậy khả năng sinh lợi của hệ thống tuyến bay đường ngắn và trung bình. Transavia là một chi nhánh giá rẻ của Air France, đặc biệt để khai thác các tuyến đường này.

Báo Les Echos cho biết đây là một phần trong kế hoạch tổng thể nhằm đối phó với tình trạng thâm hụt tài chính nghiêm trọng của hãng này, cũng như trong bối cảnh khó khăn chung của ngành hàng không thế giới và sự cạnh tranh gay gắt của các hàng hàng không giá rẻ và các đối thủ vùng Vịnh.


Switch mode views: