Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Manila sử dụng Subic Bay để triển khai lực lượng nhanh chóng ra Biển Đông

philippines-usa


Tuần dương hạm Mỹ USS Texas neo đậu bên cạnh tàu tiếp liệu cho tàu ngầm USS Emory S.Land tại vịnh Subic. Ảnh chụp ngày 10/11/2011.
REUTERS/U.S. Navy


Bộ trưởng Quốc phòng Philippines vào hôm nay 28/07/2013 đã xác nhận kế hoạch di dời các căn cứ không quân và hải quân chính của nước này đến một căn cứ hải quân Mỹ trước đây ở phía Bắc thủ đô Manila.

 Theo một báo cáo mật của bộ quốc phòng Philippines, mục tiêu kế hoạch di dời là tạo điều kiện cho lực lượng không quân và hải quân tiếp cận nhanh chóng các vùng biển đảo ngoài Biển Đông đang bị Trung Quốc tranh chấp.

Trả lời phỏng vấn của hãng tin Mỹ AP qua điện thoại, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Voltaire Gazmin cho biết là, lực lượng không quân và hải quân cùng với các đội máy bay và tàu chiến sẽ được di chuyển đến đặt căn cứ tại Vịnh Subic, nằm ở phía Bắc Manila.

Đây nguyên là một căn cứ của Hải quân Mỹ nhìn ra Biển Đông, được cải sửa thành một cảng thương mại sau khi lực lượng Mỹ rút đi vào năm 1992.

Theo ông Gazmin, kế hoạch di dời sẽ được xúc tiến ngay sau khi ngân sách dùng và việc này được phê duyệt. Mục tiêu là để « bảo vệ biển Philippine Tây của chúng tôi ».

Biển Tây Philippines là tên chính thức được chính quyền Manila dùng để gọi Biển Đông. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines đã trả lời hãng tin Mỹ từ Hàn Quốc, nơi ông đang ghé thăm.

Một tài liệu mật của Bộ Quốc phòng Philippines mà hãng AP có được bản sao cho biết là vị trí chiến lược của căn cứ Subic sẽ cho phép thu ngắn thời gian di chuyển của chiến đấu cơ được tung ra các vùng ngoài Biển Đông.
 Từ Subic bay đi, chiến đấu cơ của Philippines sẽ tiết kiệm được 3 phút so với khi cất cánh từ sân bay Clark cũng nằm ở phía bắc Manila, nơi đang đặt một số máy bay của không quân Philippines.

Tài liệu kể trên ghi rõ là căn cứ mới sẽ cung cấp cho quân đội Philippines một « vị trí chiến lược », cho phép tiếp cận trực tiếp và nhanh chóng hơn các địa bàn ở trên Biển Đông.

Theo ông Gazmin, Subic Bay là một cảng nước sâu tự nhiên, có khả năng làm bản doanh cho hai tàu chiến lớn mà Philippines đã nhận được gần đây từ tay Hoa Kỳ, một đồng minh có hiệp ước phòng thủ hỗ tương với Philippines.

Cảng Subic do đó thuận tiện hơn nhiều so với khu vực nước nông tại tỉnh Cavite, phía nam Manila, nơi đặt căn cứ Sangley Point của hạm đội Philippines.

Xin nhắc lại là Philippines là quốc gia Đông Nam Á đang bị Trung Quốc chèn ép dữ dội trong hồ sơ tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông.

Từ tháng tư năm ngoái, Bắc Kinh đã lấn chiếm trong thực tế bãi cạn Scaborough trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của Philippines, và hiện bị nghi là đang tìm cách thôn tính bãi Second Thomas Shoal, trong vùng Trường Sa, nơi đang có một toán lính Philippines trấn giữ.

Để đối phó với các động thái của Bắc Kinh, ngoài việc dùng phương thức ngoại giao, Manila tích cực ủng hộ việc lực lượng Mỹ hiện diện hùng hậu trở lại trong vùng để làm đối trọng với Trung Quốc, đồng thời nỗ lực nâng cấp quân đội của mình, vốn bị xem là thuộc loại yếu nhất châu Á.



Switch mode views: