Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 13-8-2019
- Thứ Ba, 13 tháng Tám năm 2019 21:57
- Tác Giả: Thụy My
Giáo hội Công giáo Hồng Kông ở nơi đầu sóng ngọn gió
Một linh mục bình thản đương đầu với cảnh sát chống bạo động, trong một cuộc biểu tình chống dự luật dẫn độ ở Kennedy Town (Kiên Ni), Hồng Kông ngày 04/08/2019.
REUTERS/Eloisa Lopez
Con người đã vắt kiệt sức của Trái Đất, cuộc sống của thổ dân vùng Amazon đang bị đe dọa, tổ chức Nhà Nước Hồi Giáo ngóc đầu dậy ở Irak và Syria, khai mạc giải vô địch bóng đá Pháp : các chủ đề trên trang nhất báo Paris hôm nay khá đa dạng.
Ở trang trong, tình hình Hồng Kông tiếp tục được quan tâm, bên cạnh đó là một dịp kỷ niệm không được làm rình rang : ông Putin đã trị vì nước Nga được đúng 20 năm.
Khi người biểu tình hát Alléluia
« Tại Hồng Kông, giáo hội Công giáo ở trung tâm phong trào phản kháng », đó là nhận định của thông tín viên Le Monde tại Bắc Kinh.
Trong số những ngạc nhiên của các cuộc biểu tình đòi dân chủ, có sự xuất hiện của bài thánh ca « Sing Hallelujah to the Lord » (Hãy hát lời Alléluia với Đức Chúa trời).
Một mục sư trẻ muốn tương đối hóa vấn đề, nói rằng « đa số người hát không quan tâm đến lời ca, họ chỉ thích giai điệu. Người biểu tình rất căng thẳng, lời ca tiếng hát giúp họ trở nên nhẹ nhõm hơn ».
Thật ra suốt từ khi khởi đầu phong trào cho đến nay, có sự hiện diện cùng khắp của các địa điểm cầu nguyện, các nhà nguyện dã chiến ở gần những điểm nóng.
Giám mục phụ tá giáo phận Hồng Kông Giuse Hạ Chí Thành (Joseph Ha) còn tích cực tham gia các buổi lễ được tổ chức ở đối diện với Nghị Viện.
Nhiều người biểu tình mặc áo thun có in chữ lớn « Jesus » (Giêsu). Trong những cuộc đụng độ các tuần lễ gần đây, những nhóm tín đồ trẻ tuổi đã nhắm mắt, nắm lấy tay nhau, đối diện với cảnh sát cơ động vũ trang đến tận răng.
Có lần bị một cảnh sát giễu cợt, họ đã nộp đơn kiện, và sau đó mang các biểu ngữ cảnh báo « Nếu các ông dùng đến dùi cui, chúng tôi sẽ lại hát Alléluia ! ».
Các tổ chức Kitô giáo còn hỗ trợ về mặt tinh thần cho người biểu tình, nhất là sau bốn vụ tự tử, được ngành y tế coi là « bệnh dịch trầm cảm ».
Niềm tin tôn giáo mang lại sức mạnh trong tâm trí cho những người đang tuyệt vọng, tránh chuyển sang oán thù.
Thiên Chúa giáo và dân chủ
Trên con đường đấu tranh cho dân chủ, thế hệ trẻ chừng như gắn bó với giá trị Kitô giáo.
Với trên 2.500 tân tòng trong năm 2018, giáo phận Công giáo Hồng Kông bé nhỏ đã vượt qua con số của toàn nước Pháp 67 triệu người.
Lãnh tụ sinh viên Hoàng Chi Phong (Joshua Wong), theo đạo Tin Lành, không hề giấu diếm rằng đức tin là động cơ cho các hoạt động chính trị của mình.
Ngược với Hoa lục, nơi việc hành đạo bị kiểm soát chặt chẽ, Hồng Kông bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng theo Hiến pháp.
Chỉ có khoảng 5% người Hồng Kông theo Công giáo, số tín đồ Tin Lành cũng có tỉ lệ tương đương, còn Phật giáo và Lão giáo đông gấp bốn.
Mạng lưới các trường Công giáo gồm khoảng 250 trường, trong đó có những trường rất uy tín, đã tác động vào xã hội Hồng Kông.
Các trường của Dòng Tên, danh tiếng nhất là trường Hoa Nhân (Wah Yan) đã đào tạo ra rất nhiều nhà quản lý, còn các trường Tin Lành đào tạo các nhân viên xã hội.
Nhiều khuôn mặt lãnh đạo Công giáo và Tin Lành ở Hồng Kông lâu nay tích cực đấu tranh cho dân chủ, vì họ biết rõ số phận của các tín đồ tại Hoa lục.
Có thể kể : Hồng y Giuse Trần Nhật Quân (Joseph Zen), 87 tuổi, nổi tiếng chống cộng ; mục sư Chu Diệu Minh (Chu Yiu Ming), 75 tuổi, bị kết án 16 tháng tù và hai năm quản chế hồi tháng Tư vì ủng hộ phong trào « Cách mạng Dù ».
Phong trào đấu tranh nổ ra vào một thời điểm nhạy cảm cho giáo hội Công giáo Hồng Kông, vốn không có giám mục kể từ tháng Giêng.
Việc giám mục phụ tá Giuse Hạ Chí Thành đứng về phía những người biểu tình có thể khiến Trung Quốc gây sức ép với Tòa Thánh, không chịu cho ông lên phụ trách giáo phận Hồng Kông.
Như vậy Hồng Kông còn là « chiến trường » tranh giành ảnh hưởng giữa Bắc Kinh và Vatican.
Quan chức Bắc Kinh chính thức coi là « Cách mạng màu »
Đặc phái viên Frédéric Lemaître của Le Monde cho biết « Bắc Kinh đánh giá phong trào dân chủ ở Hồng Kông là ‘Cách mạng màu’ ».
Cho đến nay, chỉ có báo chí loại cực đoan của Trung Quốc mới gọi phong trào phản kháng đang làm rung chuyển Hồng Kông từ hai tháng qua là « cách mạng màu ».
Từ nay, các quan chức Bắc Kinh không ngần ngại sử dụng cụm từ này, một « lằn ranh đỏ » tại Trung Quốc của Tập Cận Bình.
Hôm thứ Tư 7/8, ông Trương Hiểu Minh (Zhang Xiaoming), giám đốc Văn phòng phụ trách Hồng Kông và Macao của Quốc vụ viện, trước 500 quan chức chính trị về kinh tế họp kín tại Thâm Quyến, khẳng định những gì đang diễn ra tại Hồng Kông « có các đặc tính rõ rệt của một cuộc cách mạng màu ».
Tờ South China Morning Post dẫn lời của một đại biểu tham dự hội nghị, nêu ra vai trò của giới trẻ và giáo hội Công giáo.
Các nhà lãnh đạo Trung Quốc tin rằng phương Tây đã « giựt dây ». Trương Hiểu Minh nhấn mạnh đến việc « chấm dứt bạo động, hỗn loạn », còn Vương Chí Dân (Wang Zhimin), giám đốc Văn phòng liên lạc của Bắc Kinh tại Hồng Kông cho rằng « trận chiến cho tương lai Hồng Kông là vấn đề sinh tử ».
Trương Hiểu Minh nói rõ không thể để cho vấn đề Hồng Kông gây trở ngại cho các hoạt động kỷ niệm 70 năm ngày thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.
Như vậy rõ ràng Bắc Kinh không thể chấp nhận năm yêu sách của « cách mạng Hồng Kông ».
Đó là : hủy bỏ dự luật dẫn độ, điều tra độc lập về bạo lực cảnh sát, trả tự do cho những người bị bắt, ngưng gọi người biểu tình là « nổi dậy », và cải cách chính trị tại đặc khu.
Tập Cận Bình : Lằn ranh đỏ cho phóng viên ngoại quốc
Về hoạt động báo chí tại Trung Quốc, nhà báo Frédéric Lemaître nêu ra các bài học mà các đồng nghiệp ngoại quốc đã rút ra được : đừng quá tò mò về chủ tịch Tập Cận Bình, và phải cố đoán những gì mà người dân Hoa lục không thể nói ra.
Tờ báo Le Monde uy tín của Pháp bị cấm hoạt động tại Trung Quốc năm 2014 do đăng loạt bài « ChinaLeaks », những vụ làm ăn của các « thái tử đỏ ».
Đầu tháng Giêng năm 2018, Le Monde lại vuốt râu hùm khi tiết lộ việc Bắc Kinh không chỉ tài trợ xây dựng trụ sở của Liên hiệp Châu Phi ở Addis-Abeba, mà còn hào hiệp lắp đặt thêm hệ thống vi tính của Hoa Vi (Huawei), thế nên hàng đêm tất cả các dữ liệu được lén lút chuyển từ Ethiopie đến các máy chủ ở tận Thượng Hải.
Kết quả là phóng viên Frédéric Lemaître của Le Monde bị cấm sang Bắc Kinh làm thông tín viên.
Nhờ có sự can thiệp của thủ tướng Pháp Edouard Philippe, song song đó bên ngoại giao làm áp lực qua việc từ chối cấp visa cho ba nhà báo Trung Quốc, ông mới đặt chân đến Trung Quốc sau bảy tháng chờ đợi.
Các đồng nghiệp tại chỗ cảnh báo, việc bị bộ Ngoại Giao Trung Quốc triệu tập vì một bài báo khiến họ không vui, là chuyện thường xuyên.
Có nhà báo còn bị công an lấy trộm máy tính xách tay sau khi gặp một nhà đối lập. Còn những trở ngại khi muốn đến Tân Cương hay Tây Tạng thì khỏi phải nói.
Đặc biệt có một chủ đề tốt nhất không nên đề cập : chủ tịch Tập Cận Bình. Lương Gia Hà (Liangjahe), ngôi làng ở Thiểm Tây (Shaanxi) nơi ông Tập đi « cải tạo » bảy năm trong thời kỳ Cách mạng văn hóa, đang trở thành đất thánh Lộ Đức (Lourdes) của cộng sản Trung Quốc.
Khách tham quan từ khắp nơi trên cả nước đổ về đây để thăm vùng « Hoàng thổ » đã được tô vẽ thành huyền thoại.
Tuy nhiên công an mặc thường phục dày đặc, thậm chí còn thuê phòng ở sát bên các nhà báo Pháp.
Putin, nhà độc tài không còn hùng mạnh
Bài xã luận của La Croix cũng nói về một nhà độc tài nhưng ở nước Nga, một « Putin yếu thế ».
Cựu sĩ quan KGB ngự trị tại một đất nước rộng nhất thế giới, và nhiệm kỳ của ông còn kéo dài đến năm 2024.
Hai thập niên qua kinh tế Nga phồn vinh giả tạo nhờ giá dầu, giúp Matxcơva tái vũ trang, có được kho vũ khí nguyên tử lớn nhất thế giới.
Đồng thời nuôi dưỡng chiến lược tái chinh phục ảnh hưởng tại Đông Âu, vùng Kapkaz và Trung Đông, cũng như trên không gian ảo.
Tổng thống Vladimir Putin biết cách tô hồng việc lấy lại sức mạnh của nước Nga, nhưng những hình ảnh khác đã làm lung lay vị thế của ông.
Từ ngày 20/7 đến nay, hàng trăm người biểu tình ôn hòa đã bị bắt, bị đối xử thô bạo.
Điện Kremlin làm mọi cách để đối lập không thể ứng cử vào Nghị Viện Matxcơva : bác bỏ các ứng cử viên độc lập, khám nhà, khởi tố…
Sự cai trị lâu dài của Putin là nhờ vào việc bóp nghẹt các định chế, dựa vào một hệ thống được gọi bằng một từ mới « dân chủ độc tài ».
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tiếp đồng nhiệm Putin tại Brégançon ngày 19/8 tới, sẽ đối mặt với một nhà độc tài đang trở nên yếu thế.
Hai mươi năm trị vì, lâu hơn tất cả các lãnh đạo Liên Xô
Trong bài « Vladimir Putin tìm kiếm một luồng gió thứ ba », Le Figaro nhận xét, điện Kremlin làm ngơ việc kỷ niệm 20 năm cai trị vì uy tín của ông chủ đang xuống dốc.
Làn gió thứ nhất thổi qua trong những năm 2000, như một khế ước giữa chính quyền và người dân : hãy tiêu thụ nhiều hơn và đừng đòi đa đảng, khi kinh tế tăng trưởng 7% nhờ giá dầu tăng.
Mọi việc trở nên phức tạp hơn khi ông Putin đảm nhận nhiệm kỳ thứ ba năm 2012 : một bộ phận người thành thị không còn muốn một tổng thống độc tài, đòi hỏi bầu cử tự do.
Putin bước sang một bước ngoặt mới : chống phương Tây, và sáp nhập Crimée năm 2014.
Khế ước thứ hai với dân Nga : Putin sẽ biến nước Nga thành siêu cường trở lại, nhưng phải thắt lưng buộc bụng.
Thu nhập từ dầu lửa giảm sút, trừng phạt làm suy sụp một nền kinh tế không biết đa dạng hóa, và sức mua giảm liên tục từ năm năm qua.
Giờ đây, nếu kỷ niệm 20 năm cầm quyền, làm thế nào có thể giải thích việc ông Putin trị vì còn lâu hơn cả Brejnev (18 năm), thậm chí lâu hơn cả bốn nhà cựu lãnh đạo Andropov, Tchernenko, Gorbatchev và Eltsine cộng lại ?
Hai mươi năm là con số có thể hợp lý cho một vương quyền hay một nhà độc tài, nhưng đối với một tổng thống dân cử thì thật khó tin.
Hiện nay chỉ còn 38% người Nga muốn ông Putin tại vị sau năm 2024, trừ phi ông chủ điện Kremlin gây bất ngờ cho dân chúng bằng một khế ước thứ ba.
Bãi Tư Chính : Lợi thế nghiêng về phía Việt Nam
Cuối cùng, xin phép được kết thúc bài điểm báo hôm nay bằng một sự kiện được người Việt rất quan tâm nhưng chỉ chiếm một đoạn ngắn trên phần tin nhanh của Les Echos với tựa đề « Biển Đông : Lợi thế nghiêng về phía Việt Nam ».
Nguyên văn : Một nhóm tàu Trung Quốc vừa rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên Biển Đông, kết thúc một tháng đối đầu về ngoại giao tại vùng biển giàu tài nguyên này.
Một tàu thăm dò địa chất Trung Quốc cùng với nhiều tàu hải cảnh đã bắt đầu công việc xung quanh quần đảo Trường Sa, gây giận dữ cho Hà Nội, Hoa Kỳ và Liên Hiệp Châu Âu.
Related news items:
Tin mới
- Hoa Kỳ ngủ quên, Trung Quốc làm dậy sóng Biển Đông - 16/08/2019 19:19
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 15-8-2019 - 16/08/2019 17:19
- Cảnh sát vũ trang Trung Quốc biểu dương lực lượng sát Hồng Kông - 16/08/2019 03:43
- Mỹ củng cố mặt trận Nam Thái Bình Dương chống Trung Quốc - 15/08/2019 23:22
- Mỹ đưa vào sổ đen 4 công ty hạt nhân Trung Quốc vì giúp quân đội - 15/08/2019 21:45
- Chính quyền Trump bị kiện vì thúc đẩy phát triển điện than - 15/08/2019 20:57
- Trung Quốc đẩy mạnh kế hoạch ép Việt Nam dừng khai thác Bãi Tư Chính - 15/08/2019 15:23
- Hồng Kông : Tổng thống Mỹ bị chỉ trích « dễ dãi » với Trung Quốc - 15/08/2019 00:59
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 14-8-2019 - 14/08/2019 20:39
- Tổng thống Philippines bị coi là “bán rẻ” đất nước cho Bắc Kinh - 14/08/2019 16:11
Các tin khác
- Bắc Kinh đổi chiến lược đối phó với biểu tình ở Hồng Kông - 13/08/2019 16:39
- Mỹ: Donald Trump bắt đầu nhắm vào người nhập cư hợp pháp - 13/08/2019 15:58
- Hệ OS riêng cho smartphone: Hoa Vi đối phó với khả năng bị Mỹ cô lập - 13/08/2019 15:39
- Cuộc chạy đua tranh giành nguồn cát thiên nhiên - 13/08/2019 15:24
- Ông trùm Wikileaks bị dẫn độ về Mỹ - 13/08/2019 03:04
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 12-8-2019 - 12/08/2019 23:08
- Hoa Kỳ: Tỷ phú Jeffrey Epstein tự tử trong tù - 11/08/2019 21:25
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-8-2019 - 11/08/2019 00:41
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-8-2019 - 11/08/2019 00:14
- Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-8-2019 - 10/08/2019 23:55