Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Vụ tiêu diệt trùm khủng bố Baghdadi cho thấy Mỹ nghi kỵ Thổ Nhĩ Kỳ

baghdadi video

Quân đội Mỹ tiết lộ hình ảnh và vidéo chiến dịch bắn hạ thủ lĩnh Daech, Abou Bakr al-Baghdadi tại Syria.
Reuters



Trong vòng hai ngày 05 – 06/11/2019, Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp loan báo đã bắt được chị và vợ của thủ lĩnh tổ chức Nhà nước Hồi Giáo Daech.

 

Thông báo được đưa ra với vẻ như “oán hờn” Mỹ vì đã gạt Ankara ra khỏi chiến dịch truy sát Abou Bakr al-Baghdadi.

Vì sao Mỹ không phối hợp với Thổ Nhĩ Kỳ để tấn công thủ lĩnh Daech?

 Kênh truyền hình France 24 nhận định việc xác định vị trí và cách thức lập kế hoạch cũng như cách tiến hành vụ tấn công của quân đội Mỹ cho thấy rõ Washington thiếu tin tưởng vào Ankara.

Triệt hạ quân thánh chiến ở Idleb: Một thất bại của Ankara

Trên bàn cờ chiến sự Syria, khu vực vị trí làng Baricha được cho là “dưới sự kiểm soát của Thổ Nhĩ Kỳ”.

Đây là nơi sinh sống của khoảng ba triệu người, phần đông là dân thường, sống chung một mớ lẫn lộn các nhóm thánh chiến, trong đó có nhánh Al-Qaida Syria, nhưng cũng có một số nhóm nổi dậy đồng minh hay tham chiến, chủ yếu là những kẻ tử thù của Daech.

Tại Idleb, Thổ Nhĩ Kỳ lập đến hơn một chục chốt gác, chuyên trách theo dõi khu vực quân nổi dậy chống chế độ Damas.
 Sau khi đã đàm phán được một lệnh ngừng bắn với Nga và Iran, trong khuôn khổ tiến trình Astana, Thổ Nhĩ Kỳ tự xem như là phía “bảo trợ” cho khu căn cứ Idleb.

Thỏa thuận dự trù việc thành lập một vùng đệm, theo yêu cầu của Ankara, để bảo vệ cư dân Idleb trước các cuộc tấn công từ các lực lượng chế độ Damas. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ cam kết đánh bật các nhóm thánh chiến ra khỏi tỉnh, kể cả Al-Qaida và các nhóm đòi ly khai chống Thổ Nhĩ Kỳ.

Theo France 24, sự hiện diện của Abou Bakr al-Baghdadi tại Idleb qua chiến dịch truy sát của lực lượng đặc nhiệm Mỹ đã góp phần làm sáng tỏ thất bại của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc thực thi cam kết của mình.

Căn cứ Incirlik không được màng đến

Nhìn từ góc độ vị trí phòng thủ và chiến đấu chống khủng bố, điểm xuất phát chiến dịch của Mỹ cũng đặt ra vấn đề và làm lộ rõ những căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ với các nước thành viên của khối NATO.

Incirlik – căn cứ không quân lớn thứ hai của NATO ở miền nam Thổ Nhĩ Kỳ chỉ cách Baricha 200 km.
Nhưng hôm Chủ Nhật, các chiếc trực thăng của Mỹ, chở đầy lính đặc nhiệm và các trang thiết bị của Delta Force lại cất cánh từ căn cứ không quân Al-Assad, nằm ở tỉnh Anbar (miền tây Irak).

Căn cứ này nằm cách Baricha đến 800 km. Quân đội Mỹ đi theo một hành trình xuyên Syria từ Đông sang Tây trên một vùng lãnh thổ nguy hiểm do kẻ thù kiểm soát.
Theo nhận xét của Washington Post, sự việc cho thấy quân đội Mỹ “không mấy tin tưởng” vào “một đồng minh mà ông Trump nói là có thể trông cậy để ngăn chận sự trỗi dậy của tổ chức Nhà nước Hồi giáo”.

Về điểm này, ông Nicholas Heras, thuộc Center For A New American Security khi trả lời phỏng vấn France 24 nhận thấy là “chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ lấy làm phật ý về việc chính phủ Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Lực lượng Dân chủ Syria (FDS) của người Kurdistan”.

Theo phân tích của ông, “vì những lý do tác chiến, Hoa Kỳ cho rằng tốt hơn hết nên xuất phát từ Erbil, an toàn hơn cho Mỹ để phối hợp tấn công khiến cho nhóm Tổ chức Nhà nước Hồi Giáo bị bất ngờ không kịp trở tay.
 Nếu nghe kỹ những gì các quan chức Mỹ tuyên bố, rõ ràng là chúng ta không mấy gì tin tưởng vào Thổ Nhĩ Kỳ để phối hợp chặt chẽ”.

Kết hợp với FDS, kẻ thù truyền kiếp của Thổ Nhĩ Kỳ

Một điểm tương phản khác đáng chú ý:
Nhiều báo cáo mới đây cho thấy rõ vai trò quan trọng của Lực lượng Dân chủ Syria (FDS), kẻ thù “không đội trời chung” của Thổ Nhĩ Kỳ trong vụ tấn công dẫn đến cái chết của Abou Bakr al-Baghdadi.

Hôm thứ Ba 29/10, ông Polat Can, cố vấn cấp cao cho FDS tiết lộ trên mạng Twitter rằng một trong những nguồn thu thập thông tin của phe này đã đánh cắp thành công các bộ đồ lót cũ cũng như là một mẫu máu của Abou Bakr al-Baghdadi.

Những mẫu vật này sau khi được chuyển giao cho tình báo Mỹ đã cho phép xác định sự tương đồng về ADN và chuyển qua giai đoạn hành động với tốc độ cao hơn, “cách đây hơn một tháng”, như ông Polat Can khẳng định.
 Thế nhưng, đợt tấn công của Thổ Nhĩ Kỳ vào phía đông bắc Syria này 09/10/2019 đã làm cho “chiến dịch bị hoãn lại”, ông Polat Can giải thích tiếp.

Hơn nữa, cũng trong ngày thứ Ba 29/10, Washington xác nhận thông báo của FDS – đăng vài giờ sau khi loan báo cái chết của Abou Bakr al-Baghdadi – theo đó, một cuộc tấn công phối hợp chung giữa FDS và Mỹ tại Jarablous (phía bắc tỉnh Alep) đã hạ gục một nhân vật quan trọng khác: Abou Hassan al-Mouhajir, phát ngôn viên của nhóm Tổ chức Nhà nước Hồi giáo.

Thổ Nhĩ Kỳ và NATO: “Cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”

Thổ Nhĩ Kỳ, vì chỉ lo tập trung đánh các lực lượng người Kurdistan trong khu vực, đã tỏ ra không mấy hào hứng chống các nhóm thánh chiến đang hoạt động ở phía bắc Syria.
Từ khi Ankara tham gia vào khối NATO năm 1952, tổ chức này đã nhấn mạnh đến tầm quan trọng của khu căn cứ quân sự Incirlik.

Một cầu nối chiến lược đến các vùng biển Hắc Hải và Địa Trung Hải trong thời kỳ chiến tranh lạnh.
Tầm quan trọng còn được nâng lên một mức khi Nga cho sáp nhập bán đảo Crimée năm 2014.

Theo nhận định của France 24, chiến dịch quân sự hạ sát Abou Bakr al-Baghdadi cho thấy là NATO đã gạt Thổ Nhĩ Kỳ sang một bên vào lúc Ankara, về phần mình, đã tăng cường các mối liên kết quân sự với Matxcơva và Bắc Kinh.

Ông Nicholas Heras cho biết thêm “Hoa Kỳ đã lập nhiều khu căn cứ khác có thể cất trữ vũ khí và giảm bớt tầm quan trọng của Incirlik.
Họ có các khu căn cứ tại Qatar, Các Tiểu Vương Quốc Ả Rập Thống Nhất, ở Erbil, một khu căn cứ tác chiến cấp tiến ở Hy Lạp và tại nhiều nơi khác của khu vực”.

Vẫn theo phân tích của ông Nicholas Heras, thái độ nghi kỵ của Hoa Kỳ đối với Thổ Nhĩ Kỳ cho thấy nhiều điểm tương đồng với mối quan hệ căng thẳng mà Mỹ từng duy trì với Pakistan trong một chiến dịch bắn hạ Oussama Ben Laden năm 2011 ở Islamabad.

Pakistan, đồng minh của Mỹ trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh và là đối tác chống khủng bố, chỉ được thông báo về chiến dịch sau khi nhà sáng lập Al-Qaida đã chết và nhóm đặc nhiệm Mỹ trở về khu căn cứ không quân ở Afghanistan.

Sau hơn 60 năm hợp tác quân sự giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác phương Tây của NATO, khối Liên Minh này giờ có vẻ đang trong giai đoạn “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”.

Chỉ có điều cả hai bên không ai dám công khai nói lên lời “giã biệt”!

Switch mode views: