Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Quốc phòng : Nga ưu ái Việt Nam và nghi ngại Trung Quốc

CSVN nguyentandung


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng (Reuters)

 


Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa kết thúc chuyên công du Liên Bang Nga từ ngày 12 đến 15/05/2013.

Nhân dịp này, chính phủ hai nước đã cam kết « hợp tác hơn nữa trong lãnh vực quốc phòng và an ninh quốc gia ».

 Trong bối cảnh tân chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng vừa đi thăm Nga vào tháng Ba vừa qua, giới phân tích không khỏi tự hỏi trở lại về trọng lượng của Hà Nội và Bắc Kinh trong chính sách đối ngoại quốc phòng của Nga.

Giáo sư Carl Thayer tại Học Viện Quốc phòng Úc đã ghi nhận rằng dù ảnh hưởng của Việt Nam không thể sánh bằng Trung Quốc, nhưng Việt Nam luôn luôn có một vị trí “đặc biệt” đối với Nga, trong lúc Trung Quốc luôn luôn tạo ra một tâm lý nghi ngờ nơi Mátxcơva.

Trả lời phỏng vấn của RFI, giáo sư Thayer trước hết nêu bật tính chất quan trọng của Việt Nam trong tư cách là đối tác mua vũ khí của Nga

Carl Thayer : Việt Nam là một trong những thị trường vũ khí lớn của Nga. Mối quan hệ này đã đi xa hơn việc bán hàng đơn thuần để bao gồm các lãnh vực đào tạo, bảo trì, sửa chữa và nâng cấp các thiết bị quan trọng hoặc hệ thống vũ khí.

Quan hệ này cũng bao hàm việc đồng sản xuất tàu tuần tra và tên lửa. Với việc Việt Nam sẽ tiếp nhận sáu chiếc tàu ngầm lớp Kilo, quan hệ với Nga trong địa hạt quân sự quốc phòng sẽ mở rộng thêm với các cơ sở do Nga xây dựng ở Vịnh Cam Ranh và các dịch vụ giúp vận hành và bảo trì hạm đội tàu ngầm mới của Việt Nam.

Việt Nam sẽ bị lệ thuộc vào nguồn cung cấp quốc phòng từ Nga trong nhiều thập kỷ tới đây.

Yếu tố quyết định cho vấn đề này là tính tương thích của thiết bị Nga với kho thiết bị và vũ khí hiện tại của Việt Nam, cũng như giá cả phải chăng và các điều kiện thanh toán linh hoạt.  

Chuyến thăm của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng vừa rồi là một hoạt động bình thường trong bang giao Nga-Việt, một quan hệ chỉ mới được nâng lên gần đây từ đối tác chiến lược sang quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Chắc chắn là nhân dịp đó, phía Nga đã đưa các đề nghị bán vũ khí tương lai ra để xem xét.

Trong bối cảnh chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cũng vừa đi thăm Nga vào tháng Ba, giáo sư Thayer đã phân tích thêm về vị trí của Bắc Kinh và Hà Nội trong chính sách đối ngoại của Mátxcơva.

Carl Thayer : Nga bán vũ khí cho cả Trung Quốc và Việt Nam. Nhưng Trung Quốc bị cho là đã sao chép công nghệ và vi phạm quyền sở hữu trí tuệ của Nga. Đây là một vấn đề khó chịu trong quan hệ giữa hai bên.  

Trung Quốc hiện được quyền chế tạo một số vũ khí lớn của Nga như máy bay chiến đấu đa chức năng Su-30.

Nga cũng có sức ép trên Bắc Kinh thông qua việc bán năng lượng cho Trung Quốc hiện thời và trong tương lai.

 Nga cũng đã cẩn thận không đưa vào Trung Quốc các loại công nghệ quân sự có khả năng gây mất ổn định cho tình hình an ninh khu vực. Ví dụ như mới đây, các nguồn tin công nghiệp Nga đã bác bỏ thông tin trên các phương tiện truyền thông Nga, cho rằng nước này sẽ bán máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm cho Trung Quốc.

Việt Nam sẽ không bao giờ cạnh tranh được với Trung Quốc về mặt quyền lực và ảnh hưởng trong khu vực. Thế nhưng Việt Nam sẽ luôn luôn giữ một vị trí đặc biệt đối với Nga vì quan hệ kinh tế và quốc phòng song phương, cũng như nhờ một cộng đồng người Việt to lớn ở Nga.

Các liên doanh Nga Việt nhằm phát triển các nguồn năng lượng, từ dầu khí đến năng lượng hạt nhân, sẽ phát triển trong tương lai.

Việt Nam cũng là một cửa ngõ chính trị hữu ích cho Nga trong quan hệ với ASEAN.

Theo quan điểm của Mátxcơva, các quan hệ với cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đều có thể được theo đuổi cùng một lúc mà không cần phải lựa chọn.

Trong trường hợp có xung đột, Nga hoàn toàn có khả năng đình chỉ việc cung cấp vũ khí và phụ tùng thay thế.  

Sau cùng, cho dù quan hệ Nga Trung có trở thành gần gũi đến đâu chăng nữa, thì sẽ luôn luôn có một mối nghi ngờ dai dẳng của Nga đối với Trung Quốc và và sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Bắc Kinh.



Switch mode views: