Tài liệu cũ của Saigon Echo
từ 2008 - 2012
Play
 
Giám Đốc: Tiến Sĩ Trần An Bài
  • Font size:
  • Decrease
  • Reset
  • Increase

Yêu sách Biển Đông của Trung Quốc: Lời cảnh cáo cho châu Âu

xi jinping sergio mattarella


Ảnh minh họa : Tổng thống Ý Sergio Mattarella (P) tiếp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại dinh Quirinal, Roma, ngày 22/03/2019.
Alessandro Di Meo / Pool via REUTERS

 

Nỗ lực của Bắc Kinh trong việc lôi kéo các nước chủ chốt của Liên Hiệp Châu Âu vào dự án Con Đường Tơ Lụa Mới của Trung Quốc, đặc biệt là việc thâu tóm các hải cảng chiến lược đã thu hút thêm sự chú ý của giới quan sát, đặc biệt là sau thành công của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Ý vào tháng 03/2019.

Trong bài ý kiến đăng trên nhật báo Anh Financial Times ngày 08/04/2019, một nhà nghiên cứu Nhật Bản đã không ngần ngại nêu bật cách hành xử của Trung Quốc ở Biển Đông để nhắc nhở châu Âu phải thận trọng với Bắc Kinh.

Trong bài viết mang tựa đề « Yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông là một lời cảnh cáo cho châu Âu - China’s claims on the South China Sea are a warning to Europe », chuyên gia Yasunori Nakayama, quyền tổng giám đốc Viện Nghiên Cứu Quốc tế Nhật Bản đã lưu ý, « các mưu toan dùng võ lực để thay đổi nguyên trạng là mối đe dọa cho nhà nước pháp quyền, (và) các yêu sách chủ quyền “lịch sử” của Bắc Kinh trên những vùng biển rộng lớn đã đi ngược lại Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS.»

Trung Quốc đang thực hiện tham vọng làm bá chủ trên biển

Nhận định đầu tiên của Nakayama là những cố gắng lôi kéo các nước châu Âu vào « Sáng Kiến Nhất Đới Nhất Lộ » của Trung Quốc, và những gì mà Bắc Kinh đã và đang làm ở Biển Đông đều cùng chung một mục tiêu : Biến Trung Quốc thành một siêu cường quốc trên biển.

Chủ tịch Tập Cận Bình trong chuyến viếng thăm chính thức nước Ý vào tháng 3/2019 đã bỏ được vào túi nhiều thỏa thuận liên quan đến những hải cảng của Ý, bảo đảm cho Trung Quốc một cửa ngõ hàng hải và xuyên lục địa quan trọng vào châu Âu.

Trong lúc đó thì tại châu Á, Trung Quốc tiến hành cuộc chiến pháp lý để củng cố đòi hỏi chủ quyền quá đáng trên những vùng biển rộng lớn ở Biển Đông, một trong những con đường hàng hải tấp nập nhất thế giới.

Đầu tư mới nhất của Trung Quốc vào cảng Trieste của Ý, ở phía bắc biển Adriatic, và vào Genova, hải cảng lớn nhất của Ý, đã mở rộng thêm mạng lưới ngày càng lớn các hải cảng và tuyến giao thương hàng hải do tập đoàn vận tải biển khổng lồ Cosco của Trung Quốc Cosco kiểm soát.
Trước đó, cảng Piraeus của Hy Lạp, một quốc gia Liên Hiệp Châu Âu khác, đã rơi vào tay Trung Quốc.

Ngay sát châu Âu, tại Israel, Trung Quốc đang xây dựng hai hải cảng khác, và cũng đã mở căn cứ hải quân hải ngoại đầu tiên ở Djibouti, vùng Sừng Châu Phi, một nơi nằm ở vị trí chiến lược trên các tuyến giao thương hàng hải Á – Âu.

Cách làm của Trung Quốc, theo chuyên gia Nakayama, rất khôn khéo : Một vài thỏa thuận ở đây, một vài thỏa thuận khác ở kia, và thường kín đáo, không có quy mô quan trọng nên không thu hút sự chú ý.
Thế nhưng, một khi kết nối lại các điểm mà Bắc Kinh thâu tóm, người ta sẽ thấy hiện lên toàn cảnh rộng lớn hơn.

Đối với ông Nakayama, trong trường hợp của Trung Quốc, tham vọng trở thành một siêu cường hải quân toàn cầu của họ sẽ có những tác động chính trị, an ninh quan trọng đối với Mỹ và châu Âu.

Cách Trung Quốc bành trướng ở Biển Đông là bài học cho châu Âu

Theo chuyên gia Nhật Bản, việc Trung Quốc dần dần bành trướng sự hiện diện ở Biển Đông có thể mang lại một bài học cảnh tỉnh cho châu Âu.

Trong hàng thập niên, ở vùng Biển Đông đã tồn tại những đòi hỏi chủ quyền chồng lấn trên các đảo đá, rạn san hô và bãi ngầm giữa Trung Quốc, Việt Nam, Philippines, Malaysia, Brunei và Đài Loan.
Trung Quốc đòi chủ quyền trên 80% diện tích Biển Đông, nơi có hơn 200 thực thể địa dư, mỏ dầu khí lớn, lập luận rằng họ có quyền lịch sử trên vùng này.

Điều đáng nói, theo chuyên gia Nakayama, là Trung Quốc đã nhấn mạnh rằng các quyền lịch sử của họ nằm bên trên các quyền mà các láng giềng ven Biển Đông khác được hưởng theo Công Ước về Luật Biển của Liên Hiệp Quốc.

Năm 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye (Hà Lan) đã phán quyết rằng đường 9 đoạn mà Trung Quốc sử dụng để khẳng định yêu sách của họ tại Biển Đông đã đi ngược lại UNCLOS.
Tuy nhiên, điều đó không hề làm suy suyển tham vọng của Bắc Kinh.

Kể từ đó, Bắc Kinh đã xây dựng cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo mà họ đã bồi đắp ở Biển Đông, bất chấp việc các thực thể đó còn đang trong vòng tranh chấp.
Trung Quốc đã triển khai trên đó các tên lửa phòng không tiên tiến và xây dựng các sân bay có thể dùng cho oanh tạc cơ.

Và kể từ đầu năm cho đến đầu tháng 4 này, khoảng 200 tàu Trung Quốc, được cho là thuộc lực lượng dân quân biển Trung Quốc, đã được thấy gần đảo Thị Tứ, thuộc quần đảo Trường Sa (hiện do Philippines chiếm đóng, nhưng bị cả Trung Quốc lẫn Việt Nam đòi chủ quyền), hành động của Trung Quốc đã làm gia tăng căng thẳng.

Coi chừng mưu toan kẻ đường cơ sở thẳng

Theo chuyên gia Nakayama, cần phải hết sức chú ý đến thói quen của Trung Quốc là tuyên bố các đường cơ sở thẳng xung quanh các quần đảo.
Vào năm 1996, Bắc Kinh đã tuyên bố áp dụng các đường cơ sở thẳng quanh các đảo vòng ngoài thuộc quần đảo Hoàng Sa.

Họ vẫn tiếp tục đòi hỏi quyền này, bất chấp phán quyết của Tòa Thường Trực La Haye, theo đó Trung Quốc không phải là một quốc gia quần đảo nên không được hưởng đặc quyền mà nước này yêu sách.

Cho dù vậy, công trình mang tựa đề « Phán quyết của Tòa Trọng Tài về Biển Đông: Một nghiên cứu phê phán », do Hội Luật Quốc Tế của Trung Quốc xuất bản gần đây, còn đi xa hơn các yêu sách hiện hữu bằng cách cho rằng « chế độ (quyền) của các quốc gia lục địa có quần đảo ở xa không được giải quyết trong UNCLOS ».

Dựa trên quan điểm đó, bản nghiên cứu của Trung Quốc tìm cách cho rằng « thông luật » của luật quốc tế cho phép các quốc gia lục địa vẽ ra và tuyên bố những đường cơ sở thẳng xung quanh các quần đảo của họ.
Nói cách khác, theo lập luận trên, luật tập quán kiểu Trung Quốc được coi là có giá trị hơn luật quốc tế ghi trong UNCLOS

Tự do hàng hải tại Biển Đông bị Trung Quốc đe dọa

Đối với ông Nakayama, cách lập luận trên có tác động đáng kể trong trường hợp quần đảo Trường Sa.

Nếu Trung Quốc tuyên bố đường cơ sở thẳng quanh quần đảo Trường Sa, một vùng rộng lớn của Biển Đông có nguy cơ trở thành vùng nội thủy của Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ có thể hạn chế quyền đi lại của các tàu thuyền nước ngoài.

Một phần ba lương hàng vận chuyển trên biển của thế giới đi qua Biển Đông, do đó, việc hạn chế quyền tự do đi lại sẽ tác động đáng kể đến thương mại toàn cầu…
Điều này đã thu hút sự chú ý của chính quyền Donald Trump.

 Hải Quân Mỹ đã tăng cường chiến dịch tuần tra vì tự do hoạt động hàng hải trong khu vực, thách thức các yêu sách trên biển của Trung Quốc.
Anh Quốc cũng cho thấy là sẵn sàng dấn thân bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông.

Ngày 11/02 vừa qua, bộ trưởng Quốc Phòng Anh Gavin Williamson cho biết sẽ triển khai tàu sân bay mới của nước này – chiếc HMS Queen Elizabeth - đến Biển Đông.

Làm sao tin được các lời hứa của Trung Quốc

Bắc Kinh tiếp tục khẳng định rằng họ tuân thủ UNCLOS và tôn trọng luật biển.
 Tuy nhiên, theo chuyên gia Nakayama, có rất nhiều lý do để nghi ngờ.

Tại một hội nghị ở Kyoto vào tháng 3 vừa qua, Paul Reichler, trưởng đoàn luật sư của Philippines trong vụ kiện Biển Đông, đã lưu ý rằng từ góc nhìn của Nhật Bản, một quan điểm mà ông chia sẻ, « Trung Quốc đã có một số diễn giải các quy định của UNCLOS một cách gần như không hợp lý nhưng cực kỳ có lợi cho họ ».

Ông Nakayama cho rằng các quy tắc và cơ cấu, vốn đã được thiết lập, của hệ thống hàng hải quốc tế đang ngày càng bị đe dọa.
Tại một hội nghị chuyên đề ở Luân Đôn tháng 2 vừa qua, giáo sư Atsuko Kanehara thuộc Đại Học Sophia, Tokyo, đã lưu ý rằng cách áp dụng luật quốc tế về quyền lịch sử sẽ rất quan trọng trong việc duy trì giá trị của UNCLOS.

Việc Trung Quốc đòi áp dụng các quyền dựa trên một phạm vi rộng của thông luật quốc tế có nguy cơ phá hoại nghiêm trọng trật tự pháp lý hàng hải quốc tế.

 

Nhà nghiên cứu Nhật Bản kết luận : Vào lúc chúng ta tìm cách chống lại mọi nỗ lực thay đổi hiện trạng bằng vũ lực, việc duy trì sự tôn trọng luật pháp trong các vấn đề hàng hải là bước thiết yếu đầu tiên.

 

Switch mode views: